“Ém” gần nửa tỷ đồng tiền ăn uống, thuê đò của dân
Một góc bến Thượng Lưu
Bài liên quan
Huyện làm không đúng thì phải tự chịu trách nhiệm
Dự án thu hút đầu tư ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An): Buông lỏng kiểm tra, giám sát
Nghệ An: Nhiều bất cập trong phòng chống cháy rừng
Khoản nợ vẫn cứ "im ỉm" sau 5 năm
Bà Lô Thị Hoàn là một trong nhiều hộ dân ở bến Thượng Lưu của đập thủy điện Bản Vẽ xã Yên Na huyện Tương Dương sinh sống bằng nghề vận tải khách đường thủy. Gia đình bà Hoàn thường xuyên chở khách ra vào ba xã vùng lòng hồ như Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn. Mỗi lượt đi mất chừng 2-3 giờ và sẽ phải chi phí trên dưới 1 triệu đồng tiền thuê đò (nếu thuê trọn gói).
Cũng như bao người dân sinh sống vùng lòng hồ, cán bộ huyện Tương Dương đi cơ sở vào các xã lòng hồ đều phải đi đò. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tiền thuê đò được cán bộ huyện này chi trả sòng phẳng hàng năm. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hàng trăm triệu đồng tiền thuê đò đã bị giấu nhẹm. Bà Hoàn bức xúc: “Họ nợ tôi lâu rồi, gần 140 triệu đồng chứ có ít đâu. Tôi đã đi đòi nhiều lần nhưng chưa được”.
Sổ ghi nợ tiền đi đò |
Vừa dứt lời, bà Hoàn vừa lật đật vào nhà trong đưa ra cuốn sổ ký nợ cũ nát để chứng minh lời mình nói. Theo tay bà Hoàn, mỗi trang sổ là rất nhiều chữ ký của cán bộ huyện Tương Dương ký nợ với nội dung đi đâu, số tiền bao nhiêu.
Sau rất nhiều lần cắp nón đi đòi, năm 2016, cán bộ huyện Tương Dương mới tiến hành chốt nợ với tổng số tiền đi đò là 139.575.600 đồng trong thời gian ba năm - 2014, 2015, 2016. Người chốt nợ là ông Nguyễn Đình Khôi – Phó chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Tương Dương. Tưởng chốt rồi sẽ lấy được nợ, ai ngờ từ đó đến nay, UBND huyện Tương Dương vẫn cứ im lặng.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong khoảng thời gian trên, cán bộ huyện Tương Dương còn nợ tiền ăn uống tiếp khách của các nhà hàng trên địa bàn thị trấn Hòa Bình hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả.
Danh sách chốt nợ |
Tại UBND huyện, cả Chánh văn phòng và Phó chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Tương Dương là Trần Văn Toàn và Nguyễn Đình Khôi đều thừa nhận: “Huyện đang còn nợ các hộ dân hàng trăm triệu đồng tiền đi đò và tiền ăn uống tiếp khách. Cụ thể, nợ tiền đi đò bà Hoàn gần 140 triệu đồng và tiền ăn uống tiếp khách hơn 300 triệu đồng”.
Ông Khôi thành thật: “Đúng là tôi có chốt sổ nợ tiền đi đò với bà Hoàn số tiền gần 140 triệu đồng. Còn ông Toản cho hay: “UBND huyện đang giao kiểm tra, rà soát lại lần cuối để biết tổng số nợ như thế nào rồi mới lên kế hoạch trả nợ cho người dân. Tất cả các hộ dân có sổ sách ghi nợ đều phải nộp trước ngày 30/5 để huyện kiểm tra, đối chiếu. Sau thời gian này, huyện sẽ không chịu trách nhiệm”.
Xử lý nghiêm cán bộ làm sai
Theo ông Toản, sau khi có thông tin phản ánh từ người dân về việc huyện đang nợ tiền đi đò và tiền ăn uống tiếp khách, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xác minh. Hiện tại, sự việc cũng đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ thêm.
Khi phóng viên hỏi "Ông đánh giá như thế nào về việc huyện “giấu nhẹm” hàng trăm triệu đồng tiền đi đò và tiền ăn uống tiếp khách?", ông Toản cho biết: "Đúng là công tác quản lý tài chính ở Văn phòng HĐND-UBND huyện có nhiều bất cập; lẽ ra phải báo cáo hàng năm".
Sổ ghi nợ tiền ăn uống |
Khi chúng tôi hỏi tiếp "Tại sao tiền công tác phí của cá nhân thì được thanh toán hàng tháng, hàng năm trong khi tiền đi đò, tiền ăn nợ dân lại không trả?", ông Toản không trả lời được.
Chúng tôi băn khoăn đến việc hàng năm đều phải quyết toán tài chính theo quy định nhưng tại sao không có mục quyết toán tiền đi đò và tiền ăn uống tiếp khách thì ông Toản trả lời: lỗi này là do văn phòng và kế toán không báo cáo lãnh đạo huyện.
Theo ông Toản, quan điểm của UBND huyện là nợ dân thì phải trả và sẽ trả dứt điểm trong năm 2019 này từ việc tiết kiệm chi tiêu. Sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan cảnh sát điều tra, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm các cán bộ làm sai theo phân cấp quản lý.
Điều chúng tôi băn khoăn nhất, lãnh đạo huyện Tương Dương qua các thời kỳ vì sao lại không hề biết đến món nợ xấu này...?