Tỉnh Quảng Nam xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác.
Sau khi tái lập tỉnh, Quảng Nam là một trong những địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách chuyển mình bứt phá phát triển như ngày hôm nay.
Diện mạo đô thị Quảng Nam hôm nay đã thay đổi một cách nhanh chóng trong những năm gần đây. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển KT-XH của tỉnh, Quảng Nam đang tích cực tập trung khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện đồng bộ 3 trụ cột chuyển đổi số: Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số; Đẩy mạnh CCHC, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Theo Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thì mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh.
Ứng dụng Smart Quảng Nam với nhiều tiện ích cho người dân |
Theo đó, Quảng Nam hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; Tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; Khuyến khích, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; Đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt.
Cụ thể, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của Quảng Nam có 90% dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Tất cả chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển KT-XH.
Người dân phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến thay vì nộp hồ sơ giấy |
Về phát triển kinh tế số, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm 8 - 10% GRDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ hơn 70% hộ gia đình, 100% xã; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 50%.
Đến năm 2030, 100% DVC TT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan Nhà nước; Mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Quảng Nam cũng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm hơn 15% GRDP; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; Phủ kín dịch vụ internet băng thông rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%.
Trong thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung nguồn lực triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ các ứng dụng dùng chung cơ bản của Chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, DVC TT, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và CCHC trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, địa phương đang tập trung xây dựng và phát triển nền tảng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Theo đó, cơ sở hạ tầng viễn thông đang được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh; Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), thứ 5 (5G).
Trong năm 2021, Quảng Nam triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh chuyển đổi số là từng bước xây dựng Chính quyền số để dẫn dắt Kinh tế số và Xã hội số |
Tỉnh cũng triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền với hơn 20.000 lượt cài đặt, đưa vào sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2021, tổng đài đã tiếp nhận giải đáp hơn 10.000 ý kiến, phản ánh của người dân.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, Quảng Nam đang ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Bao gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, chuyển đổi số cấp xã gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Hiện, Quảng Nam đã cung cấp 1.459 DVC TT mức độ 3 - 4. Trong đó, cấp huyện 226 DVC mức 3- ,4, cấp xã 95 DVC TT mức độ 3 - 4; Đã thực hiện tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia 1.398 DVC, đạt tỷ lệ 95,8%. Thống kê trên Cổng DVC cho thấy từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2022 có 24,36% DVC TT mức độ 3 - 4 có phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 42,07 %.
Trong quá trình chuyển đổi số, Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành khác trong cả nước như: Mô hình "Công dân không viết" của TP Tam Kỳ; Mô hình “Xã thông minh - Ngày thứ tư không hẹn” ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra cấp phép phương tiện vào rời, bến thủy nội địa từ xa của Sở Giao thông vận tải.
Mô hình “Ngày thứ tư không hẹn” người dân đến thực hiện các TTHC nếu có nhu cầu sẽ được hỗ trợ ghi các thông tin trong hồ sơ (Ảnh: Út Vũ) |
Cùng với đó, Quảng Nam triển khai ứng dụng kênh Zalo nhằm đa dạng hình thức điều hành công tác quản lý thuế, tuyên truyền chính sách đến người nộp thuế của Cục Thuế tỉnh; Cục Hải Quan tỉnh Quảng Nam với sáng kiến: Công cụ hỗ trợ tra cứu các mặt hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà; Mô hình kết hợp DVC TT và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo đề án chuyển giao dịch vụ Bưu chính công ích; Đăng ký hẹn giờ giải quyết TTHC tại Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp; Đăng ký lịch khám, chữa bệnh tại bệnh viên đa khoa tỉnh; Mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan Tài nguyên và Môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Tam Kỳ, nhất là giám sát việc thực thi các nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương bằng bản đồ thể chế (thể hiện bằng các gam màu).
Ngoài ra, triển khai niêm yết bộ TTHC và hướng dẫn DVC TT bằng mã QR đã được áp dụng tại các bộ phận một cửa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, huyện Đại Lộc…
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tất cả các mô hình, sáng kiến trên đã góp phần khắc phục những tồn tại của công tác CCHC trên địa bàn tỉnh qua việc nâng cao hiệu quả cung cấp DVC TT; Đơn giản hóa TTHC, giảm sự phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng cần quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở toàn tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Đ.Minh) |
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, khi nền tảng hạ tầng công nghệ thông suốt, mọi thủ tục được số hóa sẽ mang lại thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng chính là lợi thế thu hút nhà đầu tư, tạo ra nhiều việc làm, người dân có thu nhập ổn định, đời sống sẽ được nâng lên.
“Về lâu dài, chuyển đổi số sẽ tác động sâu rộng, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực trong quá trình phát triển KT-XH. Đối với TP Hội An, để thực hiện mục tiêu phát triển khá, địa phương sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều trong hành trình số hóa, ứng dụng số hóa hình thành cách thức làm việc mới. Do đó, thành phố đang thực hiện phương châm chuyển đổi số “Đuổi kịp - Đi cùng - Vượt trước”, ông Lanh chia sẻ.
Xã Cẩm Thanh, TP Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam chọn thực hiện mô hình xây dựng “Xã thông minh - Ngày thứ tư không hẹn” để thực hiện CCHC. Mô hình này bắt đầu được thực hiện thí điểm từ tháng 5/2022 vào các ngày thứ tư 18/5 và 25/5/2022. Sau đó, mô hình chính thức đưa vào thực hiện từ tháng 6/2022 đã tạo ra nhiều sự thay đổi lớn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Ngô Huyền Trân, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, hiệu quả của mô hình sau khi đưa vào hoạt động là rất rõ ràng, thủ tục được giải quyết nhanh gọn, đúng hẹn và nhận được sự hài lòng của người dân. Ngoài xây dựng chính quyền số, việc xây dựng xã hội số và kinh tế số đang được xã Cẩm Thanh chú trọng. Điển hình như, việc hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm ứng dụng trong quảng bá, thúc đẩy thương mại điện tử đưa sản phẩm OCOP 3 nước mắm Tư Tài lên sàn Postmart mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Nếu lúc trước cán bộ làm việc trên giấy tờ, tiến độ công việc chậm, khi cần tìm thông tin dữ liệu mất rất nhiều thời gian, tốn kém văn phòng phẩm, thì nay quản lý trên môi trường số những tồn tại trước đó đã cơ bản được giải quyết”, bà Trân nói.
Ứng dụng chuyển đổi số góp phần cải cách TTHC, tạo sự thuận tiện cho người dân và tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm (Ảnh: Út Vũ) |
Đến làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân vào đầu giờ chiều, mặc dù lượng công dân đến làm các TTHC khá đông nhưng anh Võ Hải Minh (ở xã Cẩm Thanh) chỉ mất chưa đầy 20 phút đã nhận được kết quả.
“Trước kia muốn làm thủ tục, tôi phải ra phường xin mẫu, viết rồi nộp tờ khai, đợi tới ngày hẹn ra nhận kết quả. Với mô hình “Ngày thứ tư không hẹn” tôi không phải chờ đợi, được cán bộ xã nhiệt tình hỗ trợ hướng dẫn mọi trình tự thủ tục liên quan. Việc giải quyết thủ tục diễn ra nhanh chóng, trôi chảy, cán bộ làm việc chuyên nghiệp, tạo sự gần gũi đối với người dân” anh Minh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trần Vũ, Chủ tịch UBND phường Minh An (TP Hội An), chính quyền địa phương thường xuyên thông báo trên hệ thống phát thanh và niêm yết tại bộ phận một cửa khuyến khích người dân tích cực sử dụng DVC TT mức độ 3 - 4 trong giải quyết TTHC; Phát hành 1.500 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng DVC TT mức độ 3 - 4 đến từng hộ dân trên địa bàn phường; Phát tin trên xe lưu động về các hoạt động CCHC của địa phương.
Thống kê kết quả giải quyết TTHC tại UBND phường Minh An, cho thấy từ ngày 10/12/2021 đến 10/6/2022, chính quyền đã tiếp nhận 800 hồ sơ DVC TT; Trong đó, tỉ lệ đúng hạn đạt 99,9%, trễ hạn duy nhất 1 hồ sơ. UBND phường Minh An được UBND TP Hội An đánh giá là địa phương thực hiện tốt trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân.
Theo bà Khánh Xuân, cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Minh An: Đối với TTHC cấp giấy đăng ký kết hôn, theo quy định đối với trường hợp cần xác minh các điều kiện kết hôn thì thời hạn cấp giấy từ 3-5 ngày.
Để rút ngắn thời gian giải quyết, công chức Tư pháp - Hộ tịch liên hệ với cán bộ khu dân cư để xác minh, công dân không cần phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian. Khi xác minh và hồ sơ đầy đủ, công dân sẽ được giải quyết ngay trong ngày.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia |
Đến UBND phường Minh An công chứng hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất, ông Dương Thanh Tòng (trú tại đường Hai Bà Trưng, TP Hội An) chia sẻ: “Tôi không rành các TTHC. Ban đầu, tôi cũng sợ mất nhiều thời gian nhưng khi đến liên hệ được hướng dẫn tận tình, thái độ niềm nở, thân thiện, hồ sơ của tôi được giải quyết ngay trong buổi sáng”.
Nhận được tin nhắn của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND TP Hội An thông báo tới lấy kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực Hộ tịch trước hạn, chị Nguyễn Thị Hương Thu (ở phường Cẩm An) tỏ ra hài lòng, bởi thông báo điện tử vừa nhanh, vừa thuận tiện.
Theo chị Thu, việc cơ quan hành chính Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC đã hỗ trợ người dân nắm bắt kịp thời thông tin giải quyết, kéo gần mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân.
Đối với người dân, kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Chỉ cần mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp và có thể tiếp cận cả thế giới; Mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, người dân có thể sống tốt hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn.
Theo đó, Quảng Nam đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
TP Hội An ký kết trực tuyến với Bizverse thông qua dự án chuyển đổi số du lịch mang tên Hội An Metaverse, trong ảnh phố cổ Hội An trên bản đồ 3D của thế giới Bizverse World (Nguồn: Bizverse) |
Trong đó, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm; Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống, bảo đảm an toàn thông tin mạng, phổ cập sử dụng DVC TT do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã nỗ lực số hóa dữ liệu, sử dụng các công nghệ số, dùng mạng internet để tra cứu thông tin mùa vụ, thời tiết, sâu bệnh hại, thổ nhưỡng, giống cây trồng, con vật nuôi, cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp. |
Cùng với đó, tỉnh cũng thành lập và đưa vào hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn. Đây chính là lực lượng “gần dân, sát dân”, nhiệt tình hoạt động cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng DVC TT và tương tác với chính quyền qua nền tảng số. Từ đó, người dân trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, internet cho người dân; Hỗ trợ máy tính; Điểm truy cập Internet công cộng; Hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư đế người dân tiếp cận dịch vụ…
Với quan điểm chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ, xây dựng hạ tầng mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy, Quảng Nam vẫn đang tiếp tục khẳng định tinh thần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; Tích cực hỗ trợ, khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp, người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hình thành văn hóa số.
Nhóm tác giả: N.Dương - Đ.Minh - Út Vũ Đồ họa: Phạm Mạnh |