Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nóng diễn ra hàng ngày, hàng giờ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hưởng ứng "Tháng hành động vì ATTP" năm 2023, 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động qua các lớp tập huấn, phát thanh loa, đài, băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi... đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm nghiêm chỉnh chấp hành các quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đồng thời, các quận, huyện tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn cho người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn... Tại lễ phát động của các quận, huyện, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện tốt bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được các địa phương tăng cường triển khai, nhằm kịp thời ngăn chặn những trường hợp vi phạm về ATTP.
Tại Hà Nội, 4 đoàn liên ngành đã kiểm tra việc triển công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhân Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15/4 - 15/5/2023) tại các quận, huyện, thị xã được phân công, kiểm tra ATTP tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra của các đoàn liên ngành về ATTP từ ngày 15/4 - 15/5, bốn đoàn đã kiểm tra tổng cộng 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống (trong đó có 10 bếp ăn tập thể trường học, 2 siêu thị, 5 nhà hàng, 1 cơ sở chế biến suất ăn sẵn, 11 cơ sở sản xuất thực phẩm, 5 cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm).
Kết quả kiểm tra cho thấy 14/22 cơ sở đạt, 7 cơ sở chưa xuất trình giấy tờ, 13 cơ sở có vi phạm về ATTP. Nguyên nhân những lỗi trên do chủ các cơ sở chưa nắm bắt cũng như cập nhật thường xuyên về các quy định ATTP, bên cạnh đó nhiều cửa hàng cũng vì ham lợi nhuận cao mà bất chấp vi phạm các vấn đề về ATTP.
Theo ông Đặng Thanh Phong - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Tháng hành động vì ATTP năm 2022 có chủ đề "Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới". Tuy nhiên qua đợt kiểm tra này, nếu thấy có vấn đề vi phạm ATTP nào nổi cộm thì Ban Chỉ đạo đảm bảo ATTP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên.
Các cơ quan thẩm quyền thuộc địa bàn mình quản lý cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm tra về ATTP không chỉ trong tháng cao điểm mà phải phải xác định công tác này là thường xuyên, liên tục và xử lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi, cũng như sức khỏe cho người dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được duy trì, thường xuyên liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân đảm bảo ATTP. Việc kết hợp giữa tuyên truyền mang tính chất khuyến khích, hướng dẫn với tuyên truyền mang tính răn đe đã phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo ATTP.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra thực tế công tác đảm bảo ATTP tại trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa) |
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: "Công tác kiểm tra ATTP phải thường xuyên, liên tục. Cũng như phòng chống dịch cứ lơ là một chút sẽ bùng dịch lên ngay. Không phải chỉ trong Tháng ATTP này mà từ giờ tới cuối năm, các lực lượng liên quan phải liên tục bám sát tình hình ATTP trên địa bàn".
Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo ATTP tại các sự kiện, hội nghị lớn của quốc gia. Theo đó, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6/2023. Ngay khi có thông tin, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-SYT về việc bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra 2 đợt để phục vụ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở phục vụ đại biểu Quốc hội |
Ngay sáng 18/5, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các đơn vị liên quan đã phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở phục vụ đại biểu Quốc hội. Hai đơn vị là Khách sạn Quân đội (số 1A Nguyễn Tri Phương) và Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương được lựa chọn kiểm tra đầu tiên.
Tại Khách sạn Quân đội, đại diện khách sạn cho biết dự kiến phục vụ ăn nghỉ đối với khoảng 140 - 145 đại biểu. Bếp của khách sạn hiện có 27 nhân viên phục vụ, chia thành 3 ca đã được khám sức khỏe định kỳ, đồng thời được tập huấn kiến thức về ATTP. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã lấy mẫu bát, đĩa để kiểm tra độ sạch; Đề nghị khách sạn tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh khu bếp, bổ sung lưới chắn côn trùng, vệ sinh sạch dụng cụ chế biến, bát đĩa đựng thực phẩm.
Đối với Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, dự kiến địa điểm này phục vụ hơn 100 đại biểu. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã nhắc nhở và yêu cầu khắc phục ngay một số vấn đề còn tồn tại gồm: Tổng vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu vực bếp (sàn bếp, tường, trần, cống thoát nước, tủ đựng dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh kho lạnh và kho khô chứa thực phẩm, bát đĩa…); Lưu mẫu thức ăn cần theo đúng hướng dẫn về kỹ thuật lưu mẫu (số lượng, hộp lưu mẫu, thời gian, người thực hiện và niêm phong mẫu). Đại diện đơn vị được kiểm tra đã nghiêm túc tiếp thu, đồng thời cam kết sẽ khắc phục ngay theo yêu cầu của đoàn.
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra tại bếp ăn Khách sạn Quân đội (số 1A Nguyễn Tri Phương) |
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Việc kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các kỳ họp Quốc hội. Công tác y tế, trong đó có vấn đề đảm bảo ATTP cho đại biểu ăn nghỉ tại các cơ sở phục vụ trên địa bàn Hà Nội luôn được đăt ở mức cao.
Cuộc kiểm tra lần này vừa mang tính chất kiểm tra các cơ sở sẵn sàng phục vụ các Đại biểu, vừa hỗ trợ các đơn vị đảm bảo ATTP tốt hơn. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đoàn liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất các cơ sở phục vụ Đại biểu Quốc hội và giám sát chặt chẽ, hậu kiểm đối với các cơ sở để đảm bảo tốt nhất các điều kiện ATTP phục vụ đại biểu".
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát biểu trong cuộc kiểm tra Trung tâm Hội nghị số 37 Hùng Vương |
Ngoài các cuộc kiểm tra đột xuất thì công tác hậu kiểm là hoạt động được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện liên tục trong nhiều năm gần đây. Những hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở có tồn tại vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Từ đó góp phần tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc và bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Bài viết: Phạm Mạnh |