![]() |
Dân tộc Việt Nam luôn tự hào về truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Truyền thống đó cũng là điểm tựa cho mỗi người trẻ lớn lên, đánh dấu sự khác biệt của thanh niên Việt Nam với thanh niên các quốc gia, dân tộc khác. Giáo dục chính là con đường ngắn nhất kết nối bền chặt giữa quá khứ và hiện tại cho người trẻ Việt…
![]() |
Sau tranh luận của người dân xoay quanh Lịch sử có nên là môn học tự chọn cho học sinh THPT hay không, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định để Lịch sử là môn học bắt buộc càng khẳng định sự sáng suốt, coi trọng vai trò của giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ, vun đắp nhân cách cho thế hệ trẻ tự tin cất cánh bay cao, bay xa đến với toàn cầu.
Một quốc gia muốn phát triển vững chắc phải đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo. Trong đó, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Giáo dục truyền thống có thể hiểu là chuyển giao một di sản quý báu của dân tộc cho những người trẻ tuổi, để họ có cơ sở hiểu được một quá khứ gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi vinh quang, anh dũng mà bao thế hệ trước đã dấn thân gìn giữ và kiến tạo.
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Mong muốn của Người nhắc nhở chúng ta, bồi dưỡng ý thức cội nguồn dân tộc, thấu hiểu và tự hào về đức tính, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam là nhiệm vụ của người đi trước như thắp sáng, soi đường cho thế hệ tương lai.
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hóa học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 1299, ngày 03/10/2018, ban hành Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018 – 2025; Quyết định số 1895, ngày 11/11/2021, ban hành Chương trình tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên nhi đồng, giai đoạn 2021 – 2030.
![]() |
Cô giáo và học trò trong hoạt động giáo dục truyền thống |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng khẳng định, việc giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là việc hệ trọng và lâu dài. Đây là một nội dung quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng đào tạo mà toàn ngành Giáo dục đang triển khai.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng nhằm tạo dựng cho các thế hệ trẻ có chí hướng ý chí, khát vọng, có trách nhiệm đối với dân tộc, đối với nhân loại.
Những hiểu biết sâu sắc về truyền thống đó sẽ giúp người trẻ biết kế thừa và phát huy phẩm chất quý giá của dân tộc, đồng thời biết phê phán, đấu tranh với những quan niệm, biểu hiện đi ngược với những giá trị tốt đẹp đó. Giáo dục truyền thống còn được hiểu là một vắc xin hữu hiệu tạo ra “kháng thể”, sức mạnh nội sinh để thế hệ trẻ vượt qua mọi cám dỗ, đứng vững trước mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực từng khẳng định: “Khát vọng cống hiến luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ. Khát vọng đó có thể phát triển tích cực, lành mạnh trong môi trường xã hội, đạo đức và nhân văn nhưng ngược lại nó sẽ bị suy giảm, thui chột nếu chịu sự áp đảo của kỹ thuật, công nghệ, sự thiếu vắng, yếu kém của các phẩm chất xã hội về đạo đức, nhân tính. Muốn thanh thiếu niên nuôi dưỡng và phát huy được khát vọng cống hiến, góp sức vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước cần phải tìm kiếm và áp dụng các giải pháp phù hợp với bản thân họ và tương thích với sự đòi hỏi, mong đợi của xã hội".
Những quy tắc, chuẩn mực đạo đức trở thành tiêu chí định hướng nhân cách và chỉ đạo hoạt động, giúp mỗi người nhận thức được giá trị chân - thiện - mỹ. Do đó, giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc phải được quán triệt trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, giáo dục từ nhà trường chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.
![]() |
Hiện nay, giáo dục truyền thống là một trong những nội dung được các nhà trường đẩy mạnh thực hiện bằng đa dạng hình thức.
Cùng với các trường học trên địa bàn Thủ đô, Ban Giám hiệu trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã xây dựng các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống theo từng tuần, tháng, theo chủ điểm năm học. Nhà trường còn mời chuyên gia đến trường trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động tập thể, hay giờ sinh hoạt lớp để chia sẻ kinh nghiệm quý, bài học hay cho từng khối lớp, phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng học sinh.
Trường phối hợp cử học sinh sang chăm sóc di tích lịch sử tại phường, giúp các em hiểu rõ truyền thống lịch sử địa phương; Phân công giáo viên tận dụng nguồn internet bổ sung kho dữ liệu về truyền thống, xây dựng thư viện mở để thu hút học sinh tiếp cận với các tài liệu giáo dục của trường. Các lớp tổ chức sinh hoạt dưới cờ như đóng kịch, múa hát, diễn hài, mời học sinh giỏi tài năng của khóa trước về trao đổi với học sinh của lớp...
Cô Đinh Thị Hồng Châm, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh cho hay: “Trường THCS Thái Thịnh đã nghiên cứu nội dung của các tiết học như Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý của khối 6 và 7; Hướng nghiệp của khối 8, 9 thành các chuyên đề để tổ chức đưa học sinh đến bảo tàng, di tích trải nghiệm.
Giáo viên bộ môn là người hướng dẫn, thuyết minh viên để định hướng cho học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức, đồng thời sáng tạo, linh hoạt lồng ghép việc giáo dục truyền thống thông qua việc khám phá các hiện vật cụ thể. Từ đó giúp học sinh được tiếp cận nhiều chiều để các em tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, kiến thức mới cho bản thân”.
![]() |
Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, thanh niên Thủ đô |
Từ vùng đất miền Tây Nam Bộ, cực Nam đất nước, thay cho những tiết học khô khan, chỉ tiếp thu kiến thức qua việc “cô nói - trò nghe”, cô Võ Ngọc Trí (giáo viên môn Lịch sử, trường THCS Lý Tự Trọng, phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An) chuẩn bị rất kỹ các giáo án, sưu tầm tranh ảnh, tài liệu minh họa để các bài học, sự kiện lịch sử thu hút học sinh. Các em không chỉ tiếp thu kiến thức đơn thuần, một chiều mà phải có sự tương tác, khơi gợi niềm say mê, hứng khởi trong học tập để các tiết học không còn nhàm chán. Muốn vậy, giáo viên phải thực sự là người “truyền lửa”.
Cô Trí chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, tôi chú trọng nhấn mạnh về truyền thống đánh giặc giữ nước, giúp các em có thể xâu chuỗi sự kiện, ghi nhớ bài học lâu dài với các mốc lịch sử quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cũng lồng ghép giới thiệu về những di tích lịch sử tại địa phương, để tạo sự gần gũi và lan tỏa tình yêu quê hương đối với các em”.
Tại tỉnh Bình Định, trường THCS Tây Sơn (phường Thị Nại, thành phố Quy Nhơn) được xem là nơi có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức mang tính thiết thực, hiệu quả cao. Trong các năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Liên đội, giáo viên tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh bằng các hình thức trực quan, sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập. Theo đó, không chỉ nghe giảng những kiến thức lịch sử trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước trong những buổi ngoại khóa hay các cuộc thi…
Em Lê Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh trường THCS Tây Sơn chia sẻ: “Được tham quan, sinh hoạt tại các di tích lịch sử, em có thêm nhiều kiến thức và cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, địa phương. Đặc biệt, các nhân vật lịch sử là những tấm gương sáng để em học tập, noi theo. Em luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt, sau này góp phần nhỏ xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước để hôm nay chúng em được sống, học tập trong hòa bình”.
Với Quỳnh Anh mỗi tiết học về truyền thống như là chuyến tàu trở về với quá khứ anh dũng và hào hoa của dân tộc. Mỗi địa chỉ đỏ là điểm đến hấp dẫn trong chuyến tàu đầy ý nghĩa đó…
![]() |
![]() |
Bằng cách làm sáng tạo như tái chế rác thải thành bảo tàng lịch sử mini, làm video clip kể về người anh hùng yêu mến… những bài học lịch sử, tiết giáo dục công dân đến với học trò Thủ đô sinh động, trực quan, dễ nhớ, dễ hiều hơn. Từ những tiết học sáng tạo đó, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
“Bảo tàng mini” là mô hình độc đáo do thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên môn Giáo dục công dân trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Bí thư Đoàn trường, giáo viên môn Giáo dục công dân trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) sáng tạo. “Bảo tàng mini” mô phỏng một bảo tàng như thực tế, có chức năng sưu tầm, bảo quản, giới thiệu về lịch sử, vắn hóa, con người giúp học sinh học tập tốt hơn. Mọi mô hình trong bảo tàng đặc biệt này đều được làm từ… rác thải.
"Việc đổi mới giáo dục theo "Chương trình giáo dục phổ mới" đang được tất cả các trường thực hiện. Việc đổi mới hướng tới hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh; Ứng dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, trực quan, hiện đại vào học tập gắn liền với hoạt động trải nghiệm. Mặt khác, lịch sử là môn học “khó nhằn” với nhiều học sinh nên chúng tôi luôn mong muốn mang đến cho các em những tiết học sinh động, dễ hiểu dễ nhớ.
“Bảo tàng mini” hoạt động với cơ chế trải nghiệm “hành động và cảm xúc” cho người học, tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh", anh Hữu Quyết chia sẻ.
“Bảo tàng mini” đồ dùng học tập bằng rác thải mô phỏng một bảo tàng như thực tế. Không gian của bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu: Văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống, các mô hình, sa bàn lịch sử, bản đồ, tranh ảnh, hình học... Tất cả đều được làm từ rác thải.
Trong các tiết học Lịch sử, Giao dục công dân, thầy cô trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều sử dụng mô hình này giảng dạy cho học sinh. Người học cũng là khách tham quan sẽ được trải nghiệm và có cái nhìn thực tế từ chính những hình ảnh, vật thể sinh động tại bảo tàng. Những bài học về lịch sử, địa lý… cũng được học sinh dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu hơn.
![]() |
Bên cạnh đó, người học còn là những hướng dẫn viên, tuyên truyền viên của bảo tàng trong việc phát huy quan điểm lấy người học làm trung tâm gắn với việc đổi mới giáo dục hiện nay. Cùng với làm bảo tàng, thầy Quyết và các đồng nghiệp đã khảo sát tại 30 trường THPT, 2 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và thu được kết quả rất tốt. 85% trên tổng số 957 học sinh và giáo viên tham gia khảo sát cho rằng: Việc giáo dục thông qua trải nghiệm, xây dựng không gian bảo tàng mini, trưng bày về đồ dùng học tập, dạy học tái chế là rất quan trọng và cần thiết. Trong quá trình phỏng vấn, nhóm cũng nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên và học sinh về sáng kiến trên trong việc đổi mới phương pháp dạy học, gắn hoạt động học với thực tiễn, thay đổi nhận thức, hành động của người học; Nếu mô hình này nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả, giá giá trị cao… Em Nguyễn Phương Uyên, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: “Lịch sử chứa đựng rất nhiều sự kiện, con số, mốc thời gian… vì thế với nhiều học sinh đây là môn học khô khan, khó nhớ. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của thầy cô, các tiết học trở nên thú vị, dễ nhớ hơn. Niềm tự hào về quê hương đất nước, lịch sử dân tộc trong mỗi học sinh được bồi đắp và biết nỗ lực phấn đấu hơn”. “Bảo tàng mini” giúp tiết kiệm chi phí mua đồ dùng học tập, giảng dạy. Vì thế, thầy giáo Quyết và các đồng nghiệp không chỉ xây dựng “bảo tàng mini” đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng mà còn nhân rộng ra nhiều nơi.
Thấu hiểu điều đó, trường Tiểu học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng có nhiều cách làm sáng tạo tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh bằng các hình thức trực quan, sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập. Trong đó, cuộc thi “Người anh hùng trong trái tim em” về việc xây dựng video clip giới thiệu, nêu cảm nghĩ về một người anh hùng đã được học, đọc qua sách báo, đã thu hút đông đảo học sinh trường Tiểu học Xuân Đỉnh tham gia. Hàng trăm video clip với nội dung sâu sắc đã được gửi về. Ở đó, các em không chỉ thể hiện sự hiểu biết mà cả tình cảm tri ân những người anh hùng dân tộc. Theo cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đỉnh, với mục đích tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc; Giáo dục cho học sinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn – Đền ơn đáp nghĩa”; Thể hiện đạo lý và tấm lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, trường Tiểu học Xuân Đỉnh tổ chức cuộc thi “Người anh hùng trong trái tim em”. Với việc làm video (clip) giới thiệu, nêu cảm nghĩ về một người anh hùng đã được học, đọc qua sách báo hay xem trên truyền hình để lại ấn tượng và cảm xúc nhất, cuộc thi thực sự thu hút các em học sinh. Để hoàn thành các video các em còn nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ, bạn bè. Vì thế, những thông điệp nhân văn, tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc càng được lan tỏa.
|
Là một trong những thí sinh có video clip được đánh gia cao, em Nguyễn Việt Hưng, lớp 5A12, trường Tiểu học Xuân Đỉnh chia sẻ: “Trong video em kể về anh hùng Phan Đình Giót. Để thực hiện được video em không chỉ tìm đọc về anh hùng Phan Đình Giót mà cả những bài học lịch sử liên quan. Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là những người chiến sỹ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèm pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Câu chuyện về những người anh hùng khiến em vô cùng tự hào và xúc động. Khi thực hiện video em đã lan tỏa niềm tự hào đó đến với các bạn học sinh khác”. Với học trò Nguyễn Thục Trinh, cuộc thi hấp dẫn không chỉ bởi được trau dồi kiến thức lịch sử vẻ vang hào hùng của dân tộc mà còn là cơ hội rèn luyện sự tự tin, kĩ năng thuyết trình . “Cuộc thi mang lại cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích, còn giáo dục lòng biết ơn sâu sắc tới những thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập tự do của đất nước. Được bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn để sau trở thành những công dân có ích’, Thục Trinh cho biết.
Ởnhững vùng núi, biên giới, hải đảo, dù có ít học trò nhưng các thầy cô vẫn lồng ghép giáo dục truyền thống bằng nhiều cách khác nhau. Qua đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, giá trị truyền thống cho các em.
Các em học sinh ở đảo có đặc thù là đến từ rất nhiều vùng miền, địa phương khác nhau, theo bố, mẹ ra đảo làm ăn sinh sống nên mang theo nhiều phong tục tập quán. Do đó công tác dạy học cho trẻ tham gia các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần trách nhiệm, các thầy cô nhà trường thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2008, cô Lưu Thị Thoa xung phong xin ra đảo Bạch Long Vĩ giảng dạy. Tại đây, cô được phân công dạy lớp Mầm non của trường Tiểu học - Mẫu giáo Bạch Long Vĩ. Trong những năm qua, cô Thoa được Ban Giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy, chăm sóc lớp mẫu giáo ghép 3-5 tuổi.
|