eMag azine
26/08/2021 08:57
"Hành trình" sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

26/08/2021 08:57

TTTĐ - Nếu các “Siêu thị 0 đồng” tổ chức ở nội thành trao “phiếu mua hàng” miễn phí có những đối tượng là người lao động ngoại tỉnh, hiện mắc kẹt ở Hà Nội thì ở huyện Thanh Oai, phần lớn họ là những người dân đang ở trên chính mảnh đất của mình. Họ sống bằng nghề truyền thống, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Sẻ chia

Hành trình sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

TTTĐ - Nếu các “Siêu thị 0 đồng” tổ chức ở nội thành trao “phiếu mua hàng” miễn phí có những đối tượng là người lao động ngoại tỉnh, hiện mắc kẹt ở Hà Nội thì ở huyện Thanh Oai, phần lớn họ là những người dân đang ở trên chính mảnh đất của mình. Họ sống bằng nghề truyền thống nhưng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Những ngày này, Nhà thi đấu huyện Thanh Oai vẫn mở cửa. Đó là nơi “Siêu thị mini 0 đồng” mang hàng hóa, những vật phẩm thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày đến với hàng nghìn bà con nơi đây.

Phần lớn bà con đều là những người làm nghề truyền thống nên khái niệm “đi siêu thị” còn khá mới mẻ. Ai cũng tuân thủ theo hướng dẫn phòng dịch từ khâu khử khuẩn tay, đo thân nhiệt, ngồi ghế giãn cách, ghi tên theo “phiếu mua hàng” rồi ngồi chờ đến lượt mình “mua đồ”.

Mặc dù thời tiết khá nóng bức, hàng chục chiếc quạt cỡ lớn chạy đã hết công suất, nhưng dường như chỉ có niềm vui, háo hức từ “siêu thị đặc biệt” này mới có thể mời gọi các “thượng đế” đến với siêu thị sớm đến vậy.

Bà Trần Thị Tần (ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đến "Siêu thị 0 đồng" được các anh chị đưa tận nơi, giúp đỡ tôi. Tôi chọn được gạo, mì chính, bột ngọt, nước mắm, mì tôm... Với những thứ này tôi thấy cũng đủ để phòng chống dịch một mình rồi. Tôi cô đơn, ở một mình, cũng già rồi. Đây lần đầu tiên tôi được đi siêu thị”.

"Hành trình" sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

Lời chia sẻ chân thành từ vị khách năm nay đã ở tuổi 76, nhưng lại lần đầu tiên đi “siêu thị” khiến chúng tôi vui mừng. Mừng vì sau khi nhận được “món hàng 0 đồng” theo đúng sự lựa chọn, các bữa cơm của bà Tần đã có thêm nhiều thứ gia vị. Bà Tần cũng vì thế mà không phải lo nghĩ đến việc đi chợ, mua các món hàng hoá thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội nữa.

Mặc dù đang trong độ tuổi lao động, nhưng dịch bệnh khiến chị Đỗ Thị Xuân (39 tuổi, ở Khu tập thể Nhà máy bia Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) không có việc làm ổn định. Thu nhập của chị giờ chỉ trông chờ vào 100 nghìn đồng tiền trực máy, bảo dưỡng máy. Mắt ngấn lệ, chị Xuân chia sẻ: "Chồng tôi không may mất sớm, tôi đang nuôi hai đứa con. Đây là lần đầu tiên tôi đi siêu thị như thế này. Tôi rất cảm ơn các lãnh đạo đã hỗ trợ cho tôi được mua hàng hoá ở "Siêu thị 0 đồng". Hôm nay tôi chỉ chọn mắm, muối, mì chính, bột nêm, khẩu trang…".

"Hành trình" sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

"Dù chưa được đi siêu thị như thế này bao giờ nhưng tôi thấy mọi thứ đều đầy đủ, rất tốt. Các bạn phục vụ còn trẻ, mặc dù nóng bức nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn tôi chọn những thứ cần thiết cho gia đình. Đặc biệt, việc đảm bảo phòng chống dịch, nên tôi và mọi người không lo lắng gì, yên tâm chọn những thứ đồ mình cần”, chị Xuân chia sẻ thêm.

"Hành trình" sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

Để chuỗi siêu thị hoạt động thành công, mang lại ý nghĩa đúng như nó vốn có, không thể không nói đến sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời của chính quyền địa phương và Ban Tổ chức chương trình. Đây là điều kiện tiên quyết để góp phần khẳng định niềm tin của người dân vào hoạt động của siêu thị, nhất là trong lúc Hà Nội đang giãn cách xã hội như hiện nay.

Ông Bùi Văn Sáng (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai) cho biết:"Thanh Oai được biết như là huyện trăm nghề. Hiện nay, chúng tôi có 51 làng nghề truyền thống và thu nhập của người lao động chủ yếu là ở trong lĩnh vực này. Trong điều kiện giãn cách xã hội khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến thu nhập của người dân nơi đây giảm sút rất lớn.

Vì thế, sau khi tiếp nhận được chương trình của Thành đoàn cũng như của các doanh nghiệp, chúng tôi đã báo cáo Thường vụ huyện; Đoàn Thanh niên rà soát đối tượng trên tinh thần dân chủ, công khai. Đối tượng là những người nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống”.

"Hành trình" sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

Bà Đào Thị Thu Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Hà Tây, thành viên Quỹ Alphanam Green Foundation) cho biết: “Siêu thị đầu tiên chúng tôi muốn tổ chức tại ngoại thành chính là huyện Thanh Oai. Alphanam Green Foundation rất vinh dự được vận hành chuỗi siêu thị này. Chính vì thế, ngay sau sự kiện khai mạc của "Siêu thị mini 0 đồng" tại Nhà thi đấu huyện Thanh Oai, chúng tôi trực tiếp đến trao 5 tấn gạo để hỗ trợ bà con 2 xã Bình Minh và Cao Viên trích từ Quỹ Alphanam Green Foundation.

Chúng tôi tổ chức siêu thị từ lên danh mục hàng hoá, thực phẩm thiết yếu, những gì cần thiết nhất cho người dân. Ở quận nội thành thì cần rau xanh nhưng khi chúng tôi đi đến huyện ngoại thành thì chúng tôi sẽ tìm những hàng thiết yếu ví dụ như mì tôm hay bột ngọt".

"Có thể nói khâu quan trọng nhất mà chúng tôi đã chuẩn bị là phải đi khảo sát ở một địa điểm để làm sao có không gian thoáng đãng và đảm bảo đủ giãn cách. Chúng tôi cũng được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của Huyện ủy, UBND huyện Thanh Oai và đặc biệt là lực lượng Đoàn Thanh niên xung kích. Các bạn đã tham gia nhiệt tình hỗ trợ cho "Siêu thị 0 đồng" này. Chúng tôi tin người dân huyện Thanh Oai cũng như người dân trên toàn địa bàn TP Hà Nội sẽ cảm nhận được sự sẻ chia, sự nỗ lực và tấm lòng của chúng tôi”, bà Đào Thị Thu Giang chia sẻ thêm.

Hi vọng rằng, với quyết tâm, sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong Ban Tổ chức, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, ngày càng nhiều người dân đang ở Hà Nội được “trao yêu thương” thông qua những món hàng thiết yếu với giá 0 đồng, để mọi người cùng nhau yên tâm chiến thắng đại dịch.

Hành trình sẻ chia đến huyện ngoại thành đầu tiên

Hoa Thành - Phạm Mạnh