eMag azine
03/07/2021 08:00
Hà Nội: Nới lỏng giãn cách nhưng không để gia tăng vi phạm nồng độ cồn

03/07/2021 08:00

TTTĐ - Sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, hàng quán mở cửa trở lại, nhiều người dân sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông, đặc biệt là về nồng độ cồn.

Hà Nội

TTTĐ - Sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, hàng quán mở cửa trở lại, nhiều người dân sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông, đặc biệt là về nồng độ cồn.

Tại khu vực xung quanh cầu Đuống, nơi tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng, sau khi có lệnh nới lỏng từ thành phố, các quán đã mở cửa trở lại đón khách. Nhiều người dân đã đến sử dụng dịch vụ. Cũng từ đây, nhiều người đã chủ quan, điều khiển phương tiện giao thông sau khi vừa uống rượu bia.

Chiều 2/7, Tổ công tác Đội CSGT số 5 đã bố trí lực lượng chốt chặn tại một số địa điểm để kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực đê Gia Thượng (quận Long Biên, TP Hà Nội). Chỉ trong buổi trưa, nhiều trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản. Một số thì cố tình né tránh, chống đối kiểm tra vi phạm và tất cả đều viện lý do để bao biện cho hành vi của mình.

Hà Nội: Nới lỏng giãn cách nhưng không để gia tăng vi phạm nồng độ cồn

Cán bộ thuộc Tổ công tác đã dừng xe máy do một người đàn ông đứng tuổi cầm lái di chuyển trên cầu Đuống hướng về phía nội thành Hà Nội để kiểm tra. Qua kiểm tra nhanh, nồng độ cồn của ông Nguyễn Trường T (60 tuổi) là 0,126mg/l khí thở. Sau khi bị CSGT lập biên bản vi phạm, ông T liên tục giải thích rằng mình có uống một chút rượu từ sáng để ăn cơm cho trôi.

"Tôi cũng cẩn thận ngủ 1 giấc trước khi đi làm rồi nhưng không hiểu sao vẫn bị dính phạt nồng độ cồn", ông T thanh minh.

Tuy vậy, người đàn ông này sau khi được tuyên truyền về pháp luật cũng vui vẻ đồng ý ký vào biên bản vi phạm.

Trung tá Đoàn Văn Thắng (Đội CSGT số 5, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, với vi phạm trên, ngoài việc phạt tiền, ông T còn bị tạm giữ xe máy lên đến 7 ngày theo quy định. Sau đó, đơn vị chức năng sẽ ra quyết định xử phạt.

Tiếp tục thực hiện kiểm soát tại khu vực đê Gia Thượng, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Anh Chu Tiến Học (46 tuổi, tài xế xe buýt tuyến 15 thuộc Hanoibus) sau khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn cho biết: "Tôi rất đồng tình với việc kiểm tra nồng độ cồn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Đối với lái xe thì an toàn là trên hết nên mình nên tuân thủ tuyệt đối theo quy định của pháp luật, không nên uống rượu bia khi lái xe".

Trung tá Đoàn Văn Thắng (Đội CSGT số 5, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết: "Đối với các trường hợp cho rằng vi phạm nồng độ cồn ở mức rất nhỏ là bình thường thì chúng tôi kiên trì tuyên truyền cho người dân hiểu. Các vi phạm đều có khung quy định, mức độ thấp thì sẽ xử lý thấp, mức độ cao thì xử lý cao".

Vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, trong tháng 6/2021, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 10.060 trường hợp vi phạm, qua đó phạt tiền gần 50 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe đối với 6.394 trường hợp.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400 - 600 ngàn đồng.

Hoa Thành - Phạm Mạnh