TTTĐ - Việc kiểm tra và xử lý rượu không rõ nguồn gốc rất quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao, số lượng rượu ngoại “dỏm”, rượu lậu theo con đường "xách tay" vào thị trường tăng lên đáng kể.
Theo các chuyên gia, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Không ít người lại có tâm lý chọn sử dụng các loại rượu ngoại, rượu “xịn” để không ảnh hưởng sức khoẻ, hạn chế các vụ ngộ độc rượu. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý sính ngoại, thích đồ Tây làm quà biếu Tết của người tiêu dùng, một số cơ sở kinh doanh đã dùng hàng giả, hàng kém chất lượng… rồi vô tư dán mác “ngoại” để đánh lừa người dân, ngang nhiên “tuồn hàng” ra thị trường.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tư nhân cũng sẵn sàng thu mua vỏ rượu ngoại "xịn" rồi nhập nước rượu không rõ nguồn gốc để đóng chai. Các chai rượu ngoại "lởm" này thường được đóng gói cùng các loại bánh kẹo khác thành combo gói quà tặng Tết hoặc bán riêng với mức giá rẻ không ngờ.
Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ việc liên quan đến vận chuyển rượu lậu |
Những năm vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ việc liên quan đến vận chuyển rượu Tây, bánh kẹo ngoại nhập không rõ nguồn gốc. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 40 vụ vi phạm liên quan đến rượu, với hơn 2.000 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn, phát hiện và thu giữ nhiều loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phỏng vấn người bán hàng, nhiều cơ sở cho biết họ nhập rượu từ gia đình và không có nhãn mác, khó kiểm tra chất lượng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT đề nghị đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
Các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ; đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Các địa phương tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Cục An toàn Thực phẩm đã nhận được báo cáo của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về kết quả điều tra một trường hợp ngộ độc methanol tại thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh, Hà Nội).
Việc siết chặt quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến bia rượu vẫn cần sự phối hợp của nhiều đơn vị |
Trong năm qua, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công thương trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu gây ngộ độc trong vụ việc trên, xác định rõ nguyên nhân, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, thành phố xảy ra 5 trường hợp ngộ độc methanol đã được điều tra và xử lý kịp thời. Năm 2023, Hà Nội chỉ để xảy ra 2 vụ ngộ độc methanol tại huyện Mê Linh và Thạch Thất. Đa phần các vụ ngộ độc rượu liên quan đến các loại rượu trắng được nấu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cùng các đoàn kiểm tra liên ngành đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm sau công bố, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Đồng thời, các đơn vị nâng cao công tác truyền thông, cung cấp các thông tin về kiến thức uống, mức độ, liều lượng sử dụng phù hợp cũng như tác hại của việc lạm dụng rượu để truyền tải hiệu quả thông điệp về sử dụng rượu an toàn tới đông đảo người dân…
Bài viết: Hương Thị - Thu Ngà - Thành Trung |