Chương trình "Hào khí Đông A" - Ấn tượng, khơi dậy niềm tự hào và sức xuân rạng rỡ
Khai mạc chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hào khí Đông A” |
Lễ khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình 2023 diễn ra vào tối 13 tháng Giêng mở đầu bằng màn Trống hội rộn rã khiến người xem như được hòa vào không khí "Quyết đánh" của Hội nghị Diên Hồng khi xưa. Tiếp đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hào khí Đông A" gồm 2 phần: Âm vang Thái Bình và Khát vọng mùa xuân với 200 nghệ sĩ, diễn viên tham dự mang đến cho du khách màn khai hội đặc sắc, xứng tầm với giá trị của di sản văn hóa phi vật thể mà các bậc tiền nhân tạo dựng và truyền lại cho thế hệ sau.
Màn trống hội |
Tinh thần của chương trình "Hào khí Đông A" là kết tinh sức mạnh của toàn dân, một tinh thần dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, trên dưới một lòng đã giúp quân dân nhà Trần 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, đồng thời thể hiện ở khát vọng xây dựng, phát triển đất nước trong hoà bình và niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước và của quê hương Thái Bình - nơi phát tích và hưng nghiệp của nhà Trần.
Tiết mục Hát múa "Miền quê huyền thoại" do tập thể Nghệ sĩ, diễn viên đoàn nghệ thuật 3 – Nhà hát chèo Thái Bình khiến người xem rưng rưng tự hào, xúc động với nội dung: Truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được trao truyền tiếp nối qua bao đời tại miền quê huyền thoại Thái Bình.
Thế kỷ XIII, lịch sử dân tộc ghi dấu ấn nhà Trần với hào khí Ðông A và những chiến công oanh liệt. Ðây là thời đại với những vị anh hùng dân tộc như được lịch sử đặc biệt sinh ra để chinh phục và chế ngự quân xâm lược Nguyên - Mông hung hãn mà trong đó không thể không kể tới Quốc công Tiết chế Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn.
Tiết mục trong chương trình "Hào khí Đông A" |
Một đời phò vua giúp nước, ông dốc sức xây dựng Đại Việt thành quốc gia “Thái bình thịnh trị” với câu nói nổi tiếng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Chính sách trọng nông, lấy dân làm gốc… không chỉ giúp nhà Trần chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất mà còn giúp vương triều tồn tại và phát triển rực rỡ gần 200 năm.
Bài hát "Lời thề Sông Hóa" (Sáng tác: Nhạc sĩ Phó Đức Phương; Biên đạo múa: Hà Tứ Thiên, Bùi Minh Thiện; Biểu diễn: Huy Hoàng cùng tốp múa đưa người xem đến với câu chuyện: Năm 1288, một lần xuất quân đánh Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy bên bờ sông Hóa.
Hưng Đạo đại vương đành nuốt nước mắt để voi ở lại. Voi ứa nước mắt nhìn chủ tướng rồi từ từ chìm vào lòng đất. Tiếc thương voi chiến, Hưng Đạo Đại Vương tuốt gươm chỉ xuống dòng sông, hét lên thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa!”.
Sau chiến thắng trở về, Trần Hưng Đạo đã cho đắp mộ voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Tượng. Đây là cuộc chia tay có một không hai trong lịch sử bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta, đầy tính nhân văn giữa một chủ tướng và voi chiến trung thành. Cuộc chia tay đã trở thành huyền thoại tâm linh thiêng liêng gắn liền với di tích Bến Tượng.
“Bác Hồ là vị cha chung/ Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương”. Ai trong mỗi chúng ta cũng đều biết ơn và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ và xây dựng đất nước thời đại mới, luôn trân trọng & tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của lịch sử dân tộc.
Được tổ chức đúng ngày 3/2/2023, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), chương trình cũng mang đến những ca khúc thể hiện sâu sắc niềm tin vào Đảng, nỗi nhớ và lòng kính yêu Bác cùng những kỷ niệm của Người với mảnh đất Thái Bình. Đó là "Niềm tin trong tôi", "Thái Bình ơn Bác", "Xin Bác hãy yên lòng", "Sáng mãi một miền quê".
Thái Bình - một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, quanh năm luôn được phù sa bồi đắp. Những ô ruộng trong những cánh đồng rộng lớn khắp tỉnh Thái Bình như một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ những bàn tay thô ráp, cần mẫn và chăm chỉ của những người nông dân lao động.
Qua bao năm tháng, vùng quê lúa Thái Bình vẫn cứ vẹn nguyên vẻ đẹp của riêng mình, mang những nét đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ nơi nào. Dưới ánh sáng của Đảng, cùng với cả nước Thái Bình đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới với những đột phá ngoạn mục, vươn lên ... Thái Bình đang có bước phát triển vượt bậc; Phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Các tiết mục ca ngợi vẻ đẹp của Thái Bình - vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc: "Về miền quê lúa", "Nắng ấm quê hương", "Thái Bình quê hương tôi" qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ: Ngọc Liên, Ngọc Ký, Helle Thủy, Vũ đoàn Oscar, CLB Xusmin Hà Nội đã tiếp thêm tình yêu quê hương Thái Bình và lan tỏa hình ảnh miền quê đầy truyền thống, giàu tiềm năng tới khán giả.
Các ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ", "Máu đỏ da vàng", "Tết xuân", "Chào xuân mới"... đã mang màu sắc tươi mới, sôi động với những khúc ca đón mừng mùa xuân về, với ý nghĩa thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, tiếp bước truyền thống cha ông xây dựng mảnh đất quê hương Thái Bình mỗi ngày thêm giàu đẹp.