Học sinh lớp 1 ở Hòa Bình bị hành hung: Vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ trẻ em và Luật Hình sự
Vụ việc em Gia K học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), bị phụ huynh bạn cùng lớp hành hung gây thương tích khiến dư luận rất bức xúc
Bài liên quan
Hòa Bình: Nghi án người mẹ trẻ ôm 3 con nhỏ nhảy xuống suối tự tử
Hòa Bình trúng thầu dự án nhà máy sản xuất bánh gạo Want Want
Hòa Bình trao quà tặng bộ đội biên phòng và học sinh vùng biên ải
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, vào đầu giờ chiều 10/7, khi em Gia K - học sinh lớp 1 đang đứng ở cổng trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để chuẩn bị vào lớp thì bị ông Phạm Duy Đức (SN 1978) là phụ huynh của em P.H.L (bạn học cùng cháu K) dụ dỗ, yêu cầu đi theo đến chỗ khuất rồi ra tay bạo hành, khiến cháu K bị chảy máu mũi, miệng.
Nguyên nhân xảy ra sự việc được cho là 2 ngày trước đó (8/7), cháu K và cháu L trêu đùa nên xảy ra mâu thuẫn trong giờ ra chơi. Sau đó học sinh L có báo cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo gặp riêng 2 học sinh để lắng nghe, giải thích và đề nghị 2 học sinh xin lỗi nhau.
Dù sự việc mâu thuẫn giữa 2 học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đã được giáo viên giải quyết nhưng Phạm Duy Đức vẫn kéo em K ra chỗ vắng để hành hung |
Mặc dù sự việc đã được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm giải quyết nhưng do còn bức xúc về việc mâu thuẫn của con nên khi gặp cháu K ngoài cổng trường, Phạm Duy Đức đã có hành vi bạo hành gây thương tích đối với cháu K.
Sự việc được phản ánh, Công an TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã vào cuộc điều tra, tạm giữ hình sự đối với Phạm Duy Đức (42 tuổi, ở TP Hoà Bình) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích cho em học sinh lớp 1. Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Đức thừa nhận hành hung cháu K vì trong lúc cháu này và con ông Đức chơi với nhau có xảy ra mâu thuẫn.
Khu vực xảy ra vụ việc em K học sinh sinh lớp 1 trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình) bị bố của bạn học cùng lớp hành hung |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Từ thông tin, hình ảnh được chia sẻ trên báo chí cho thấy, cháu bé có nhiều vết thương trên đầu, mặt; Trên áo đồng phục của cháu vẫn còn dính nhiều vết máu cho thấy đây là vụ việc hành hung nghiêm trọng; Xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đặc biệt đó lại là trẻ em - đối tượng đáng lẽ phải nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ xã hội, nhà trường và gia đình.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, bất cứ ai khi đọc thông tin về vụ việc này cũng đều bức xúc, phẫn nộ bởi vị phụ huynh kia đã hành xử thiếu văn hóa, có tính chất côn đồ với cháu bé học sinh lớp 1. Bất ngờ hơn nữa là sự việc lại diễn ra ngay tại môi trường giáo dục, những tưởng rằng là môi trường nhân văn, đào tạo, giáo dục các em nhưng không ngờ lại có những hành vi hết sức thiếu văn hóa và còn vi phạm pháp luật có thể đến mức xử lý hình sự.
Hành vi của vị phụ huynh trong tình huống trên là phản giáo dục, thiếu nhân văn, là hành vi không thể chấp nhận được khi nó xảy ra ngay tại môi trường giáo dục, ngay trước mặt nhiều cháu học sinh và người dân. Câu chuyện đã được chia sẻ đang khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Hành vi của Phạm Duy Đức có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Với sự việc này, cơ quan điều tra cần nhanh chóng điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan; Lấy lời khai của người liên quan, nhân chứng vụ việc; Xác minh, làm rõ động cơ, nguyên nhân, mục đích thực hiện hành vi; Củng cố hồ sơ tài liệu, tiến hành trưng cầu giám định thương tích của cháu bé để làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Sau khi bị bố của bạn cùng lớp hành hung, em K được đưa vào Bệnh viện Hòa Bình điều trị |
Luật sư Cường cho rằng, nếu cháu bé có kết quả khám nghiêm thương tích dù dưới 11% thì vẫn sẽ khởi tố người hành hung cháu bé về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi... Hình phạt của tội danh này là cải tạo không gian giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp thương tích của nạn nhân từ 11% đến 30% thì người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù từ 2 năm đến 6 năm. Ngoài ra, người này còn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần cho cháu bé theo quy định của pháp luật về dân sự.
Các chi phí bồi thường này thực tế chỉ mang tính chất xoa dịu được phần nào tổn thất của cháu bé và gia đình, nhưng những gì mà cháu đã trải qua thì có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, sự phát triển bình thường của cháu bé sau này. Việc bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo quyền lợi của trẻ em đã được ghi nhận từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật cũng như các công ước quốc tế Việt Nam tham gia.
Hành vi bạo lực đối với trẻ em là một hành vi đáng lên án, dù trẻ em có sai thì vẫn có nhiều cách để giáo dục trẻ, không thể giáo dục bằng bạo lực, càng không thể dùng bạo lực để trị bạo lực. Người thực hiện hành vi lại cũng chính là một người đang có con nhỏ ở độ tuổi học lớp 1 đang ở thời kỳ hiếu động, nghịch ngợm, chưa ý thức và nhận thức hết được hành động của mình, do đó nhà trường, cô giáo và gia đình phải có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ, định hướng nhân cách, hành vi đúng đắn cho trẻ.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm về vụ việc em học sinh lớp 1 ở Hòa Bình bị phụ huynh hành hung gây thương tích |
Việc các cháu nhỏ ở trường có xô xát là chuyện khó tránh khỏi, điều này cần đến sự giám sát, dạy dỗ của các giáo viên. Khi con mình và bạn chơi với nhau xảy ra mâu thuẫn, có xây xát thì phụ huynh nào cũng xót, cũng thương con. Không phải vì thế mà được phép sử dụng vũ lực, thói côn đồ với một đứa trẻ còn nhỏ bằng tuổi con mình. Hành vi bạo lực với bất kỳ ai cũng đều sai, là hành vi pháp luật nghiêm cấm, chưa kể đó còn là một đứa trẻ, tâm sinh lý còn non nớt, thể chất chưa phát triển ổn định, không có khả năng tự vệ. Việc hành hung một đứa trẻ mới học lớp 1 có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của đứa trẻ đó cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của cháu.
Cách ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự hình thành nhân cách, điều chỉnh hành vi của con cái mình. Đáng lẽ ra, trong trường hợp trên, phụ huynh nên bình tĩnh có cách xử lý, ứng xử phù hợp, thay vì hành hung cháu bé thì nên thông báo cho nhà trường để cùng nhà trường và gia đình của cháu bé bàn bạc đưa ra cách giáo dục phù hợp nhất.
“Qua sự việc này cũng cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong cách giáo dục con cái, cách xử sự, điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp chuẩn mực xã hội, phù hợp pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn nữa đối với các hành vi bạo hành, xâm phạm quyền trẻ em đang diễn ra rất phổ biến, đa dạng và phức tạp hiện nay.
Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều rất quan tâm đến sự phát triển của trẻ em. Do đó, những hành vi mang tính chất xâm phạm đến quyền trẻ em và đặc biệt là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ thì cần phải bị xử lý thật nghiêm khắc”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.