Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nét ẩm thực độc đáo của Thủ đô Hà Nội kèm theo đó là sự tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu của nhiều người. Tuy nhiên, hạn chế của thức ăn đường phố là nguy cơ không bảo đảm vệ sinh gây ngộ độc thực phẩm.
Thức ăn đường phố: Ẩn họa khó lường
Thức ăn đường phố đã trở thành thói quen ẩm thực phổ biến cùng với nếp sống đô thị hoá. Bất cứ con phố nào cũng dễ dàng bắt gặp các quầy bán thức ăn đường phố, các xe đẩy bán thức ăn nhanh, các quán ăn “di động” ngay tại vỉa hè.
Tuyến phố ẩm thực tại quận Long Biên (Hà Nội) |
Từ các loại thức ăn nhanh phục vụ bữa sáng, bữa phụ như xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… đến các loại thức ăn vỉa hè đã làm nên tên tuổi của ẩm thực Hà thành như bánh mì kẹp, bánh chưng rán, cháo sườn, mì gà tần, bánh đúc nóng…
Nó cung cấp một nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá cả phải chăng và mang hương vị đặc biệt, hấp dẫn làm nên thương hiệu cho nhiều cửa hàng. Thức ăn đường phố cũng đa dạng và tiện lợi cho những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian.
Ở các thành phố, người dân đôi khi chỉ cần bước ra khỏi cửa đã có thể mua được những đồ ăn nhanh mong muốn. Sự phát triển của kinh tế, xã hội và hệ thống logistics, cùng với với nhịp sống bận rộn hơn đã khiến cho thức ăn nhanh, chế biến sẵn là một trong những lựa chọn thay thế các bữa ăn chính một cách dễ dàng và thuận tiện.
Các quầy bày bán thức ăn đường phố tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, nguồn lao động chính tham gia vào dịch vụ ăn uống đường phố.
Điểm chung của loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rất rẻ, nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người tiêu dùng ít quan tâm.
Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rất rẻ nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người tiêu dùng ít quan tâm.
Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị "nhiễm khuẩn" rất cao nhưng nhiều cửa hàng dù có vị trí rất nhếch nhác vẫn thu hút đông khách.
Đằng sau những loại thực phẩm được bày bán đa dạng tại vỉa hè với mùi vị thơm phức ấy là cả một công đoạn “phù phép”. Chưa kể đến, khi ngồi "thưởng thức" ở vỉa hè, các "thượng đế" không chỉ "được" hít no bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường, mà còn được khuyến mại thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè. Người tiêu dùng bỏ ra một số tiền rất rẻ để có một bữa ăn no bụng nhưng đang phải trả thêm cái giá “rất đắt” cho chính sức khoẻ của mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia |
Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…
Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…
Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không thể phủ nhận đây cũng nét đẹp ẩm thực độc đáo của Hà thành cần phải giữ gìn. Để tăng cường quản lý thức ăn đường phố đồng thời cũng bảo tồn nét văn hoá ẩm thực Hà thành, thành phố Hà Nội đãđẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thức ăn đường phố.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh kiểm tra cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm không dễ dàng, bởi người kinh doanh có tư tưởng đối phó, khi có lực lượng kiểm tra thì thực hiện nghiêm nhưng lực lượng chức năng rời đi là tái diễn vi phạm.
Ngoài ra, địa điểm kinh doanh của các cửa hàng trên đường phố không ổn định, người bán chủ yếu có thu nhập thấp, thường xuyên thay đổi mặt hàng kinh doanh...
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2018, thành phố Hà Nội đưa vào triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
(Còn nữa)
|
Đức Minh - Bảo Ngọc Trình bày: Huyền Anh |