Hà Nội: Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công trong vòng vây Covid-19

TTTĐ - Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, do đó, ngành giáo dục đã xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn trường thi - an toàn phòng dịch.

Các sĩ tử sinh năm 2003 là lứa thí sinh đặc biệt bởi đã trải qua hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khác với năm trước - năm nay kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, việc học liên tục bị gián đoạn. Không phải không có những bất an và nỗi lo, mặc dù vậy, mọi cố gắng cho kỳ thi đã được thực hiện.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Với hơn 101.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tới 1/10 tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước, lại diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân cho công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với quyết tâm bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh và những người tham gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã thành lập 188 điểm thi, với 4.235 phòng thi; Huy động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Để triển khai Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; Xây dựng, công bố đề thi tham khảo. Đề thi tham khảo đã có sự cân đối, tính toán tới 2 năm học bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Làm sao vừa ứng phó được với dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng đã được Bộ GD&ĐT xây dựng các phương án và kịch bản tổ từ rất sớm, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh".

Sẵn sàng lực lượng ứng trực xử lý tình huống đột xuất

Để bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19, các địa phương đều đã bố trí điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm để sử dụng khi cần thiết; Bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế (những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế) ở mỗi điểm thi và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất.

“Có nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn điểm thi cũng đã được các địa phương chuẩn bị để thực hiện trong những ngày tổ chức kỳ thi. Chính vì vậy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song các em học sinh và những cán bộ làm thi có thể yên tâm để bước vào kỳ thi quan trọng này”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.

Thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp đợt 1

Đến chiều 8/7, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kết thúc và được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, đúng quy chế. Diễn ra trong thời điểm Hà Nội và cả nước gắng sức chống lại dịch Covid-19, kỳ thi này đã để lại dấu ấn khó quên.

Có được kết quả này là do thành phố đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm các biện pháp phòng dịch, diễn tập tình huống tại tất cả các điểm thi… đến việc kiểm tra, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Hà Nội: Kỳ thi thành công trong "vòng vây" Covid-19Ở môn thi đầu tiên, đề thi Ngữ văn năm nay thu hút sự quan tâm của dư luận, được đánh giá vừa sức với thí sinh, bám sát chương trình sách giáo khoa, đòi hỏi các mức độ nhận thức, nhất là có tính phân loại học sinh cao. Với đề thi này, học sinh có học lực trung bình, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5 đến 6 điểm, đủ để xét tốt nghiệp THPT, học sinh khá có thể đạt 7 điểm, học sinh giỏi có thể đạt từ điểm 8 trở lên.

Câu hay nhất trong đề thi môn Ngữ văn năm nay chính là câu nghị luận xã hội về việc cần thiết phải biết sống cống hiến. "Ðề thi môn Ngữ văn năm nay đưa ra vấn đề sống và cống hiến, rất phù hợp với các bạn trẻ. Nhất là trong thời điểm hiện nay, những người trẻ cần có nhiều hành động để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội nhiều hơn", thí sinh Nguyễn Hà Phương, tại điểm thi trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Ðống Ða) chia sẻ.

Ðề thi tốt nghiệp THPT môn Toán được nhiều thí sinh, giáo viên đánh giá là khá nhẹ nhàng, vừa sức đối với học sinh trong 40 câu đầu; Phân loại ở 10 câu cuối, trong đó 5 câu cuối là khó nhất nhưng đều là các dạng bài quen thuộc, không có dạng bài lạ. Ðề thi giống với cấu trúc đề thi minh họa, kiến thức tập trung trong chương trình lớp 11 và 12.

Hà Nội: Kỳ thi thành công trong "vòng vây" Covid-19Bước ra đầu tiên từ điểm thi THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội), em Vũ Minh Hiếu nhận định đề tiếng Anh năm nay khá dễ, vừa sức với học sinh. Chỉ có một vài câu liên quan đến thành ngữ dễ bị đánh lừa, riêng phần đọc hiểu dễ ghi điểm. Hiếu tự tin được 9 điểm.

Cô Trần Hồng Hạnh (giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng) đánh giá đề thi năm nay ở mức độ cơ bản, “khá dễ chịu” đối với hầu hết thí sinh. Cấu trúc đề bám sát chương trình phổ thông và đề thi minh họa. Số lượng câu phân loại khoảng 8 - 10 câu, do đó không khó để thí sinh đạt trên 8 điểm.

Ngày cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra với bài thi tổ hợp và tiếng Anh. Phần thi được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với ngày thi đầu tiên; Tâm trạng của các thí sinh vui tươi, phấn khởi hơn.

Nhìn chung, trong hai ngày thi, tại 188 điểm thi trên địa bàn thành phố không xảy ra những sự việc bất thường, nghiêm trọng. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông được các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện tốt.

Ðiểm đáng ghi nhận là công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi đều được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống phức tạp do dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trải qua hai ngày thi, tỷ lệ thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT giảm so với năm ngoái.

Bài viết: Phạm Mạnh