TTTĐ - Hôm nay (8/8) Sở GTVT TP Hà Nội tiếp tục thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, bỏ qua hướng dẫn của lực lượng chức năng, nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy vẫn di chuyển vào làn ô tô khiến giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi lộn xộn trong ngày thứ 3 thí điểm phân làn. Đây là ngày đầu tuần nên lượng phương tiện lưu thông sẽ tăng đột biến, từ đây cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn chính xác nhất để tinh chỉnh, đánh giá trong thời gian thí điểm.
Từ ngày 6/8, Hà Nội thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi trong thời gian 1 tháng (từ ngày 6/8 đến 6/9/2022) nhằm đánh giá hiệu quả trước khi xem xét nhân rộng. Đây là khu vực thường xuyên kẹt xe, số lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Theo đó, phân làn theo hướng: 2 làn sát vỉa hè sẽ cho phép xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; Làn 3, 4 làn sát dải phân cách dành riêng cho ôtô.
Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh phân làn bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô bằng lốp, hàng rào di động...) kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
Ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô sáng 8/8, tình trạng giao thông trên đường Nguyễn Trãi vẫn lộn xộn, ôtô và xe máy "tranh" đi vào làn của nhau. Sở GTVT Hà Nội phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông bố trí lực lượng túc trực tại các điểm vào dải phân cách để điều phối, chỉ dẫn cho các phương tiện đi vào đúng làn đường.
Dù lực lượng chức năng đã liên tục nhắc nhở nhưng do lượng phương tiện lưu thông quá lớn nên nhiều người chọn cách "đi sai luật". Ở những đoạn đường không có dải phân cách cứng, ô tô và xe máy lại "nhập thành một làn", như chưa từng có việc phân làn trước đó.
Giao thông ùn ứ kéo dài trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) |
Ông Nguyễn Văn Đặng (75 tuổi, ở Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết việc phân làn trên là ý tưởng tốt, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế.
"Ở đường Nguyễn Trãi có rất nhiều đường rẽ, chung cư, nếu để dải phân cách cứng thì người dân muốn chuyển làn vào các con ngõ, khu chung cư thì không thể rẽ được. Câu hỏi đặt ra ở đây là người dân đi tới chỗ nào để quay lại, nếu tới các ngã rẽ mà bỏ dải phân cách để người dân rẽ vào thì cũng không được, vì khi chuyển làn tại đây chắc chắn sẽ xảy ra ùn tắc. Vì vậy, tôi cho rằng phải nghiên cứu kỹ, nếu không thì được cái này sẽ mất cái khác", ông Đặng nói.
Ông Đặng cho rằng giải pháp phù hợp là nên để dải phân cách mềm, kèm camera giám sát những trường hợp đi sai làn để có chế tài phù hợp.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thông tin lý do chọn tuyến đường Nguyễn Trãi để thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng là bởi đây là tuyến trung tâm, có mật độ giao thông lớn. Ngoài ra, trên tuyến có nhiều tuyến đường giao cắt, ngõ và khu dân cư, chung cư... nên người tham gia giao thông lớn. Chính vì vậy việc thí điểm này kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc tại tuyến đường trên.
"Việc thí điểm tại tuyến đường Nguyễn Trãi nếu làm giảm tình trạng ùn tắc sẽ là cơ sở để Sở Giao thông vận tải triển khai ở những tuyến tiếp theo. Trong thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân tham gia giao thông chấp hành. Sau thời gian thí điểm, nếu người dân không đi đúng làn thì sẽ có những biện pháp xử phạt, đảm bảo người dân tuân thủ pháp luật", ông Bảo nói.
Về những bất cập khi đặt dải phân cách cứng xuyên suốt tuyến, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng trên cơ sở khảo sát thực trạng, phương án của sở sẽ bố trí dải phân cách không liên tục để tạo điều kiện cho người dân chuyển hướng và quay đầu.
Bài viết: Phạm Mạnh |