Thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đáng lo hơn, ngoài học sinh, sinh viên, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội còn xử phạt nhiều trường hợp vi phạm là phụ huynh với các lỗi phổ biến như: Đưa trẻ đến trường không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe vượt đèn đỏ... khi tham gia giao thông. Thậm chí nhiều phụ huynh nuông chiều mua xe phân khối lớn cho con chưa đủ tuổi đi. Những “tấm gương mờ” này đã tiếp tay cho việc vi phạm luật cho học sinh, sinh viên và hậu quả sẽ là rất lớn…
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Giờ tan học ở Hà Nội, xung quanh khu vực nhiều cổng trường không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh và học sinh vi phạm luật giao thông. Học sinh vô tư chạy xe máy phân khối lớn dù chưa đủ tuổi, phụ huynh thì không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn dỏ...
Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội lập chốt tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) để xử lý học sinh, sinh viên và phụ huynh vi phạm luật giao thông. Chỉ trong vong 1 giờ chiều 18/10, hàng loạt học sinh, sinh viên và phụ huynh vi phạm luật bị phát hiện, xử lý. Phần lớn các trường hợp vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe máy điện và chưa đủ tuổi.
Vừa tan học, em (N.T.X, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Vision lưu thông trên đường Hai Bà Trưng. Khi phát hiện có bóng dáng lực lượng Cảnh sát giao thông, NTX cuống cuồng dừng xe lại đội mũ bảo hiểm.
N.T.X thừa nhận việc mình điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi là sai. “Mọi khi em đi học bằng xe buýt nhưng hôm nay vì vội quánên em lấy xe máy đi cho nhanh”, học sinh N.T.X phân trần với lực lượng chức năng.
Trường hợp khác, học sinh V.T.N (học sinh lớp 10) đi xe máy 50cc, không đội mũ bảo hiểm khá bất ngờ khi bị cán bộ tổ công tác dừng xe. Em N cho biết, mình không biết quy định người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy 50cc.
“Em không hề nắm được quy định. Em thấy bạn bè cùng lớp nhiều người cũng đi xe này nên về xin bố mẹ mua xe để đi. Bố mẹ dạy em cách đi xe và cứ thế đi đến trường”, N nói.
Ngoài ra, có hàng loạt học sinh tại các trường cấp 2, 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy điện bị tổ công tác xử lý. Nhiều em mặc dù có mang theo mũ bảo hiểm nhưng không đội và hầu hết lấy lý do: Vội hoặc quên.
Các trường hợp vi phạm luật giao thông đều sẽ bị lực lượng chức năng xử lý theo đúng pháp luật |
Các trường hợp trên đều bị Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 lập biên bản xử phạt, đồng thời ghi lại tên, trường học để phối hợp cùng nhà trường xử lý vi phạm. Lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý các vi phạm sẽ không ảnh hướng đến quá trình học tập của học sinh và tuân thủ quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và nhà trường đã được cam kết trước đó.
Với các đơn vị nội thành vừa bảo đảm điều tiết an toàn giao thông trước cổng trường học, vừa bảo đảm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đối với khu vực ngoại thành, ngoài xử lý học sinh, phụ huynh các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô đưa đón học sinh.
Không chỉ có học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông mà chính các phụ huynh đang đưa, đón con em mình cũng vi phạm.
Ghi nhận tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, phường Hàng Bài, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã ra hiệu lệnh dừng xe, xử lý nhiều người cùng phương tiện vi phạm. Điển hình là trường hợp phụ huynh đèo theo con nhỏ, cả 2 đều không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh qua ngã tư. Sau khi phát hiện tổ công tác, người phụ nữ này định tăng ga bỏ chạy song đã bị lực lượng chức năng giữ lại, đưa vào chốt để làm việc.
Tại chốt, người phụ nữ khai nhận tên L.V.L (sinh năm 1981 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chị L cho hay đang trên đường đèo con đi học về để tiếp tục đưa con trai tới một lớp học thêm khác. Tuy nhiên do "vội quá" nên không kịp mang theo mũ bảo hiểm.
Nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần, đi đoạn ngắn để biện minh cho việc "quên" đội mũ bảo hiểm của mình |
Một trường hợp khác, khi tổ công tác phát hiện anh Lê Anh T (sinh năm 1979 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo 2 em nhỏ học sinh. Cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm. Cũng giống như một số trường hợp kể trên, anh T cho biết bản thân vội đón con nên quên mang mũ bảo hiểm cho các cháu. Sau khi được tuyên truyền nhắc nhở, anh T cam kết sẽ không tái phạm.
Còn với trường hợp nữ sinh tên N.N.T.A (sinh năm 2007 học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố) là người điều khiển phương tiện cho biết, do hai em đi học vội nên đã quên không mang mũ bảo hiểm. Sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, em T. A cùng với bạn đi cùng đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và hứa sẽ không tái phạm.
Đại úy Ngô Xuân Giang, cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội |
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Ngô Xuân Giang, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1 - đơn vị phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, do trên địa bàn có đông các trường từ cấp 1 đến cấp 3 nên vào giờ tan học, tình trạng phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông là không hiếm gặp.
Từ thực trạng đó, ngay vào đầu các năm học, đơn vị đã tiến hành phối hợp với nhà trường, mở các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền cho các em học sinh biết và nắm rõ về luật an toàn giao thông đường bộ, giúp cho các em học sinh có thể chấp hành tốt hơn luật giao thông, từ đó giảm tỷ lệ vi phạm luật và tai nạn giao thông.
Không chỉ đi xe máy, nhiều người đi bộ, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên cũng vi phạm luật, “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.
Cầu bộ hành được xây dựng ở những nơi có mật độ giao thông đông đúc, giúp người dân qua đường dễ dàng hơn |
Toàn thành phố hiện có 70 cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện là những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. Sau khi đưa vào hoạt động, các cây cầu này đã giúp người đi bộ sang đường thuận lợi an toàn.
Tuy nhiên, do muốn rút ngắn thời gian sang đường, nhiều người đã “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông trên đường.
Điển hình như tại cầu bộ hành trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đoạn gần nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng và trước cổng Trường Đại học Quốc gia; nút giao thông Tây Sơn-Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn-Phạm Ngọc Thạch; cầu bắc qua đường Giải Phóng-Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai...
Người dân băng qua đường đoạn qua Khu đô thị Royal city dù cầu bộ hành chỉ cách đó 50m |
Mặc dù các cây cầu này đi vào hoạt động đã lâu nhưng nhiều người, từ học sinh, sinh viên, đến cả người cao tuổi vẫn chưa xây dựng được thói quen tham gia giao thông đúng quy định. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân, học sinh, sinh viên băng qua đường, thậm chí trèo qua dải phân cách khi các phương tiện lưu thông trên đường đông đúc.
Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn khiến các cây cầu nhiều tỷ đồng xây xong không phát huy tác dụng, lãng phí ngân sách của nhà nước. Thời gian qua, khi phát hiện vi phạm, các lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho người khác tham gia giao thông.
Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên dịp đầu năm học mới giúp các em hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử thông qua các bài giảng trực quan, sinh động, từ đó giúp các em có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông.
Nhiều chương trình tuyên truyển phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội |
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, để giảm thiểu tình trạng trên, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân cũng cần tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Mới đây, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, cả nước có 22 triệu học sinh, sinh viên. Hiện nay, học sinh, sinh viên đang thiếu các kỹ năng xử lý, ứng xử tình huống trên đường nên việc tuyên truyền theo hình thức “truyền thụ một chiều” khiến các em khó tiếp nhận đầy đủ kiến thức.
Từ đó, chương trình phối hợp sẽ có 4 nội dung trọng tâm được thực hiện là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên. Xây dựng, hình thành thói quen tham giao thông an toàn và văn hóa giao thông cho học sinh các cấp.
Theo đó, các trường học phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự ATGT, đẩy mạnh các cuộc vận động và triển khai mô hình ATGT trên toàn quốc; Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và đại học; Tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chương trình phối hợp đã nêu rõ mục tiêu, nội dung và trách nhiệm của từng cơ quan. Việc thực hiện phải thực sự thiết thực, hiệu quả, khi kết thúc chương trình, các chỉ tiêu về tai nạn giao thông trong lứa tuổi giảm là thước đo đánh giá hiệu quả của chương trình.
Năm 2019, tại lễ khởi công đầu tư xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Thái Hà, Ngọc Hồi thuộc dự án tăng cường an toàn giao thông, đại diện Ban quản lý dự án trọng điểm đô thị Hà Nội cho biết, mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến phố xây dựng cầu, hạn chế tai nạn giao thông của người đi bộ, cải thiện giao thông dọc những tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị Hà Nội, cải thiện môi trường sống của dân cư. Việc 18 cầu bộ hành trên được đưa vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giai đoạn 1, bao gồm: Nút giao thông Ngã Tư Sở, Nút giao thông Ngã Tư Vọng, Nút giao thông Kim Lên; Nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê Hữu Hồng, đường vành đai 1 - đoạn Kim Liên-Ô Chợ Dừa; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho Thủ đô. |
Ngày 18/10, vào giờ tan trường tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối từ 50cc trở lên (sai quy định) diễn ra khá phổ biến. Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, vi phạm luật giao thông từ trường ra đến đường phố.
Trao đổi với phóng viên báo chí về tình trạng này, bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: “Theo quy định học sinh cấp 3 không được sử dụng xe máy từ 50cc trở lên. Để đảm bảo học sinh tuân thủ quy định này, ngay từ đầu năm học chúng tôi đều có văn bản yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đoàn thanh niên của nhà trường thường xuyên triển khai giúp các cháu nâng cao nhận thức và chấp hành quy định”.
Theo TS Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ nhiều năm nay, một năm 2 đợt vào đầu các học kỳ trường này luôn yêu cầu học sinh và phụ huynh ký vào bản cam kết thực hiện nghiêm quy định an toàn giao thông.
“Nếu học sinh vi phạm luật giao thông, vi phạm đến đâu nhà trường sẽ xử lý đến đó. Nếu vi phạm giao thông trên đường, có thông tin hay giấy tờ từ lực lượng chức năng chuyển về, hay các thầy cô giáo phát hiện được thì chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý ở góc độ đạo đức như hạ hạnh kiểm, hạ thi đua…”, TS Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm học lãnh đạo trường THPT Việt Đức tổ chức những buổi sinh hoạt dưới cờ phổ biến về quy định an toàn giao thông. Cùng với đó là mời báo cáo viên về nói chuyện với học sinh về những quy định mà các em không được phép sử dụng như chưa đến tuổi không được phép dùng xe máy trên 50 phân khối (cc) hoặc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện,…
“Để thực hiện việc này, chúng tôi có sự kết hợp giữa Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhằm thường xuyên giáo dục cho các em về văn hóa giao thông ngay ở trong nhà trường. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự phối hợp của gia đình và toàn xã hội.
Thực tế đa phần gia đình học sinh chấp hành nhưng cũng có trường hợp vì lý do nào đó vẫn cho con em mình sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Với những trường hợp này khi đến trường, chúng tôi sẽ cương quyết không cho học sinh và phương tiện được vào trong trường. Với trường hợp học sinh điều khiến xe máy phân khối lớn tham gia giao thông trên đường, khi có thông tin, chúng tôi sẽ trao đổi, chia sẻ giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh đó, để giáo dục ý thức các cháu”, TS. Nguyễn Bội Quỳnh cho hay.
Nhiều gia đình vẫn để con em điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe |
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho biết, hiện nay học sinh sử dụng xe máy thậm chí là xe phân khối lớn vi phạm luật giao thông nhan nhản trên đường phố Hà Nội và các địa phương trên cả nước.
Theo ông Đức trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường phải giáo dục học sinh khi các em tới lớp, ra đường là trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của cảnh sát giao thông. Trách nhiệm lớn nhất là thuộc về gia đình bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình cũng là đóng vai trò quyết định trao cho con điều khiển phương tiện giao thông như thế nào. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật cho con trẻ.
“Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ngay từ trong nhà. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể đạt được khi mà chính các bậc phụ huynh nuông chiều, không cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, xây dựng ý thức cho con em mình. Những thói hư, tật xấu của con trẻ sẽ bắt nguồn chính sự nuông chiều, bỏ bê, lơ là của gia đình, nơi các em sinh sống”, TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội, một số lượng không nhỏ các em học sinh ở độ tuổi từ 10 - 17 tuổi hiện nay, được gia đình cho tự đi học bằng xe đạp, xe máy điện, hoặc xe máy... Các em cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông. Hiện tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ,… diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây cản trở giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
“Một trong những vấn nạn giao thông nhức nhối nhất hiện nay của Hà Nội và nhiều đô thị khác là thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, hoặc chạy quá tốc độ, nẹt ga, bấm còi ầm ĩ trên đường phố. Nhóm hành vi này khiến các em tự đặt mình vào nguy hiểm, nặng thì thương vong, nhẹ thì bị xử phạt, gia đình cũng mang tiếng xấu.
Khi phụ huynh nuông chiều hoặc buông lỏng quản lý, giáo dục, học sinh sẽ tiêm nhiễm thói xấu khi tham gia giao thông, vô tình dạy để cho trẻ coi thường pháp luật cũng như lực lượng chức năng. Một số trường hợp học sinh sử dụng xe máy, không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, khi bị chúng tôi nhắc nhở, sẵn sàng tăng ga bỏ chạy, thậm chí là văng tục, thách thức…”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết.
Trước thực tế tại Hà Nội, nhiều học sinh, sinh viên điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; phụ huynh học sinh đưa đón con không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chở quá số người quy định, đi ngược chiều..., từ ngày 19/10, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội tập trung xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm luật giao thông.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội |
Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, ngoài làm nhiệm vụ thông thường, các đơn vị cảnh sát giao thông tại khu vực nội thành sẽ tập trung bảo đảm điều tiết an toàn giao thông trước cổng trường học, vừa bảo đảm xử lý nghiêm những hành vi không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện nhưng chưa đủ tuổi, không gương chiếu hậu, chở quá số người quy định...
Còn tại khu vực ngoại thành, ngoài xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm, các đơn vị tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ôtô đưa đón học sinh.
Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh việc xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu thực hiện, cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã ra hiệu lệnh dừng xe nhiều trường hợp vi phạm, yêu cầu người điều khiển phương tiện phối hợp làm việc. Đối với các trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt, cảnh sát giao thông còn tuyên truyền, nhắc nhở để các học sinh, phụ huynh nhận thức được hành vi vi phạm.
Video học sinh quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn khi học sinh vi phạm liều lĩnh bỏ chạy. Hành vi này của các em rất dễ gây ra tai nạn giao thông và nguy hiểm cho những người khác.
Để giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh, Phòng Cảnh sát Giao thông khuyến cáo cha mẹ học sinh cần làm gương, thường xuyên nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ mình và người thân.
Trên thực tế, nhiều học sinh khi vi phạm đã nhờ người thân can thiệp “giải cứu”. Để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3024/UBND-ĐT về tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; trong đó, chỉ đạo nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.
"Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm", Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thường xuyên quán triệt, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các trường hợp học sinh vi phạm sẽ được lập biên bản và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật |
Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu, tập thể liên quan.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái xe hoạt động vận tải chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của phương tiện, không cơi nới thành, thùng xe và vận động các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có phương tiện vận tải vi phạm kích thước thùng xe tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về tốc độ.
Các đơn vị thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo quy định.
Bài viết: Mai Anh Đồ họa: Phạm Mạnh |