eMag azine
26/07/2023 09:07
Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

26/07/2023 09:07

TTTĐ - Những ngày tháng 7, hòa trong dòng người nườm nượp về các nghĩa trang liệt sỹ để tưởng nhớ, dâng hương và tri ân những anh hùng liệt sỹ, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện hành trình về nguồn – một hành trình mang nặng nghĩa tình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Những ngày tháng 7, hòa trong dòng người nườm nượp về các nghĩa trang liệt sỹ để tưởng nhớ, dâng hương và tri ân những anh hùng liệt sỹ, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện hành trình về nguồn – một hành trình mang nặng nghĩa tình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Tháng 7 nghĩa tình

Từ Hà Nội, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt chân đến mảnh đất miền Trung nắng gió, nơi được gọi là “khúc ruột” của dải đất hình chữ S hằng năm phải oằn mình chống chọi với những cơn bão dữ nhưng vẫn luôn chan chứa ân tình. Cái tình ấy càng trở nên thân thương, sâu nặng hơn bởi vùng đất thiêng này đã trở thành quê hương thứ hai của hàng triệu người lính – các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và an nghỉ tại các nghĩa trang trải dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Dẫn đầu đoàn công tác trong hành trình về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ của Báo Tuổi trẻ Thủ đô là đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt – Lào tại địa phận huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ông Hoàng Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc Việt - Lào anh em.

Đứng trước anh linh những người con ưu tú của 47 tỉnh, thành an nghỉ tại đây, các thành viên trong đoàn không khỏi rưng rưng, lòng chùng xuống với sự biết ơn vô hạn đối với những người đã không tiếc xương máu và tuổi xuân vì Tổ quốc, Nhân dân.

Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hương dẫn đầu đoàn công tác, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào

Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô dẫn đầu đoàn công tác, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào

Trong điểm dừng chân đầu tiên này, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh về nghĩa trang để được trò chuyện với đồng đội qua những tấm bia mộ. Kể về những ngày chiến đấu ở chiến trường Lào năm xưa, cựu chiến binh Hoàng Tiến – nguyên Tổng biên tập Báo Bắc Giang mắt ngấn lệ, rưng rưng:Trong lịch sử chiến đấu và bảo vệ đất nước Lào, nơi nào có máu của Nhân dân Lào đổ, ở đó có máu của quân tình nguyện Việt Nam. Mỗi năm, vào ngày 27/7, chúng tôi lại trở về đây để ôn lại những ngày hành quân năm xưa trên đất bạn. Chúng tôi nhớ về họ, nhớ về những niềm khát khao mà bạn bè tôi từng kể khi cùng chung chiến hào trong thời đạn bom ác liệt. Bạn tôi, có những người không trở về để thực hiện được ước mơ nhưng họ đã trở thành nguồn động lực để chúng tôi phấn đấu, thay họ sống một cuộc đời có ý nghĩa”.

Thắp nén nhang thành kính, tưởng nhớ và với lòng biết ơn vô hạn, chúng tôi càng hiểu rằng, chiến tranh đã đi qua nhưng có những vết thương chưa bao giờ kín miệng, để rồi hôm nay, vẫn có biết bao giọt nước mắt rơi xuống mỗi khi chứng kiến hàng hàng lớp lớp các bia mộ phơi sương, giữa bạt ngàn nắng gió dọc dải đất miền Trung.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Những chàng trai, cô gái viết lên bản hùng ca bất diệt

Trời miền Trung nắng cháy nhưng khi mưa thì xối xả, trắng trời. Song thời tiết khắc nghiệt vẫn không ngăn được quyết tâm của đoàn công tác đi đến tận cuối của hành trình. Rời Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt – Lào, vượt tiếp chặng đường dài, chúng tôi đã đến viếng và dâng hương tại những “địa chỉ đỏ” như Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia TP Vinh, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận Can Lộc, Hà Tĩnh, dòng người nối dài xếp hàng với những bông hoa trắng dâng lên 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong. Giọng nữ thuyết minh viên cất lên trong niềm tiếc thương và day dứt với những hồi tưởng Đồng Lộc 55 năm trước.

Đó được coi là “tọa độ chết” mà Mỹ thực hiện âm mưu hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại; Ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Tượng đài 10 cô gái TNXP tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Trong buổi chiều định mệnh ngày 24/7/1968, khi Tiểu đội 4 của những cô gái thanh niên xung phong đang san lấp hố bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Sự dũng cảm, kiên cường, dù chết cũng phải bám đường của các chị Cúc, chị Tần, chị Hường, Xuân, Xanh… đã vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Đoàn công tác đã viếng và dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Giữa hương khói trầm mặc ở di tích Đồng Lộc, từng đoàn người lặng lẽ nghiêng mình, kính cẩn trước anh linh 10 cô gái đã trở thành huyền thoại bất tử. Cùng đi trong đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô còn có cậu phóng viên trẻ Nguyễn Đức Minh. Lần đầu đi dọc tuyến đường Trường Sơn trong ngày đầy nắng và gió để đến viếng thăm khu tưởng niệm những vị anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc là một trải nghiệm khó quên với Minh. Mỗi “địa chỉ đỏ” đều mang lại cho chàng trai này và các thành viên trong đoàn chúng tôi sự xúc động khó nói lên lời.

Hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023), từ 20-23/7, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện hành trình về nguồn, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Vinh (Nghệ An), Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bên cạnh đó, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã trao hơn 40 suất quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và Mẹ Việt Nam anh hùng tại các xã Kỳ Thư, Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

“Hôm nay, tôi may mắn khi được đi cùng đoàn và đã tận mắt chứng kiến bạt ngàn những ngôi mộ tại các nghĩa trang. Tôi thấy yêu những bài học lịch sử. Khi tới đây, tôi cảm thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn. Chuyến đi này thực sự vô cùng bổ ích, làm giàu thêm kiến thức, đồng thời bồi đắp và dung dưỡng lòng biết ơn cho bản thân tôi” - Minh chia sẻ.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Phó Tổng biên tập Ngô Vương Tuấn tại thắp hương tại mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc

Trong hành trình về nguồn đáng nhớ này, địa danh tiếp theo mà chúng tôi dừng chính là Thành cổ Quảng Trị, nơi “nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ”. Trời Quảng Trị xanh, trong cùng nắng gió hòa quyện như tâm hồn “phơi phới dậy tương lai” của những chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy. Ở vùng đất thiêng này, từng nhành cây, ngọn cỏ, nắm đất như thì thầm với dòng người vào viếng, nhắc nhớ chúng tôi về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm để bảo vệ thành cổ của những người lính trẻ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có lẽ, không có nơi nào trên dải đất Việt này, đất được giữ bằng một cái giá đắt như Thành cổ Quảng Trị. Ở đây, mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được thực sự là biết bao máu xương.

Những cựu binh từng đi qua mùa hè đỏ lửa ở thành Quảng Trị năm 1972 như bà Đặng Thị Châu (Thạch Lâm – Hà Tĩnh) thì kỷ niệm về đồng đội sẽ mãi trở thành ký ức đầy khắc khoải không nguôi. Đi cùng đoàn cựu chiến binh gồm 31 người, bà Châu cho hay, năm nào bà cùng đồng đội cũ cũng về đây để thắp hương cho các anh linh liệt sỹ. “Chúng tôi là những người lính thuộc đoàn 559 nhưng hầu hết đồng đội cũ của tôi đã hy sinh ở Thành cổ vào mùa hè năm 1972. 10 người bạn của tôi cùng nhập ngũ một ngày và cùng hy sinh một ngày. Có người còn chưa lập gia đình” – bà Châu nghẹn ngào nói.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Dễ dàng thấy những ai đã bước chân vào Thành cổ thì chân đều khe khẽ bước nhẹ, bởi dường như, ai cũng thấu hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh kia còn bao chiến sĩ nằm lại, trở thành một phần trầm tích sâu dày, mạch nguồn cho cỏ non thành cổ mãi xanh. Nhiều người đã bật khóc khi nghe giọng nữ thuyết minh viên Nguyễn Ánh Nguyệt kể lại những câu chuyện bi tráng trong 81 ngày đêm đỏ lửa ở nơi này. Đã 10 năm công tác trong Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, mỗi lần thuyết minh cho các đoàn về viếng, chị Nguyệt vẫn không khỏi rưng rưng.

“Tháng 7 năm nay, mỗi ngày Thành cổ Quảng Trị đón tiếp chừng 2.000 lượt khách viếng thăm và dâng hương tại tượng đài. Tôi tin, tình cảm và sự tri ân, tưởng nhớ của Nhân dân cả nước, luôn hướng về các anh linh liệt sỹ sẽ khiến các anh đang nằm dưới lớp cỏ non kia cảm thấy ấm lòng” - chị Nguyệt nói.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Bà Đặng Thị Châu (phải) cùng đồng đội viếng đồng đội tại Thành cổ Quảng Trị

Đi trong đoàn người viếng thăm Thành cổ Quảng Trị còn có rất nhiều đoàn viên, thanh niên từ khắp các tỉnh, thành. Đối với họ, được bước chân vào vùng đất thiêng này không đơn giản chỉ là viếng thăm một di tích quốc gia đặc biệt mà còn là niềm vinh dự và là lời nhắc nhở về trách nhiệm của người trẻ đối với đất nước.

Trong sự xúc động khôn tả, anh Nguyễn Mạnh Hùng – Phó bí thư Huyện đoàn Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ với chúng tôi: “Khi vào thành cổ, tôi hiểu rằng, để có hòa bình như ngày hôm nay, các thế hệ cha anh trước đây đã phải đổ máu. Máu của họ thấm đẫm mảnh đất này, nhắc nhớ chúng tôi phải sống có trách nhiệm và tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Được đến Thành cổ viếng các anh thật sự là vinh dự đối các đoàn viên, thanh niên, có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và lối sống đối với thế hệ chúng tôi ngày hôm nay”.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Ước vọng gửi những hồn thiêng

Có lẽ, điều mà ai nấy trong chúng tôi đều ám ảnh khi trong chuyến về nguồn lần này không chỉ là hình ảnh chục ngàn bia mộ trắng, nghi ngút khói hương và dòng người nối dài dâng hương tại các nghĩa trang mà còn là câu chuyện cảm động của thân nhân các liệt sỹ và tấm lòng của những người chăm sóc nghĩa trang hàng ngày.

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9 (tỉnh Quảng Trị), nơi yên nghỉ của gần 10.000 anh hùng, liệt sỹ, chúng tôi đã gặp cựu chiến binh Trương Văn Thiều ở Đông Triều (Quảng Ninh). Vượt hàng ngàn cây số, ông Thiều cùng một người bạn thân năm nào cũng về đây để thắp hương cho anh trai vào dịp 27/7. Cẩn thận lau chùi tấm bia khắc dòng chữ người anh Trương Văn Thức đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thiều kể, nhà có 3 anh em cùng đi bộ đội thì 2 người anh trai đã vĩnh viễn để lại thân xác nơi chiến trường. Người anh đã được đón về nhà, còn anh Thức thì do hoàn cảnh gia đình nên vẫn chưa thể thực hiện được ước nguyện.

Đôi mắt ngấn nước, người cựu binh già nghẹn nghào: “Năm nay, tôi đã hơn 70 tuổi. Tôi mong sao có sức khỏe để đến một ngày gần nhất có thể đưa anh Thức về nhà, thỏa lòng mong mỏi của gia đình, con cháu”.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình Hành trình tri ân nặng nghĩa tình Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9 những ngày này, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ đến lau dọn, thắp hương, chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ. Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là sự thôi thúc đáp đền đầy ân tình đối với người đã hy sinh vì đất nước. Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhật Tuấn (Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Trị) cho hay: “Đơn vị tôi được phân công nhiệm vụ chăm sóc nghĩa trang nên anh em thay nhau lên đây thắp hương. Đối với chúng tôi, các anh từ lâu đã trở thành người nhà thân thiết.

Có đồng chí được nghỉ do không phải ngày trực nhưng chỉ cần quay trở lại đơn vị là các anh lại đến nghĩa trang thắp hương và lau dọn các bia mộ cho các liệt sỹ. Đặc biệt, những ngày tháng 7 này, nếu không túc trực ở đây thường xuyên, chúng tôi sẽ cảm thấy không yên lòng”.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tìnhBác sĩ Nguyễn Hữu Nhật Tuấn (Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Trị) chăm sóc phần mộ cho các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Tượng đài tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9

Trong tháng tri ân này, tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Ban quản lý nghĩa trang chỉ có 5 người nhưng mỗi ngày sắp xếp, đón tiếp hàng ngàn lượt người vào viếng. Họ phải làm việc gấp 3-4 lần so với thường lệ nhưng ai cũng tự nhủ phải cố gắng chu đáo hết mức có thể để người nằm dưới mộ yên lòng.

Gần 10 năm làm việc ở bộ phận tiếp thân nhân liệt sỹ, anh Trần Văn Nhân, Phó phòng quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn vui mừng khi thấy trong dòng người đổ về những ngày tháng 7, không chỉ có thân nhân các liệt sỹ mà cả những em học sinh, người cao tuổi, cho tới các đoàn việt kiều. Không chỉ viếng thăm, các cá nhân, tập thể và ban ngành các địa phương, tỉnh, thành cũng chăm lo những phần việc thiết thực như tạo nên phong trào “Hoa cho các liệt sỹ”, để trên mộ các anh lúc nào cũng có hoa tươi khiến nghĩa trang thêm khang trang và ấm cúng hơn.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Anh Trần Văn Nhân (Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn) trao đổi với phóng viên.

“Tôi chỉ muốn nói rằng, chăm sóc phần mộ của các liệt sỹ không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng của riêng chúng tôi để các anh thêm ấm lòng, mà còn là của tất cả chúng ta và cũng là lời nguyện cầu, mong các anh an nghỉ.

Hơn thế nữa, điều này còn thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, mãi mãi không quên sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã sẵn sàng ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc” – anh Nhân nhắn nhủ.

Hành trình tri ân nặng nghĩa tình
Hành trình tri ân nặng nghĩa tình Hành trình tri ân nặng nghĩa tình
Hành trình tri ân nặng nghĩa tình Hành trình tri ân nặng nghĩa tình

Thực hiện: Thái Sơn

Thái Sơn