háng 2 năm 1984, trời Tây Bắc vẫn còn giá lạnh, sương giăng đỉnh núi. Không khí Tết vẫn còn phảng phất đọng lại trên những nụ đào còn sót đang đua nhau nở khi nắng xuân sang. Lác đác hai bên đường, những cành mận tam hoa, mơ đã đua nhau bung hoa trắng muốt. Nguyễn Minh Sơn khi ấy đang là nam sinh của trường Trung học Nguyễn Huệ, Yên Bái (tỉnh Hoàng Liên Sơn). Người thanh niên mới 18 tuổi cũng đã trổ mã, lớn hẳn so với những năm trước.
Xuân về trên vùng cao cũng là lúc đợt tòng quân của mùa xuân bắt đầu. Ở đâu báo đài cũng đưa tin chiến trận từ biên giới. Khí thế hừng hực bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc khiến Sơn không còn đầu óc nào tập trung vào bài giảng của thầy cô được nữa, những con chữ cứ thi nhau nhảy múa. Trong đầu người thanh niên mới lớn cứ bừng lên một suy nghĩ: "Phải làm được điều gì đó cho Tổ quốc, phải mang sức trai trẻ của mình ra nơi biên cương vào chiến trận để thử sức".
Vậy là Sơn quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sơn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam mùa tuyển quân năm đó.
Một buổi sáng tháng 3, mẹ Sơn dậy từ tờ mờ sáng. Suốt đêm trước bà cũng không ngủ được, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu. Cố ngăn dòng nước mắt, bà dặn con: "Con còn quá nhỏ, chiến trận thì ác liệt, cầu cho hòn tên mũi đạn sẽ tránh con của mẹ, để con bình yên trở về". Rồi bà quay đi, tay run run châm nén nhang thắp lên bàn thờ tổ tiên, miệng lầm rầm khấn vái. Sơn nhớ hôm đó là ngày 6.3.1984.
Ông Nguyễn Minh Thông - bố Sơn đã chuẩn bị sẵn một ba lô con cóc mà ông gìn giữ từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong ba lô, ông sắp sẵn một quyển sổ bìa màu đen, năm tập giấy và những con tem.
Nhìn chiếc ba lô vuông vắn nhưng chỉ được một phần ba, còn đâu là rộng hoác, Sơn ứa nước mắt thương bố mẹ. Ngày ấy nhà Sơn nghèo lắm. Sau chiến sự ngày 17.2.1979 khi Trung Quốc đưa 600.000 quân tràn sang Việt Nam, nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), gia đình Sơn chuyển từ Lào Cai về Yên Bái nên chẳng còn gì đáng giá. Bố đèo Sơn trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ọc ạch ra sân vận động đầu tỉnh để tập trung. Nhiều bạn bè hôm ấy cũng có mặt đông đủ để tiễn Sơn lên đường.
45 ngày huấn luyện cũng thấm thoắt trôi qua, Sơn chỉ mong mau chóng được vào đơn vị chiến đấu. Sơn được chuyển lên biên chế vào C10-D3-E876 tại làng Bo, bên con suối Bến Dền. Ngày 30.4.1984, cả đơn vị Sơn được lệnh hành quân sang Hà Tuyên tăng cường chi viện cho mặt trận Vị Xuyên. Chiếc xe ì ạch, lắc lư, chồm lên chồm xuống trên đoạn suối cạn lô nhô, toàn đá lổn nhổn rồi cũng đến được nơi được coi là trận địa ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Đến bây giờ, đã gần 40 năm trôi qua, cậu học trò ngày ấy đã trở thành một người đàn ông trung niên, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, mái tóc đã ngả hai màu nhưng ký ức về trận chiến ác liệt ở Vị Xuyên, Hà Giang những năm đó vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của anh Nguyễn Minh Sơn.
Trong một chiều lạnh giá của vùng núi cao Tây Bắc, anh Sơn kể về trận chiến khốc liệt năm đó. Đó là ngày 10.7.1984, khi đơn vị anh được lệnh chiến đấu. Chiến dịch mang tên MB84, có nhiều đơn vị cùng tham gia, quyết tâm đánh chiếm lấy lại các cao điểm bị địch chiếm giữ. Tiểu đoàn anh vượt qua đỉnh Coóc Nghè (812) và dừng chân ở Cọc 6. Đêm 11.7, đơn vị anh lại vượt qua sườn điểm cao 600 tụt xuống khe suối cạn và cơ động lên lưng chừng điểm cao 772 đào hầm ếch ém quân ở đó.
Cả đội chờ giờ G khai hoả và hiệu lệnh nổ súng tấn công lên đánh chiếm điểm cao 772. Đêm ấy trời mưa lất phất, chưa vào trận mà ai cũng đã lấm lem bùn đất. Hơi sương lành lạnh, gió lay động đám cỏ tranh trên bờ chiến hào xào xạc. Sơn linh cảm cuộc chiến ngày mai sẽ vô cùng ác liệt.
Khoảng hơn 4h sáng 12.7, hai vệt pháo sáng bay vút lên. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Xuân bắn ba phát K54 hiệu lệnh tấn công, mọi người lao ra khỏi hầm ếch, rời nơi ém quân thẳng hướng cửa mở D3, lao lên… Chưa đầy một phút, khói súng mịt mùng tràn lan. Lúc này hỏa lực của địch từ trên cao bắn xuống xối xả, đất đá bay rào rào, khét lẹt. Từ xa, cối, pháo của địch cũng bắn cấp tập, dồn dập vào khu vực đội hình, mũi tấn công của ta. Khói, bụi, sương mù quện với nhau mù mịt.
Trước khi vào trận, Sơn được giao khẩu B40 với ba cơ số đạn còn nguyên, một quả lắp sẵn vào nòng. Đã vượt qua cửa mở sát tuyến hào một của địch, đội hình tỏa sang hai hướng. Đứng ở vị trí khá thuận lợi nhưng phía sau còn một đồng đội đang vận động, sợ bị trúng hoả của súng, Sơn phải bò lên trên 3 mét nữa quyết định phóng một quả vào phía trước vì đoán chắc đó là hầm hoả lực địch. Mảnh đạn gang to bằng hai ngón tay đã hết tầm rơi trúng đùi bên trái, Sơn cầm lên còn bỏng rát.
Trời vừa sáng, Sơn nhìn thấy rõ chỗ mình nằm là các hố cối nông khoảng 30-40cm, nhìn thấy đồng đội Vũ Minh Tiến mặt tái nhợt, máu từ bả vai rớm áo. Hoả lực địch lúc này vẫn chưa ngớt, những tiếng nổ chát chúa, những mảnh cối văng lên cùng bùn đất tung toé, khói đen khét lẹt.
"Khi đó bản năng phản xạ của người lính chiến tự nhận ra được tiếng nổ xoẹt mới nằm sấp xuống, còn tiếng nổ đanh rát bên tai không nghe tiếng xoẹt thì cứ mặc vì quả đạn đó còn xa hơn chút", anh Sơn nói.
Sơn nhìn quanh bên cạnh mình, một đồng chí nằm im bất động, trên người còn nguyên bao xe và súng. Sơn nhận ra không phải người cùng đại đội. Cách đó không xa là Tiểu đội phó Lê Hữu Hanh ở đại đội 10. Hanh bị trúng mảnh pháo cối dập nát hai bàn chân. Sơn loay hoay định gỡ bỏ bớt súng và bao xe ra cho nhẹ nhưng lúc đó cối phía địch bắn rát quá, bùn đất bắn tung toé, những cụm khói đen cuồn cuộn bốc lên. Sơn liền kéo đồng đội ngồi dậy, ghé vai sốc cõng lên lưng.
Di chuyển được một đoạn phần do trơn trượt, phần vì nặng, hai chân ríu cả vào nhau làm hai cơ thể cùng đổ ập trên mặt đất toàn bùn với đất nhão trôi đi một đoạn mà cả hai vẫn ôm chặt vào nhau.
"Lúc đó tôi thấy máu tươi chảy qua vai ra phía trước ngực, tưởng mình bị trúng mảnh đạn vội vàng sờ lên đầu thấy không sao, tiếp tục đưa anh ấy rút xuống thêm đoạn nữa. Bao lần ngã lại dậy, di chuyển khó khăn, cuối cùng cũng tới được khu vực ém quân hồi đêm", anh Sơn tiếp tục câu chuyện.
Pháo cối các loại vẫn không ngớt, bọn giặc bắn như vãi đạn, cày xới khắp mọi nơi, mặt đất rung chuyển ầm ầm. Nằm trong chiếc hầm ếch khoét tạm, bên ngoài trời nắng như đổ lửa, khói súng tràn lan ngột ngạt đến khó thở, Sơn và đồng đội chỉ còn biết trông chờ vào định mệnh và số phận. Và anh không tin rằng mình đã sống sót trong trận chiến ngày hôm ấy.
"Còn hàng ngàn loạt đạn pháo cối của địch chần từ đầu khe suối. Rất nhiều đợt như thế. Có thể chúng đoán được tâm lý bộ đội ta nắng nóng sẽ tập trung rút xuống suối trú quân nghỉ ngơi chờ trời tối sẽ rút ra khỏi nơi tập kết. Đã có nhiều chiến sĩ bị thương vong khi rút xuống dưới lòng khe...", người lính đã dành cả tuổi xuân của mình ra chiến trận nhớ lại, rồi trầm ngâm một hồi lâu.
Cùng trong trận chiến hôm đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh của anh đã hy sinh do loạt đạn bắn thẳng của địch. Ít phút sau chỉ huy lệnh rút xuống. Sơn đặt Hanh nằm hầm bên cạnh và động viên: ''Thôi cố gắng chịu đau đến tối tôi sẽ đưa ra... ". Sau đó anh cùng một đồng đội thay nhau cõng Hanh, cố gắng lắm mà mỗi người chỉ đi được khoảng 20 mét là phải đổi, hai chân ríu vào nhau.
"Tôi cõng bạn trên lưng, thi thoảng lại có quả pháo sáng bắn lên, sáng như ban ngày, sau đó là một vài quả đạn cối, pháo của địch bắn vu vơ làm tụi tôi lại phải nằm bẹp xuống mặt đất lo địch phát hiện. Đến quá nửa đêm chúng tôi tới một phiến đá bên khe suối nhỏ, tôi đặt Hanh nằm nghỉ khá lâu mới đi tiếp. Có lẽ nằm trên lưng, Hanh thương tôi lắm vả lại máu mất nhiều, sức cũng kiệt, Hanh bảo: “Thôi hay là ông cho tôi nằm chỗ nào ở đây cũng được, tôi mệt quá không đi được nữa đâu, mai nhớ vào chỗ này đón tôi!’’. Tôi vẫn động viên đồng đội cố lên và lại tiếp tục dò dẫm cõng thêm đoạn khá xa nữa".
"Nhưng có lẽ vì quá kiệt sức, do vết thương rất nặng, mất nhiều máu, Hanh đã trút hơi thở cuối cùng trên lưng tôi mà không lời từ biệt", anh Sơn cố dằn lại tiếng khóc của một người đàn ông từng trải, đôi mắt ầng ậng nước.
Bấy giờ Sơn đặt Hanh nằm xuống. Vuốt mắt cho đồng đội xong, anh cũng tìm được một chỗ tạm ổn, bên một tảng đá khá to dễ nhớ, để Hanh nằm lại nơi đó mà lòng đau xót vô cùng. Sơn men ngược lên phía trên một đoạn cách chỗ Hanh nằm không xa, gặp được cái hầm chữ A ghép bằng bê tông không có người, khá ẩm ướt, phần vì mệt mỏi, phần vì buồn vừa mất đi người đồng đội, anh chui vào đó nằm nghỉ.
Mãi tới quá trưa 13.7 Sơn mới ra tới Cọc 6 nơi tập kết của đơn vị. Buổi chiều hôm đó Sơn tắm giặt nghỉ ngơi bên con suối Thanh Thủy chảy qua Cọc 6. Ngày hôm sau anh em đơn vị trở vào làm công tác lấy thương binh tử sĩ…
"Quay lại nơi chiến sự vừa mới xảy ra mà sự thật bất ngờ vì chỗ tôi đặt Hanh nằm, giờ chẳng thấy đồng đội đâu nữa, anh em chia nhau tìm khắp xung quanh khu vực đó cũng không thấy. Rất có thể ngày hôm sau đã có đơn vị vận tải của E153 vào trước đưa Hanh ra ngoài rồi…", anh Sơn tiếp tục câu chuyện.
Sau này chiến sự tạm ngưng, Sơn được rời quân ngũ trở về thị xã Yên Bái đúng vào những năm tháng cả nước đang chuyển đổi bao cấp sang kinh tế thị trường, cứ vậy bươn trải với cuộc sống đời thường. Tới gần ba mươi năm kiếm tìm tin tức, dò hỏi địa chỉ những lần trở về thăm lại chiến trường xưa, anh cứ tìm đến anh em ở Phúc Thọ hỏi thăm mà vẫn chưa có thông tin nào về gia đình Hanh cả.
"Mãi cho tới một lần sau khi viếng nghĩa trang Vị Xuyên xong, đoàn xe của cựu chiến binh Sư đoàn 356 Phúc Thọ, Hà Nội chuẩn bị lăn bánh, tôi lại tới hỏi thăm. Cũng rất may đã có người cho tôi thông tin, địa chỉ của gia đình đồng đội Hanh", anh kể tiếp.
Anh đã tìm về ngay quê của đồng đội Hanh tại xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội vào một buổi chiều muộn, thắp nén nhang lên ban thờ người đồng đội đã hy sinh. Trên ban thờ chỉ duy nhất mỗi tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công mà không có lấy tấm di ảnh. Gia đình anh Hanh cũng hoàn cảnh, hai bố mẹ tuổi cũng đã cao, nay ở cùng với người em út.
"Ngồi tâm sự cùng trò chuyện với gia đình, trong lòng tôi thật sự nghẹn ngào. Nếu như ngày ấy không có chiến tranh, mái tranh nghèo này đã lại thêm con cháu quây quần...", người cựu binh châm điếu thuốc, bỏ lửng câu nói.
Còn Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh của anh, phải đến 28 năm sau, tháng 6.2012, một phần di cốt và di vật của anh mới được tìm thấy. Đồng đội của anh Thanh đã quay trở lại D3 điểm cao 772 còn đầy mìn để lần theo dấu vết ngã ba chiến hào nơi anh hy sinh. Việc tìm thấy phần di cốt này đã làm vơi đi phần nào nỗi đau của gia đình và vợ con anh suốt 28 năm tìm kiếm vô vọng.
Trở lại Hà Giang vào những năm gần đây, thành phố đang thay đổi từng ngày, cây cầu Yên Biên thơ mộng vẫn sừng sững bắc ngang dòng Lô giang năm nào. Ngược lên phía Bắc, bao bản làng nay được che phủ màu xanh, những thửa ruộng bậc thang trên dưới màu mỡ tốt tươi lúa, ngô hẹn mùa thu hoạch. Nhưng nơi ấy còn có bao người lính, đồng đội của Sơn đã không trở về sau trận chiến, mãi mãi nằm lại cả cuộc đời, ôm trọn mảnh đất này… Và cũng suốt gần 40 năm đó, có những người lính biên cương vẫn đi tìm nhau.
Có dịp, anh Sơn lại cùng đồng đội tụ tập về đây thắp nén nhang tưởng niệm, cùng ôn lại ký ức một thời máu lửa của những năm tháng gian nan, khốc liệt, để dặn lòng "không được lãng quên". Họ cùng châm điếu thuốc lá, bẻ đôi cắm vào bát hương một nửa, cùng nhau hát "Về đây đồng đội ơi", rồi ôm nhau khóc.
Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu ...
Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào ...
Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình
Quân dân nồng ấm nghĩa tình
Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi,
Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.
Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà.
* Bài hát "Về đây đồng đội ơi" của nhạc sĩ Trương Quý Hải
Theo danviet.vn