Kết nối doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho khai quật thành cổ Sơn Tây Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển điểm du lịch OCOP Khám phá bối cảnh du lịch tại Việt Nam |
Phát triển các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong những năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động tham mưu, phối hợp cùng các cấp, ngành, doanh nghiệp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiệu quả, phù hợp với tình hình mới trong các hoạt động của ngành.
Đồng thời, Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các điểm đến, tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Sở cũng gắn kết chặt chẽ chương trình OCOP với hoạt động du lịch của các đơn vị; Khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP với du khách, phát triển các không gian giới thiệu sản phẩm OCOP; Tích cực triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành...
Nhờ đó, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Điểm đến du lịch TP hàng đầu Thế giới năm 2022; Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á năm 2022. Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó, có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại buổi kiểm tra |
9 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, TP đặt mục tiêu phục vụ tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2%. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 45%, tăng hơn 5%.
Để đạt kết quả đó, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch nội địa như: Nghiên cứu đầu tư phát triển, khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng; Phối hợp các địa phương tập trung xây dựng, phát triển một số mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây…
Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP lĩnh vực du lịch; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước, quốc tế, trang website, nền tảng mạng xã hội... để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn” ….
Xây dựng thương hiệu ngành Du lịch Thủ đô
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất, TP hỗ trợ các làng nghề khâu thiết kế để sản xuất các sản phẩm quà tặng hấp dẫn, hướng tới phát triển ngành công nghiệp quà tặng; Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, quà tặng, sản phẩm du lịch, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt đối với hàng hóa Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch Hà Nội chung tay bảo hộ các sản phẩm du lịch, nhằm xây dựng thương hiệu ngành Du lịch Thủ đô...
Đoàn kiểm tra khảo sát tại cửa hàng Tân Mỹ Design (tại địa chỉ 61 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) |
Tại buổi kiểm tra, đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch Vietsen cho biết, Cuộc vận động "Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng. Du khách trong và ngoài nước rất yên tâm lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp khi biết đơn vị đứng trong top cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích“.
“Chúng tôi mong muốn có không gian trên các website để doanh nghiệp chủ động quảng bá về doanh nghiệp và mong Cuộc vận động triển khai xuyên suốt hơn nữa để giúp doanh nghiệp gia tăng sự hiện diện nhằm quảng bá tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Sở Du lịch Hà Nội và thành tựu của ngành Du lịch Thủ đô trên nhiều lĩnh vực, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...
Để công tác triển khai cuộc vận động trên địa bàn TP đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị, Sở Du lịch làm tốt vai trò là thành viên của Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP; Tiếp tục tuyên truyền, truyền thông về du lịch Hà Nội tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.
Cùng đó, Hà Nội tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành du lịch Thủ đô; Xây dựng các sản phẩm văn hóa, làng nghề, sinh thái theo hướng độc đáo, hấp dẫn, có tính bền vững cao, cạnh tranh lành mạnh, để từ đó kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân, tạo lòng tin của người dân đối với sản phẩm du lịch.
Sở cũng cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch trên địa bàn; Tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành; Đồng thời, chủ động gắn kết, tham mưu cho TP trong việc thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh du lịch.
Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị các doanh nghiệp nâng tầm giá trị giải thưởng, tự tuyên truyền quảng bá về giải thưởng bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích đến đông đảo người dân và du khách.