Chuyên gia y tế chỉ cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết
Hơn một tháng qua, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Cao điểm, có ngày tiếp nhận từ 800 - 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội. Do cơ sở vật chất và nhân lực có hạn, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận vài chục bệnh nhân vào điều trị nội trú. Đó là những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng và đều ở ngày thứ 3 kể từ khi bị sốt xuất huyết. Những bệnh nhân còn lại được phân tuyến về các bệnh viện của Hà Nội như: Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn. Để đáp ứng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bệnh viện đã đưa vào sử dụng Trung tâm chăm sóc ban ngày ngay tại Hội trường bệnh viện với 20 giường bệnh nhằm góp phần chống quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.
Để giúp người dân nhận biết sớm những dấu hiệu bị sốt xuất huyết và có phương án điều trị kịp thời, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã chia sẻ những dấu hiệu nhận biết bệnh.
Theo bác sĩ Cấp, bệnh sốt xuất huyết thường có 3 giai đoạn tiến triển. Giai đoạn 1 diễn ra trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh, người bệnh thường có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với những loại sốt virus khác như đau đầu, sốt cao, mỏi nhức người, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... Trong giai đoạn 2, người bệnh có dấu hiệu giảm sốt nhưng vẫn có thể xảy ra các biến chứng như tụt huyết áp, khó thở, chảy máu chân răng, chảy máu nội tạng... thì cần lập tức đến bệnh viện để theo dõi. Giai đoạn 3 của bệnh thường được xem là giai đoạn phục hồi, những bệnh nhân có biến chứng thoát dịch nhiều thì được tái hấp thu dịch. Trong giai đoạn này, người bệnh không nên truyền thêm dịch để tránh việc bệnh nhân bị thừa dịch gây khó thở, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Riêng đối với trẻ em, nếu các bậc phụ huynh phát hiện con có những dấu hiệu như thay đổi tính cách, bồn chồn hoặc bị sốt cao, vật vã, li bì thì phải đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Ngoài ra, những biểu hiện như trẻ nôn nhiều, kêu đau bụng thường xuyên, đi ngoài ra phân đen, đi tiểu ít, chảy máu chân răng hay chảy máu cam... thì bố mẹ nên đưa con đến viện ngay để điều trị. Trong quá trình điều trị cho trẻ, bố mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ bị bệnh chế độ ăn nhiều nước, loãng. Trẻ có thể dùng các loại nước oresol, nước hoa quả, nước dừa.
Bác sĩ Cấp cũng lưu ý bệnh nhân khi mắc bệnh sốt xuất huyết thì cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen vì có khả năng gây xuất huyết trầm trọng hơn. Không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh sốt xuất huyết vì kháng sinh không có hiệu quả đối với bệnh này.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E
Ngoài ra, những người đã mắc bệnh sốt xuất huyết trước đây thì không được chủ quan. Do bệnh sốt xuất huyết gồm có 4 tuýp virus, những người đã mắc 1 trong 4 tuýp bệnh thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với tuýp đó nhưng nó lại không có miễn dịch chéo với những tuýp còn lại. Do đó, trường hợp bệnh nhân đã nhiễm 1 tuýp virus rồi còn nhiễm tuýp bệnh khác thì có nhiều khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn.
Sốt xuất huyết có thể có các dấu hiệu khác như: đau bụng, đặc biệt đau ở hạ sườn phải (đau vùng gan); chảy máu niêm mạc như ở răng, lợi, mũi; đi tiểu nước tiểu đỏ, đi ngoài phân có máu; trên da có nhiều đám xuất huyết lớn; sờ lòng bàn tay thấy lạnh và ẩm... Đó là những dấu hiệu cho thấy bệnh trở nặng.