TTTĐ - Mùa hè không chỉ có những trái mận, đào, vải thơm ngon mà bên cạnh đó sấu cũng là thứ quả đặc trưng. Mùa sấu cũng là một trong những mùa của Hà Nội. Cứ vào khoảng đầu tháng 6, sấu non bắt đầu ăn được là bao nhiêu món ăn với sấu non được dịp "làm mưa làm gió". Chỉ khoảng cuối tháng, sấu bắt đầu già, rồi chín... thế là từ đầu đến cuối mùa lại có bao nhiêu món ngon từ sấu ra đời.
Quả sấu chỉ xuất hiện vào những tháng mùa hè ở miền Bắc đặc biệt là có nhiều ở Hà Nội. Sấu có thể dùng để nấu canh chua, ngâm đường làm nước uống giải khát mùa hè, ngâm mắm để ăn với cơm hay làm ô mai, sấu dầm như một loại thức ăn vặt.
Mùa sấu dài nhưng đợt sấu non thì ngắn ngủn. Nếu dạo qua các con phố như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo... bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hàng sấu lâu năm và những trái sấu xanh ngắt ẩn hiện trong vòm lá. Khi chùm quả bắt đầu định hình, chỉ tầm đôi tuần là hạt sấu đã già cấc, cùi vỏ cũng cứng câng. Sấu non không chua gắt mà dịu dàng cái vị thanh thanh, chỉ vừa đủ để đầu lưỡi ứa nước.
Cây sấu là giống cổ thụ, không đến nỗi hiếm hoi nhưng chỉ có vài con đường Hà Nội còn dãy sấu dày phủ bóng xum xuê. Những trưa hè nắng bỏng rát, bước vào khoảng không gian được tán sấu chở che chợt thấy tâm trạng dịu dàng hẳn lại. Khi rảnh rỗi, chăm chú xem người đi hái sấu mà vừa thích thú vừa tò mò.
Mùa sấu thường chỉ kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8 |
Nếu như đầu mùa, sấu non có giá lên tới cả trăm nghìn đồng/kg thì vào thời điểm này, sấu xuất hiện ở khắp các chợ dân sinh hay chợ online với giá bán “siêu rẻ”, chỉ từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Đây cũng được coi là thời điểm quả sấu ngon nhất, nhiều cùi nhất nên được các chị em tranh thủ mua về tích trữ.
Chị Hoài, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nào vào giữa tháng 6 chị cũng phải mua cả yến sấu về làm đủ món vì đây là thời điểm sấu bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, làm món gì cũng ngon.
“Sấu tôi đặt mua người ta cạo sẵn vỏ, về ngâm khoảng 5kg với đường và vài lát gừng làm nước sấu, cả nhà uống giải khát quanh năm. Số còn lại chia thành từng túi nhỏ, cho vào ngăn đông để thi thoảng nấu canh chua hay làm vịt om sấu”, chị Hoài nói.
Người dân thường mua sấu để trữ, sử dụng quanh năm |
Cũng thường chọn mua sấu bánh tẻ về cấp đông ăn dần, chị Thanh Hà, trú tại An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, nếu sấu quá non thì giá rất cao, quả nhỏ còn khi sấu đã già thì hạt to, cùi mỏng, không ngon bằng sấu bánh tẻ.
“Đầu vụ và cuối vụ bao giờ sấu cũng đắt nên thời điểm này giá bắt đầu rẻ, hạt chưa có độ cứng, màu trắng và có thể nhai được, cùi mỏng và không bị chua gắt nên tôi năm nào mua ít cũng 4 - 5kg, nhiều thì cả chục cân về ăn dần. Mùa hè chỉ cần cốc nước sấu đá hoặc cho vài quả vào nồi nước rau muống luộc là mát ruột”, chị Hà chia sẻ.
Nhiều món ngon lạ miệng từ trái sấu |
Thường bán hoa quả theo mùa nên đến mùa hè, chị Hoàng Thị Nhung, trú tại Vũ Ngọc Phan (Đống Đa, Hà Nội) lại nhập sấu về bán.
Chị Nhung cho biết, cách đây một tháng, sấu non vừa hiếm vừa đắt, tới 120 nghìn đồng/kg nên chỉ có ai đặt chị mới dám lấy. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây, chị bán sấu bánh tẻ tại cửa hàng chỉ 19 nghìn đồng/kg. Giá rẻ nên mỗi ngày chị bán được từ 1 - 2 tạ sấu là chuyện bình thường.
Thứ đặc sản này năm nào cũng là món quà được thực khách săn đón vì khoảng thời gian sấu non tới lúc chín rất ngắn. Khi mùa thu đi qua cũng là lúc những trái sấu vắng bóng trên những tuyến phố, nếu muốn thưởng thức hương vị đặc biệt này, có khi thực khách phải mất tới cả năm chờ đợi.
Phạm Mạnh |