Những kết quả mang lại khá tích cực, dù nhiều khó khăn nhưng việc triển khai và nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trên toàn thành phố đã góp phần quan trọng đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đi vào nền nếp. Người tiêu dùng cũng yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng dịch vụ.
Quận Ba Đình là một trong 8 quận, huyện triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” từ năm 2018 đến nay. Hoạt động này không chỉ góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm cũng như thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống của người dân mà còn hình thành nét văn minh mới trong kinh doanh thương mại.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và Ông Lã Ngọc Sang, Trưởng Phòng Y tế quận Ba Đình cùng đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Ba Đình |
Ông Lã Ngọc Sang, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình cho biết: "Mặc dù ảnh hưởng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, quận Ba Đình cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình điểm về ATTP tại các tuyến phố: Núi Trúc (phường Kim Mã, phường Giảng Võ); Quán Thánh (phường Quán Thánh); phố Láng Hạ (phường Thành Công); Phố Văn Cao (phường Liễu Giai); phố Phạm Huy Thông (phường Ngọc Khánh)…
Quận tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát; Chỉ đạo thực hiện đảm bảo mỗi phường có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên địa bàn".
Tuy nhiên, ông Sang cho biết, trong quá trình thanh kiểm tra cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có gián đoạn trong thời gian dài thực hiện phòng chống dịch COVID-19. Một số cơ sở dịch vụ ăn uống cũ đóng cửa, cơ sở mới được thực hiện hoạt động trở lại. Các cơ sở kinh doanh có biến động về loại hình kinh doanh, cơ sở vật chất xuống cấp, thay đổi địa điểm, nhân viên.
Nhà hàng Long Wang trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) |
Để phát huy hiệu quả mô hình, hàng tháng, hàng quý, Phòng Y tế, TTYT quận Ba Đình phối hợp với phường tổ chức giám sát, kiểm tra lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, nếu cơ sở nào vi phạm, quận sẽ tiến hành xử phạt và thông báo công khai trên loa truyền thanh.
Đặc biệt, các hộ kinh doanh nhầm lẫn giữa kiểm tra, thanh tra và giám sát. Đôi khi, lực lượng chức năng tiến hành giám sát, các hộ kinh doanh cho rằng, địa phương gây khó dễ, phiền hà… Thực chất, đoàn giám sát chỉ đến hướng dẫn, giúp đỡ các hộ kinh doanh trong môi trường lành mạnh và an toàn hơn. Do đó, để làm tốt mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, công tác tuyên truyền và giám sát là quan trọng nhất. Công tác này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục của mỗi địa phương.
Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng triển khai tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phường Thượng Đình - mô hình điểm về dịch vụ ăn uống. Từ khi tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại phường Thượng Đình được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đến nay, hằng tháng, hằng quý phường phối hợp với phòng Y tế, trung tâm Y tế quận tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt.
Đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tại cơ sở ăn uống trên địa bàn quận Thanh Xuân
Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở thực phẩm này phải bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho biết: Hằng ngày, các cơ sở kinh doanh phải thực hiện ghi chép sổ giao, nhận thực phẩm, sổ kiểm thực 3 bước để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc, công khai đến khách hàng địa chỉ, nguồn gốc nguyên liệu; nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm và nhân viên phục vụ phải có sức khỏe và kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định...
“Chúng tôi cũng nêu rõ quy định, nếu cơ sở nào vi phạm thì bên cạnh việc nhắc nhở, phường sẽ tiến hành xử phạt, gỡ bỏ biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” và công khai tên cơ sở vi phạm trên loa truyền thanh của phường”, bà Diệp nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội do ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo quận Thanh Xuân về công tác ATTP trên địa bàn |
Đồng thời, quận Thanh Xuân cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; thực hiện tốt chế độ hậu kiểm, giám sát.
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các đơn vị tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà lưu ý, vấn đề kiểm tra đột xuất và báo trước kết quả khác nhau rất nhiều. Do vậy, để bảo đảm việc kiểm tra thực chất, hiệu quả, phản ánh đúng thực trạng về ATTP trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra đột xuất. Trong đó, những mô hình tốt sẽ được ghi nhận khen thưởng, nhân rộng còn các vấn đề tồn tại, hạn chế cần công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài. Như vậy, hoạt động kiểm tra mới bảo đảm thực sự minh bạch, khách quan mang lại hiệu quả cao nhất.
Đức Minh - Bảo Ngọc Trình bày: Huyền Anh |
|