eMag azine
17/08/2024 11:37
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

17/08/2024 11:37

TTTĐ - “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã ghim vào lòng chúng ta những điều rất ý nghĩa nhưng lại giản dị, tự nhiên như hơi thở hàng ngày.

Ý nghĩa

Ảnh trên cùng

Đắm chìm trong không gian thấm đẫm tính nhân văn cao cả, tinh thần tri ân sâu sắc, lòng biết ơn vô bờ với gia đình, Tổ quốc, mỗi khán giả như thấy mình yêu tha thiết cuộc sống này hơn. Một xã hội biết ơn là từng người thấy được vị trí của mình và đóng góp của những người khác để từ đó tự giác hơn, trách nhiệm hơn trong từng hành động, phần việc. “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã ghim vào lòng chúng ta những điều rất ý nghĩa nhưng lại giản dị, tự nhiên như hơi thở hàng ngày.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Tiết tháng 7 rơi vào lòng người những nốt lặng, “điểm chùng”. Đó là khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi đến cùng hơi lạnh kéo những cảm xúc man mác ùa về. Đó cũng là lúc mỗi người con đất Việt có cả một mùa để báo hiếu, trả ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.

Nếu như một năm có 12 tháng cùng 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì với người Việt, mùa Vu lan lại là một mùa không có trong lịch nhưng lại vô cùng quan trọng và không kém phần ý nghĩa. Vẫn biết rằng công ơn trời bể của cha mẹ thì đền đáp biết bao giờ cho xong, chúng ta có dùng cả cuộc đời này cũng không bao giờ báo hiếu được hết.

Dù vậy, mùa Vu lan là để chúng ta tô đậm thêm tình cảm ấy, để những người đã hiếu thảo với cha mẹ thì hiếu thảo hơn, hòa thuận với anh em thì hòa thuận hơn. Còn những người trót vì dòng đời cuốn xô, nhiều mối quan tâm mà xao lãng với đấng sinh thành thì sẽ được lay động tâm can, biết trở về sống đúng với đạo lý của dân tộc; biết chăm lo, hiếu kính mẹ cha khi vẫn còn chưa muộn.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Khi tiếng gọi nội tâm thiết tha nhắc nhở ta trở về bên mẹ cha, với nhiều người, tiết Vu lan không thể thiếu việc đưa song thân đến với “Ơn nghĩa sinh thành”. Hiểu được tấm lòng mong mỏi của khán giả thân thiết, Ban Tổ chức chương trình đã chú tâm từng chi tiết nhỏ để tạo dựng nên những không gian ngập tràn ấm áp và yêu thương trong mỗi mùa Vu lan.

Trước hết, đó là mô-tip và cũng là điểm nhận diện của chương trình; đó chính là không gian “Trở về bên mẹ” và nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Năm nay, bối cảnh được thiết kế cầu kì hơn nhưng vẫn đầy nét tinh tế, toát lên vẻ giản dị, mộc mạc mà thấm đẫm tình quê của bờ tre, mái lá, của cây rơm, của mái tranh với cối xay, chum nước, gáo dừa…

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Không gian "trở về bên mẹ" với đụn rơm, nhà tranh, mái lá...
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Nghi lễ "bông hồng cài áo"

Nơi đó có bóng mẹ ngồi đưa nôi với những câu hát à ơi như mang cả hồn quê theo ta đi suốt cuộc đời. Nơi đó có những ông đồ ngồi cặm cụi bên mực tàu giấy đỏ. Nơi đó là cả bầu trời tuổi thơ với hương ổi, hương cau, buồng chuối, với cổ tích “quả thị thơm cô Tấm rất hiền”…

Đó là không gian của chợ quê với những món ăn, thức uống dân dã mà dù bao năm tháng đi qua, đến với mọi miền đất nước và có thể đặt chân tới khắp năm châu, mỗi khi đứng trước ẩm thực quê hương, chúng ta đều không khỏi rưng rưng, xúc cảm.

“Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi”, mẹ là quê hương, quê hương là mẹ. Tất cả đều in sâu đậm vào tâm trí ta những năm tháng đầu đời và thôi thúc ta quay trở lại nhiều năm tháng sau này.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Không gian thứ hai cũng khắc sâu vào lòng khán giả và có sức mạnh vô bờ của âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật âm thanh, ánh sáng góp phần lay động mỗi con tim, khiến khán giả thổn thức, xúc động.

Lấy âm nhạc để ca ngợi công lao trời biển của bậc sinh thành, những người đi trước, nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ cháu con, chương trình sử dụng các loại hình trình diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp đa dạng giữa âm nhạc, múa nghệ thuật, thơ ca, kịch nói… cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại để truyền đi thông điệp ý nghĩa trong mùa Vu lan báo hiếu.

Phần 1 - Tiết mục khai từ: Hoạt cảnh “Một đời gồng gánh” và bài hát “Đường về nhà” với phần dàn dựng của đạo diễn Mai Thanh Tùng, biên đạo Uyên Chi, âm nhạc Mộc Cầm và đặc biệt là phần thể hiện lời bình trầm ấm, truyền cảm của NSND Lê Chức trên nền biểu diễn của vũ đoàn Oscar, vũ đoàn Lavender, câu lạc bộ Sao Tuổi thơ và ca sĩ Ái Phương là những phút mở màn đầy lôi cuốn, dẫn dắt khán giả ùa vào không gian ngập tràn tình quê hương xứ sở, tình gia đình thương mến bao dung…

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Phần 2 - “Ơn nghĩa sinh thành” không chỉ là đêm nghệ thuật mà là cả một chuỗi hoạt động trong hành trình tri ân, báo hiếu mà Ban Tổ chức thực hiện bền bỉ trong những năm qua. Phần tổng kết các hoạt động ý nghĩa bên lề sự kiện “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã mang tới cho khán giả cái nhìn toàn diện về định hướng an sinh xã hội báo Tuổi trẻ Thủ đô đã làm được.

Phóng sự về những buổi thăm hỏi, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, các cụ già không nơi nương tựa, viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Nội và dọc miền Trung gió Lào cát trắng cho thấy Ban Tổ chức thực hiện bằng tấm lòng và sự thành kính của mình.

Tất cả những điều này nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, biết ơn công lao của tiền nhân, khơi dậy khát vọng hòa bình mãnh liệt trong trái tim mỗi người để họ vươn lên, cống hiến cho Tổ quốc bằng từng việc làm thiết thực và cụ thể, phù hợp với từng địa phương trong cả nước.

Tại chương trình, các nhà hảo tâm cũng trực tiếp trao đến các em học sinh nghèo, không nơi nương tựa những món quà và học bổng có giá trị nhằm động viên các em vững bước tiến vào tương lai với sự đùm bọc, yêu thương của toàn xã hội.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Các nhà hảo tâm trao tặng những phần quà ý nghĩa tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Phần 3 là chương trình nghệ thuật với 3 chương: “Ngày xưa yêu dấu”, “Công cha nghĩa mẹ” và “Lời nguyện cầu”.

Đúng như lời hứa, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương đã mang đến “Ơn nghĩa sinh thành 2024” tấm lòng của “người nhà đối với người nhà”. Hai ca khúc “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý) và “Cha tôi” (An Hiếu) được nữ ca sĩ đất mỏ biểu diễn với tất cả trái tim của mình khiến khán giả như được chìm vào những làn sóng dạt dào của tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con, của con với cha mẹ.

Ca sĩ Lưu Hương Giang khiến khán giả lặng đi vì xúc động thông qua hai ca khúc “Lời ru cho con” (Xuân Phương) và “Ước mơ của mẹ”. Trong khi đó, Minh Quân trở lại với khán giả “Ơn nghĩa sinh thành” bằng tác phẩm “Cha già rồi đúng không" (Phạm Hồng Phước).

Không thể không nhắc đến giọng ca lần đầu tiên đến với sân khấu “Ơn nghĩa sinh thành” Vũ Thắng Lợi nhưng đã khiến khán giả thổn thức bởi hai bài hát “Về thăm mẹ” (Trần Chung) và “Hãy yên lòng mẹ ơi” (Lư Nhất Vũ). Năm 2024 là lần thứ tư Randy biểu diễn tại chương trình nghệ thuật đặc biệt báo hiếu cha mẹ nhân mùa Vu lan với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành”. Nam ca sĩ biểu diễn hai ca khúc “Xin lỗi mẹ” và “Chờ tin cha”. Nếu như “Xin lỗi mẹ” nói về tình mẹ bao la, luôn chở che, thứ tha cho lỗi lầm của người con thì “Chờ tin cha” lại là ước mơ về một gia đình đầy đủ. Thiên đường không phải chốn xa hoa, hào nhoáng mà chính là gia đình đầm ấm luôn đón ta trở về.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Ca sĩ Randy với bài hát sâu lắng về mẹ

Những sáng tác của nhiều thế hệ về tình cảm gia đình được thể hiện qua những giọng ca ở nhiều vùng miền cho thấy dù thời gian trôi qua bao lâu thì những giá trị vĩnh hằng của tình thân yêu, lòng biết ơn vẫn sẽ mãi mãi khắc sâu vào lòng khán giả, được họ yêu mến và trân trọng bởi đó chính là tiếng lòng của mỗi người con trên đất nước này.

Một điểm nhấn khiến khán giả không thể kìm nổi nước mắt và rút ra những bài học sâu sắc cho mình là tiểu phẩm do các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ vẫn luôn là người lo lắng, chở che và theo ta suốt cả cuộc đời. Đứng trước mỗi giông gió, lỗi lầm của cuộc đời, tình cha, tình mẹ sẽ luôn như ánh đuốc sáng soi, thức tỉnh, lay động trái tim để ta trở về với đúng nghĩa làm người. Điều giản dị đó không phải ai cũng nhận ra nhưng khi đã thức tỉnh thì vô cùng sâu sắc.

Nhìn những mùa lá rụng đầy sân

Con sợ lắm, bình yên không còn nữa

Con đủ lớn lao chưa mà lá đã vàng trước cửa

Mỗi sớm mai thương mái tóc điểm sương

Đối với người Việt Nam, Lễ Vu lan và tháng 7, không chỉ là khoảng thời gian để tưởng nhớ công lao cha mẹ, mà đây còn là dịp cả nước thành kính dâng hương, tri ân công lao to lớn của những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, cuộc đời họ đã hóa núi sông nhưng nỗi đau, nỗi nhớ thương của những người ở lại, có những người mẹ vẫn đau đáu về những đứa con mãi mãi không trở về.

Phần giao lưu với Team Lee - nhóm bạn trẻ đã sử dụng công nghệ hiện đại để phục dựng ảnh của các liệt sỹ, mang đến niềm vui cho rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời gian vừa qua cho thấy ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn với thế hệ đi trước, với những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc rất thường trực trong lòng mỗi bạn trẻ.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Phần chia sẻ của đại diện nhóm bạn trẻ với dự án “Hà Nội chung tay” mang đến mái ấm 0 đồng cho người già vô gia cư ở Hà Nội
Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị
Đại diện Team Lee - nhóm bạn trẻ đã sử dụng công nghệ hiện đại để phục dựng ảnh của các liệt sỹ chia sẻ tại chương trình

Trong khi đó, nhóm bạn trẻ với dự án “Hà Nội chung tay”, những chàng trai GenZ đã mang đến mái ấm 0 đồng cho người già vô gia cư ở Hà Nội cho thấy những người yếu thế trong xã hội luôn được bạn trẻ quan tâm và giúp đỡ bằng những hành động cụ thể.

“Khi thực hiện dự án, bản thân chúng em cũng mong muốn lan tỏa một trong những lối sống nhân văn, đó là coi trọng và ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành của người Việt Nam. Các bạn trẻ thế hệ ngày nay đã và đang được sống trong một xã hội phát triển, có đủ những tiềm năng, điều kiện để hội nhập cùng thế giới thì em mong song với đó, các bạn sẽ là một thế hệ luôn hướng mình về cội nguồn, về những người đã sinh thành ra mình. “Ơn nghĩa sinh thành” mang thông điệp sáng đạo con, tròn chữ hiếu. Vì vậy em mong các bạn trẻ chúng ta không cần đợi đến khi thật thành đạt hay có nhiều tiền rồi mới bắt đầu phụng dưỡng cha mẹ mà nên quan tâm và chăm sóc họ ngay từ ngày hôm nay”.

Tâm sự của các bạn chính là lời gửi gắm tới thế hệ trẻ, mỗi người hãy hành động ngay, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể mang đến những niềm vui, những việc làm có ích cho gia đình và xã hội.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Từ nhiều năm nay, thông qua “Ơn nghĩa sinh thành”, báo Tuổi trẻ Thủ đô còn lan truyền đi thông điệp về tinh thần tri ân, hiếu hạnh trong mỗi người. Đó là đạo lý làm người của đồng bào Việt Nam. Đó là một nét vô cùng tinh tế trong cách đối nhân, xử thế của người Hà Nội.

Nâng tầm tri ân, mở rộng đối tượng mà chúng ta biết ơn tới những Anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, những người già có hoàn cảnh neo đơn, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và cả những hoàn cảnh còn khó khăn trong cuộc sống… Đó cũng chính là thể hiện lòng biết ơn vô bờ với cuộc sống hòa bình, yên ổn, phát triển như chúng ta được hưởng bây giờ.

Để có được một đất nước tươi đẹp như hôm nay, biết bao người đã hy sinh xương máu và một phần cơ thể; biết bao bà mẹ đã “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”; biết bao gia đình vì thế mà không còn được đông đủ, vẹn toàn… Chúng ta tri ân họ phải bằng những việc làm cụ thể.

Đó có thể là nghiêng mình thắp nén nhang thơm; đó có thể là lời thăm hỏi, động viên, tặng những món quà đậm đà ý nghĩa; đó cũng có thể là sự chung tay, góp sức để những hố bom xưa được phủ xanh màu, những nơi gặp nhiều khó khăn do chiến tranh được hỗ trợ những nguồn lực để vươn lên, phát triển, những người con của gia đình chính sách được học tập để sau này mang kiến thức xây dựng quê hương, đất nước…

Từng việc tốt sẽ nhân lên những việc tốt, từng tấm lòng sẽ khơi gợi những tấm lòng. Những việc làm, các hoạt động mà chương trình thực hiện là điều mà mỗi chúng ta có thể áp dụng vào với bản thân để cùng lan tỏa những điều tốt đẹp ấy trong cộng đồng.

Những việc làm đó cũng là để làm “mát lòng mát dạ” người sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta và mong chúng ta trở thành người có ích cho xã hội. Thường trực trong lòng mình tình cảm biết ơn với những người xung quanh, chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì để sống xứng đáng với những điều mà người khác làm cho mình.

Không quan trọng đó là việc nhỏ hay việc lớn, chỉ cần chúng ta có suy nghĩ đúng và hành động tương xứng với những người làm việc tốt quanh mình. Biết ơn cái cây cho bóng mát, cho không khí trong lành chúng ta tưới tắm hàng ngày. Biết ơn bông hoa nở buổi sớm cho một ngày ngát hương chúng ta bắt sâu, vun gốc.

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Biết ơn đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn và một thái độ trân trọng. Biết ơn có thể cũng là những việc làm cụ thể để san sẻ âu lo, giúp đỡ đúng lúc, đúng người. Tất cả những điều đó đều phải được xuất phát từ tâm. Đó chính là những điều mà chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” với những chuỗi hoạt động xuyên suốt muốn gửi đến khán giả của mình.

Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã xây dựng nên phương châm hành động về an sinh xã hội, về phong cách thiện nguyện của mình.

Đó chính là xây dựng một không gian của lòng biết ơn bắt nguồn từ cái tâm hướng thiện và lối ứng xử văn minh, lịch sự, trang nhã, sâu sắc của người Hà Nội.

Tin rằng, mỗi khán giả theo dõi “Ơn nghĩa sinh thành” ngày càng thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia và cùng với báo Tuổi trẻ Thủ đô lan tỏa tinh thần ấy với cộng đồng, với đồng bào cả nước.

Cẩm Tú - Phạm Mạnh

Ghim vào lòng những điều ý nghĩa nhưng bình dị

Phạm Mạnh Cẩm Tú