eMag azine
29/08/2022 00:00
Dạy trò bằng cả yêu thương

29/08/2022 00:00

TTTĐ - Dịch bệnh bủa vây, lớp học chênh vênh trên sườn núi chỉ có vài ba học trò hay tại Hà Nội sân trường đóng cửa trong im lặng… Vào hoàn cảnh đặc biệt ấy những người thầy vẫn tận tụy sớm hôm dạy học trò bằng cả tấm lòng yêu thương. Từ tình yêu của những người thầy đã truyền lửa, nhiệt huyết cho bao thế hệ học trò mạnh mẽ vươn lên. Trong lòng những học trò này đây là những thầy đặc biệt...

trò

Dạy trò bằng cả yêu thương

TTTĐ - Dịch bệnh bủa vây, lớp học chênh vênh trên sườn núi chỉ có vài ba học trò hay tại Hà Nội sân trường đóng cửa trong im lặng… Vào hoàn cảnh đặc biệt ấy những người thầy vẫn tận tụy sớm hôm dạy học trò bằng cả tấm lòng yêu thương. Từ tình yêu của những người thầy đã truyền lửa, nhiệt huyết cho bao thế hệ học trò mạnh mẽ vươn lên. Trong lòng những học trò này đây là những thầy đặc biệt.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Đến tận bây giờ, nhiều y, bác sĩ vẫn không thể quên thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp nhất. Khi đó, bệnh viện, công sở là nhà, họ phải cách ly hoàn toàn với gia đình để chung sức chống dịch. Trong thời điểm đó, có những thầy cô giáo đặc biệt trong dự án “Học cùng chiến binh nhí” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã trở thành hậu phương giúp họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu gian khó…

Dạy trò bằng cả yêu thươngLê Việt Hường, sinh viên khoa Sư phạm Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong những bạn trẻ đầu tiên đăng ký trở thành gia sư của dự án “Học cùng chiến binh nhí” do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát động. Hường đã có nhiều kinh nghiệm dạy thêm cho học sinh cấp 3. Tuy nhiên, khi đó, dự án cần tìm gia sư cho học sinh lớp 1.

Rất nhiều bạn e ngại dạy kèm lớp 1 bởi đây thực sự là thách thức không nhỏ. Lớp 1 học theo chương trình sách giáo khoa mới, các con còn rất bỡ ngỡ, cộng thêm những hạn chế của việc học online ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học.

Mặc dù lo lắng, dù chưa có kinh nghiệm dạy kèm lớp 1 nhưng Hường đã quyết tâm nhận lớp. Cô gái trẻ tìm đọc kỹ hết sách giáo khoa lớp 1 rồi tự soạn giáo án, thiết kế trò chơi, tìm hiểu cách dạy lớp 1 trên mạng. Dù chuẩn bị kỹ nhưng Hường vẫn gặp tình huống khó khăn khi lên lớp với học trò.

Dạy trò bằng cả yêu thương

“Vì con lớp 1, còn nhỏ và chưa quen cách học ở tiểu học, nên trong giờ học còn thiếu tập trung. Có lần mình cho con nghỉ giải lao giữa giờ, con tắt camera, tắt míc đi chơi quên luôn vào học làm cô đợi mãi không thấy. Phải 30 phút sau, con mới vội vàng bật míc, bật camera rồi xin lỗi cô rối rít. Mình giả vờ dọa con là “cô sẽ không dạy nữa đâu”, thế là con khóc sụt sùi thương ơi là thương”, Hường kể.

Cô sinh viên ngành sư phạm cho biết thêm, nhiều hôm, cô cũng nản nhưng thương học trò, thương mẹ bé xa nhà chống dịch nên chỉ có 3 chị em bé ở nhà tự bảo ban nhau. Vì thế, Hường lại tự động viên bản thân cố gắng. Cũng may, mẹ Hường là giáo viên cấp một nên vừa cố vấn, vừa giúp đỡ cô gái rất nhiều trong quá trình dạy học.

Dạy trò bằng cả yêu thươngSự tận tâm của Hường không chỉ khiến học trò tiến bộ mà phụ huynh rất cảm động. Chị Phạm Thị Bích Thuận (nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) là mẹ của bé được Hường kèm cặp, bày tỏ: “Mình cảm ơn chương trình vô cùng, đặc biệt là cô Việt Hường. Cô còn trẻ nhưng rất nhiệt tình và yêu trẻ, kiên nhẫn với bé Nam nhà mình. Con rất hiếu động và thiếu tập trung nên dạy thực sự vất vả nhưng cô đã giúp con tiến bộ rất nhiều”.

Không chỉ học sinh lớp 1, bất cứ lớp học nào cũng có những thách thức riêng. Tuy nhiên, với sự tâm huyết, trách nhiệm các tình nguyện viên đã vượt qua, trở thành những người anh, chị, bạn bè thân thiết với các em học sinh.

Với Hà Thị Tố Uyên, sinh viên ngành sư phạm trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), quãng thời gian dạy kèm môn tiếng Anh cho bé Nguyễn Phương Mai (học sinh lớp 5) thực sự đáng nhớ.

“Buổi học đầu tiên và buổi cuối cùng có lẽ là buổi đáng nhớ nhất với mình. Buổi đầu bé có nói là muốn thực hiện ước mơ trở thành cô giáo tiếng Anh. Điều này đã để lại trong mình nhiều ấn tượng về Mai. Buổi cuối cùng, hai cô trò học xong dành thời gian để tâm sự chia sẻ về những buổi đã học, những lời góp ý, lời chúc, lời động viên dành cho nhau. Ngoài ra, hai cô trò và phụ huynh đã có buổi gặp mặt trực tuyến và trò chuyện với nhau để hiểu nhau hơn cũng là dịp rất đặc biệt đối với mình”, Uyên cho biết.

Điều làm cô giáo tương lai Hà Thị Tố Uyên tự hào nhất, sau khoá học, tiếng Anh của Phương Mai đã ở mức khá (7/10 điểm) so với ban đầu vào là 5/10 điểm. Cô bé cũng tự tin hơn nhiều trong việc phát âm và giao tiếp bằng tiếng Anh.

Điều này khiến chị Vũ Thị Hải, điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - mẹ của bé Phương Mai không khỏi xúc động. Chị Hải bồi hồi: “Mình xa nhà, điều lo nhất là việc học hành của con. Thế nhưng sự lo âu đã tan biến khi mình biết con có những buổi học bổ ích với một cô giáo nhiệt huyết. Em ấy trở thành một phần hậu phương vững chắc cho mình”.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Dạy học bằng cả tấm lòng yêu thương cũng điều Nguyễn Minh Hằng, sinh viên năm thứ ba, khoa Sư phạm, ngành Giáo dục tiểu học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội mang đến cho các em học sinh. Khi đó, Hằng trở thành gia sư cho em Bùi Tuấn Hùng, học sinh lớp 2A6, trường Tiểu học và THCS Thăng Long, Hà Nội.

Dù từng đi thực tập, dạy học sinh tiểu học nhưng thời điểm đó, lần đầu tiên Hằng dạy trực tuyến. Đặc biệt, lớp 2 học theo chương trình mới, vì vậy, Hằng phải lên mạng tải sách giáo khoa môn Toán, tiếng Việt về đọc, tìm tòi, học hỏi thêm phương pháp dạy phù hợp, để các em tiếp thu một cách tốt nhất.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, ngay từ buổi học đầu tiên, Hằng đã có được sự tương tác tốt với học sinh. “Em Hùng tiếp thu nhanh và hào hứng với việc học nên mỗi buổi học trôi qua rất nhẹ nhàng, vui vẻ”, Hằng chia sẻ.

Mẹ em Bùi Tuấn Hùng là bác sĩ. Khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị thường phải đi trực, tham gia phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc học, Hằng còn làm bạn với Hùng. Sau mỗi buổi học, Hằng đều dành thời gian trò chuyện, lắng nghe cậu học trò nhỏ kể chuyện trường lớp, gia đình. Vì thế, dù học trực tuyến, chưa từng gặp mặt, tình cảm cô trò gắn bó, gần gũi.

Vì vậy, ngay cả khi dự án kết thúc những người thầy đặc biệt như Hằng vẫn giữ liên lạc, hỗ trợ các em học tập. “Là một giáo viên tương lai, chúng mình luôn mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất tới học sinh, cùng các em chinh phục tri thức và cống hiến cho cộng đồng”, Hằng tâm sự.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Dạy trò bằng cả yêu thương

Họ là những giáo viên công tác tại vùng núi, những nơi đặc biệt khó khăn. Dù vậy, các cô giáo ấy vẫn đầy ắp tình yêu thương, trách nhiệm và nỗ lực sáng tạo trong từng trang giáo án, tạo nên những phương pháp học tập mới hữu ích và hấp dẫn học trò.

Dạy trò bằng cả yêu thươngƯớc mơ từ bé của cô Lương Thị Tuyết, sinh năm 1989 là được làm giáo viên. Nó được ấp ủ và lớn lên theo những lần cô chơi trò chơi cùng bạn bè. Ngày ấy, cô giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên là một người rất quan trọng. Đó là người thể hiện sự hiểu biết, có khả năng dẫn dắt, chỉ bảo, thế nên ai cũng muốn được làm cô giáo để đứng trên bục giảng.

Cô Tuyết kể, tuổi thơ của cô trôi qua trong vai trò “giáo viên” của nhóm bạn cùng xóm. Giấc mơ trở thành cô giáo ngày càng lớn lên, đầy khát khao. Thế rồi, cô đã quyết tâm thi và trúng tuyển vào khoa Địa lí, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Tốt nghiệp đại học, cô Tuyết về nhận công tác tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thắng Mố, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây là ngôi trường nhỏ thuộc xã biên giới, cách trung tâm huyện Yên Minh 47 km, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngôi trường vỏn vẹn chỉ có một ngôi nhà hai tầng với sáu phòng học, một phòng hội đồng, một phòng dành cho Ban Giám hiệu và căn nhà cấp bốn nhỏ cho giáo viên ăn ở, sinh hoạt cùng ba căn phòng nhỏ bắn tôn cho các em học sinh bán trú tại trường.

Cô Lương Thị Tuyết bộc bạch: “Mảnh đất mà tôi đang sống, làm việc còn nghèo khó, trình độ dân trí còn thấp. Các em học sinh đến trường không có nhiều áo đẹp để mặc, giày để đi nhưng không phải vì các em khó khăn, vì các em không biết mà bỏ mặc. Tôi luôn mong muốn dạy cho các em cách để nâng niu một đóa hoa, trân trọng một nhành lá, yêu tiếng chim hót mỗi sớm mai, chỉ cho các em giá trị một lời chào, vẻ đẹp của nụ cười, sự ấm áp của đôi bàn tay...”.

Học sinh của cô Tuyết 100% là người dân tộc thiểu số. Nhận thức của các em còn chậm, đồ dùng học tập cũng thiếu thốn nên việc dạy và học gặp nhiều trở ngại. Từ thách thức đó yêu cầu thầy cô phải thật sự thấu hiểu, cảm thông, kiên nhẫn và tâm huyết.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Cô giáo 8X luôn trăn trở phải làm thế nào để các em chăm chỉ đến trường, yêu thích học. Cô đã mày mò tìm kiếm, tham khảo các phương pháp dạy học trên mạng internet, đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp và tự đúc rút kinh nghiệm dạy học. Qua mỗi bài giảng E-learning, cô Tuyết lại thêm phần hào hứng khi học sinh yêu thích môn Địa lý hơn, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên rõ rệt.

Ngay từ năm đầu tiên công tác tại trường, cô giáo trẻ đã có sáng kiến “khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học Địa lí” được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở. Năm thứ hai giảng dạy tại trường, cô Tuyết đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; Giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp huyện, đạt giải Nhất thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp tỉnh; Có bài dự thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning lọt vòng chung khảo cấp Quốc gia…

Năm 2017, cô đại diện tổ chuyên môn Khoa học xã hội tham dự cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo” cấp Quốc gia với ý tưởng “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”. Cuộc thi này đã mang lại giải ý tưởng xuất sắc nhất cấp Quốc gia. Cô Tuyết cùng với học sinh của mình biên soạn bộ tài liệu về biến đổi khí hậu bằng chữ viết của người Mông.

Cô còn thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai” xã Thắng Mố. Ý tưởng này đã thu hút hơn 76 hội viên thuộc các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã tham gia, tài trợ 10 nghìn giống cây sa mộc và hỗ trợ phân bón, kỹ thuật cho hơn 20 hộ gia đình trên địa bàn xã trồng rừng phát triển kinh tế.

Cô Lương Thị Tuyết bày tỏ: “Tôi luôn mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình đem con chữ thắp sáng nơi miền biên cương của Tổ quốc, cùng các đồng nghiệp ươm lên những mầm xanh tươi tốt trên mảnh đất cao nguyên đá này; Tự hứa với bản thân sẽ không để khó khăn gặm nhấm những khát vọng chân chính của cuộc đời mình”.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Đến nay, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh năm 1986, giáo viên dạy Vật lý, trường THPT Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã gắn bó 12 năm với ngôi trường nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này. Đây cũng chính là ngôi trường đã gắn bó với cô trong suốt 3 năm học THPT. Ngôi trường có hơn 97% học sinh là người dân tộc thiểu số. Đa số các em nhà xa phải trọ học, nên điều kiện ăn, ở gặp nhiều khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phụ huynh học sinh.

Để giúp các em yên tâm học tập, cô Xuân cùng đồng nghiệp thường xuyên tới khu trọ, hỏi thăm về nơi ăn, chốn ở, giải đáp những thắc mắc, bài tập khó mà học sinh còn vướng mắc. Với môn Vật lý, nhiều học sinh cảm thấy khó hiểu, trừu tượng, cô luôn tìm phương pháp phù hợp nhất với từng học sinh. Từ đó, giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Cô giáo 8X còn thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Các sáng kiến đều được áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Trong thời gian các em nghỉ phòng, chống dịch COVID-19, cô dồn thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng thật tốt; Tham gia dạy học trực tuyến, ôn tập cho các em dự thi tốt nghiệp tổ hợp khoa học tự nhiên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cô hết mình hỗ trợ học sinh ôn tập. Kết quả, nhiều em thi tổ hợp khoa học tự nhiên đỗ vào các trường đại học top đầu.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Là giáo viên chủ nhiệm, cô Xuân luôn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của các em. Học sinh mà cô ấn tượng nhất đó là em Lý Dào Quyên, dân tộc Dao, học sinh khóa 2017 - 2020, ở xóm Xiên Pèng, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Gia đình Dào Quyên có hoàn cảnh rất khó khăn. Quyên bị mất bàn tay phải nên học bằng tay trái. Khi biết hoàn cảnh của em, cô cùng Ban giám hiệu nhà trường, đoàn trường đã trực tiếp tới thăm gia đình và thực hiện phóng sự chương trình “Thắp sáng ước mơ”. Cô và các đồng nghiệp cũng trích 1 phần lương nhỏ bé của mình để ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình này.

Có được hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, Quyên đã nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 em thi và đỗ vào khoa Luật, trường Đại học Mở Hà Nội theo đúng ước mơ.

Hiện tại, Quyên đang học ở Hà Nội. Em được rất nhiều mạnh thường quân và nhất là cộng đồng người Dao tại Hà Nội giúp đỡ để theo đuổi ước mơ của mình. Cho đến giờ, Lý Dào Quyên vẫn thường xuyên liên lạc, nhắn tin trò chuyện, chia sẻ với cô về cuộc sống và học tập. Cô chính là tấm gương sáng, là người thắp sáng ước mơ của Quyên cũng như nhiều học trò nơi vùng đất khó Nguyên Bình, Cao Bằng.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Dạy trò bằng cả yêu thương

Nhắc đến giáo dục đặc biệt, người ta nghĩ ngay đến một chuyên ngành rất khó nhằn. Nhưng với tâm niệm “không để học trò bị bỏ rơi phía sau”, các thầy cô tham gia giảng, dạy cho trẻ mắc tự kỷ chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ được xem như “ánh đuốc” dẫn đường, giúp các em được học tập, phát triển như một đứa trẻ bình thường.

Dạy trò bằng cả yêu thươngNằm trên con phố Phó Đức Chính (Ba Đình), bên trong căn phòng có phần nhỏ hẹp đó lại là đầy ắp tình yêu thương với những đứa trẻ chậm khôn. Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chưa khi nào bà Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ có ý định dừng lại hành trình chăm sóc, giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển.

21 năm qua, rất nhiều trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển được lớn lên dưới mái nhà Trung tâm Phúc Tuệ. Những em tiến bộ sẽ được đưa sang các trường học công lập khác hoặc những cơ sở của trường công lập. Với các em đã lớn hẳn sẽ được Trung tâm gửi lại cho gia đình. “Cháu nào đã vào đây học là học đến khi mình không nhận nữa phụ huynh mới cho con về nhà. Tôi cũng muốn dạy nghề cho những cháu lớn nhưng cơ chế hiện nay khó để thực hiện”, bà Hương tâm sự.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Đã hơn 70 tuổi nhưng bà giáo vẫn tiếp tục công việc, trách nhiệm và hơn hết là niềm đam mê của một nhà giáo đã về hưu. Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nhưng với một đứa trẻ tự kỷ, hàng năm trời mới có thể gieo vào đầu các em một con chữ, rồi mất hàng năm để các em có thể học xong vài phép cộng đơn giản.

Nhưng chính sự yêu thương và lòng kiên nhẫn đã giúp bà giáo cùng các thầy, cô vượt lên mọi khó khăn. Ở Phúc Tâm, bà Hương quan niệm: Tất cả mọi người đều không quan tâm đến chuyến đò sẽ qua được bờ bên kia; cái mà mọi người quan tâm là cả người chở đò và khách đi đò đều đã rất cố gắng trước con sóng gập ghềnh của cuộc đời.

Dạy trò bằng cả yêu thươngĐó là nhận định của thầy giáo sinh năm 1995, Ngô Đình Nghị về công việc giảng, dạy trẻ có vấn đề về tâm lý. Đằng sau ánh mắt hiền lành là một một người thầy rắn rỏi, kiên gan, nhiều suy tư lạ, một người “cha” yêu thương và bao dung những đứa trẻ tự kỷ.

Trong mắt mọi người, thầy Nghị luôn mang trong mình một năng lượng dồi dào khi ban ngày huấn luyện các em tự kỷ với hành vi bất thường, Còn đêm đến lại chăm sóc các em trong ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt văn hóa. Thầy giáo sinh năm 1995 cho rằng, huấn luyện trẻ tự kỷ còn dễ hơn so với huấn luyện các bạn trẻ hư, chuyên phá phách, nghiện game và có thái độ sống bất cần.

“Những em tự kỷ không có ý thức, không chủ động thực hiện việc muốn làm, thì phải tạo thói quen in vào tiềm thức các em tác động từ bên ngoài vào, lặp đi lặp lại. Các em có thể làm, rồi lại quên, nhưng điều quan trọng là khi thầy yêu cầu các em tập một động tác nào đó, các em sẽ làm theo không thắc mắc, không suy tính”, thầy Nghị chia sẻ.

Tâm sự về quá trình làm nghề của mình, thầy giáo trẻ Ngô Đình Nghị kể chuyện từng bị học viên hành hung trong đêm. Đó là khi đang ngủ, thầy bị một tấm ván đã phang thẳng vào đầu. Hậu quả thầy đã rách da, mất máu và phải khâu 4 mũi. “Nếu không từng học võ và có thể lực tốt, cùng linh cảm đặc biệt thì có lẽ tôi đã bị bất tỉnh và không biết chuyện gì xảy ra tiếp”, thầy Nghị nhớ lại.

Đó là một cậu học trò mà có lẽ cả đời anh không bao giờ quên được. Vào năm năm 2017, thầy giáo trẻ nhận dạy một cậu quý tử con nhà giàu, nghiện game, mắc chứng trầm cảm, thường xuyên dọa bố mẹ và đòi tự tử. Đặc biệt, học trò này bằng tuổi thầy Nghị. Theo lời kể của gia đình, lúc ở nhà, phải có vài ba người theo sát để em không tự tử.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Người “cha” của những học trò đặc biệt

“Thời điểm được đưa đến trung tâm, cậu bạn được dừng dùng thuốc thần kinh, dần dần tỉnh táo lại, thì lại tiếp tục thói quen cũ, dọa nạt, đòi hỏi, bạo lực. Khi không được đáp ứng những yêu cầu vô lý thì bạn ý đòi về nhà, đòi tự tử. Vì thế nên mình phải theo sát cả ngày lẫn đêm. Để có thể thay đổi cậu bạn này, một mặt mình gần gũi dỗ dành, tâm sự, nhưng cũng có lúc phải nghiêm khắc để đưa cậu ấy vào kỷ luật, nếp sinh hoạt nghiêm ngặt”, thầy Nghị kể về quá trình huấn luyện cậu học trò đặc biệt.

Để làm tư tưởng cho cậu học trò, thầy Nghị cũng đưa em ra ngoài đi uống cà phê, trò chuyện thân tình, để em cởi mở hơn. Nhưng trong một đêm nửa mê nửa tỉnh, cậu học trò đã rình tới lúc thầy giáo ngủ say rồi dùng tấm ván thăng bằng phang lên đầu thầy. Thầy Nghị phải vào bệnh viện cấp cứu lúc nửa đêm để cầm máu.

Ngỡ tưởng điều đó sẽ làm thầy Nghị bỏ cuộc nhưng thầy vẫn quyết tâm đồng hành cùng cậu học trò. “Giai đoạn các em nửa tỉnh nửa mê là khó xử nhất. Vượt được qua giai đoạn đó, đến lúc các em tỉnh táo hẳn, ý thức đã trở về, thì khó khăn tiếp theo là sự đấu tranh tư tưởng. Bạn ý phải tiếp tục ở lại để được rèn thói quen mới tích cực, xóa dần thói quen cũ”, thầy giáo sinh năm 1995 chia sẻ.

Đối với thầy Ngô Đình Nghị, mỗi trẻ tự kỷ đều có những đặc điểm rất riêng, một thế giới đầy màu sắc và đáng được yêu thương trân trọng và sự đồng cảm từ cộng đồng để cùng giúp trẻ hòa nhập.

Dạy trò bằng cả yêu thương

9 giờ sáng, buổi học làm sổ của các em nhỏ tự kỷ ở Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam bắt đầu. Nếu không nói thì chẳng ai nhận ra, đây là những đứa trẻ chậm phát triển. Không ai bảo ai, em nào cũng chầm chầm, nhè nhẹ để hoàn thành sản phẩm của mình.

“Những ngày không quên” là cách miêu tả về những ngày đầu đến lớp của cô và trò tại Trung tâm. Chuỗi ngày các cô hành trình cùng các em không thể kể hết những khó khăn, vất vả và cả sự bất lực. Khi đó, công việc dạy trẻ không những cần kiến thức chuyên môn mà còn cần có sự kiên nhẫn và lòng yêu thương. Đặc biệt, với các bé tự kỷ, tình yêu đó phải đủ lớn để vượt qua áp lực mỗi ngày lên lớp.

Cô Nguyễn Thạnh Thúy, giáo viên Trung tâm cho hay, tiếng la hét, những hành vi như ném bút, ném màu, giãy nảy “Con không học đâu”,… là những điều không còn xa lạ. Nhưng khi nhìn vào những ánh mắt ngây thơ của các em, dường như mọi áp lực đều tan biến.

Dạy trò bằng cả yêu thương

Một buổi học của cô và trò tại Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam

Khi có tình yêu thương dành cho những đứa trẻ đặc biệt thì mọi thầy, cô đều thấy gắn bó với công việc này. Từ những bàn tay còn lóng ngóng, vụng về, cô Thúy cùng các cô giáo trong Trung tâm đã dạy các con cách xỏ kim, cầm vải sao cho không xô lệch; nhận biết về màu sắc cùng vô số những kỹ năng khác.

Với cô Thúy, sứ mệnh “mỗi ngày là một bài học mới, một kĩ năng mới, một giá trị mới cho các con” được cô mang theo bên mình. Nhiều năm dạy dỗ và chăm sóc trẻ tự kỷ, chậm phát triển đã để lại trong cô giáo nhiều cảm xúc: “Thực sự là khi mà có tình yêu thương dành cho các con thì mình thấy gắn bó với công việc này hơn. Khi kết thúc mỗi giờ học, thấy các con hoàn thành được một cái nơ thì mình cảm thấy rất vui và trong tâm mình cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái. Đấy là cái lựa chọn công việc của bản thân mình.”.

Có lẽ, câu chuyện của bà giáo Minh Hương, thầy giáo trẻ Ngô Đình Nghị hay cô giáo Thúy chưa thể khắc họa hết những khó khăn của những “kỹ sư tâm hồn” đặc biệt. Nhưng hơn cả, họ là đại diện của những người thầy mang trong mình tâm huyết, tình yêu với nghề, với học trò - những phẩm chất vô cùng đáng quý với sứ mệnh thắp lửa hy vọng cho những đứa trẻ không may mắn khiếm khuyết tâm hồn.

Bài viết: Nguyễn Dũng, Lê Dung, Đình Trung

Thiết kế: Phạm Thành

Thành Trung, Nguyễn Dũng, Lê Dung, Thi Mai