Giải pháp thoát hiểm cho những người sống trong căn nhà ống khi xảy ra cháy, nổ
Lực lượng Cảnh sát PCCC nỗ lực tiếp cận hiện trường vụ cháy căn nhà trên phố Tôn Đức Thắng rạng sáng 4/4 |
Đa số nhà ở đô thị hiện nay đều là nhà ống khép kín, vô tình đẩy những người sống trong nhà vào nguy hiểm khi cháy, nổ xảy ra. Ngày 4/4 vừa qua, tại một ngôi nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ hoả hoạn làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Trước đó vào trưa 4/2/2021, một vụ hoả hoạn đã xảy ra tại một phòng trọ ở ngõ 73 phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội khiến 4 sinh viên tử vong.
Thật đau xót khi nhiều người dân đã bất lực trước việc cứu người ra khỏi khói lửa bởi chính ngôi nhà của các nạn nhân bị khóa chặt; hàng hoá, xe máy bắt lửa đã bịt lối đi. Trong khi tầng tum được hàn khung lồng thép kiên cố khiến người ở trong không phá ra ngoài được, người ở ngoài cũng rất khó vào cứu người bên trong.
Trao đổi với PV về những nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng nêu trên, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết: Hiện các hộ gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh hoặc các chủ cơ sở kho xưởng vẫn chưa nhận thức sâu sắc việc cháy, nổ nên còn cẩu thả trong việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, chính những thiết kế nhà theo dạng hình ống cũng gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy trong công tác cứu nạn.
Theo đại tá Khương, nhà hình ống thường có một lối đi, khó thoát hiểm, thiết kế thường chỉ có 1 cầu thang, khi cháy khói sẽ lan nhanh ra các tầng trên. Ngoài ra do lo ngại bị kẻ gian đột nhập nên chủ nhà thường xây kín đáo và khóa cửa nhiều lớp nên khi có sự cố hỏa hoạn thường không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH |
Từ thực tế trên, đại tá Khương khuyến cáo, người dân sống trong nhà ống hay các hộ gia đình mặt phố liền kề, có cả kết hợp ở với kinh doanh, nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ.
“Người dân khi thiết kế, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở phải có ít nhất 2 lối thoát nạn, khi tình huống xảy ra, lửa khói bao trùm 1 lối thoát nạn, thì còn lối thứ 2 để thoát ra an toàn. Lối thoát nạn thứ 2 có thể nối ban công hoặc trên mái để sang nhà hàng xóm, hoặc từ lồng sắt mà các hộ gia đình phải thiết kế cửa, có khoá để mở chui ra ngoài phòng trường hợp xảy ra hoả hoạn”, đại tá Khương lưu ý.
Đại tá Khương cũng cho biết, trong quá trình xây dựng nhà cần thiết kế hệ thống điện an toàn. Trong quá trình sinh hoạt, đun nấu, thắp hương, sử dụng thiết bị điện cần lưu ý có người kiểm soát, khi kết thúc cần phải ngắt.
Những hộ gia đình kinh doanh cần xếp hàng hóa trong nhà phải đảm bảo ko cản trở lối thoát nạn như cầu thang, lối ra, để trong tình huống khẩn cấp, kể cả ban đêm, vẫn có thể hình dung lối thoát nạn và di chuyển ra nơi an toàn.
Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy ở ngõ 73 phố Tam Khương, phường Khương Thượng |
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho biết, để đề phòng và hạn chế tối đa thương vong khi xảy cháy đối với nhà riêng lẻ mặt đất, nhà hình ống... thì các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra, vào như phần lớn nhà có kiến trúc dạng ống ở các khu đô thị như hiện nay.
Nếu thiết kế khung sắt để chống trộm thì chủ nhà cũng cần thiết kế một khoảng đóng mở. Mỗi căn nhà nên có giếng trời để tạo thông thoáng khi sinh hoạt và thoát khói độc khi xảy ra cháy,” Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho hay.
Cũng theo chuyên gia xây dựng, hiện trạng các căn nhà nằm trong khu đô thị cũ với đặc điểm là ngõ nhỏ, hẹp, khi xảy ra sự cố, lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận. Vì vậy, các hộ dân ở sát nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng để có sự cố, chủ sử dụng căn hộ có thể thoát lên sân thượng và di chuyển sang phần trống bên nhà hàng xóm.
Để phòng ngừa, hạn chế thất nhất các vụ cháy, nổ xảy ra tại các hộ gia đình, thời gian qua Công an TP Hà Nội cũng nhiều lần khuyến cáo người dân: 1. Không để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít và để ở khu vực riêng biệt. 2. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy. 3. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. 4. Phải lắp thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy. 5. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, máy sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện. 6. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. 7. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. 8. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. 9. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. 10. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm. 11. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. 12. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn. 13. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ thiết bị PCCC, trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy (mỗi gia đình nên trang bị ít nhất 1 -2 bình chữa cháy xách tay) và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. 14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC (theo số điện thoại 114) hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện chữa cháy để dập cháy và thoát nạn an toàn. |