Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp lễ hội, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã tập trung kiểm tra hàng quán dịch vụ xung quanh các đền, chùa, khu di tích thu hút đông khách thăm quan nhằm đảm bảo một mùa lễ hội an toàn cho du khách.
Hà Nội là địa phương có nhiều điểm di tích, danh lam, đền chùa, trong đó phủ Tây Hồ là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến làm lễ đầu năm. Ngay từ đêm 30 Tết đến nay, dòng người đã nô nức kéo nhau đến đây cầu may, xin tài lộc.
Nếu như những năm trước phủ Tây Hồ ngập hàng rong từ ngoài cổng chính thì năm nay đã được sắp xếp quy củ hơn. Hàng rong bị cấm, các tuyến đường vào phủ trở thành phố đi bộ, được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang hơn.
Bánh tôm hồ Tây được nhiều thực khách ưa chuộng |
Phủ Tây Hồ không chỉ nổi tiếng là nơi linh thiêng mà còn vang danh với món bánh tôm và bún ốc, làm nên thương hiệu lâu đời. Dọc đường đi từ khu vực bãi gửi xe đến phủ Tây Hồ chỉ khoảng 400m nhưng có hàng chục hàng quán kinh doanh thực phẩm mọc lên san sát hai bên để phục vụ du khách.
Theo ông Nguyễn Danh Thụ, Chủ tịch UBND phường Quảng An, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại những hàng quán kinh doanh quanh phủ Tây Hồ, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế quận đã tham mưu cho UBND quận lập kế hoạch thành lập tổ công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là quanh phủ Tây Hồ. UBND phường Quảng An cũng đã thành lập tổ công tác, từ đầu năm Âm lịch 2024, đã 6 lần vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh xung quanh.
Đoàn kiểm tra của thành phố cũng đã đến kiểm tra, UBND quận Tây Hồ đến kiểm tra 3 lần. Trong năm qua, Phủ Tây Hồ chưa từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hay mất cắp, mất trộm quanh phủ Tây Hồ. UBND phường đã dán số điện thoại đường dây nóng xung quanh phủ Tây Hồ để tiếp nhận phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm, trộm cắp.
Nhờ sự tuyên truyền sâu rộng cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, phủ Tây Hồ năm nay đã có sự chuyển biến tích cực.
Trước khi lễ hội diễn ra, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.
Trong đó, cam kết nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Dù các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được sắp xếp quy củ hơn trước nhưng người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận dễ vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong dịp lễ hội, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã vào cuộc rất sớm và có nhiều biện pháp tích cực trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo chức năng.
Vấn đề an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Chiều 24/2, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra trực tiếp một số nhà hàng tại khu vực bến Thiên Trù. Qua kiểm tra cho thấy, mùa lễ hội năm nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống được sắp xếp quy củ hơn trước.
Tại thời điểm kiểm tra, các nhà hàng đã tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; niêm yết công khai giá các mặt hàng. Qua xét nghiệm nhanh, các bát ăn đều đạt tiêu chuẩn.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố yêu cầu các cơ sở cần duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng bảo quản, che đậy thực phẩm; đồng thời, yêu cầu Phòng Y tế huyện bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về an toàn thực phẩm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại buổi kiểm tra lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) |
Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn nhiều tồn tại. Ngay tại khu vực đền Trình, bến Trò, khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù, rất nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống mọc lên, bày la liệt các đồ ăn sẵn không hề che đậy. Nhiều nơi không có tủ kính che chắn, thức ăn sống chín để lẫn lộn ngay cạnh đường đi.
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội đến hết ngày 15/3.
Ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh: "Các lễ hội trên địa bàn Hà Nội như chùa Hương tiêu thụ lượng lớn thực phẩm. Trong đó, nhiều mặt hàng thực phẩm được nhập về từ các tỉnh thành lận cận. Do đó, người bán hàng tại đây cần đảm bảo ghi chép sách về nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp ký cam kết, đảm bảo cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường ra quân kiểm tra đồng loạt từ cấp quận, huyện phường, xã, thị trấn qua đó kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
(Còn nữa)
|
Nguyễn Thị Huyền (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội) Trình bày: Huyền Anh |