Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng
Nâng cao đời sống Nhân dân
Trên địa bàn Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Những năm qua, thành phố đã rất quan tâm, chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con khu vực này, nhờ đó cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng khởi sắc.
Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, các chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đến nay, 100% khu vực miền núi đã có mạng lưới điện quốc gia. Trình độ dân trí ngày một nâng cao. Tệ nạn xã hội và các hủ tục dần được đẩy lùi.
Tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sống tập trung tại hai xã Phú Mãn và Đông Xuân. Với sự quan tâm của thành phố, đến nay, đời sống mọi mặt của đồng bào được nâng cao. Đặc biệt, từ năm 2017, hai xã nói trên đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Nhiều địa phương miền núi đã biết khai thác lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch |
Bà Đinh Thị Hòa (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) phấn khởi cho biết: “Nhờ có chính sách của thành phố, không chỉ đường giao thông liên thôn được bê tông hóa giúp việc đi lại dễ dàng hơn, một số hộ dân còn được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt nên bà con rất phấn khởi”.
Huyện Thạch Thất có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn 0,82%, giảm 2,22% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người là 44 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2016.
Các nhà văn hóa thôn từng bước được đầu tư xây dựng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho nhân dân. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trạm y tế, hệ thống đài truyền thanh được đầu tư khang trang…
Chia sẻ về những thay đổi tại địa phương, bà Phùng Thị Hiền (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) nói: “Chính sách của Nhà nước, thành phố đã giúp nhiều người được vay vốn xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó đời sống của người dân ngày càng được nâng cao”.
Tại huyện Mỹ Đức, có duy nhất xã An Phú là địa bàn dân tộc miền núi, những năm qua, UBND huyện Mỹ Đức đã triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc công khai, dân chủ, đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% đến 8%.
Hiện nay, 100% đường giao thông liên thôn, bản được bê tông; 40% hệ thống thủy lợi, kênh mương được cứng hóa. Các thôn đều có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Tiếp tục quan tâm để thu hẹp khoảng cách
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cùng các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện, nhiều chương trình dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc như chương trình135 của Chính phủ được quan tâm triển khai, thực hiện như: Quyết định 102/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được triển khai kịp thời, bao gồm hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; Hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế công tác tại vùng đặc biệt khó khăn...
Đồng bào Dao ở Ba Vì duy trì được nghề làm thuốc Nam truyền thống |
Thông qua việc thực hiện các chính sách về phát triển sản xuất, trình độ sản xuất, canh tác của người dân đã nâng lên rõ rệt và biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi.
Điển hình là xã An Phú (Mỹ Đức), hiện nay, bà con các dân tộc đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen…
Cơ cấu cây trồng vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản phát triển du lịch, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự đã là cây con xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, do xuất phát điểm của các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, trình độ dân trí không đồng đều và thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn, thiếu việc làm... Do đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.