Về chế tài xử lý, mức xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đã có tính răn đe. Với những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu. Những doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng. Mặc dù cơ quan chức năng đã tích cực ra quân thanh, kiểm tra nhưng tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội vẫn tồn tại.
Do tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm phục vụ du khách được sản xuất, chế biến từ các cơ sở, cá nhân, hộ gia đình không đăng ký kinh doanh và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không được thực hiện tốt.
Trong khi đó, các lễ hội thường tổ chức ngoài trời, dịch vụ ăn uống chủ yếu mang tính chất tạm bợ, chật chội, thiếu nước sạch, thiếu chỗ thu gom rác thải, thiếu điều kiện bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm không an toàn; thậm chí nhiều mặt hàng thực phẩm được bày bán trên mặt đất dọc lối đi trong khu vực lễ hội.
Thời điểm mùa xuân, trời mưa phùn, ẩm ướt khiến thực phẩm dễ bị nhiễm nấm mốc; thức ăn, đồ uống dễ bị hư hỏng, nhiễm mầm bệnh. Đặc biệt, nhiều loại vi khuẩn có thể tồn tại lâu dài trong thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Mặc dù các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn liên tục ra quân kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm tuy được cải thiện nhưng công tác xử lý vẫn gặp “khó”. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống có đăng ký thì vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, xe đẩy, gánh hàng rong bán các loại thực phẩm, nước giải khát… chưa được kiểm soát, quản lý chặt.
Nói về khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long cho rằng, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đặt ra. Thêm vào đó, tại một số xã còn xảy ra tình trạng nể nang “tình làng, nghĩa xóm” nên chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Là quận tập trung nhiều khu di tích thu hút đông khách thập phương trong mùa lễ hội cũng như các hàng quán thức ăn đường phố nổi tiếng, trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung thực hiện. Đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm; một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội đầu năm nay đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và sử dụng, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất... |
Bên cạnh việc quản lý và nâng cao nhận thức của đội ngũ kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về cách dùng thực phẩm an toàn trong mùa lễ hội.
Theo đó, để bảo đảm sức khỏe bản thân, mỗi người dân tham gia lễ hội, khi có nhu cầu ăn uống cần tìm đến những hàng quán được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những hàng quán có không gian sạch sẽ.
Người dân tuyệt đối tránh sử dụng những món ăn không có dụng cụ che đậy, bảo quản, bị ruồi muỗi bu bám; không ăn những món sống, tái...; không sử dụng thực phẩm có mùi lạ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Là cơ sở kinh doanh lâu năm tại phủ Tây Hồ với mặt hàng truyền thống bánh tôm Hồ Tây, chị Nguyễn Thị Mai - chủ cơ sở kinh doanh Nhà hàng Nguyệt Nga cho biết: “Chúng tôi nhận thức luôn phải chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Điều này không chỉ tạo uy tín cho cơ sở mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về phủ Tây Hồ trong lòng du khách thập phương”.
Trên thực tế, vai trò của người dân là rất lớn trong vấn đề để đảm bảo an toàn thực phẩm chung. Bên cạnh sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần xây dựng ý thức tự bảo quản, tự bảo vệ chính mình của người tiêu dùng thì mới có thể đảm bảo an toàn thực phẩm một cách hiệu quả.
Trong mùa lễ hội, ban quản lý các khu di tích cũng thường xuyên thiết kế các biển thông báo, phát loa thông tin khuyến cáo về vấn đề này. Du khách khi sử dụng các dịch vụ, nhất là với những hàng quán ăn uống cần tìm đến các cơ sở có biển hiệu cố định, niêm yết giá rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước khi sử dụng dịch vụ, người dân nên trao đổi về giá cả để tránh những tranh chấp không đáng có.
(Còn nữa)
|
Nguyễn Thị Huyền (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội) Trình bày: Huyền Anh |