eMag azine
07/09/2021 17:46
Doanh nghiệp "đuối sức" trước đại dịch

07/09/2021 17:46

TTTĐ - Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi cung ứng đứt gãy và không ít chỉ còn tiền "sống" dưới 1 tháng.

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đuối sức trước đại dịch

TTTĐ - Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi cung ứng đứt gãy và không ít chỉ còn tiền "sống" dưới 1 tháng.

Nhằm thực hiện "mục tiêu kép", không làm đứt gãy chuỗi sản xuất vì dịch Covid-19, nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất "3 tại chỗ" (sản xuất – ăn – nghỉ tại chỗ) và "1 cung đường, 2 điểm đến" (doanh nghiệp bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân, người lao động ở cùng một địa điểm, tổ chức sản xuất tại một địa điểm và đưa đón họ trên một tuyến đường). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, rất khó để áp dụng lâu dài, bởi thực tế triển khai phương án trên phát sinh nhiều bất cập.

Trong một khảo sát gần đây của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, gần 15.000 doanh nghiệp cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và 15% đã giải thể.

Số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đều trên 71%. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước hiện nay và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.

Gần một nửa doanh nghiệp không dự tính được sẽ phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. Điều này cho thấy họ khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên vật liệu sản xuất...

Theo ông Giáp Văn Thảo (Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất Phú Quang) vào năm 2020 trong đợt giãn cách đầu tiên, công ty đã chủ động các phương án như thu xếp chỗ ở cho công nhân, đảm bảo "3 tại chỗ" giúp đảm bảo xưởng sản xuất hoạt động ổn định. Tuy nhiên, áp dụng "3 tại chỗ" nên kinh phí tăng cao nhưng năng suất chỉ đạt một nửa, nên không có lời. Trong một năm đầy khó khăn, tới đợt giãn cách dài hơi lần này, chuỗi cung ứng thực sự gián đoạn. Doanh nghiệp buộc phải cho phần lớn nhân viên tạm nghỉ việc do nguồn cung ứng nguyên vật liệu gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển.

Doanh nghiệp "đuối sức" trước đại dịch

Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất, 17%. Kế đến là công nghiệp, xây dựng lần lượt 10% và 13%. Số doanh nghiệp xây dựng phải tạm dừng kinh doanh là 76%, phản ánh tương đồng với kết quả khảo sát tình hình việc làm, thu nhập thực hiện trước đó, khi tỷ lệ mất việc của nhóm ngành xây dựng cao nhất so với các khu vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm thời đóng cửa nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.

Doanh nghiệp "đuối sức" trước đại dịch

Đa số doanh nghiệp, trong hơn 1 năm rưỡi qua, đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động. Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã đến giới hạn của mức chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng nhưng không có khả năng trả đúng hạn.

Doanh nghiệp "đuối sức" trước đại dịch

Dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến ngành Du lịch kiệt quệ. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dễ dàng bắt gặp những biển rao bán khách sạn giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Đăng tin rao bán khách sạn tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) với giá 160 tỷ đồng, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết, trước đây, chị bỏ ra gần 200 tỷ đồng mua khách sạn này, giờ dịch bệnh không có khách đành bán chịu lỗ.

Trước đó vào năm 2018, khi thấy được tiềm năng kinh doanh tại khu Tây Hồ, chị Thủy đã quyết định xuống vốn đầu tư. Thời gian trước khi xảy ra dịch, nhất là trong những mùa cao điểm du lịch, chị Thủy có thể đạt doanh thu từ kinh doanh khách sạn 350 - 400 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập đến tình hình kinh doanh khách sạn ảm đạm trong cả năm 2020 và kéo dài đến hiện tại. Dù đã nỗ lực cắt giảm mọi chi phí, giá phòng có thời điểm đã giảm tới 80% nhưng tình hình vẫn không khả quan. Vì vậy, chị Thủy quyết định bán khách sạn để thu hồi vốn, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Theo kênh thông tin của trang batdongsan.com, số lượng thông tin rao bán khách sạn tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, kênh thông tin này không thể xác định được các giao dịch đã đi đến bước nào và có thành công hay không, do không tham gia vào quá trình tương tác giữa bên mua và bán.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, chuyên gia lĩnh vực mua bán, sáp nhập cho biết, nhiều kế hoạch kinh doanh, đầu tư của chủ sở hữu khách sạn trong năm 2021 bị đổ bể do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19.

“Hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, họ mong chờ khá nhiều vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán vì không còn chịu đựng được nữa”, ông Cần nói.

Phạm Mạnh