eMag azine
21/09/2021 12:18
Chuyển đổi số - xu hướng để tạo ra đột phá

21/09/2021 12:18

TTTĐ - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để chúng ta đã biến những khó khăn trở thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Chuyển đổi

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để chúng ta đã biến những khó khăn trở thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các địa phương đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Nhiều tỉnh, thành phố còn phải đặt trong tình trạng giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh. Điều này khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số.

Thời điểm này, quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành, lĩnh vực trở nên nhanh hơn mức tưởng tượng. Những ngành vốn chưa sẵn sàng số hóa cũng buộc bước chân vào con đường này.

Đợt giãn cách xã hội vào đầu năm 2020 đã giúp cho nhiều học sinh, sinh viên làm quen với khái niệm học trực tuyến. Ban đầu, việc học được các giáo viên, trường học triển khai qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Google meeting. Nhiều trường chủ động triển khai hệ thống học trực tuyến kết hợp với quản trị nhà trường và đã mang lại hiệu quả rõ nét.

Vì dịch bệnh, bản đồ nhân lực lao động đã có sự biến động không nhỏ. Nếu như có được dữ liệu về số lượng và chất lượng của số nhân công biến động này, Chính phủ có thể tái cấu trúc thị trường lao động theo hướng giảm nhẹ áp lực nhân công dồn về miền Nam và dàn trải về các tỉnh.

Bài toán cân đối giữa tăng nhân lực cho việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các tỉnh và giãn nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp vốn đã và sẽ giảm từ 30 - 70% trong vòng ít nhất một năm, theo một kịch bản mở cửa lại tương đối lạc quan. Về lý thuyết, đây là một cơ hội mà trong điều kiện bình thường không dịch bệnh không thể có được.

Việc tái cấu trúc nguồn nhân lực đi kèm với cơ hội thúc đẩy kinh tế số trong lúc đại dịch. Thật vậy, thời gian vừa qua là cơ hội khó tin để ngành y tế có thể xây dựng được hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu y tế toàn dân. Những dữ liệu thu thập được khi triển khai tiêm chủng, đi kèm là các phần mềm, ứng dụng quản lý, "sổ tay sức khỏe điện tử"... cần được lưu trữ, tăng tính kết nối và sử dụng một cách lâu dài, hướng tới xây dựng một nền dịch vụ y tế công cũng thuận tiện và hiệu quả như Grab, Zalo trên điện thoại vậy.

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Giả dụ 70% dân số tiêm chủng có khoảng 70% người sử dụng các loại phần mềm, ứng dụng khác nhau để cung cấp dữ liệu y tế, chưa kể khai báo trực tiếp, ngành y tế đã có trong tay cơ sở dữ liệu của 50% dân số Việt Nam. Con số đó nếu ở điều kiện bình thường, thời gian, chi phí và công sức bỏ ra để có được là rất lớn. Lý thuyết lạc quan là thế nhưng thực tế có thể bi quan hơn. Bằng chứng là rất nhiều người, sau khi tiêm mũi thứ nhất, cả tháng sau, thông báo trên sổ sức khỏe điện tử vẫn là: "Chưa có thông tin xét nghiệm!". Điểm yếu này cũng đang dần được khắc phục. Việc thí điểm, đi đầu khó tránh được sai sót nhưng cũng từ đây sẽ tạo nền tảng để việc triển khai bài bản, hoàn chỉnh hơn.

Trong lĩnh vực y tế, dịch Covid-19 đã cho thấy rất nhiều ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sàng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân. Theo thống kê, trong đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về chuyển đổi số của người dân cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020. Để phòng chống dịch Covid-19, người dân đã chủ động cài đặt ứng dụng để khai báo, phát hiện tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19, đây sẽ là lực lượng "công dân số" nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) cho biết, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch, tất cả chuỗi trong nền kinh tế đã bị đứt gãy. Trong cả một chuỗi cung ứng của nền kinh tế, thương mại điện tử đã đóng góp phần lớn để hàng hóa lưu thông. Tuy nhiên trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều vấn đề đã phát sinh và làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty thương mại điện tử.

Theo ông Dũng, ở chiều ngược lại, cũng do Covid-19, tất cả những gì liên quan đến online đều được phát triển. Thời gian dịch bệnh đã đẩy nhanh tiến độ ứng dụng thương mại điện tử từ 1-2 năm so với kế hoạch của Hiệp hội.

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT) chia sẻ, chúng ta xác định vaccine là vũ khí chống dịch thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần vaccine.

Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, các công ty viễn thông, công nghệ hiện nay đã và đang triển khai các "vaccine" công nghệ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn giải pháp eCovax của FPT nhằm xây dựng môi trường làm việc số với 3 tiêu chí: Không chạm (hạn chế tối đa tương tác trực tiếp bao gồm cả tương tác trong nội bộ và với các đối tác, khách hàng), không gián đoạn (bảo đảm hiệu suất làm việc không bị suy giảm, các luồng vận hành vẫn trôi chảy như cũ hoặc tốt hơn), không bị động (làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt ứng biến linh hoạt với các thay đổi của bối cảnh, thị trường).

Nhận định về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình hội nhập và từ tác động bởi đại dịch Covid-19. Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng.

Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Phó Tổng Giám đốc Công ty Dr SME Vũ Tuấn Anh cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài "đè bẹp", dần "chết yểu". Hiện tại, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.

"Luật chơi trong tương lai sẽ là "cá nhanh nuốt cá chậm" chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp "cá mập", nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp "đàn em", ông Vũ Tuấn Anh khẳng định.

Chuyển đổi số - Xu hướng để tạo ra đột phá

Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam là từ 25-30%/năm. Doanh thu B2C của thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên thành 11,8 tỷ USD trong năm 2020.

Ở nước ta, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội rất lớn thu hút đầu tư đặc biệt đầu tư công nghệ cao.

Phạm Mạnh