|
TTTĐ – Không quản hiểm nguy, mưa nắng, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ (CBCS) các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên, thanh niên và đặc biệt là các chiến sĩ “blouse trắng” của Hải Phòng luôn ngày đêm bám chốt, chống dịch. Nhiều bạn trẻ còn xung phong vào tâm dịch để cống hiến cho Tổ quốc, bảo vệ sự sống cho Nhân dân. |
|
21 giờ ngày 24/9, trời mưa rào tầm tã, chiếc xe tải biển kiểm soát 15H-011.11 từ Thái Bình đến Hải Phòng đi chậm lại khi vào chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Nghìn. Tổ công tác tại chốt ra tín hiệu, yêu cầu người điều khiển xe tải vào khai báo y tế. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành tín hiệu, rồ ga vượt qua chốt. Ngay lập tức, Thượng úy Nguyễn Kim Trọng, Trưởng ca trực cử Thượng úy Cao Tiến Trung, Thượng úy Nguyễn Văn Quang, Đại úy Hoàng Việt Hưng và Thượng úy Quân đội Hoàng Quốc Việt dùng xe mô tô và ô tô truy đuổi. Sau quãng đường khoảng 4km trong cơn mưa lớn, tổ kiểm soát truy đuổi được phương tiện và yêu cầu các đối tượng quay lại chốt làm việc. |
Tại chốt, hai đối tượng Nguyễn Văn Thuần, lái xe và phụ xe là Nguyễn Văn Đức (trú tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) khai nhận: Thuần có giấy test Covid-19 bằng phương pháp PCR còn hiệu lực, riêng Đức chỉ có giấy xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh. Do biết giấy test nhanh không đủ điều kiện để vào thành phố, nên cả hai bàn bạc lợi dụng trời mưa to điều khiển xe chạy vượt chốt, trốn khai báo y tế. Tổ công tác đã hoàn thiện hồ sơ, bàn giao Công an xã Hưng Nhân (huyện Vĩnh Bảo) xử lý theo quy định. Đại úy Bùi Văn Tuyên, Trưởng ca trực chốt cầu Nghìn, cho biết: “Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp gian lận như sửa ngày, giờ giấy xét nghiệm, trốn trên ca bin, trên thùng xe. Thậm chí có đối tượng còn “tình nguyện” ngồi cùng cũi trong thùng xe chở lợn để trốn qua chốt nhưng đã bị chúng tôi phát hiện…”. Cán bộ y tế của Trạm y tế thị trấn Vĩnh Bảo, Nguyễn Thị Vân Oanh, chia sẻ: “Ở đây, mỗi ngày chúng tôi chia làm 4 ca, mỗi ca có 4 cán bộ y tế làm việc. Nhiệm vụ chính của lực lượng y tế là kiểm soát thông tin, tờ khai báo y tế, đóng dấu tờ khai báo, kiểm tra giấy xét nghiệm… Môi trường làm việc vừa nguy hiểm vì có nguy cơ lây nhiễm cao, vừa vất vả do thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng tôi vẫn hăng say làm việc, không lơ là. Vì chỉ cần một chút sơ sẩy là Nhân dân và các cán bộ tuyến sau sẽ phải trả giá rất đắt. Trong quá trình làm việc, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp vi phạm với các thủ đoạn tinh vi như: Đi xe máy tiếp cận gần điểm chốt, vờ làm xe ôm đón khách, khi thấy cán bộ mải kiểm tra các phương tiện khác là thừa cơ trốn qua. Thậm chí, có trường hợp đi ô tô con nhưng lại khai đi xe tải tuy nhiên, đối với trường hợp này, chỉ cần kiểm tra biển kiểm soát, đăng ký, đăng kiểm, giấy xác nhận “luồng” là phát hiện ra…”. Trong số 13 chốt kiểm soát dịch bệnh cửa ngõ thành phố Hải Phòng thì chốt có lượng người và phương tiện qua lại lớn nhất là chốt số 1 tại Km81+100 ga Dụ Nghĩa trên tuyến đường 5 (cũ) giáp tỉnh Hải Dương. Do mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt phương tiện và 50.000 người qua lại, thành phố phải lập thêm ở đây 1 chốt phụ chuyên kiểm soát xe tải nặng, container, xe bồn téc… tại Km86+700 ở xã Nam Sơn, huyện An Dương, cách chốt chính gần 3km. Các lực lượng làm việc tại 2 điểm chốt này trên 200 người. Trong đó, gần 100 chiến sĩ công an, 58 chiến sĩ bộ đội, hơn 40 cán bộ y tế và hơn 20 đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Thượng tá Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hải Phòng, Chốt trưởng chốt kiểm soát dịch bệnh số 1 thành phố, cho biết: “Phương tiện di chuyển qua chốt đa số là vận tải hàng hóa. Gần 2 tháng qua, chúng tôi đã phát hiện gần chục trường hợp dùng giấy xét nghiệm PCR giả; Gần hai chục trường hợp trốn khai báo với nhiều thủ đoạn khác nhau, như gần đến chốt thì họ xuống xe đi bộ ngược chiều; Trốn trong xe thùng không xuống khai báo hoặc lợi dụng xe container “luồng xanh” không bị kiểm tra, nên trốn vào trong thùng xe, khi đi qua chốt chính được hơn 1km, lái xe tuồn người xuống, trước khi vào chốt phụ kiểm tra. Chúng tôi lại phải cử một số cán bộ mật phục, chặn bắt, xử lý nghiêm, tình trạng này mới chấm dứt”. |
|
Hiện tại, tổng quân số các lực lượng tại 13 chốt kiểm soát dịch bệnh liên ngành Hải Phòng có 800 đồng chí công an, quân đội, y tế. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy còn bố trí 5 chốt thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện thủy trên tuyến đường thủy nội địa. Công an các quận, huyện bố trí cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của địa phương trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chốt đường mòn, lối mở, địa bàn giáp ranh; Chốt tại các cảng, điểm bốc dỡ, giao nhận hàng hóa; Các điểm ăn nghỉ tập trung của lái xe vận tải... Từ khi thành lập đến nay, lực lượng tại các chốt liên ngành thành phố đã kiểm tra, giám sát 1.777.226 phương tiện, 2.531.506 người (trong đó có 10.520 người nước ngoài); Yêu cầu 36.214 phương tiện quay đầu; Phát 10.710 logo phân luồng cho phương tiện vận tải hàng hóa; Test nhanh Covid-19 cho 26.068 trường hợp. |
Các lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở 8.557 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT chấp hành nghiêm túc lệnh dừng hoạt động của thành phố; Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 88 cơ sở vi phạm quy định về phòng, chống dịch (PCD); 2.951 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, 726 trường hợp ra khỏi nhà sau 22 giờ không có lý do cần thiết. Đáng chú ý, lực lượng công an đã khởi tố 5 vụ việc vi phạm quy định về phòng chống dịch; 1 vụ về tội chống người thi hành công vụ; 1 vụ về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, cho biết: “Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 Công an thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, gắn liền với công tác bảo đảm an ninh trật tự. |
Lực lượng công an là nòng cốt trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, quản lý, giám sát chặt chẽ người và phương tiện vào thành phố tại các chốt kiểm soát liên ngành; Bảo vệ an toàn các cơ sở cách ly, điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố, không để phát sinh phức tạp; Phối hợp khẩn trương, kịp thời với các cơ quan, ban, ngành chức năng và các địa phương trên toàn quốc trong việc truy vết người có liên quan đến các ca bệnh Covid-19, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch... góp phần giữ vững “vùng xanh” an toàn cho thành phố”. |
|
Với phương châm “Chặn dịch tại cửa ngõ, kiểm soát chặt, truy vết thần tốc để khoanh vùng, dập dịch, khi phát hiện các ca F0”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” khi truy vết các F1, F2, F3… Hải Phòng đã trở thành “vùng xanh” an toàn nhất cả nước. Trong đại dịch, lực lượng vất vả, hy sinh thầm lặng nhất là các chiến sĩ “blouse trắng”. Trên 14.840 cán bộ y, bác sĩ Hải Phòng vừa đảm trách công việc hàng ngày tại các cơ sở y tế, vừa cắt cử, dàn lực lượng để tham gia ứng trực tại các chốt của thành phố; Làm công tác lấy mẫu, làm xét nghiệm tại các chốt; Tham gia trực tại các điểm cách ly, chữa trị các bệnh nhân Covid-19. Chỉ tính riêng trong 15 ngày tổ chức tiêm chủng vắc xin trên diện rộng cho cán bộ, Nhân dân các địa phương, ngành Y tế đã huy động 630 bác sĩ, 1.908 cán bộ nhân viên y tế và 196 sinh viên của 68 cơ quan, đơn vị y tế trong và ngoài công lập (trong đó có 28 bệnh viện) để chạy đua thời gian, ngăn dịch bệnh. |
Khi làn sóng dịch bùng phát tại các điểm nóng như Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Bình Dương và TP HCM, 5 đoàn công tác với gần 1.000 chiến sĩ “blouse trắng” của Hải Phòng và trường Đại học Y Dược Hải Phòng lại tình nguyện vào tâm dịch để giúp đỡ các địa phương chống dịch. Tinh thần tình nguyện, “chống dịch như chống giặc” một lần nữa lại thôi thúc các đoàn viên, thanh niên ngành Y xung trận, cứu dân. Điển hình trong những tấm gương sáng ngời tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là cặp vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang và điều dưỡng Đỗ Ngọc Anh ở Bệnh viện Kiến An. Là những đoàn viên trẻ, cặp đôi đã quyết định gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, tình nguyện cùng 19 y, bác sĩ Bệnh viện Kiến An vào tâm dịch TP HCM để trải nghề, phục vụ Tổ quốc. |
|
“Vào tâm dịch chiến đấu cùng các đồng nghiệp và các lực lượng tuyến đầu trong 60 ngày đêm, vợ chồng tôi mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của đại dịch, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đoàn chúng tôi đã có 6 người bị phơi nhiễm Covid-19 nhưng rất may mọi người đã qua khỏi. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp là bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình phục vụ Tổ quốc đã hy sinh, nằm lại nơi tâm dịch”, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Giang chia sẽ với phóng viên khi vừa trở về từ tâm dịch.
|