Việc triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” không chỉ góp phần hạn chế số vụ ngộ độc, các bệnh lây truyền qua thực phẩm mà giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, nhìn chung tại các "Tuyến phố ATTP có kiểm soát" đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) |
Trước đây, người tiêu dùng rất ít quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố, thậm chí nhiều người điềm nhiên cho rằng thức ăn đường phố “bẩn” là chuyện không có gì lạ. Bởi vậy một số quán ăn đường phố dù nhếch nhác bẩn thỉu, ngay sát cống rãnh vẫn… đông khách. “Khuất mắt trông coi” đó là tâm lý chung của thực khách, hay là sự "dễ dãi" của thực khách là nguyên nhân của bệnh tật.
Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng ngày nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Không chỉ chọn các quán ăn ngon, người tiêu dùng hiện nay còn đặc biệt lưu tâm đến mức độ vệ sinh của các hàng quán thức ăn đường phố. Chủ các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố cũng đã tự mình trang bị các vật dụng như găng tay, dụng cụ gắp thức ăn để đảm bảo vệ sinh, tránh gây mất thiện cảm cho thức khách.
Chị Hoàng Thị Thủy (ở quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Trước đây tôi chỉ để ý chọn ăn ở những quán hợp khẩu vị thế nhưng hiện nay tôi cũng quan tâm hơn đến việc lựa chọn những quán có đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Việc triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, qua đó cũng góp phần nâng cao được hình ảnh, nét đẹp của tuyến phố đối với khách hàng".
Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại quận Hà Đông |
Có mặt tại phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), người dân cho biết từ khi mô hình được triển khai, các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn được mở ra ngày càng nhiều giúp tạo được sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, giúp họ có thêm sự lựa chọn các mặt hàng thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nhung (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: “Việc triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống. Bởi khi thực phẩm “bẩn” không thể nhận biết bằng mắt thường thì việc tự nâng cao ý thức trong mua bán, tiêu dùng chính lá giải pháp hữu hiệu nhất với những người nội trợ”.
Chị Nhung cũng chia sẻ thêm trước đây thức ăn đường phố thường tạo cho mọi người suy nghĩ “rẻ” nên khó lòng đảm bảo vệ sinh nhưng nay nhiều người có suy nghĩ “đắt xắt ra miếng”, chấp nhận mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với giá cao hơn gấp đôi, ba lần ngoài chợ chỉ để có được những bữa ăn an toàn.
Có thể thấy, trước những nguy cơ về thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người dân trong tỉnh đã tự nâng cao ý thức, trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các sản phẩm “sạch” phục vụ cho các bữa ăn của gia đình. Nhiều người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình bằng cách mua thực phẩm ở những cửa hàng có uy tín và “tẩy chay” những nơi bán hàng kém chất lượng
Khi người tiêu dùng ý thức “kén cá chọn canh” hơn thì nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng kinh doanh của gia đình cũng được nâng cao. Theo đó vì sức khỏe cộng đồng, nhiều người kinh doanh cam kết không sử dụng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng để mang lại sự an toàn cho khách hàng.
Để tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng, mỗi năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban ngành trên địa bàn tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn cho mạng lưới hội các cấp; tổ chức hàng trăm hội nghị, tập huấn cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở trên địa bàn Hà Nội |
Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố nhấn mạnh: “Các đoàn thanh kiểm tra sẽ kiểm tra nghiêm túc vấn đề chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Công tác kiểm tra với tinh thần quyết liệt nếu phát hiện vi phạm sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của ngành và việc xử lý vi phạm cũng được công khai.
Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo ATTP các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ đình chỉ hoạt động”.
Bằng những giải pháp hiệu quả trong quản lý mô hình tuyến phố an toàn ẩm thực có kiểm soát, song song với lựa chọn thông minh và hiểu biết của chính người tiêu dùng, ẩm thực đường phố sẽ có cơ hội được lành mạnh hóa, góp phần đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn để nâng cao sức khỏe cộng đồng.
(Còn nữa)
|
Đức Minh - Bảo Ngọc Trình bày: Huyền Anh |