Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể trong mùa lễ hội. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên đưa những vi phạm đó lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết và cảnh báo cho người dân về những cơ sở có vi phạm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong năm 2023, thành phố đã duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tại 100% các xã, phường, thị trấn; 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã. 30/30 quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai của các xã, phường, thị trấn về công tác ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết trong năm 2023, thành phố đã xây dựng 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã |
Việc vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ các tỉnh khác vào Hà Nội mặc dù có giảm nhưng vẫn diễn ra; vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP.
Để bảo đảm ATTP, trong thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATTP phù hợp. Huyện Mê Linh, hiện có khoảng 15 kho chứa thực phẩm đông lạnh thường xuyên hoạt động; huyện Mỹ Đức có lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ trong 3 tháng đầu năm. Vì vậy, lực lượng chức năng của hai huyện tập trung vào công tác tập huấn về ATTP cho các hộ kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác bảo đảm ATTP rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Cao điểm vào dịp lễ Tết, lễ hội, tình hình ATTP càng diễn biến phức tạp.
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và việc làm trọng tâm ở các lĩnh vực. Nếu không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm thì rất khó làm. Các lực lượng phải rõ trách nhiệm của từng khâu, từng người, từng phần việc của mình.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội |
“Các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng thắng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Tương tự, các quận huyện cũng cần làm như vậy. Mặt khác, các đơn vị, địa phương tăng cường tập huấn công tác ATTP, kiểm tra phải công khai các đợt kiểm tra, nội dung kiểm tra”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định.
Cùng với công tác truyền thông, tập huấn, các đơn vị, địa phương phải siết chặt hoạt động thanh kiểm tra. Các Sở, ngành, địa phương chủ động có kế hoạch phần việc, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh kiểm tra, bố trí kiểm tra ở các cấp độ khác nhau. TP sẽ lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất, kiểm tra bất kỳ nội dung nào trong kế hoạch đã nêu.
Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, lãnh đạo TP giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7; công khai số điện thoại đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các Sở, ngành, đơn vị liên quan cũng có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh.
“Các sở, ngành xác định một số địa bàn trọng điểm, tập trung rà soát như huyện Mỹ Đức với công tác lễ hội chùa Hương… Ngoài ra, các Sở, ngành cần xác định rõ một số nơi, tập trung vào các địa phương có nhiều khu chăn nuôi, một số làng nghề sản xuất nhiều thực phẩm, hàng Tết, làng nghề… tập trung chỉ đạo và có kế hoạch kiểm tra sớm nhằm bảo đảm công tác ATTP trên địa bàn TP”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý.
Trên thực tế, mỗi lễ hội thường chỉ diễn ra trong vài ngày nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách trảy hội cũng có tính thời vụ và hầu hết là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, việc xử lý triệt để các vụ vi phạm của các cơ sở nhỏ lẻ, các cửa hàng bày bán thực phẩm dạng “di động” rất khó khăn.
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) |
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, khó khăn đầu tiên là công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trong khi lực lượng chức năng lại rất mỏng.
“Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong sở. Còn của ngành y tế thì cũng chỉ có nhiều là hơn một chục người. Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ. Với lực lượng như thế khó có thể kiểm soát hết được”, ông Long cho biết.
Vì thế, vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người kinh doanh, sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; Kiểm tra để xác định những nơi nào có phản ánh của người dân sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên.
Trong đó, ông Nguyễn Hùng Long đánh giá cao sự phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP trong đặc biệt trong việc nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý ATTP. Trong kế hoạch kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo ngành Trung ương về ATTP, các cơ quan quản lý như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế chủ trì các đoàn liên ngành nhưng trong đó đều mời các thành phần tham gia là các ban, ngành, đoàn thể hội khác như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố…
Trong quá trình đi kiểm tra, không phải lúc nào cũng đủ được các thành phần nhưng họ cũng góp phần thực hiện giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh ATTP ở các địa phương, thông báo cho chính quyền khi phát hiện những vi phạm hoặc những hành vi có thể gây ra những mối nguy đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tất cả các ban, ngành khác đều có vai trò nhất định. Tôi cho rằng, việc cần thiết là phối kết hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ hơn thì sẽ đảm bảo tốt hơn về vấn đề ATTP.
Tương tự như vậy, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội ngoài đơn vị của Sở Y tế là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội còn có sự phối hợp của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thực phẩm, nông sản; đồng thời, xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Nguyễn Thị Huyền (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội) Trình bày: Huyền Anh |
|