eMag azine
22/09/2022 07:52
Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

22/09/2022 07:52

TTTĐ - Cù Lao Chàm được xem là hình mẫu trong phong trào "nói không với túi ni lông và ống hút nhựa", giờ đây đang trở thành hình mẫu để các tỉnh, thành phố du lịch trên cả nước học tập về điểm đến không rác thải nhựa.

điểm đến

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Cù Lao Chàm được xem là hình mẫu trong phong trào “nói không với túi ni lông và ống hút nhựa”, giờ đây đang trở thành hình mẫu để các tỉnh, thành phố du lịch trên cả nước học tập về điểm đến không rác thải nhựa.

Hồi sinh cù Lao chàm

Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, trước khi phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông”, nguồn rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh và xuống biển, rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản, rác từ đất liền với nhiều loại túi ni-lông theo sóng tấp vào bãi biển…

Khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “Nói không với túi ni-lông” vào năm 2009, chính quyền xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An vào cuộc rất kiên trì và quyết liệt, từ phong trào mà được triển khai thành một chiến dịch và có sức lan tỏa ngày càng lớn, được người dân, du khách, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Câu chuyện thành công nơi đây được chính những người trong cuộc nhìn nhận bắt nguồn từ sự phối hợp chặt chẽ của những yếu tố then chốt: Cộng đồng - Chính quyền địa phương cùng với sự góp sức của truyền thông.

Trong hành trình nói không với túi ni lông và rác thải nhựa ở Cù Lao Chàm được bắt đầu từ việc vận động “người nhà”, cư dân trên đảo bằng những hành động rất cụ thể, thiết thực như: Ngưng xả rác, không tạo ra các sản phẩm là rác mà không có khả năng tái chế, khó phân huỷ.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác
Người dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi ni-lông tại các chợ dân sinh

Đến xã đảo này, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân, tiểu thương sử dụng các vật liệu sinh thái, thân thiện với môi trường trong đó túi giấy, túi lưới, rổ rá để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn, lá bàng… các loại lá có trên đảo để gói hàng hóa thay túi ni-lông.

Chị Trà - chủ quán nước mía ở Bãi Làng nhớ lại, khoảng 13 năm trước nghe cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến tuyên truyền hạn chế túi ni-lông, rồi hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, dần dần người dân đã hiểu được. Từ hiểu, người dân đồng lòng cùng chính quyền thực hiện “Nói không với túi ni lông” như phân loại rác tại nguồn, xách giỏ đi chợ, làm phân hữu cơ tại hộ gia đình...

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Từ thành công “Nói không với túi ni-lông”, đến năm 2018 nơi đây tiến tới nhân rộng, vận động người dân và du khách không sử dụng ống hút nhựa, hưởng ứng hành trình để Cù Lao Chàm tiến đến “Zero Waste” - Cuộc sống không rác thải.

Chia sẻ về khó khăn về những năm đầu thực hiện, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp -bà Phạm Thị Mỹ Hương cho biết, “Những năm đầu thực hiện cũng gặp không ít khó khăn vì người dân phản ứng mạnh mẽ vì việc sử dụng túi ni-lông quá thuận lợi, nhưng chính quyền kiên trì vận động, đến từng nhà, gõ từng cửa để tuyên truyền, dần dần phong trào đi vào đời sống trở thành thói quen của cư dân trên đảo, giờ đây cư dân hiểu rõ rằng khi biển sạch, không khí trong lành sẽ thu hút nhiều du khách, từ đó đời sống sẽ khởi sắc”.

Năm 2010, xã thành lập đội kiểm tra liên ngành để chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi ni lông để phong trào ngày càng đi vào quy chuẩn với phương châm “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”. Du khách khi ra đảo sẽ được các thành viên đội liên ngành kiểm tra, nhắc nhở việc không mang túi ni lông lên đảo. Nếu lỡ mang theo thì sẽ thay túi lưới cho du khách, các túi ni lông thu gom lại sẽ tập kết ở bãi rác và vận chuyển vào đất liền xử lý.

Du lịch xanh - chìa khóa phát triển bền vững

Là địa phương đi đầu và thực hiện thành công “Nói không với túi ni-lông” và các sản phẩm nhựa dùng một lần, tạo thành thương hiệu Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và là địa phương tiên phong trong phong trào “Hướng đến không rác thải nhựa dùng một lần”.

Thời gian qua, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng với địa phương đã có nhiều hoạt động, kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, du khách thông qua nhiều hình thức. Có thể kể đến trưng bày mô hình rùa biển tái chế từ các loại rác thải thường gặp trên biển như dây thừng, lưới cũ tại Bãi Ông - Cù Lao Chàm với thông điệp “Hãy đồng hành cùng Cù Lao Chàm nói không với túi nilon, ống hút và các sản phẩm nhựa dùng một lần ngay từ giây phút này!”.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Đầu năm 2022, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thành phố Hội An đã cho phép xã đảo Tân Hiệp mở cửa đón khách tham quan trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách đến Cù Lao Chàm ước đạt 50 nghìn lượt, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách nội địa ước đạt 39.608 lượt, khách quốc tế ước đạt 1.193 lượt; tổng khách lưu trú 6 tháng đầu năm ước đạt 1.164 lượt.

“Sau dịch, khách tham quan đảo khởi sắc trở lại. Khách vô ra tham quan đảo trong ngày khá nhiều nhưng khách ở lại qua đêm thì chưa nhiều như thời điểm trước dịch. Dù sao đây là đã là điều đáng mừng cho du lịch Cù Lao Chàm” – Ông Lê Dương Quang – Chủ homestay Sunbay tại khu vực chợ Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp chia sẻ.

Để chủ động đón lượng khách tham quan đảo, từ đầu năm địa phương đã triển khai lực lượng tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, rà soát, sửa chữa các cơ sở vật chất, đấu giá mặt bằng các lô kinh doanh đã hết hạn thuê mặt bằng tại khu du lịch Bãi Ông và Bãi Chồng, triển khai hoạt động “Đêm Cù Lao” vào tối thứ 6, tối thứ 7 hằng tuần để phục vụ nhân dân và du khách ở lại qua đêm trên đảo.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác
Các tình nguyện viên tham gia nhặt rác trên đảo

Chị Ngô Ái Linh, chủ cơ sở lưu trú homestay Cái Võng (xã Tân Hiệp) cho biết “Chị là người dân địa phương, học xong ngành Quản trị nhà hàng khách sạn, chị trở về xã Tân Hiệp làm dịch vụ lưu trú homestay được 7 năm nay. Cơ sở của chị có 6 phòng, thường xuyên đón tiếp khách du lịch đến từ châu Âu, như Tây Ban Nha, Italia, Pháp…

Chị Linh cho rằng, trước đây cả đảo chỉ có vài homestay (ở cùng nhà với dân địa phương), tiện nghi rất đơn sơ. Kể từ khi có điện lưới Quốc gia, cơ sở lưu trú của chị được trang bị đầy đủ các thiết bị như quạt điện, điều hòa, máy nóng lạnh…phục vụ tốt nhu cầu của du khách nên lượng khách lưu trú cũng đông hơn, nhiều khách quốc tế sau khi đến với Cù Lao Chàm, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nơi đây nên đã quay trở lại.

“Bây giờ, trên đảo hầu như không có lao động nhàn rỗi, ai ai cũng có sinh kế từ du lịch. Người lớn tuổi buôn bán các sản vật, người trẻ làm hướng dẫn viên, làm xe ôm hay làm chủ homestay” chị Linh hào hứng nói.

Nói về trải nghiệm tại Cù Lao Chàm, anh Alessio du khách đến từ Italia chia sẻ, cách đây 1 năm anh đã đến Cù Lao Chàm và lưu trú tại cơ sở Cái Võng. “Ở đây cuộc sống thanh bình và người dân rất hiếu khách, tôi nghe nói nhiều về chương trình “Nói không với túi ni-lông” tại Cù Lao Chàm và rất ấn tượng với cách các bạn làm bảo tồn, biển ở đây rất sạch. Tôi rất yêu thích nơi này”.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, địa phương đang triển khai đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp giai đoạn 2017-2025, trong đó tập trung một số nhiệm vụ như cải thiện, nâng cấp hạ tầng điện lưới sinh hoạt trong khu dân cư; đầu tư một số công trình vệ sinh công cộng trên các tuyến tham quan; khảo sát, đầu tư các tiện ích công cộng tại các bãi tắm, khai giảng lớp tiếng Anh giao tiếp cho cán bộ và Nhân dân.

Giám sát rác thải nhựa theo phương pháp mới

Ngoài phong trào “Nói không với túi ni lông và ống hút nhựa”, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn thực hiện hình thức giám sát rác thải nhựa theo phương pháp mới, các cơ sở dữ liệu thu thập từ mặt cắt dưới biển và 6 vùng rạn đang nuôi cấy san hô, các loại rác thải nhựa sẽ được phát hiện, thu gom triệt để.

Phương pháp này có khả năng cung cấp những dữ liệu tổng thể về hiện trạng rạn san hô, môi trường sống của các loài thủy sinh, sự tác động của rác thải nhựa, của sinh kế ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước. Từ đó, đơn vị đánh giá tổng thể, đề xuất biện pháp quản lý đa dạng sinh học.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Thúy - nhân viên Phòng Tuần tra kiểm soát, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm: “Đầu tháng 8/2022 chúng tôi ra quân tổ chức dọn vệ sinh đáy biển, thu gom lưới, túi ni lông dính vào rạn san hô, bảo vệ sự đa dạng sinh học bằng phương pháp giám sát rác thải nhựa trên biển và trên vùng biển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đây là phương pháp mới được áp dụng trong năm nay”.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Sau mỗi đợt dọn vệ sinh, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện thống kê, đánh giá tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững hệ sinh thái dưới nước. Theo phương pháp mới này, lượng rác nhựa thu được giảm theo từng đợt. Cụ thể, trong đợt dọn vệ sinh đáy biển vừa qua, lượng rác thải thu được chỉ 4,5 kg, chưa bằng một nửa so với đợt dọn trước, cho thấy môi trường biển ngày càng trong sạch hơn.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ, được đánh giá một trong những vùng biển có hệ sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất ở Việt Nam. Cùng với hoạt động bảo tồn rạn san hô, hệ sinh thái dưới đáy biển Cù Lao Chàm, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thường xuyên tổ chức hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức người dân và du khách.

Sẽ không phát triển du lịch bằng mọi giá

Về câu hỏi làm sao để phát triển du lịch mà không ảnh hưởng đến môi trường Khu dự trữ sinh quyển, đại diện Sở Văn hóa, TT&DL tỉnh Quảng Nam thông tin “ Sở đã giao cho UBND TP Hội An lập đề án phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An giai đoạn 2015-2030, tầm nhìn đến 2050. Dựa vào quy hoạch này sẽ triển khai xây dựng hạ tầng và sản phẩm dịch vụ theo hướng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng môi trường”.

Tuy nhiên, sức chứa của Cù Lao Chàm là có hạn, việc phát triển hạ tầng phải làm từng bước vì đây là khu vực nhạy cảm về môi trường. Nếu phát triển du lịch nóng sẽ phá hoại cảnh quan, chủ trương của Hội An là phát triển thận trọng bằng cách giữ vững cảnh quan và khai thác truyền thống ngư nghiệp.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An

Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định sẽ không phát triển du lịch bằng mọi giá. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 6.000 - 8.000 khách đăng ký đến Cù Lao Chàm nhưng từ năm 2015 địa phương khống chế số lượng khách không quá 3.000 người/ngày và sẽ tiếp tục kéo giảm vì lo ngại áp lực đè nặng lên quần đảo nhỏ chỉ khoảng 3.000 người sinh sống. Chúng tôi thực hiện bằng cách không tăng thêm doanh nghiệp kinh doanh trên tuyến, thứ 2 là đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh thì không tăng thêm đầu phương tiện.

"Phát triển và bảo tồn phải song hành thì mới bền vững. Trong bối cảnh Cù Lao Chàm chưa tìm được giải pháp tốt để đáp ứng nhu cầu của du khách thì sự gia tăng lượng khách chính là mối tác động rất lớn. Điều này không những ảnh hưởng đến các hệ sinh thái mà còn làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái" - ông Sơn nhìn nhận.

Để bảo vệ không gian văn hóa sinh kế của cộng đồng xã đảo, cho đến nay, chính quyền thành phố Hội An vẫn không chấp nhận cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển Cù Lao Chàm thành điểm đến du lịch hạng sang và hiện đại, mang lại thu nhập kinh tế cao với lý do dễ sinh ra những vi phạm tác động tiêu cực đến khu dự trữ sinh quyển thế giới do chính quyền cam kết với UNESCO sau khi được vinh danh và tránh gây áp lực lên khả năng phục vụ của cư dân đảo và môi trường sinh thái cùng đời sống cư dân xã đảo nói chung.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác
Hệ sinh thái rạn san hô vùng biển Cù lao Chàm đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ

Hòn đảo này dành ra các vị trí thực hiện cấy ghép san hô, trồng cỏ biển để phục hồi hệ sinh thái nền đáy, đặc biệt là dự án ấp nở trứng rùa. Cù Lao Chàm dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng cho nguồn lợi hải sản khu vực biển miền Trung. Nơi đây được ví như "lò ấp" giống loài, nơi trú ngụ vào mùa sinh sản của tôm, cá từ đại dương... Do đó, đối với Cù Lao Chàm, TP Hội An đang chú trọng phát triển về chất lượng hơn là số lượng, đặc biệt phải đặt lợi ích của người dân địa phương lên hàng đầu.

Chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo

Theo cố Thạc sĩ Lê Xuân Ái - cố vấn kỹ thuật BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An diện tích 45.297 ha, Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An được UNESCO công nhận là KDTSQ năm 2009, trên cơ sở 7 tiêu chí.

“Trong đó có yếu tố phân vùng, sự phân vùng của KDTSQ được xây dựng trên cơ sở khu bảo tồn (vùng lõi), vùng sử dụng tài nguyên một cách có kiểm soát (vùng đệm), vùng giao thoa giữa bảo tồn và phát triển (vùng chuyển tiếp). Nơi đây đã ghi nhận có sự hiện diện đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng của vùng cửa sông, ven biển và hải đảo như hệ thống các cồn bãi tự nhiên trên sông, bãi biển; rừng dừa nước cùng với các loài cây ngập mặn…và rạn san hô muôn vạn màu sắc trong lòng đại dương”.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Sự đa dạng được vun đắp từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với chiều dài lưu vực 200 km bắt nguồn từ cánh rừng nguyên sinh, men theo các sườn núi dốc chảy qua các làng mạc trù phú rồi hòa mình với biển cả tại Cửa Đại – Hội An. Đây là cơ sở cung cấp nguồn dinh dưỡng, thức ăn dồi dào cho sinh vật sinh sôi, phát triển và tạo nên vùng có năng suất sinh học vào loại cao nhất trên trái đất.

Không chỉ Lý Sơn, mà Phú Quốc, Côn Đảo hay Cô Tô và rất nhiều đảo ngọc khác cũng đang canh cánh nỗi lo về rác. Tuy nhiên, vấn đề rác nhựa bủa vây các đảo không phải là không thể giải quyết được, bài học từ Cù Lao Chàm thành công hơn chục năm nay khi cấm túi ni lông trên đảo là một ví dụ điển hình. Những thay đổi tích cực ở Cù Lao Chàm là bài học phát triển du lịch đáng để các địa phương khác học tập kinh nghiệm.

Cù Lao Chàm - Mô hình kiểu mẫu điểm đến không rác

Phát triển du lịch xanh, trong đó có du lịch biển, đảo là xu hướng du lịch tất yếu trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thông qua du lịch xanh, hài hòa, phát triển bền vững, con người sẽ đề cao ý thức tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cá nhân và tổ chức, chỉ một hành động nhỏ của chúng ta nhưng có ý nghĩa lâu dài với môi trường sống của cộng đồng. Cùng hành động “Nói không với túi ni lông”, “Nói không với rác thải nhựa”, sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường sẽ giảm thiểu tác hại và áp lực cho lá phổi xanh của nhân loại.

Đảo ngọc Cù Lao Chàm không rác thải

Nhóm tác giả: Bùi Dương - Đoàn Minh - Út Vũ

Đồ họa: Hoàng Châu

P.V