eMag azine
30/07/2021 00:00
Cổng làng Hà Nội - miền ký ức giữa dòng chảy hiện đại

30/07/2021 00:00

Giữa phố phường nườm nượp người xe, nhà cửa nhấp nhô, vô tình chạy qua một chiếc cổng làng cổ kính rêu phong, chợt thấy lòng mình như lắng lại. Nhiều người thèm được rẽ vào khám phá xem phía trong chiếc cổng ấy cuộc sống người Hà thành có khác gì không; Thèm được lần tay lên từng vết đắp nổi, từng họa tiết, từng vết khắc thời gian trên những chiếc cổng ấy để cảm nhận rõ chút xưa còn lưu dấu lại.
Cổng làng Hà Nội - miền ký ức giữa dòng chảy hiện đại

Giữa phố phường nườm nượp người xe, nhà cửa nhấp nhô, vô tình chạy qua một chiếc cổng làng cổ kính rêu phong, chợt thấy lòng mình như lắng lại. Nhiều người thèm được rẽ vào khám phá xem phía trong chiếc cổng ấy cuộc sống người Hà thành có khác gì không; Thèm được lần tay lên từng vết đắp nổi, từng họa tiết, từng vết khắc thời gian trên những chiếc cổng ấy để cảm nhận rõ chút xưa còn lưu dấu lại.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Không chỉ có cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng cũng là một trong những biểu tượng của những làng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Người làng trước khi đi xa ngoái lại cổng làng để ghi nhớ chốn chôn rau cắt rốn. Người làng khi đi xa về nhìn thấy cổng làng là thấy lại bao thân thương trìu mến, như thấy được gia đình, quê hương đã ùa cả ra đón mình. Còn khách đi đường nhìn vào cổng làng để đoán định được nét văn hóa, đặc trưng của ngôi làng ấy.

Theo Tiến sĩ của Vũ Thị Thu Hà, người từng làm luận án tiến sĩ với đề tài “Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” thì: “Cổng làng là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, có vai trò và chức năng thể hiện khát vọng, ước mơ người dân trong làng. Ngoài sự tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của con người thì cổng làng còn là vách ngăn, một thứ phân tầng của xã hội Việt Nam. Nó là sự phân định giữa bên trong và bên ngoài”... Như vậy, cổng làng là một bộ phận đặc trưng để nhận diện của làng này so với làng khác, cũng là một phần hồn cốt không thể tách rời của ngôi làng ấy.

Thăng Long khi xưa là kinh kì, được gọi là Kẻ Chợ với những phố hàng đặc trưng nhưng cũng mang nhiều dáng dấp tổ chức làng xã tồn tại qua nhiều thời kì. Để ngày nay chúng ta vẫn còn nghe thấy những "làng trong phố" như Yên Phụ, Ngọc Hà, làng Cót, làng Đông, làng Vòng... Trải qua bao năm tháng biến thiên lịch sử, Thăng Long - Hà Nội từng bao phen "vườn không nhà trống" dưới vó ngựa quân thù, dưới mưa bom bão đạn, nhiều công trình đã biến mất hoặc không còn nguyên vẹn.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Rồi cả cơn lốc đô thị hóa, quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng ngày nay còn sót lại phải chen chúc, o ép với những kiến trúc đủ hình đủ dạng xung quanh. Điều này khiến chúng ta thấy cần phải "có trách nhiệm" với những tác phẩm kiến trúc đặc biệt này. Tuy vậy, sự xen kẽ ấy cũng tạo nên một Hà Nội vừa hiện đại vừa cổ kính của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.

Trong quá trình đi tìm tư liệu về cổng làng Hà Nội, may mắn tôi gặp cuốn sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" do tác giả Vũ Kiêm Ninh - Hội Văn nghệ Dân gian chủ biên. Cuốn sách dày hơn 300 trang với 109 bức ảnh màu về cổng làng Hà Nội được xuất bản đúng dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu, ghi chép, chụp ảnh của tác giả đã mang đến cho độc giả những câu chuyện, "sự tích" xung quanh chiếc cổng làng; Lý giải cái hay, nét đẹp và cả ý nghĩa của kiến trúc, câu đối trên từng chiếc cổng ấy.

Tác giả của cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” đã sưu tầm, thống kê ở 12 quận, huyện: Hoàn Kiếm (2 cổng), Ba Đình (4 cổng), Cầu Giấy (9 cổng), Đống Đa (1 cổng), Hoàng Mai (7 cổng), Long Biên (6 cổng), Tây Hồ (10 cổng), Thanh Xuân (2 cổng), huyện Đông Anh (22 cổng), huyện Thanh Trì (17 cổng), huyện Từ Liêm (18 cổng). Đó là con số từ chục năm trước. Còn theo những nhà nghiên cứu, yêu Hà Nội thì chắc chắn thực tế còn phải nhiều hơn thế.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Trong một thống kê, tính đến cuối năm 2013, không kể các cổng làng do sáp nhập Hà Tây (cũ) vào thì Hà Nội chỉ còn 98 cổng. Trong nội thành, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất; Hay một đoạn phố chưa đầy 1km tính từ đền Voi Phục đến chợ Bưởi đã có hơn 10 cổng làng.

Các cổng đều xây bằng gạch chỉ cuốn tò vò, trên có mái che, hai bên thường trạm khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thường đó là chữ của vua ban tặng hay của ông đồ có tiếng trong vùng mang ý nghĩa ngợi ca hoặc răn dạy; Cũng có khi đó là câu đối đúc kết những tinh hoa của làng. Năm tháng qua đi, đời người nối tiếp, mưa gió bào mòn, những con chữ có thể mờ phai, mất nét nhưng lòng người vẫn hằn sâu.

Chẳng hạn như câu đối ở cổng làng Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã bị xóa bỏ nhưng vẫn còn trong trí nhớ của những người cao tuổi:

Đống Vũ phồn đa, hứa đắc thiên khai thái vận

Môn lư cao đại, khả dung tứ mã an xa.

(Bậc lương đống nhiều, giúp trời mở mang vận nước

Cổng làng cao lớn, để cho ân sủng đưa về.)

Có lẽ đến giờ phút này, đây vẫn là một trong những tác phẩm hiếm hoi về cổng làng Hà Nội. Còn cuốn sách được phát triển từ luận văn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thì lại viết chung về cổng làng vùng Bắc Bộ. Những ngày Hà Nội còn bình thường như bao ngày bình thường khác, chưa từng bị dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống như thế này, hễ có dịp, tôi lại lang thang vô định quanh phố phường Hà Nội, để tận mắt nhìn lại những cổng làng ấy, để lắng nghe cảm xúc của mình về những chứng nhân của Hà Nội qua nhiều năm tháng

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Đây rồi cổng làng Yên Thái, ngôi làng đã đi vào ca dao tiêu biểu về Hà Nội "Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ". Thụy Khuê cũng là con phố có nhiều cổng nhất còn lại của Hà Nội với những cái tên gợi nhiều dấu ấn thời gian như cổng Giếng, cổng hậu làng An Thọ, cổng làng Đông Xã, cổng làng Hồ Khẩu, cổng chùa làng Hồ Khẩu, cổng xanh làng An Thọ... Dù cách hồ Gươm - trung tâm Hà Nội không xa nhưng trên những ngõ nhỏ, phố nhỏ Thụy Khuê vẫn mang nhiều dấu tích của làng với cuộc sống quần cư, nhà cửa san sát đầy nghĩa xóm giềng. Còn cổng làng Yên Phụ lại đi vào khá nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Nằm xa trung tâm, cổng làng Đại Từ và Đại Kim khá to lớn, bề thế. Tương truyền, làng Đại Từ xưa kia có truyền thống... nuôi con nuôi, vì thế vua Tự Đức đã ban tặng 4 chữ "Đại Từ nghĩa dân" được đắp nổi trên vòm cổng. Cũng để ghi nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng (12/10/1958), cổng còn có câu đối: "Chính nghĩa tự nghìn xưa với chữ vua ban càng rực sáng / Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao".

Cổng làng xưa kia là nơi đánh dấu ranh giới địa chính của làng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài, con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong đó.

Cổng làng là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Có làng giàu có, làng khoa bảng, làng nghề… tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Đó là một phần của văn hóa làng. Vì thế, những cổng làng còn sót lại cần lắm những phương án thống kê, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ. Nhất là trong trung tâm thành phố Hà Nội, đất chật người đông, những di tích, dấu xưa đang bị xâm lấn, mai một ngày càng nhiều.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu
Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Hà Nội đã được mở rộng, vì thế tích hợp thêm rất nhiều các giá trị văn hóa. Cổng làng còn lại ở các làng quê ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu ấy.

Nhắc đến cổng làng không thể không nhớ tới những câu thơ: “Lũy tre thấp thoáng đằng xa / Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng / Trong lòng bỗng thấy xốn xang / Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời". Khác với những cổng làng ở phố, cổng làng vùng ngoại thành có không gian tồn tại, gắn với lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình, ruộng lúa... đặc trưng của làng quê.

"Nổi tiếng" nhất trong các cổng làng quê, gần như trở thành biểu tượng chính là chiếc cổng dẫn vào làng cổ Đường Lâm. Cổng không to, kiến trúc không cầu kì nhưng chiếc có ưu điểm vượt trội mà gần như không có chiếc cổng làng nào so sánh nổi đó là không gian thoáng đãng xung quanh. Con đường dẫn vào cổng làng rộng thênh thang, xung quanh là ruộng lúa.

Đặc biệt, một bên là cây đa cổ thụ bốn mùa phủ lên chiếc cổng và toàn bộ khung cảnh ấy được soi bóng xuống mặt nước lung linh. Chả thế mà cổng làng Đường Lâm đi vào bao nhiêu bức ảnh, tác phẩm hội họa và nhắc đến cổng làng là dường như ngay lập tức người ta nhớ đến hình ảnh chiếc cổng này.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Không ai biết cổng được xây dựng từ bao giờ nhưng lịch sử làng Đường Lâm thì đã có cả từ ngàn năm nay, song hành với lịch sử phát triển của Dồng bằng sông Hồng thông qua những lần khai quật, khảo cổ.

Cổng làng Đường Lâm chính vì thế trải qua nhiều giai đoạn. Có thể nói nó không quá cổ, vì thân làm bằng gỗ, bất quá chỉ vài trăm năm. Nằm phơi sương phơi nắng ngay đầu làng, trong vòng 20 năm qua, cổng làng phải tu sửa rất nhiều lần. Cổng bé như “khuôn vàng thước ngọc” thời phong kiến, ô tô to đi qua thậm chí còn đâm đổ nhiều hạng mục của cổng”.

Anh Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh: “Cái quan trọng không phải là thân xác của cổng, mà là tính biểu trưng của nó. Nhà thì phải có cửa, làng thì phải có cổng. Cổng để bảo vệ an ninh, giặc giã cho làng. Chính vì thế, làng Đường Lâm có rất nhiều con đường hình xương cá, trộm chạy vào đường nào cũng là đường cụt. Trộm chạy vào không bao giờ thoát, dân làng chạy ra từ các ngõ khác nhau, bao giờ cũng bắt được. Bốn góc làng đều có 4 cổng khác nhau, được phục hồi hai cái, còn hai cái không gìn giữ được.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Ngày xưa, xung quanh cổng làng là ruộng, là hàng rào tre, giống như một cái lô cốt, đóng cổng là trộm hay giặc đều không vào được. Cổng ngày xưa thực sự là cổng bảo vệ, còn bây giờ chỗ nào cũng là đường vào, ngõ nào cũng có thể vào làng. Cổng không còn có ý nghĩa bảo vệ nữa mà có ý nghĩa biểu trưng”.

Chính vì thế, theo anh Đỗ Doãn Hoàng, cổng này không thể mất được, vì nằm trong khu bảo tồn di sản quan trọng như vậy. Bản thân cái cổng đã là một di tích lại nằm trong di tích nên nên chắc chắn là vĩnh cửu.

Ở vùng Thạch Thất, chiếc cổng bằng đá ong hơn 400 năm tuổi của thôn Chi Quan là một nét chấm phá đặc biệt ấn tượng khiến du khách khó lòng dời chân. Còn cổng làng miến, làng tương Cự Đà nổi tiếng thì lại treo một chiếc đồng hồ rất to, chẳng biết từ bao giờ để nhắc nhở mỗi người đi qua về thời gian, giờ giấc.

Dọc theo khu vực này, không kịp hỏi tên làng, tên thôn nhưng trên con đường nhỏ rợp bóng nhãn, bóng cây cổ thụ và những giếng nước cổ, chúng tôi gặp rất nhiều cổng làng. Cảm giác liên tiếp đi qua vòm cổng rêu phong thời gian ấy khiến ta như đi vào một địa phương, vùng văn hóa đầy... bí mật với sự chặt chẽ của những địa giới hành chính; Với sự rào giậu kỹ càng, đảm bảo an ninh tuyệt đối cho cư dân trong làng của người xưa; Vừa ngăn chặn những tác nhân có hại bên ngoài, vừa đảm bảo cho làng có những nét riêng truyền thống không thể pha lẫn.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Cổng vào làng Bùng (Phùng Xá) quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mang nét hiện đại vì dường như mới được xây dựng lại nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Trong khi đó, trên đường về thắng cảnh Hương Sơn, du khách đi qua xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, không thể nào không dừng lại ngắm chiếc cổng làng to lớn giữa cánh đồng gắn tên ngôi làng chắc vào dạng độc đáo nhất Việt Nam: Làng Trinh Tiết.

Tương truyền năm 1054, vua Lý Thánh Tông du thuyền qua đây, nghe tin trong làng có bà Trần Thị Thanh mất chồng nhưng không chịu đi bước nữa mà ở vậy nuôi con trở thành tướng tài, giúp nước nên đã ban phong cho làng cái tên Trinh Tiết. Nghe nói tiếp nối truyền thống đó, ngày nay con gái làng Trinh Tiết vừa xinh đẹp lại đảm đang khéo léo, tiết hạnh.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Hầu hết cổng làng cổ được người xưa cho tạo tác những bức đại tự. Ở những vùng đất giàu chữ nghĩa, các cụ còn cho đắp nổi hoặc viết những câu đối hai bên cổng.

Cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) được đắp nổi ba chữ lớn "Ước Lễ môn" (cổng làng Ước Lễ). Ước Lễ là triết lý của Nho giáo được dân làng tiếp nhận. Ước, Lễ là chữ dùng của Khổng Tử. Người khai sinh ra Nho giáo từng nói: "Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ". Ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); Học đã rộng rồi thì phải chế định (ước) bằng lễ. Ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng là quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ.

Làng Nhị Khê (huyện Thường Tín) có một cổng mà mới nhìn người ta đã thấy sự hiếu khách, đó là bốn chữ lớn "Như lễ đại tân". Chiếc cổng này được dựng gần đền thờ cụ Nguyễn Trãi, bậc khai quốc công thần triều Lê Sơ nên dân làng gọi là cổng Quốc. Người Nhị Khê còn truyền rằng, xưa cụ Lương Văn Can đi đến cổng này thường xuống xe và đi bộ về nhà, như để tỏ lòng tôn kính với bậc tiền nhân.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Đời sống khá giả hơn, nhiều người có chiều hướng hoài cổ, muốn tìm lại những giá trị xưa cũ. Cổng làng vì thế đã lại trở thành có sức hút, được người ta quan tâm, lưu ý. Không còn chức năng bảo vệ, đánh dấu địa giới nữa, những chiếc cổng làng được phục dựng hoặc xây mới có ý nghĩa thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cho ngôi làng, gửi gắm tâm nguyện và cả… tiền bạc của người xây cổng nhiều hơn.

Đó hoàn toàn là điều chính đáng. Bởi ai cũng muốn nơi mình sinh ra lớn lên được người khác trầm trồ khen ngợi hoặc giả mình được ngắm mỗi ngày hay có cái để nhận dạng ngôi làng đầu tiên khi làm ăn bôn ba xứ người trở về. Dù vậy, nhiều khi, chính việc đó lại tạo nên tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, cổng làng cứ xây lên đồ sộ, cái sau to hơn cái trước, bất chấp việc có phù hợp với cảnh quan xung quanh hay không.

Thực tế cho thấy, không phải cứ có tiền là có cổng làng đẹp, hòa nhập với cảnh quan, tôn vinh lên ngôi làng. Cũng không phải cứ có tiền là dựng được một cổng làng mang dấu ấn riêng, cất lên tiếng nói của cộng đồng dân cư trong ngôi làng đó…

Những chiếc cổng làng ở nhiều địa phương trên cả nước được xây mới, phục dựng trong thời gian qua có ít giá trị thẩm mỹ, chữ viết sai hoặc không ai hiểu, không mang lại điều gì ngoài “hoành tráng” cho làng khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Hay vài năm trước, ở làng cổ Đường Lâm, người dân cũng góp công góp của dựng chiếc cổng làng mới. Họ cũng chọn vật liệu đá ong cổ truyền, chiếc cổng mới dựng lên cao to, đồ sộ nhưng chỉ sau một thời gian đã thấy bị lún nứt. Ở làng Bùng (Phùng Xá, Hà Nội), người dân cũng dựng chiếc cổng làng khá đồ sộ nhưng có điều, chiếc cổng làng ấy không tỏa ra vẻ đẹp bởi được dựng trong một không gian chật chội, hai bên nhà cửa san sát. Hay như ở làng Mễ Trì Thượng, vài năm trước chiếc cổng làng bề thế cũng đã được khánh thành nhưng khiến chúng ta phải suy nghĩ…

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Hiện tại, việc xây sửa không chú ý đến tính toàn thể này, đâu cũng đua to, đua sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hoá nội tại.

“Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên, cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, việc dựng mới cổng làng nếu làm tốt thì rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cần tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc, để khi hoàn thành, chiếc cổng làng sẽ cất lên tiếng nói của người dân sống trong ngôi làng đó. Đồng thời, nhìn vào đó, người ta thấy toát ra vẻ đẹp của ngôi làng. Chính vì thế, xây dựng cổng làng rất cần có bản vẽ kiến trúc, thậm chí cần có sự góp ý của giới kiến trúc chuyên nghiệp.

Có thể nói, sự “vào cuộc” của các kiến trúc sư với cổng làng Hà Nội là rất hào hứng. Trong bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Đại học Xây dựng, có đề xuất: “Công trình xây mới cần được chỉ dẫn để bảo đảm về hình thái, quy mô phù hợp với tinh thần của di tích gốc. Ví dụ, cổng làng được xác định là thành tố có giá trị về tinh thần, củng cố quan hệ cộng đồng nên khuyến khích xây dựng lại. Để tránh những xu hướng lệch lạc, “cổng chào hóa” cổng làng nên quy định cụ thể cho loại hình này: Vị trí cổng bố trí gần nhất với khu vực dân cư làng, không đặt xa mang tính chất cổng chào. Quy mô cổng chiều rộng bằng với đường trục chính trong làng, tối đa không quá 7m. Tại cổng có thể trồng tre, đa để tạo đặc trưng làng truyền thống”.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Vẫn đau đáu với đề tài này, một bài viết khác đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2020, ông Cường viết tiếp: “Ví dụ về cổng làng, không chỉ tu bổ kiến trúc mà còn cần đặt các biển giới thiệu lịch sử xây dựng, dịch nghĩa chữ Hán Nôm trên cổng làng ra tiếng Anh, tiếng Việt cho du khách hiểu về giá trị tinh thần của cổng. Những khóm tre cạnh cổng cần được phục dựng, bờ mềm ven kênh nước bảo vệ được phục hồi, tạo lập lại các bộ cảnh quan truyền thống mang bản sắc của tinh thần nơi chốn”.

Trong khi đó, đứng ở góc độ kiến trúc không thể tách rời văn hóa, nhất là một nơi ngàn năm văn hiến như Hà Nội, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đưa ra nhận định: “Để bảo tồn được kiến trúc của những cổng làng cổ, các nhà hoạt động văn hóa, nhà quy hoạch nên có một định hướng, bàn bạc với những nhà kiến trúc xem cái gì nên giữ và giữ bằng cách nào bởi văn hóa là vô giá. Việc phá bỏ đi những cổng làng cổ là không đáng nhưng do đòi hỏi của xây dựng Nông thôn mới, đòi hỏi của việc quy hoạch lại cho phù hợp với không gian và sự phát triển mà phải phá đi thì phải có nghị quyết, phải có cách quy hoạch đảm bảo và phải thuyết phục được người dân đồng ý. Đồng thời, chúng ta phải có cả sự chuẩn vị về văn hóa tâm linh, về âm dương, bởi vì dân ta chủ yếu là văn hóa lúa nước, có sự tôn trọng người xưa, tôn trọng thần linh”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, để những chiếc cổng này còn mãi với thời gian thì phải phát huy tôn vinh những giá trị phi vật thể của nó. Ví dụ, bước chân vào cổng làng tức là được vào thế giới của làng ấy, có thần linh thổ địa bảo vệ, phù hộ độ trì và trông coi chủ quyền lãnh thổ của mình. Bên ngoài cổng là thế giới của ma khác nhau như ma cánh đồng, ma thiên hạ. Vì thế xưa kia, người chết ở bên ngoài không được mang vào làng. Cổng có giá trị ngăn cách. Người chết trong làng, đưa ra khỏi làng cũng dừng lại ở cổng để chào làng lần cuối.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Ngày xưa ở cổng làng có biển hạ mã, phải đi chân trần vào làng chứ không phải đi ngựa nghênh ngang. Như vậy, cổng có giá trị án ngữ và quan trọng với tâm linh người làng.

Cổng làng là một biểu tượng, đánh dấu không gian sống làm nên đặc trưng của xã hội Hà Nội và Việt Nam nói chung. Người ta gọi là làng nước là vì vậy. Nước được cấu thành từ làng và làng tạo thành đô thị.

Thực tế, lịch sử kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là Hà Nội, không có nhiều công trình nguyên bản. Ngay cả những công trình có tiếng là lâu đời thì cũng đã được trùng tu, phục dựng khá nhiều. Thậm chí, nhiều kiến trúc đặc sắc còn lại đến ngày nay cũng chỉ ra đời giữa thế kỷ XX. Cho đến tận những năm 50, 60 của thế kỷ trước, việc duy trì không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã vẫn còn diễn ra ngay trong khu vực nội thành Hà Nội.

Đó là kết quả của quá trình tiếp biến đô thị hóa mà những chiếc cổng làng ấy tạo thành dấu gạch nối giữa quá khứ với hiện tại. Nó là vật chứng có dấu vết làng xã trong lòng đô thị, mang tính kế thừa. Trước làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa xảy ra, các công trình cũ, ngay cả những chiếc cổng chào thời xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là tiếp nối của cổng làng xưa.

Cổng làng tạo ra sự liền mạch về quan niệm thẩm mỹ. Một đô thị như Hà Nội, có lịch sử ngàn năm hình thành và phát triển, cổng làng không những là dấu tích mà còn là điểm nhấn của đô thị lâu đời, là nét đẹp để chúng ta nhìn thấy thành phố với kiến trúc đa dạng, phong phú và tầng sâu văn hóa.

Bây giờ, chức năng quy định mốc không gian trong và ngoài làng không còn. Ngày xưa người ta quy định người ngụ cư phải ở ngoài cổng làng. Làng xóm bây giờ xen kẽ các vùng đô thị mới, nhất là ở các vùng ven đô Hà Nội, chúng ta không còn có sự rạch ròi về không gian được nữa.

Cổng làng giờ nên là những biểu tượng văn hóa, giống như đài kỷ niệm của một vùng cư dân, biểu tượng cho làng xóm. Bởi vậy kiến trúc mới của cổng làng được xây dựng bây giờ cần sự tương hợp với những nếp nhà phổ biến trong khu dân cư này. Nói chung cần là những kiến trúc quy mô vừa phải, xinh xắn, không nên áp chế cảnh quan.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Ở góc độ quan sát về kiến trúc, những chiếc cổng mang hơi hướng cổ xưa dễ gây được cảm tình hơn. Quan trọng nhất là không gian làng xóm phải có thẩm mỹ chung, bởi một cổng muốn đẹp nhưng xung quanh nhà cửa xây chóp ống, lô nha lô nhô, không có cây xanh không có mặt nước, độ thoáng rộng thì cổng lúc này chỉ là một thứ bê tông gạch ngói bị bít đặc trong không gian ấy thôi.

Chúng ta phải cho cổng làng một không gian tương đối để có độ rộng giúp người ta chiêm ngưỡng. Cái đẹp bao giờ cũng phải đi từ sự hài hòa. Trên những cổng đó nên có những nội dung giống như ngày xưa có văn bia, bản hương ước… Thay vì các quy định thì có thể giới thiệu các nét đặc sắc của làng xóm, vùng đó, những điều hay, giống như là sơ đồ du lịch nếu nơi đây có tiềm năng du lịch. Thậm chí có thông tin của cộng đồng, là điểm hẹn văn hóa thay vì chỉ là chiếc cổng chỉ có chức năng ra vào thuần túy…

Với góc độ là người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội và là một kiến trúc sư, Nguyễn Trương Quý cho rằng, nên cấp tốc rà soát, thống kê và quy hoạch nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của những chiếc cổng làng của Hà Nội. Anh dẫn ra ví dụ, cách đây vài năm khi quy hoạch đường Võ Chí Công đi qua cổng làng Nghĩa Đô có cây đa rất to giữa tim đường, người ta cố gắng giữ lại chiếc cổng làng đó cùng cây đa trên dải phân cách. Trước đây, cổng làng là ngách 81/24 Lạc Long Quân. Dù vậy, nỗ lực giữ lại được còn hơn không và phương án đó không thực sự là hoàn hảo. Không những thế, cổng làng cổ đã bị phá bỏ, thay vào đó là một cổng mới được xây dựng lại nhỏ hơn nằm sát cây đa án ngữ giữa tim đường vành đai 2. Cổng chơ vơ giữa đường cao tốc đôi khi rất oái oăm, không phải là nơi để đi qua nữa mà chỉ là dấu mốc ngày trước có cái cổng từng tồn tại ở đó.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Bên cạnh đó, cổng làng bao giờ cũng phải đi kèm với các bóng cổ thụ như cây đa, cây đề, tạo nên thế của đất đó, làm phong cảnh hữu tình, biểu tượng của làng nước Việt Nam. Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý đề nghị phải cấp tốc quy hoạch cổng làng không chỉ là chiếc cổng đơn lẻ mà phải cùng với hệ thống cây cổ thụ, mặt nước, con đường, công trình như đình chùa miếu mạo, kiến trúc đẹp của vùng đất ấy, tạo thành chuỗi di sản…

Điều này có tác dụng lớn trong việc làm giàu khung cảnh đô thị, giúp người dân gắn bó hơn với không gian mình sinh sống, tạo dấu ấn làng xã mới trong thời buổi hiện đại. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bảo tồn, giữ gìn hay xây mới cổng làng còn có giá trị lớn trong việc mở ra các điểm tham quan du lịch, khai thác tiềm năng văn hóa Hà Nội.

Được biết, về phía Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc khảo sát, tu bổ hay thống kê các giá trị của cổng làng mới chỉ dừng lại ở các hoạt động như kiểm kê, thấy đẹp thì chụp ảnh lưu giữ lại. Đơn vị này thông tin, sắp tới chưa có kế hoạch lập quy hoạch hay bảo tồn, giữ gìn với những chiếc cổng làng vì chỉ quản lý phần đình, chùa, đền, miếu, di tích….

Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang thực hiện, cổng làng cũng là một phần trong những nét văn hóa rất đặc sắc của Hà Nội. Đây vừa là vật chứng sống, vừa là công trình có giá trị thẩm mỹ cao, là nét lưu dấu của phố phường, làng xã Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Đây chính là điểm nhấn để du khách tận hưởng những vẻ đẹp không nhiều còn sót lại của cả ngàn năm hình thành và phát triển mảnh đất Kinh kỳ.

Trong khi đó, với những chiếc cổng làng ngoại thành, mỗi chiếc đều thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của những làng khoa bảng, làng chữ nghĩa, làng cổ kính… Nếu việc bảo tồn, giữ gìn, phục dựng, phát huy được thực hiện tốt sẽ thêm phần phát triển dịch vụ du lịch cho địa phương, tăng tính kết nối vùng, điểm du lịch, tạo nên những tiềm năng rất lớn. Từ đó, cổng làng tiếp tục hòa vào dòng chảy hiện đại và phát huy giá trị đối với phố phường, làng mạc Hà Nội ngày nay.

Cổng làng Hà Nội - nét xưa lưu dấu

Bài và ảnh : Phạm Hương Giang

Trình bầy : Nguyễn Đỗ

Phạm Hương Giang