eMag azine
01/08/2021 00:00
Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

01/08/2021 00:00

LTS: Cái làm nên hồn cốt của làng nghề, khiến Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) khác tất cả các làng thêu khác ở Việt Nam là việc thêu long bào, phục vụ cho các vương triều phong kiến Việt Nam. Trong dòng chảy kinh tế thị trường đầy thách thức, Đông Cứu kiên trì tìm lối đi riêng, vượt qua nỗi lo về sự lụi tàn của các giá trị văn hóa truyền thống.
Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

LTS: Cái làm nên hồn cốt của làng nghề, khiến Đông Cu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Ni) khác tt c các làng thêu khác Vit Nam là vic thêu long bào, phc v cho các vương triu phong kiến Vit Nam. Trong dòng chảy kinh tế thị trường đầy thách thc, Đông Cu kiên trì tìm lối đi riêng, vượt qua ni lo v s li tàn ca các giá tr văn hóa truyn thng.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Được gọi bằng những cái tên rất kêu như “làng thêu rồng phượng”, làng nghề “may áo cho vua” nhưng có giai đoạn, cả làng Đông Cứu bỏ nghề vì những lí do khách quan. Kỹ thuật thêu cổ trên các sản phẩm cung đình cũng suýt bị mai một nếu không có những người con đau đáu với những giá trị văn hóa của cha ông để lại như nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (SN 1969).

Nghệ nhân cho biết, những năm 1991-1998, nghề thêu truyền thông của làng bắt đầu khởi sắc khi liên tiếp có những đơn hàng thương mại. Cũng ở giai đoạn đó, ông nhen nhóm ý tưởng phục dựng những chiếc áo long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa. Ban ngày ông làm những sản phẩm thương mại, chiều tối 1 hoặc 2 ngày mang ra phố một lần, lấy lãi về nuôi cái áo phục chế đầu tiên.

“Có những lần thực sự không có tiền, tôi phải xin khất tiền công của nhóm thợ. Hồi ấy chỉ có mười mấy ngàn một công, tôi bảo thẳng: “Các chị ơi, các em ơi, tháng này em chịu, em chỉ có bằng này thôi, tính toán rồi đem chia”. Mọi người rất là vui vẻ, không có vấn đề gì, còn nếu như bây giờ thì chắc là không. Tôi còn giữ cái ảnh của một ông Việt Kiều chụp, cái ngày nghèo đói vẫn còn đi dép lê, dép tổ ong cũ ở xưởng nhà tôi. Nắng nôi hạn chế nhưng lòng người thì không thể đo đếm được, nhiệt tình vô cùng”, ông Giỏi nói.

Khắc phục khó khăn về tài chính, ông Giỏi tiếp tục mày mò tìm lại các tư liệu về trang phục cổ, nguyên vật liệu, màu sắc, lối thêu, họa sắc, hoa văn...

Thời ấy, những tài liệu về trang phục cung đình xưa rất khó tìm. Không có mạng internet, không tra cứu được trong những nguồn tư liệu công cộng, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phải xin tư liệu từ những cá nhân trong và ngoài nước. Không có bản mẫu, ông chỉ còn tìm lại được những hình ảnh đen trắng có những mảng hoa văn mờ nhòe không rõ.

Theo ông Giỏi, để phục chế trang phục cung đình, người nghệ nhân phải biết các kích thước trang phục, số đo chuẩn mực của vua chúa, quý phi, thái hậu... từ đó, sắp đặt chi tiết hoa văn họa tiết. Bởi vậy cần phỏng đoán, tính toán, suy luận và hỏi tư liệu, kết hợp việc tra trên sách và cả những cuốn nháp của các nhà sử học xưa.

“Nghề chơi” còn cũng lắm công phu khi thị trường không còn cung cấp những nguyên vật liệu may trangphục cho giai tầng của một thời xưa cũ. Chẳng hạn như chỉ thêu.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

“Các cụ phân tích, lượt tơ ra đầu tiên của con tằm là tơ se 2 chiều, lượt thứ 3-4 là tơ lát. Những loại tơ gốc, mà bây giờ gọi là tơ lái gần cuối cùng, tơ ấy không được đều, to, chủ yếu để dệt vải đũi. Còn loại bẩn nhất thì Trung Quốc hay mua về nhai lại để làm tơ. Chẳng hạn, áo Sa Kép thì phải dùng tơ đều, các cụ sẽ hướng dẫn loại này là tơ lát, phải thuê các cụ lấy lần thứ 4-5”, ông Giỏi nói.

Thị trường không bán, nghệ nhân phải thuê, đặt tơ từ các làng nghề tơ tằm ở Nam Định, Nam Hà, Ninh Bình, Phùng Xá, Mỹ Đức; liên kết với các nghệ nhân làng nghề như cụ Trí Đằng nghệ nhân xưa ở Triều Khúc, hay cụ Triệu Văn Mão ở Vạn Phúc. Nhưng thuê riêng giá cao cũng không dễ do làng nghề chỉ sản xuất phục vụ thị trường. Người thợ làm riêng loại tơ như yêu cầu mất nhiều công sức, thời gian và chọn được một chút tơ thì phần còn lại đều phải bỏ. Chỉ những người nào thật sự hiểu và đam mê phục dựng các giá trị văn hóa và có điều kiện sẵn mới sẵn sàng giúp đỡ.

Qua các thời đại, màu sắc cũng có sự biến hóa. Khi phục dựng, ông Giỏi lại phải tìm đến các nghệ nhân làng khác để học cách nhuộm tự nhiên, không dùng hóa chất. Có người sợ ông đến học về cạnh tranh nên chẳng mấy mặn mà. Người hiểu cũng chia sẻ kinh nghiệm một phần còn ông Giỏi phải tự mò mẫm từ cách làm nồi nhuộm giữa trưa nắng, đun bếp bằng củi, làm sao cho màu không bị bay khi phơi…

Rồi đến công đoạn phục dựng lối thêu, họa tiết hoa văn trên áo bào cung đình xưa từ quỷ ba, gấu áo cho đến cổ áo... Không chỉ là cách thêu cầu kỳ, mũi thêu đều tăm tắp mà còn phải đúng, đủ, cân đối kể cả màu sắc lẫn hình thể. Phúc hậu, cát tường, uy nghi phải hội tụ tất cả trên áo bào của vua chúa. Một quả ngọc châu hay một chùm vân đang bay thêu trên vạt áo, sẽ khác vai áo, cổ áo, thủy ba…

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Trong 5 năm trời từ 1993-1998, ông Giỏi vừa làm sản phẩm thêu thương mại, vừa tập hợp nhóm thợ để mày mò phục dựng kỹ thuật thêu thùa may vá cho ông hoàng bà chúa khi xưa. Thất bại lại làm lại, 20 cái áo long bào phục dựng hỏng là 20 lần ông rút ra những bài học quý giá cho mình.

Ông chia sẻ: “Thời ấy, tôi nghĩ nó cũng là cái mê muội, ngồi nghĩ lại cũng thấy “hâm hâm”. Ngày ấy gia đình điều kiện không có, bao cấp khó khăn, đói, khổ, túng thiếu. Xã hội lúc ấy đang phát triển, công việc nhiều mà lại chúi đầu vào cái áo. Cái đấy nói hay là bản lĩnh, nói trắng là cố tình, dù biết “có thể chết bị ăn đánh” nhưng vẫn cố tình. Cũng may cái đó là cái duyên và nghiệp. Khi hồi phục lại những văn hóa xưa, tâm linh của các vua chúa chỉ đường cho mình làm. Có những thứ dùng tiền để mua mà cũng không được”.

Trong quá trình tìm hiểu, phục dựng, ông Giỏi đã truyền lại cách thêu đúng với từng loại hoa văn cổ trong cung phục cho những thợ thêu lành nghề trong làng. Từ khi phục dựng thành công chiếc áo long bào đầu tiên, đến nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng nhóm thợ đã làm được hàng chục bộ trang phục cung đình, từ áo vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Tiêu biểu trong số đó là các bộ long bào của vua Đồng Khánh, Bảo Đại, Tự Đức, hoàng thái tử, hoàng hậu.. Những tác phẩm này hiện được trưng bày tại bảo tàng cung đình Huế.

Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình, cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016.

Trong hiện tại và tương lai, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi lại tiếp tục đi theo hành trình vua cha dẫn lối chỉ đường, tìm về những dấu nét cổ xưa trong vạt áo bào quyền uy các thời kỳ khác. Ông đã tìm đọc lại những tư liệu lịch sử và bắt tay vào làm những bước đầu tiên trong giai đoạn mô phỏng linh hồn áo bào của triều Trần, Mạc.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Đã tìm lại được “hồn cốt” của làng là nghệ thuật thêu cung đình đỉnh cao, vượt qua nỗi lo về sự lụi làn và bước đầu tạo được dấu ấn làng nghề trong thời hội nhập. Thế nhưng Đông Cứu lại phải đối mặt với những thách thức mới: đội ngũ trẻ kế thừa, chọn thủ công thuần túy hay đưa máy móc vào sản xuất.

Theo thông tin từ UBND xã Dũng Tiến, làng Đông Cứu có 572 hộ, tới 90% số hộ làm nghề thêu. Trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn. Nếu như trước đây, nghề thêu là nghề tay trái của người làng thì từ 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành nghề chính.

Những người dân thuộc làng nghề từ bé hoặc từ ngoài vào làng nghề đều được dạy theo phương thức truyền miệng, kết hợp với thực hành. Độ kỹ và tỉ mẩn của người hướng dẫn càng cao thì người học nghề đạt được hiệu quả nhanh hơn.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi trong quá trình phục dựng long bào, áo phượng, mũ mão, hia hài sợ nhất lúc thợ thuyền quen xin nghỉ. Bởi người có tay nghề trong làng thì có nhưng đó là biết thêu chứ không phải biết “cách thêu” đúng với từng kiểu hoa văn cổ. Trong khi đó, các công đoạn phục dựng rất phức tạp, mỗi người chỉ thêu một chi tiết, một hoa văn nhất định. Thợ quen nghỉ việc thì nghệ nhân lại phải tìm người mới, đào tạo lại từ đầu.

Tại Đông Cứu, nhân sự nghề thêu thường là những người thợ lâu năm. Bạn trẻ có nhưng thường chủ yếu làm bán thời gian.

Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Nga - một người thợ làm thêm tại xưởng cho biết: “Người trẻ giờ đều đi theo sự yêu thích nghề nghiệp riêng. Hầu hết những ai đi sâu vào con đường phát triển làng nghề là theo sự nghiệp cha truyền con nối”.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Theo tiết lộ của người ở xưởng thêu, mỗi người thợ được trả công khoảng 150.000 đồng/ngày thêu. Mức giá này không hề cạnh tranh với người trẻ khi họ có nhiều lựa chọn cho thu nhập cao hơn.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giới trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Thế nên Đông Cứu và nhiều làng nghề truyền thống khác vẫn đau đáu với chuyện giữ chân người trẻ với nghề truyền thống.

Văn hóa cổ phục được đúc kết qua tay nghề khéo léo lâu năm của các nghệ nhân xưa, những hoa văn họa tiết truyền thống có hồn cốt và lắng đọng những gì tinh túy nhất. Thế nên một sản phẩm phục cổ hay thuần thủ công được người thợ thêu tỉ mẩn từng chi tiết, thổi hồn cho hoa văn trên vải thường rất đắt đỏ.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Theo tiết lộ của người làng Đông Cứu, Một bộ sản phẩm đầy đủ và kỹ từng chi tiết thuộc hàng đặc biệt giá giao động từ 400-500 triệu đồng. Những bộ họa tiết đơn giản hơn trung bình khoảng 100 triệu đồng. Những sản phẩm đặc biệt mà nghệ nhân Vũ Văn Giỏi nhận làm với thêu chỉ vàng và trang trí bằng ngọc có thể lên tới cả tỷ đồng. Thế nhưng thị trường cho những sản phẩm này khá hạn hẹp, chỉ phục vụ xuất khẩu nhỏ lẻ, vài chục bộ tùy từng thời điểm cho Việt kiều, Ấn Độ hoặc Mỹ là chủ yếu.

Lí giải về mức giá được cho là đủ ăn cả năm này, ông Nguyễn Thế Du - Chủ tịch Hội Nghề cho biết: “Đắt là đắt ở công thêu tay tỉ mẩn của từng người thợ. Linh hồn của sản phẩm khi thêu tay sẽ khác hẳn khi thêu bằng máy. Những sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công, trông rất sang và lịch sự. Người thực sự không hiểu được giá trị của sản phẩm, không biết thưởng thức, không có con mắt nghệ thuật sẽ chê cao”.

Trên thực tế, với những sản phẩm đặc biệt, các nhóm thợ làng Đông Cứu phải làm cả năm mới xong. Nên giá đắt nhưng thu nhập của người làm nghề không cao. Bởi vậy, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi mới than thở: “Nhiều người họ bảo làm nghề này phải giàu có, nhưng thật sự không phải, bất cứ nghề nào cũng vậy, những cái đã độc ra rồi, thì thường là đói, độc với đói mới đi với nhau!”

Giá cao thường khó bán hàng nên để sống được với nghề thêu, bên cạnh những người duy trì cách làm truyền thống thủ công, tỉ mẩn, kĩ càng thì ở làng Đông Cứu xuất hiện xu hướng làm hàng rối, hàng nhái để phục vụ nhu cầu đám đông.

Những người thật sự thích những sản phẩm cao cấp, họ sẽ tìm về những người bán hàng có tay nghề cao. Còn phần lớn người dân ít tiền, họ tìm đến hàng làm rối, ông Du cho biết.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho rằng: “Làng nghề muốn tồn tại khi làm vậy là chuyện bình thường. Người làm rối thì bán rẻ để phục vụ nhu cầu của người dân, không thể nào bắt bớ họ”.

Để việc gìn giữ văn hóa truyền thống song hành cũng với việc kiếm tiền sinh nhai, duy trì sức sống làng nghề, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất 3 giải pháp cho làng nghề Đông Cứu.

Thứ nhất, giảm kích thước của sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoặc lược bớt chi tiết, chỉ chọn những gì đặt trưng nhất. Việc thay đổi về bố cục, kích thước thì giá sẽ thay đổi.

Thứ hai, khi bán những sản phẩm loại 2, loại 3 thì cần nói rõ với khách hàng, giữ uy tín của làng nghề.

Thứ ba, phân chia lao động và có kế hoạch chi tiết để phát triển làng nghề, đi sâu vào thị trường tiêu dùng và đối tượng khách hàng của từng loại sản phẩm.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản
Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Đã có nhiều làng nghề truyền thống Việt Nam thành công trong việc tái định vị thương hiệu, số hóa di sản để mở rộng thị trường như làng gốm Bát Tràng, làng nghề mộc Chàng Sơn. Đông Cứu có thể học tập từ những làng nghề thành công trong hội nhập ấy.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có gợi ý về những điều mà làng nghề Đông Cứu nên làm để bước ra thế giới.

PGS. TS Phạm Ngọc Trung cho biết: “Trước đây, làng nghề rất phát triển dù sản xuất thủ công hoàn toàn. Đến giữa thế kỷ XX, các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu rất nhiều cho các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng đến cuối thế kỉ XX, làng nghề đứng trước thời cơ và thách thức.

Thời cơ khi thị trường mở rộng, Đảng và Nhà nước khuyến khích sản xuất, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đối ngoại, luật pháp cởi mở, tư tưởng đổi mới, ngoại giao phát triển.

Thách thức khi thế giới phẳng, các làng nghề cần cạnh tranh với thế giới và trong chính các làng nghề với nhau. Những làng nghề không kịp thời cải tiến sẽ khó phát triển. Nhưng cải tiến theo xu hướng nào là những điều mà các nghệ nhân phải bàn và kết hợp lại. Nếu không có sự thay đổi thì không thể thích nghi”.

Theo quy luật phát triển chung của làng nghề, có nhiều làng đi lên, nhưng cũng có làng nghề lụi tàn vì không có đầu ra sản phẩm. Quá trình sản xuất không có đầu ra hoặc gây ô nhiễm khiến Nhà nước cấm, do đó, làng cần giải quyết khó khăn mà thị trường tạo ra.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Tại làng nghề Đông Cứu, những sản phẩm thuần thủ công đặc biệt của các nghệ nhân thường được làm khi có Việt kiều, người nước ngoài tự tìm đến đặt hàng, thị trường xuất khẩu nhỏ hẹp vì sản phẩm đắt và kén khách. Còn mặt hàng rối thêu máy hoặc kết hợp thủ công và thêu máy phục vụ đơn hàng từ các làng vải, làng may như Ninh Hiệp thì không có dấu ấn riêng và dễ bị cạnh tranh bởi các làng thêu khác. Việc quảng bá thương hiệu làng nghề thường trông chờ vào các sự kiện văn hóa mà các nghệ nhân cho mượn sản phẩm để trưng bày, biểu diễn; các bài báo, clip do phóng viên thực hiện.

Thử tìm các từ khóa về làng nghề Đông Cứu, về nghệ thuật thêu cung đình ở Đông Cứu trên kênh YouTube, mạng xã hội Facebook hay một số chợ thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như tìm kim đáy bể.

Nhìn vào thực tế ở Đông Cứu, PGS. TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: Cần phải giữ được kỹ thuật và chất liệu riêng của Việt Nam nhưng phải chọn sao cho phù hợp với khí hậu, thời tiết, gu thẩm mỹ... của các khu vực tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nước ngoài. Cần nghiên cứu, xâm nhập thị trường và cải tiến mẫu mã để phục vụ cho việc mở rộng kinh tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, làm việc với các đối tác nước ngoài cần nguồn vốn lớn phục vụ cho thị trường lớn. Nghệ nhân, người dân cần thành lập các doanh nghiệp, các hợp tác xã, công ty, hội làng nghề, đề hùn vốn, kỹ thuật và nhân lực.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Trong thế giới phẳng, ngoài việc giữ gìn bản sắc, phải làm lớn thì làng nghề cũng số hóa để hội nhập.

Thực tế, từ lâu đã có nhiều làng nghề tại Việt Nam đã thực hiện số hóa làng nghề, quảng bá nhiều hơn các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam tới đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Đông Cứu có thể học cách làm của các làng nghề này.

Như ở làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), kiến trúc sư Nguyễn Giang đã có hành trình hơn 10 năm số hóa các sản phẩm gỗ truyền thống làng nghề Chàng Sơn. Với mỗi clip đưa lên kênh mạng xã hội cá nhân, anh thu về hàng chục cho đến hàng trăm nghìn lượt xem và theo dõi kênh. Sản phẩm của anh cũng thu được nhiều sự quan tâm của bạn bè trong và ngoài nước. Cũng từ đó, công ty của anh có các đơn hàng trực tuyến từ trên mọi miền đổ về.

Ở làng gốm Bát Tràng, kỹ sư CNTT Trần Dương Quý cũng sử dụng facebook như một công cụ hiệu quả để tiếp thị, quảng bá và bán các sản phẩm truyền thống. Với hàng chục ngàn lượt theo dõi, mỗi ngày, anh Quý có thể nhận được hơn 100 đơn hàng, trong đó 70% là khách đặt qua Facebook.

“Truyền thông báo chí chỉ là một kênh góp thêm tiếng nói, mang tính chất giới thiệu, tuyên truyền. Quá trình truyền thông cần sự lâu dài và bền vững. Nội lực là yếu tố quan trọng giúp làng nghề được biết đến nhiều hơn”, PGS. TS Phạm Ngọc Trung nói.

Để thông tin lan tỏa tự nhiên trên mạng xã hội, Đông Cứu có thể xây dựng một vài điểm hợp nhãn giới trẻ để họ đến check-in, để các Youtuber thấy thú vị và tìm về làng làng vlog.

Bên cạnh đó, trong xu thế du lịch làng nghề như hiện nay, Đông Cứu cần tạo ra những điểm nhấn để hấp dẫn khách du lịch và khiến họ “móc hầu bao”. Chẳng hạn như việc tạo nên các sản phẩm nhỏ xinh vừa túi tiền như chiếc khẩu trang thêu, tạo ra dịch vụ vận chuyển dễ dàng với cước phí nhỏ cho khách du lịch mê những khung tranh lớn. Hoặc để tăng trải nghiệm làng nghề, mỗi nghệ nhân có thể làm một góc trải nghiệm nhỏ cho du khách, hướng dẫn họ tự thêu sản phẩm…

Đông Cứu cũng cần có một địa điểm, một khu vực riêng để trưng bày những gì là tinh hoa nhất của làng nghề, để giới thiệu sản phẩm, mời du khách đến tham quan, tái hiện lại không gian của làng thêu xưa cũ.

Như rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, muốn tồn tại trong thế giới phẳng, Đông Cứu cần tự tìm con đường đi của mình, phải kiên trì xây dựng thương hiệu, nâng cao về nhận thức, tổ chức, chất lượng sản phẩm.

Nội Dung: Hà Thu - Huyền my

Trình bày: Nguyễn Đỗ