eMag azine
02/08/2022 14:51
Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

02/08/2022 14:51

TTTĐ - Các cụ xưa gọi sông Hồng là “sông mẹ”, chỉ hai chữ tha thiết ấy cũng đủ biểu đạt tầm quan trọng, gắn bó, yêu thương của người dân sinh sống bên bờ với dòng nước đã mang lại cho họ nguồn sống, cũng như văn hóa, lịch sử.

Văn hóa

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Các cụ xưa gọi sông Hồng là “sông mẹ”, chỉ hai chữ tha thiết ấy cũng đủ biểu đạt tầm quan trọng, gắn bó, yêu thương của người dân sinh sống bên bờ với dòng nước đã mang lại cho họ nguồn sống, cũng như văn hóa, lịch sử. Hà Nội cũng như vậy! Bắt đầu từ Ba Vì xuôi xuống Sơn Tây, Phúc Thọ, qua Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín và rời khỏi Thủ đô tại xã Quang Lãn (huyện Phú Xuyên), sông Hồng đã bồi đắp, nuôi nấng nhiều ngôi làng trù phú. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang tìm cách biến trầm tích văn hóa mà dòng Nhị Hà ban tặng trở thành sinh kế cho người dân - một ngành kinh tế xanh cho tương lai.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

“Con sông là nguồn sống của con người, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi để giao thông đến muôn phương. Vì thế, các ngôi làng bám dọc những con sông là điều dễ hiểu. Hà Nội là điển hình cho một văn hóa ven sông như vậy...”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, chia sẻ.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Gương mặt ông Nguyễn Xuân Phiến (Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) rạng rỡ tự hào khi phóng viên hỏi về truyền thống văn hóa của địa phương, nơi ghi dấu của một trong “Tứ bất tử” là Chử Đồng Tử. Xã Tự Nhiên có bến đò ngang sông Hồng từng đóng vai trò “cầu nối” huyết mạch giữa Hà Nội và Hưng Yên. Giống như đại đa số những người sinh ra bên dòng “sông mẹ”, ông Phiến không che giấu niềm kiêu hãnh khi nhắc đến truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Ông Phiến hỉ hả kể rằng, xã Tự Nhiên có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Đình Hạ - đình Thượng, cây gạo và khu Giá ngự. Đây là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Hiện nay, đình Thượng và đình Hạ được người dân cúng tiến xây cổng đình, tường hoa, thành bao quanh hồ bán nguyệt, cổng tam quan, vườn hoa cây trái… khung cảnh lúc nào cũng sạch sẽ tươi mát.

Ông Đặng Huy Mạnh, thủ từ nhà đền Giá Ngự, xã Tự Nhiên, cảm khái nói: “Truyền thuyết kể về thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý, con vua Hùng Vương thứ 18 đã yêu, kết duyên với người con trai mồ côi, nghèo nhưng rất mực hiếu thảo bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong“ Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng”.

Hàng năm, xã Tự Nhiên đều tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng (từ ngày 30/3 đến 2/4 Âm lịch). Đặc biệt, lễ hội diễn ra những nghi thức mang tính biểu tượng, thể hiện rõ rệt sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống văn hóa của người dân với dòng sông Hồng - đó là nghi thức rước nước và rước kiệu.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Cụ thể, từ sáng sớm 30/3 Âm lịch, trời trong gió nhẹ, chiếc thuyền chở các cao niên của xã Tự Nhiên chậm bơi ra giữa sông Hồng. Họ lầm rầm đọc một số lời cúng tế, tựa như “giao tiếp” với dòng sông. Sau đó, bằng tất cả sự chăm chú và thành kính, các bậc cao nhiên múc nước sông vào cái chóe, rồi đem về lễ thánh. Theo lý giải của người dân xã Tự Nhiên, việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.

Cũng như vậy, nghi thức rước kiệu được cử hành long trọng lại một lần nữa thể hiện sợi dây kết nối giữa đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương với sông Hồng. Trong tiếng trống chiêng rộn ràng, cờ quạt phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm, Nhân dân trong và ngoài xã nô nức rước thánh từ đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến bến sông sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Như đã đề cập ngay trong phần đầu bài viết, trong chiều dài lịch sử, dòng “sông mẹ” đã hình thành, bồi đắp, thăng hoa nhiều ngôi làng trên đất Thăng Long - Hà Nội. Truyền thuyết, di tích, lễ hội, nghi thức... tại xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) có thể được chứng kiến tại nhiều ngôi làng dọc bên bờ sông Hồng.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Trong cuốn “Hà Nội còn một chút này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến viết: “Cũng như nhiều đô thị cổ trên thế giới, Thăng Long - Hà Nội có nhiều con sông bao quanh, lớn nhất là sông Hồng. Sông Hồng kéo dài 120 cây số bao quanh Hà Nội và nhìn từ trên cao hay qua bản đồ, Hà Nội giống như một bán đảo. Xưa sông Đà, sông Hồng là tuyến giao thông nối nhiều vùng đất với kinh đô Thăng Long, chuyên chở hàng hóa đi các nơi. Hai con sông này là hào tự nhiên ngăn bước chân quân xâm lược, cung cấp thủy sinh cho các làng ven sông”.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ Đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, làm rõ thêm: “Văn hóa làng quê gắn với những con sông rất đặc thù cho văn hóa Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Rất nhiều bài hát hay về sự gắn bó giữa con sông và quê hương chính là những hình ảnh cụ thể, gần gũi, sinh động nhất khi nói về văn hóa làng ven sông.

Chúng ta biết rằng, con sông là nguồn sống của con người, nơi vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi để giao thông đến muôn phương. Vì thế, các ngôi làng bám theo những con sông là điều dễ hiểu. Hà Nội là điển hình cho một văn hóa ven sông như vậy. Rất nhiều ngôi đình, chùa nổi tiếng, những sinh hoạt lễ hội, truyền thuyết, sự kiện lịch sử và những làng nghề đặc sắc như: Đình Chèm, đền Dầm, chùa Bồ Đề, lễ hội đền Và, làng gốm Bát Tràng, lễ hội Chử Đồng Tử... gắn bó với đôi bờ sông Hồng. Đến ngày hôm nay, dù trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhưng văn hóa làng ven sông Hồng vẫn còn lưu lại nhiều giá trị đáng quý”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm được xem là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc bề thế vào bậc nhất của vùng đất Thăng Long xưa.

Chung nhận định đó, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng: “Ứng xử với thiên nhiên, trong đó có sông nước, luôn là ngọn nguồn tạo ra các nền văn hóa... Bước đầu nhìn lại việc nghiên cứu văn hóa ven sông Hồng, từ đó đề xuất những lưu ý khi tiếp cận văn hóa ven sông Hồng, là công việc cần thiết”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Văn hóa của các làng ven sông Hồng tại Thăng Long - Hà Nội bao gồm hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực và hơn hết là văn hóa con người. Những giá trị quý báu ấy được tích lũy và gìn giữ trong hàng ngàn năm song đang đứng trước nguy cơ mai một trong dòng chảy của thời gian…

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng nằm trong hệ thống các làng ven sông Hồng. Nơi đây vẫn bảo tồn hệ thống nhà cửa, đình chùa cổ kính và bản sắc văn hóa đậm tính Việt. Nhìn chung, công tác bảo tồn và khai thác các giá trị mà làng Đường Lâm đem lại được Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây xem trọng một cách thực chất. Bên cạnh Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm với kinh phí hoạt động hàng tỷ đồng mỗi năm, người dân địa phương đều có ý thức giữ gìn các giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa, tâm linh và họ được hưởng lợi trực tiếp từ những giá trị đó.

Ngày 30/4 vừa qua, thị xã Sơn Tây đã tổ chức lễ khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài “Về Sơn Tây - Về miền di sản” rất quy mô, thu hút đông đảo du khách. Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, phát biểu tâm huyết rằng: “Làng cổ Đường Lâm là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ, một “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng”. Do đó, thị xã Sơn Tây đã và đang đầu tư nguồn lực nhằm phát triển “du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm nhằm phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế đô thị của thị xã”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Còn ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, cho hay, lượng khách du lịch đến làng cổ tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy các nỗ lực của thị xã Sơn Tây đã mang lại hiệu quả xứng đáng.

Quay lại với quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Phóng viên rất ấn tượng với hệ thống truyền thuyết, nghi lễ, sắc phong và đình đền tại địa phương này. Các hiện vật, tín ngưỡng đều thể hiện sâu đậm mối liên kết chặt chẽ giữa con người với dòng “sông mẹ”. Đáng tiếc, sự trân trọng (chưa nói đến phát huy) dành cho các di sản của văn hóa dường như không được coi trọng đúng mức.

Mấy năm trước, cụm đền Thượng - đền Hạ đã được sửa chữa nhưng mái ngói vẫn đang võng xuống như thể không gánh nổi sức nặng của năm tháng. Cây gạo cổ thụ bên sông đã đổ. Hình ảnh ông Đặng Huy Mạnh, thủ từ nhà đền Giá Ngự (xã Tự Nhiên) còm cõi trong bộ quần áo nâu sồng, ngồi thẫn thờ bên cạnh bức tường ố vàng, loang lổ của ngôi đền đang xuống cấp khiến phóng viên không khỏi nặng lòng.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Nhiều địa phương khác cũng đang gặp khó khăn trong công tác bảo vệ, bảo tồn và tiến tới phát huy các giá trị văn hóa làng ven sông trở thành “cần câu cơm” trong tương lai. Ví dụ như tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh), nơi có cụm đền thờ Hai Bà Trưng linh thiêng, cổ kính. Đền thờ Nhị vị nữ vương đã được công nhận là điểm du lịch vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, huyện Mê Linh còn rất nhiều việc phải làm để khai thác tiềm năng du lịch tâm linh - xung quanh ngôi đền hầu như không có địa điểm ẩm thực, lưu trú, mua sắm nào đáng nhắc tới.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm về vấn đề này: “Giữ gìn truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội là một trong những mục đích quan trọng của phát triển văn hóa. Có những lúc, chúng ta chưa ý thức đầy đủ về vai trò của văn hóa trong phát triển, đặc biệt ở các làng quê. Ở đó, nhiều khi một ngôi nhà mới, những tiện nghi vật chất hiện đại là ưu tiên hơn so với việc gìn giữ những ký ức của truyền thống”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Hàng nghìn năm, giống như người mẹ vĩ đại, sông Hồng đã dùng thân thể máu thịt để kiến tạo, vun bồi cho các ngôi làng nằm ven bờ. Năm tháng đằng đẵng khiến người mẹ ấy có lẽ mệt mỏi, đến lúc các ngôi làng ven sông cần tự sống bằng nguồn vốn được ban tặng, thậm chí nghĩ đến chuyện chăm lo, làm đẹp cho “sông mẹ”.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai “Mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, xây dựng và ban hành Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Trong buổi gặp mặt hơn 300 đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và các vị chức sắc tôn giáo của Thủ đô nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói: “Để thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn tới, thành phố xác định phải dựa vào văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ và nhân tố con người. Văn hóa và con người Hà Nội phải trở thành nguồn lực nội sinh, là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững. Thành phố đã quyết định ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Một trường hợp điển hình của sự sáng tạo có thể kể tới là làng Chử Xá, huyện Gia Lâm. Làng Chử Xá hay còn gọi là làng Sứa, nằm trên một bãi bồi lớn ven sông Hồng. Từ lâu nay, làng Chử Xá chính là nơi trồng rau, củ quả có tiếng cung cấp cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây làng còn có một tên gọi mới là làng bích họa Chử Xá. Lý do bởi những bức tường cũ kĩ tại đây đã trở thành bức tranh bích hoạ khổng lồ ấn tượng. Sự xuất hiện của hơn 10 bức tranh đã tạo ra sự mới mẻ và hấp dẫn cho cảnh quan nơi đây, thu hút khách du lịch gần xa.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “Gần đây chúng ta đã có ý thức đầy đủ hơn về việc phải gắn bó hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn di sản văn hóa. Vì vậy, nhiều làng quê ven sông Hồng đã biết cách khai thác những tiềm năng, lợi thế trong kho tàng di sản của mình để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Nhiều di tích ở các làng ven sông được tu bổ, tôn tạo; Nhiều lễ hội làng được tổ chức thường niên, các nghề truyền thống được phục hồi... như một cách vừa bảo vệ truyền thống, khai thác lợi thế ven sông, vừa để trở thành các điểm thu hút khách du lịch. Phát triển văn hóa và con người Hà Nội là vô cùng quan trọng bởi đây là vấn đề không chỉ của Hà Nội mà còn cho cả nước… để chúng ta tự hào về văn hóa, tự hào về con người Việt Nam. Vì thế, Hà Nội cần tập trung vào văn hóa, trong văn hóa phải tập trung vào công nghiệp sáng tạo”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…
Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới được duyệt, các làng ven sông tại Hà Nội đứng trước cơ hội để nâng tầm các giá trị văn hóa thành sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân. Vượt lên các khó khăn cũng như thách thức, rất nhiều địa phương đã và đang phát triển các mô hình sáng tạo, hấp dẫn nhằm tận dụng những “báu vật” dòng “sông mẹ” ban tặng.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Những năm gần đây, Hà Nội đã khai thác giá trị độc đáo của các làng ven sông Hồng bằng các tour du lịch dọc con sông để khu khách có thể thưởng ngoạn và hiểu thêm về văn hóa dọc sông Hồng và cũng là văn hóa Thủ đô. Tại các địa phương, không ít làng cũng đang được áp dụng hiệu quả. Ví như, du lịch làng cổ kết hợp tham qua phố đi bộ quanh thành hào Sơn Tây và nghỉ dưỡng tại hồ Đồng Mô (được tổ chức tại thị xã Sơn Tây), du lịch tâm linh tại đền Hai Bà Trưng và trải nghiệm sản phẩm OCOP ở huyện Mê Linh.

Đáng kinh ngạc nhất là những gì làng Bát Tràng (Gia Lâm) đang làm được trong nhiều năm qua. Không đơn thuần là phát triển sản phẩm gốm sứ truyền thống, người dân, doanh nghiệp tại Bát Tràng còn thu nguồn lợi lớn nhờ các hoạt động văn hóa.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Điển hình như bảo tàng gốm Bát Tràng. Bảo tàng này được thiết kế đặc biệt, mang hình chiếc bàn xoay đặc trưng của nghề gốm. Bảo tàng xây dựng trên một khu đất rộng 3.700m2, để tham quan bảo tàng, du khách có thể mua vé trải nghiệm với giá 30.000 đồng. Tại đây có các hoạt động vui chơi, tham quan... giúp người dân hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng. Đặc biệt, trong không gian rộng khoảng 50m2 tại tầng G của bảo tàng nghề gốm Bát Tràng, rất đông bạn trẻ đang ngồi tỉ mẩn sáng tạo sản phẩm gốm cho riêng mình bằng vật dụng cơ bản nhất của nghề là đất sét và bàn xoay. Tại đây, du khách được hướng dẫn cách tạo hình chiếc cốc đơn giản bằng tay thông qua các kỹ thuật: Nặn, vuốt gốm. Với trải nghiệm này, du khách sẽ được thỏa thích thể hiện cá tính của mình bằng các tạo hình thú vị cùng đất sét.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Bên cạnh đó, các nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng cũng xây dựng và quảng bá thương hiệu cá nhân một cách hiệu quả. Ví như Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ, Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn, nghệ nhân Lê Minh Châu... Điều này càng góp phần làm vang danh làng gốm nổi tiếng Bát Tràng.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng tỏ ra ấn tượng với Bát Tràng. Ông cho hay: “Tại làng Bát Tràng hiện nay, người dân đã có ý thức chủ động giữ gìn truyền thống, khai thác truyền thống để góp phần ổn định sinh kế thông qua nhiều hình thức như tham gia vào các tour du lịch cộng đồng (ẩm thực, truyền thống làm gốm) để du khách được trực tiếp tham gia trải nghiệm; Đồng thời mở rộng gia tăng sản xuất, xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ ra thị trường trong và ngoài nước bằng thương hiệu của mình”.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Theo quy hoạch được duyệt, phạm vi ranh giới và quy mô nghiên cứu, phân khu đô thị sông Hồng có diện tích đất khoảng 10.996,16ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. Quy mô dân số đến năm 2030 dự báo tối đa là 300.000 người.

Trong nhiều ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa được xác định là hướng đi đúng đắn, mạnh mẽ, lâu dài.

Tại huyện Mê Linh, nhằm tối đa giá trị văn hóa tại các làng ven sông Hồng, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho hay: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, Mê Linh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện chiến lược phát triển du lịch; Chú trọng du lịch văn hóa tâm linh. Một trong những nội dung đó là quy hoạch tổng thể, tập trung đầu tư, chỉnh trang, tôn tạo các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ví dụ quần thể đền Hồ Đề (thời Đề Nương Công chúa, nằm tại địa phận làng Đông Cao, xã Tráng Việt), hành cung thiết triều ở xứ Đầu Voi...

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Đối với huyện Thường Tín, đầu tháng 6/2002, UBND huyện đã ban hành “Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn huyện Thường Tín”. Huyện Thường Tín xác định “huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa, con người; Trong đó tập trung vào ngành công nghiệp văn hóa để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững; Góp phần xây dựng huyện Thường Tín ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Theo các chuyên gia văn hóa, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Hà Nội còn có nhiều khó khăn, thách thức để phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể là văn hóa làng ven sông. Ví như nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa như một “ngành kinh tế” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội còn khá mờ nhạt; Chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa trong bối cảnh mới. Đáng kể hơn cả, các làng ven sông đa phần thiếu hụt nguồn nhân lực trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật; Thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội hiến kế: “Tôi cho rằng, để các làng ven sông có thể khai thác giá trị di sản văn hóa của mình để phát triển kinh tế - xã hội thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng. Với vai trò và nguồn lực của mình, Nhà nước sẽ ban hành các cơ chế, chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm sự hài hòa với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đó là điều mà doanh nghiệp và tư nhân không thể làm được.

Việc tôn vinh giá trị di sản thông qua ghi danh vào danh sách di sản của thành phố hay quốc gia để tạo hành lang pháp lý cho bảo vệ di sản văn hóa cũng phải có vai trò tích cực từ phía Nhà nước. Cùng với đó, thành phố huy động nguồn lực chung của xã hội, đặc biệt là nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế để phát huy giá trị di sản ở các làng ven sông cũng cần có sự định hướng, chỉ đạo từ phía Nhà nước”.

“Phát triển các làng ven sông không chỉ thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với quá khứ mà còn thực sự đúng với xu hướng phát triển các đô thị có sông trên thế giới. Dòng sông không bao giờ mất đi giá trị của nó đối với con người, thậm chí ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những đô thị có mật độ dân số lớn, phát triển nhanh, cần có những khoảng không gian điều hòa nhịp điệu phát triển. Đó là lý do tại sao chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các không gian sống ven sông, trong đó có các làng quê.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để bảo vệ các dòng sông trước khi trở nên quá muộn. Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến giải pháp các dòng sông cũng cần được bảo vệ giống như những di tích được xếp hạng. Mọi kế hoạch phát triển phải quan tâm đến tác động đối với các dòng sông, cả tác động văn hóa gắn với các dòng sông. Khai thác văn hóa ven sông nên được tiến hành thận trọng để tránh những biến đổi thái quá, mất đi giá trị văn hóa của các làng ven sông, cũng như của chính dòng sông”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Nội dung: Vũ Cường - Nguyễn Hồng Nhung

Để trầm tích văn hóa trở thành sinh kế cho những ngôi làng ven sông…

Phạm Mạnh