Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố: Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022. Theo Báo cáo, tỉnh Quảng Ninh lần thứ sáu liên tiếp đứng vị trí đầu bảng xếp hạng quan trọng này.
Không chỉ có vậy, địa phương này tiếp tục nhận vị trí quán quân năm thứ 4 liên tiếp ở chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) do Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức đánh giá.
Đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực rất lớn trong hành trình tiến về phía trước bởi còn nhiều thử thách, chông gai đang chờ đón, đòi hỏi năng lực quản trị phát triển bền vững của tỉnh cần tiếp tục được nâng lên tầm cao mới.
10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và bảy năm đạt mức tăng trưởng hai con số. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân vì sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trong thực tiễn sinh động của Quảng Ninh, luôn có một bài học quan trọng được tỉnh xác định nhất quán: Để đi từ thành công này đến thành công khác, không thể thiếu sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân. Minh chứng rõ nét nhất là kỳ tích trong giai đoạn đổi mới với tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) tỉnh đã xác lập trong bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp vừa qua.
Không chỉ giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã hết sức thành công khi giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện qua niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ ngày càng được củng cố, nhân lên.
Báo cáo đánh giá chỉ số PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra: Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu là nhờ có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Đó là sự thành công của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh); Của việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Bảng xếp hạng PCI năm 2022. Nguồn PCI Việt Nam. |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, sau các kiến nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng nắm bắt và có những sự điều chỉnh hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Như năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã giảm được 41 cuộc thanh tra, 361 cuộc kiểm tra, 135 cuộc kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong những yếu tố để Quảng Ninh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao và duy trì vị thế dẫn đầu.
Bộ chỉ số PCI là niềm tin, sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký. |
Đây cũng là bộ chỉ số "lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp" về tính liên tục theo trật tự trên chặng đường suốt 10 năm qua mà tỉnh Quảng Ninh giành được.
Điều này thêm một lần nữa khẳng định những kết quả và niềm tin của người dân, doanh nghiệp dành cho tỉnh hoàn toàn không phải cảm tính.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký chia sẻ: Việc mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp "đo lường", đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở như DDCI, Par index, Sipas, DGI, ICT... chính là văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, làm cho tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, bổn phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng độ tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hành trình chinh phục đỉnh cao PCI của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một "Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công".
Thứ hạng PCI cao đã giành được khiến mỗi cán bộ, công chức phải luôn đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực bền bỉ để vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để giữ đà phát triển cho những năm tới đã được chuyển hóa thành ý chí và quyết tâm chính trị ở mức cao nhất xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định "Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI".
Địa phương này tiếp tục nhận vị trí quán quân năm thứ 4 liên tiếp về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) do Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức đánh giá.
Cụ thể, báo cáo đánh giá chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2022 của các cơ quan, đơn vị, địa phương khẳng định, Quảng Ninh luôn kế thừa và phát triển mục tiêu cải cách nền hành chính, đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2022, UBND tỉnh triển khai đánh giá xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR-INDEX) đối với 51 đơn vị, gồm 20 Sở, ban, ngành; 13 địa phương; 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.
Theo đó, điểm trung bình của 20 sở, ngành đạt 86,89 điểm; Giảm 1,65 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 88,54 điểm). Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng đạt 93,99 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 73,07 điểm.
Điểm trung bình của 13/13 UBND cấp huyện đạt 85,39 điểm, giảm 4,08 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,47 điểm); Cả 13/13 địa phương năm 2022 đều có điểm trung bình giảm. Thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 90,94 điểm; Huyện Bình Liêu đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 80,98 điểm.
Điểm trung bình của 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt 89,98 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,03 điểm). Trong đó, Cục Thuế tỉnh là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 95,1 điểm; Đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đạt 76,26 điểm.
Điểm trung bình của 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh đạt 72,83 điểm, tăng 2,57 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 70,26 điểm). Trong đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đạt 81,2 điểm, là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đạt 58,71 điểm, đứng cuối bảng xếp hạng.
Kết quả đánh giá chung Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022 đạt 95,40%, cao hơn so với năm 2021 là 0,96% (năm 2021 là 94,44%). Trong đó, tỷ lệ trung bình hài lòng của khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là cao nhất đạt 96,41%; Khối cấp huyện đạt 95,46%; Khối Sở, ban, ngành có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất, chỉ đạt 94,62%. Trong 41 cơ quan được đánh giá thì Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị có tỷ lệ hài lòng cao nhất, đạt 97,54% và Thanh tra tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 91,85%.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 điểm trung bình đạt 72,96 điểm, đạt giá trị trung bình 91,20%, cao hơn so với năm 2021 là 0,18 điểm (năm 2021 là 72,78 điểm). Trong đó, thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt được là 75,53 điểm; Thị xã Quảng Yên là đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng với số điểm đạt được là 70,02 điểm.
Sự hài lòng của người dân là niềm hạnh phúc của cán bộ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. |
Đối với Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT), mức độ trung bình đạt được của các Sở, ban, ngành đạt được trong năm 2022 là 139 điểm, tăng 11 điểm so với năm 2021. Đây là mức độ trung bình Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt được cao nhất từ trước đến nay. Tồn tại hạn chế lớn nhất đối với cả khối Sở, khối huyện và cấp xã là tỷ lệ văn bản ký số trực tiếp bằng chữ ký số cá nhân của các lãnh đạo trên hệ thống còn thấp.
Để đạt được những thành quả cao được Chính phủ ghi nhận, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp, sáng kiến CCHC. Trong đó, có việc phân tích chuyên sâu các chỉ số của Trung ương để làm cơ sở tổ chức bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực hoạt động của các Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
Thành tích mà Quảng Ninh có được hoàn toàn không phải tự nhiên. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ với phương châm "Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên".
Sau khi lần thứ năm liên tiếp giữ vị trí thứ Nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (từ 2017 - 2021) và 9 năm liền (từ 2013 - 2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, ngày 25/5/2022, tỉnh Quảng Ninh lập tức tổ chức Hội nghị thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương trong năm 2021; Bàn phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định Quảng Ninh xác định nâng cao năng lực cạnh tranh là mục tiêu chính trị quan trọng và đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV quyết nghị “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu lên trăn trở về trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương khi có biểu hiện né tránh trách nhiệm, ngại va chạm, chưa dành sự quan tâm đúng mức để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng với đó là tư duy 5 năm liên tiếp ở trên đỉnh nên còn tâm lý chủ quan. Theo ông Ký, nếu không có sự thay đổi, quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thì nguy cơ bị "soán ngôi" có thể xảy ra.
Tại Hội nghị, các chuyên gia về chỉ số PCI Quốc gia phân tích: Hiện nay, bên cạnh các chỉ số được chấm điểm và xếp thứ hạng ổn định, ở vị trí tốp đầu, Quảng Ninh cũng còn một số chỉ tiêu có thứ hạng thấp. Hiện vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện, thể hiện ở một số chỉ tiêu có thứ hạng rất thấp như: Tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp đạt 11,76% đứng thứ 52/63; tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện đạt 25% đứng thứ 42/63; tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng với việc tiếp cận các thủ tục đất đai, thuế phí, quản lý thị trường, phòng chống cháy nổ… cao so với mức bình quân của cả nước.
Trước thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật" để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật. các đơn vị kiên trì thực hiện "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”. Các cơ quan được giao trọng trách đầu mối các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh giảm điểm và thứ hạng chưa cao cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích thẳng thắn tìm ra nguyên nhân thực sự của việc chưa cải thiện hoặc cải thiện nhưng còn chưa tương xứng, chưa nhanh so với các tỉnh, thành phố bạn và so với yêu cầu của doanh nghiệp để xác định rõ trách nhiệm.
Sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu đã giúp Quảng Ninh có được những thành công đang ghi nhận…
Tuy là năm thứ 6 đứng đầu PCI của cả nước, song phải thẳng thắn nhìn nhận lại rằng, đây là năm thứ 3, tổng điểm của Quảng Ninh có sự sụt giảm. Nếu năm 2020, tổng điểm PCI của địa phương này là 75,09 thì đến năm 2021, giảm 2,07 điểm (đạt 73,02); Năm 2022 tiếp tục có sự giảm nhẹ - đạt 72,95 điểm.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. |
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định rằng: “PCI là một trong các chỉ số quan trọng nhất để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá sự năng động, sáng tạo của chính quyền, cũng như những phương thức hoạt động hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp của địa phương đó có hiệu quả đến đâu. Kết quả của từng chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI là sự phản ảnh mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chính quyền”.
Tuy nhiên, theo ông Thể, mặc dù đứng đầu nhưng số điểm lại thấp hơn năm trước. Điều này cho thấy, yêu cầu của động đồng doanh nghiệp với sự điều hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh ngày càng cao hơn, cũng như mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan quản lý.
Phân tích kết quả PCI năm 2022 của Quảng Ninh cho thấy, có 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2021 (gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); trong đó giảm mạnh nhất là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (giảm từ 7,39 điểm xuống còn 6,24 điểm). Trong số 4 chỉ số tăng điểm thì chỉ số đào tạo lao động cuả Quảng Ninh lần đầu tiên đã vươn lên dẫn đầu, với 7,67 điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: “Chỉ số PCI được công bố là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người”. Đó đó, để Quảng Ninh tiếp tục khẳng định thương hiệu là “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” thì trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Đó cũng chính là áp lực phải vượt qua chính mình để không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng mà còn cải thiện tổng điểm cũng như từng chỉ số thành phần.
Ngày 12/7/2023, tại Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022.
Ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, tăng 4 hạng so với năm 2021. Xếp trên Quảng Ninh là TP Hồ Chí Minh; TP Đà Nẵng dẫn đầu.
DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; bao gồm 9 chỉ số chính là: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh, Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số, với 98 chỉ số thành phần.
Điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột lần lượt là: Chính quyền số 0,7804, xếp hạng 4 (tăng 1 bậc so với năm 2021); Kinh tế số 0,7187, xếp hạng 9 (tăng 5 bậc so với năm 2021) và Xã hội số 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 1 bậc so với năm 2021)..
Ở 9 chỉ số chính trong bảng xếp hạng DTI 2022, Quảng Ninh xuất sắc dẫn đầu ở chỉ số Thể chế số; Đứng thứ 2 chỉ số Hoạt động xã hội số; Xếp thứ 3 ở chỉ số Hoạt động chính quyền số và đứng thứ 4 trong chỉ số Hạ tầng số.
Năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai. Các chỉ số được khảo sát và đánh giá là một trong những căn cứ quan trọng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của cả nước trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tại Quảng Ninh, với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở phát huy kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở giai đoạn trước, tỉnh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, kiểm đếm thường xuyên, đôn đốc kịp thời và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số của Chính phủ.
Qua từng năm, công tác chuyển đổi số của Quảng Ninh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong xếp hạng mức độ chuyển đổi số.
Tham luận tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quảng Ninh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương để luôn sáng tạo, chủ động, linh hoạt với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt để tổ chức triển khai thực hiện phát triển hạ tầng số.
Cụ thể, từ năm 2012, Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và coi đó là nền tảng để phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Tới nay, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 100%; Hạ tầng internet băng thông rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt trên 80%, trong đó có trên 50% số hồ sơ là do doanh nghiệp, người dân tự thực hiện.
Đặc biệt, từ năm 2018 Quảng Ninh là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc kết nối thành công và gửi nhận văn bản liên thông 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã, trên 85% công việc 3 cấp đều được xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử…
Hiện nay, Quảng Ninh đang chỉ đạo rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đồng thời, chỉ đạo, ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ và các nền tảng số có tính hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong năm 2023, tỉnh quyết tâm 100% thủ tục hành chính đều được rút ngắn từ 30 - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương; Hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
(Còn nữa)
Bài viết: Ngọc Quyết |