Trong cuộc sống hàng ngày, đâu đó vẫn còn rất nhiều những mảnh đời kém may mắn. Họ là những người khiếm khuyết một phần cơ thể. Dù sức khỏe yếu nhưng “ngọn lửa” nghị lực của họ chưa bao giờ ngừng tắt. Họ luôn muốn cống hiến, tạo giá trị cho cuộc sống, trở thành những người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho cảnh đời cùng số phận. Ngày qua ngày, họ vẫn lặng lẽ “tỏa hương” giữa đời thường.
Từ những mảnh vải vụn được vứt bỏ, qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của chị Hoàng Thị Hậu, nhân viên Hợp tác xã Vụn Art (quận Hà Đông, Hà Nội) đã trở thành những họa tiết trang trí sinh động, độc đáo trên các sản phẩm như: Tranh vải, túi xách, áo phông, áo dài, sản phẩm quà tặng... Những sản phẩm này không chỉ được bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động mà còn là biểu tượng cho sự nỗ lực, cống hiến, sáng tạo của những người khuyết tật đang làm việc tại Vụn Art.
Chị Hoàng Thị Hậu (đeo kính) tỉ mỉ cắt từng chi tiết nhỏ để làm ra những họa tiết ưng ý |
Chứng kiến đôi bàn tay chậm rãi lựa chọn từng mảnh vải vụn, rồi khéo léo cắt, khâu lại cẩn thận vào những chiếc túi xách xinh xắn, chúng tôi mới thấy công việc của chị Hoàng Thị Hậu không hề dễ dàng như tưởng tượng. Là một trong những người gắn bó với Vụn Art từ những ngày đầu tiên - năm 2017 nên hơn ai hết, chị Hậu hiểu hết những giá trị của công việc này. Chị cũng luôn là người truyền cảm hứng, động lực cho những người có cùng cảnh ngộ đang làm việc tại đây.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Hậu cho biết: “Từ khi sinh ra, tôi đã không may mắn khi bị khuyết tật vận động. Điều kiện gia đình khó khăn nên không có nhiều cơ hội để chạy chữa, vì vậy, cuộc sống của tôi từ nhỏ đến giờ luôn phụ thuộc vào chiếc xe ba bánh.
Suốt những tháng năm còn nhỏ, tôi đã cố gắng học tập với mong muốn cuộc sống sau này đỡ vất vả. Vì gia đình hoàn cảnh cộng với việc đi lại khó khăn nên tôi đã phải thôi học từ sớm. Để không trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi đã theo chị gái học rèn (chị Hậu sinh ra và lớn lên ở làng nghề rèn truyền thống Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, nghề rèn vất vả, sức khỏe thì yếu nên tôi cũng chỉ theo được một thời gian ngắn.
Đến năm 1999, tôi được người quen giới thiệu làm việc tại Hội Người mù quận Hà Đông. Gắn bó được 7 năm, một lần nữa tôi quyết định xin nghỉ việc về nhà chạy chợ, bán rau cùng với chị gái. Cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi luôn lạc quan, hạnh phúc vì bản thân vẫn tạo ra giá trị”.
Suốt những năm tháng buôn bán đó, chị Hậu may mắn gặp và làm quen với anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông; Sáng lập Hợp tác xã Vụn Art. Sau khi tìm hiểu rõ về hoàn cảnh của chị Hậu, anh Cường đã vận động chị tham gia Hội Người khuyết tật quận Hà Đông và thành lập ra Hợp tác xã Vụn Art.
“Biết mình không có năng khiếu cộng với sức khỏe yếu, mỗi khi trái gió, trở trời bệnh cũ lại tái phát nên tôi đã nhiều lần từ chối lời mời của anh Cường. Được sự động viên, khích lệ tinh thần của người thân cùng với sự nhiệt tình của anh Cường, tôi quyết tâm thử sức với lĩnh vực hoàn toàn mới là học làm tranh vải và các sản phẩm từ vải vụn. Từ chỗ không biết gì về nghề, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy cô, tôi đã nhanh chóng học nghề xong và làm việc tại Vụn Art.
Nhìn những sản phẩm do mình làm ra, tuy không có nhiều giá trị về vật chất song đó chính là niềm tự hào của tôi cũng như các bạn khuyết tật đang làm việc tại đây. Những sản phẩm này sẽ được bán ra thị trường, làm quà tặng trong những dịp lễ lớn như SEA Games 31 vừa qua vừa giúp đem lại nguồn thu nhập, vừa là minh chứng khẳng định những người khuyết tật như chúng tôi “tàn nhưng không phế”. Chúng tôi vẫn đang cố gắng, nỗ lực từng ngày để xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn”, chị Hậu bày tỏ.
Cũng gắn bó với Vụn Art từ lâu, chị Nguyễn Thị Thanh luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi lẽ, nơi đây không chỉ tạo ra công việc cho chị, mà đó còn là nơi để chị thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm mới, mang đậm dấu ấn của Vụn Art.
Chị Thanh chia sẻ: “Công việc hàng ngày của tôi là thiết kế, cắt dán những mảnh lụa vụn của làng nghề lụa Vạn Phúc thành những họa tiết, phụ kiện trang trí in trên chất liệu vải. Đơn cử như trong sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vừa qua, chúng tôi đã cắt, dán vải vụn thành linh vật Sao la của SEA Games 31 phục vụ khách du lịch làm quà tặng, quà biếu.
Vụn Art được xem là ngôi nhà thứ hai của những người lao động khuyết tật |
Mặc dù là người khuyết tật nhưng chúng tôi luôn đam mê với nghề bằng việc tập trung làm ra các sản phẩm mang thương hiệu làng lụa Vạn Phúc nhưng có dấu ấn của Vụn Art. Dù vất vả, phải làm việc căng thẳng nhưng tôi và mọi người ở đây rất hạnh phúc, mong muốn làm được nhiều ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao đến với khách hàng ở mọi miền Tổ quốc cũng như khu vực Đông Nam Á”.
Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art |
Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art cho biết: “Trong thời gian vừa qua, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi đã giảm khá nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, khi có sự kiện SEA Games 31, chúng tôi rất tự hào là người Hà Nội - địa phương được đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 chào đón sự kiện này. Đây là cơ hội chúng tôi phát huy năng lực, sở trường để tăng thu nhập cho người khuyết tật, đồng thời quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong khu vực về những sản phẩm của làng nghề lụa Vạn Phúc”.
Với phương châm “người khuyết tật không làm ra những sản phẩm khuyết tật”, các sản phẩm của Hợp tác xã Vụn Art trước được dán lên những bức tranh mang tích cổ dân gian, vốn đã được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận nhiều năm qua. Nay khi các sản phẩm của Vụn Art được dán hình linh vật của SEA Games 31 hút khách đó là chú Sao la gắn với các bộ môn bóng đá, bóng ném, bóng chuyền, đấu kiếm, quần vợt, thể dục dụng cụ…
Những sản phẩm đến với du khách quốc tế và trong nước không chỉ tạo thêm việc làm cho người khuyết tật ở Vụn Art mà còn quảng bá được hình ảnh của quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đến với bạn bè khu vực Đông Nam Á.
Đối với những người bình thường, vươn lên từ hai bàn tay trắng là điều không dễ, do đó, với những phụ nữ khuyết tật thì đó là cả một thử thách lớn lao. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, hai chân bị bại liệt, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng những lao động nữ khuyết tật lại không hề buông xuôi, phó mặc cho số phận mà luôn nỗ lực vươn lên là tấm gương về nghị lực sống.
Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là nơi làm việc và cũng là tổ ấm thứ hai của gần 40 người lao động khuyết tật. Trong số đó, đa phần là lao động nữ. Đây chính là một minh chứng cho thấy những nỗ lực, phi thường của những lao động nữ khuyết tật.
Hiện tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng có khoảng hơn 50 người khuyết tật đang làm việc |
Sinh ra vốn là một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, chị Trịnh Thị Đông (sinh năm 1977, quê ở Lạng Sơn) được nhiều người yêu mến vì sự nhanh nhẹn, tháo vát. Bi kịch ập đến khi chị bắt đầu bước sang tuổi 19, do mắc căn bệnh liệt thần kinh ngoại biên, chân tay của chị bỗng tê bì, mất cảm giác. Do ở vùng xa xôi, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn cùng với thiếu hiểu biết về y học hiện đại, chị Đông đã không thăm khám, điều trị kịp thời, dẫn đến hai chân không thể đi lại bình thường. Sức khỏe cũng ngày càng suy yếu khiến chị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Đông cho biết: “Trước đây, khi còn ở quê, tôi có làm việc cho một quán tẩm quất của Hội Người mù. Công việc dù không vất vả nhưng mất nhiều thời gian khiến sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút trầm trọng. Do đó, tôi đã xin nghỉ việc ở nhà phụ giúp gia đình và chăm con nhỏ.
Vô tình một lần tôi xem trên mạng xã hội thấy chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng giới thiệu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Qua trò chuyện, tôi được biết chị là chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mà người lao động chủ yếu là người khuyết tật. Tôi đã ngỏ ý xin việc với mong muốn kiếm thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau khi được nhận, tôi đã thu xếp công việc gia đình, khăn gói xuống Hà Nội học nghề và làm việc luôn tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng. Do xa quê, điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi đã được bố trí ăn, nghỉ tại chỗ làm luôn. Ngoài khoản lương hàng tháng, tôi còn được hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí. Nhờ đó cuộc sống của tôi cũng phần nào vơi bớt khó khăn”.
Công việc hàng ngày của chị Đông là đan hạt gỗ thành những thành phẩm như đệm ghế, chiếu, lắp màn khung... Mặc dù được trả công khá cao song do sức khỏe yếu, chị Đông không thể làm ra nhiều sản phẩm. Do đó, thu nhập hàng tháng của chị chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để chị trang trải cuộc sống hàng ngày và phần nào lo cho con cái học hành ở quê.
Mặc dù cuộc sống khó khăn, sức khỏe ngày một giảm sút song tâm lý của chị Đông luôn vui vẻ, thoải mái bởi chị vẫn còn khả năng lao động, vẫn có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị để tự làm chủ cuộc sống của mình.
“Nhìn những món đồ mình làm xong được đem đi bán, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc bởi bản thân mình khuyết tật nhưng những sản phẩm do mình làm ra lại có giá trị cả về vật chất và tinh thần. Tôi chẳng mong gì hơn ngoài việc có thật nhiều sức khỏe để làm việc, lo cho bản thân và đứa con bé nhỏ đang sống ở quê với ông ngoại. Tôi cũng hy vọng, những sản phẩm do người khuyết tật làm ra sẽ được đông đảo người tiêu dùng biết đến và ủng hộ. Từ đó, chúng tôi có việc làm ổn định và có thêm thu nhập”, chị Đông chia sẻ.
Cùng làm việc với chị Trịnh Thị Đông tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng nhưng chị Đào Thị Nhật (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại có phần may mắn hơn bởi có thể tự đi lại và làm được nhiều việc.
Sinh ra trong gia đình có 5 chị em, chị Đào Thị Nhật là con cả, năm nay cũng vừa tròn 63 tuổi. Trong khi các em khỏe mạnh bình thường thì chị Nhật lại không may mắn bị mắc bệnh viêm cơ, dò xương dẫn tới bị tật. Không đầu hàng số phận, từ nhỏ, chị Nhật đã nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi công việc gia đình. Đến khi học xong, chị cũng tự tìm cho mình một công việc với mức thu nhập ổn định.
Chị tâm sự: “Từ khi lớn lên, tôi đã tự mầy mò học cách buôn bán để kiếm sống. Từ những thứ lặt vặt cho đến những đồ dùng gia đình, rồi cả lĩnh vật hoa khô nghệ thuật. Tuy cơ thể bị khiếm khuyết nhưng ông trời bù lại cho tôi năng khiếu thẩm mỹ. Nhờ đó, tôi có một công việc ổn định với mức thu nhập khá, đủ để trang trải cuộc sống và tích lũy khi về già.
Chị Đinh thị Quỳnh Nga, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng người lao động của hợp tác xã giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ hạt gỗ |
Cuộc đời của tôi càng may mắn hơn kể từ khi tôi gặp được chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng. Hai chị em đều có hoàn cảnh giống nhau nên chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống. Hai chị em chúng tôi đã có thời gian dài làm việc cùng nhau trước khi thành lập ra Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng. Giờ đây, công việc chính của tôi là đan hạt gỗ, ship hàng cho khách, đi chợ, nấu nướng hỗ trợ các anh em công nhân đang làm việc tại hợp tác xã... Công việc không quá vất vả lại có mức thu nhập đều nên tôi luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại”.
Ước muốn về một công việc ổn định với mức thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày là ước mơ của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, với những người lao động khuyết tật còn vui mừng, hạnh phúc hơn khi chính công việc của họ đem lại nhiều giá trị tích cực cho đời. Những sản phẩm do họ làm ra đã góp phần kết nối, lan tỏa, truyền đi thông điệp ý nghĩa rằng “tuy những người lao động khuyết tật nhưng ý chí và nghị lực của họ lại hoàn toàn phi thường”. Chính những sản phẩm đó cũng góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về những người khuyết tật “tàn nhưng không phế”, giúp họ dễ dàng hòa nhập mạnh mẽ hơn.
Một người lành lặn, để thành công một nghề nào đó đã khó, với người khuyết tật như chị Hậu, chị Đông, chị Nhật... lại càng gian truân gấp bội. Nhìn các chị say mê, khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết để làm ra những sản phẩm đẹp đã minh chứng được rằng, dù khuyết tật nhưng nếu có ý chí và nghị lực thì việc gì cũng làm được.
Có thể thấy một điều rằng, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội chăm sóc, giúp đỡ. Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động khuyết tật trong cuộc sống và tạo việc làm.
Đơn cử, thời gian vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Hội Người khuyết tật của 30 quận, huyện, thị xã và các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tin tham gia thị trường lao động.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả như tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các phiên lưu động tại các quận huyện; Các chương trình tư vấn tập trung về chính sách pháp luật lao động và kỹ năng tìm kiếm việc làm…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo đội ngũ tư vấn viên đồng cảnh đủ khả năng tư vấn và hỗ trợ cho người khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đồng thời, thành phố xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tư vấn tâm lý đồng cảnh, kỹ năng sống, tư vấn pháp lý, tư vấn việc làm, tư vấn y tế... ) cho người khuyết tật. Thành phố Hà Nội cũng tổ chức chương trình tư vấn online cho người khuyết tật về thị trường lao động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp.
Mặc dù công tác hỗ trợ người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn song những chính sách, giải pháp kịp thời của thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã phần nào hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm, thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người khuyết tật trong lĩnh vực lao động.
“Một trong những hoạt động dự kiến sẽ thực hiện là các chương trình tư vấn cho những gia đình có người khuyết tật để phá bỏ những rào cản vô hình, giúp người khuyết tật được tiếp cận với những dịch vụ mà trung tâm cung cấp. Đặc biệt, trung tâm sẽ phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin người khuyết tật nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho công tác giới thiệu việc làm”, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, những người phụ nữ khuyết tật tuy không may mắn có một cơ thể lành lặn, một đôi chân bình thường nhưng họ có một tâm hồn và những việc làm tốt đẹp. Khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lý do để người ta từ chối cuộc sống này mà nó là động lực thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống.
Xin dành những lời chúc tới những lao động nữ khuyết tật có thêm nhiều sức khỏe, ý chí và nghị lực kiên cường để vượt lên số phận. Cũng hy vọng rằng, Trung ương và thành phố có thêm nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động, góp phần giảm bớt khó khăn vất vả, giúp người lao động khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.
Bài viết: Nam Trang Đồ họa: Phạm Mạnh |