eMag azine
30/10/2023 08:00
"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

30/10/2023 08:00

TTTĐ - Từ chỗ xuất hiện trong các chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm” đã trở thành chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vi phạm

LTS: “Không có vùng cấm” từ lâu đã trở thành cụm từ được nhắc tới rất nhiều. Từ chỗ xuất hiện trong các chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm” đã trở thành chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống trong đó có vấn đề vi phạm về trật tự an toàn giao thông; Đặc biệt là xử lý các đối tượng uống rượu bia vẫn điều khiển ô tô, xe máy…

Nếu những ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới (từ ngày 1/1/2020), lực lượng chức năng đã gặp rất nhiều trường hợp lái xe chống đối, vi phạm kịch khung, bỡ ngỡ trước mức xử phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định mới (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) thì thời gian gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm. Việc mạnh tay xử lý “ma men”, bền bỉ tuyên truyền của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và cả người dân... nên gần 3 năm qua, chính sách đã phát huy hiệu quả.

Nhớ lại những ngày đầu tiên, để tạo được nền nếp đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng đã vấp phải những khó khăn vì thói quen điều khiển xe tuỳ tiện của người dân, coi thường tính mạng và tài sản của chính mình. Rất nhiều người bị phạt, nhiều tai nạn thương tâm để lại hậu quả đau lòng xuất phát từ việc người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.

Nhờ tuyên truyền, lực lượng chức năng tích cực tuần tra, xử lý vi phạm, giờ đây nhiều người dân cảm thấy mình “khác thường” khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Những ngày đầu năm 2020 khi việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo mức mới quy định tại Nghị định 100 cũng đã vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng mức phạt quá nặng, trong khi uống rượu bia từ lâu đã trở thành “văn hoá của người Việt”.

“Xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, người tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia thì tìm đủ mọi lý do để giải thích cho mình như: Uống rượu thuốc, ăn hoa quả hoặc lý do nào đó để người ta có nồng độ cồn trong người” - Đại uý Vũ Cường, Tổ trưởng Y5/141, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cho biết.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn
"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chỉ tính riêng 2 ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 trường hợp. Trong đó có 2 trường hợp bị phạt tới 35 triệu đồng. Đáng nói, có nhiều trường hợp chống đối lực lượng chức năng, thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm.

Xử phạt nồng độ cồn là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các tài xế say xỉn điều khiển xe gây nguy hiểm cho cộng đồng. Lái xe sau khi uống rượu bia từ lâu đã trở thành vấn nạn giao thông và xử phạt nồng độ cồn là việc tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia văn minh trên thế giới.

Các nhà lập pháp ở các nước luôn cố gắng củng cố và đưa ra các chế tài xử phạt khắt khe dành cho hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn để nâng cao ý thức người dân, tránh các tai nạn rủi ro xảy ra.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Ví dụ như ở Mỹ, sau khi cảnh sát dùng thiết bị để đo nồng độ cồn trong hơi thể của tài xế, nếu thấy dấu hiệu say, tài xế thường sẽ bị tạm giữ bằng lái và sẽ bị tạm giam cho tới khi được thẩm phán cho tại ngoại hoặc có người nộp tiền bảo lãnh. Tài xế sẽ được cấp giấy phép lái xe tạm thời, giấy phép này có hiệu lực trong khi tòa án đang xem xét có tước bằng lái của tài xế hay không.

Còn ở Đức - đất nước mà bia là thức uống đã trở thành thương hiệu - thì người dân vẫn chấp hành tốt các quy định liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe. Pháp luật Đức rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm trong lĩnh vực này. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg lái xe sẽ bị phạt từ 500 - 1.500 Euro, bị cấm lái xe trong vòng từ 1 đến 3 tháng đồng thời sẽ bị trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe.

Một người nếu bị trừ đến 8 điểm thì sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại. Những người có nồng độ cồn cao hơn 1,1 miligam sẽ được coi là phạm tội hình sự, có thể bị tước giấy phép lái xe ít nhất 6 tháng và trong trường hợp nghiêm trọng người lái xe có khả năng sẽ bị cấm lái suốt đời…

Ở Việt Nam cũng vậy, khi Chính phủ “ra” Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2020 kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến ý thức người cầm lái, giúp kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Chính sách đã đưa ra đúng thời điểm những con số về tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu chiếm hơn 70% số vụ tai nạn. Điều quan trọng là chúng ta - những người hằng ngày, hằng giờ tham gia giao thông trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đã đủ quyết tâm và sẵn sàng thay đổi chưa?

Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, đi đầu và “làm gương” trong mọi hoạt động. Trong việc tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng không ngoại lệ.

Việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã giúp tai nạn giao thông giảm sâu. Và với chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ làm mạnh tay hơn nữa trong công tác này. Đối với các trường hợp có hành vi chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý hình sự theo quy định.

Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tuyên truyền và xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn

Trên Fanpage Thông tin Chính phủ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bài đăng "Thông báo đến cơ quan nếu cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn" ngày 13/2 về văn bản của UBND TP Hà Nội nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã nhận được hơn 33.000 tương tác, hơn 6.600 lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ.

Các bình luận đều ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội nhằm phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Trước đó, Nghị định 100 với mức xử lý vi phạm nồng độ cồn cao, tịch thu phương tiện và tạm giữ giấy phép lái xe trong thời gian dài khiến nhiều tài xế đã dần thay đổi thói quen điều khiển phương tiện trên địa bàn Hà Nội. Điều này đã thể hiện sự kiên quyết của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, “cuộc chiến” mới chỉ ở giai đoạn đầu khi thói quan “lách”, “chạy”, “xin” khi vi phạm giao thông, trong đó có lỗi vi phạm nồng độ cồn vẫn còn. Những người vi phạm chi lo bị phạt chứ không lo cho tính mạng, tài sản của bản thân, ảnh hưởng đến xã hội. Rồi lại tự hào vì xin nhanh, lấy xe sớm, không bị phạt… thay vì việc xấu hổ vì vi phạm khi điều khiển phương tiện và không chấp hành việc nộp phạt.

“Gọi cho người thân” từ lâu đã trở thành thời quen của nhiều người khi vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây “giải pháp” này dần trở nên lỗi thời khi cơ quan chức năng ngày càng quyết liệt với tư duy “không có vùng cấm”…

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Nếu như trước Nghị định 100, nhiều người vẫn quen với việc cứ gặp chốt, bị kiểm tra, xử lý là “bốc máy gọi điện cho người thân”. Từ khi Nghị định 100 với nhiều chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn được lực lượng chức năng kiểm tra trên các tuyến đường, đi đôi với việc tuyên truyền, xử phạt, việc “gọi cứu hộ” đã giảm đáng kể; Có nhiều ca trực, 100% người vi phạm đều chấp hành việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, không có tình trạng can thiệp.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, lực lượng CSGT, lực lượng liên ngành đã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, CSGT Hà Nội, 141 Hà Nội, CSGT - Trật tự Công an quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2023.

Nồng độ cồn của người dân được lực lượng chức năng đo bằng máy chuyên dụng

Theo đó, trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, lực lượng chức năng được giao tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là những khu vực, tuyến đường, địa bàn trọng điểm, nhất là các khu vực giáp ranh.

Là một trong những địa bàn trọng điểm, trung tâm đầu não của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong trong các chủ trương, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua cũng vậy. “Không vùng cấm”, “Không ngoại lệ”, các cán bộ làm nhiệm vụ đã làm đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật trong quá trình tuần tra, kiểm soát.

PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều cuộc khảo sát trong các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn của Tổ công tác liên ngành 141 Hà Nội, Công an quận, Công an phường phối hợp. Với nhiều thành phần tham gia giao thông và vi phạm nồng độ cồn ở mức độ khác nhau, không thể tránh khỏi tình trạng mối quan hệ thân quen chằng chịt.

Tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy thực hiện chuyên đề nồng độ cồn trên địa bàn vào ban đêm
Tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy thực hiện chuyên đề nồng độ cồn trên địa bàn vào ban đêm

Trong một ca trực đêm kiểm soát nồng độ cồn trên tuyến Khúc Thừa Dụ - Thành Thái (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Trung tá Bùi Thế Hùng, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an quận vừa tập trung ghi chép, quan sát, vừa tranh thủ trao đổi với chúng tôi về thực trạng vi phạm nồng độ cồn hiện nay. Chốc lát lại có người ra “trình bày” mối quan hệ của bản thân để xin bỏ qua khiến câu chuyện của chúng tôi phải “tạm dừng” nhiều lần.

Tuy nhiên, câu trả lời “Không được đâu anh. Anh thông cảm. Anh em đi làm đêm đã vất vả rồi, mong anh hợp tác” dường như lặp đi, lặp lại của Trung tá Hùng cũng làm chúng tôi thêm khẳng định về một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm ngăn “ma men” của lực lượng chức năng đã được rèn nếp từ chính những người thực thi công quyền.

Trung tá Hùng kể: "Nhiều lúc “bắt” trường hợp là cán bộ, anh em quen biết cũng thấy khó xử nhưng buộc phải làm theo đúng luật thôi. Nếu đặt trong vị trí của mình, họ cũng sẽ thông cảm. Anh em công an cũng rất cảm ơn các nhà báo đã đồng hành trong nhiều chuyên đề. Bởi khi có cơ quan báo chí song hành, rèn nếp nghiêm túc, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhanh, mạnh cho cán bộ, chiến sĩ cũng không phải vất vả vận động, bớt đi phần khó xử khi có những trường hợp có mối quan hệ rất phức tạp. Đây là khó khăn cản trở rất lớn việc lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn”.

Người vi phạm chống đối lực lượng chức năng tại chỗ hoặc gọi điện cho ai đó to to để cứu nét nhằm trì hoãn việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc bỏ qua, ép cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ bỏ qua đã thực sự hết thời. Đó là ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trong nhiều lần được phối hợp với các chốt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng 141 Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận trên địa bàn Hà Nội.

Công an quận Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị tiên phong triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc thu thập thông tin người can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng như tuyên truyền, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên, nhân viên các cơ quan đơn vị chấp hành nghiêm túc quy định về nồng độ cồn khi lái xe. Trao đổi thêm với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Xác định năm 2023 là năm tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Do đó, lực lượng chức năng Công an quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ trong cơ thể có nồng độ cồn ngay từ những ngày đầu năm.

Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ được yêu cầu thu thập đầy đủ thông tin của người “can thiệp vi phạm giao thông” để có hình thức xử lý. Đây là “phần việc” phải làm cho nghiêm, cho kỳ được.

Theo đó, UBND 18 phường, các ban, ngành, đoàn thể quận phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an quận triển khai sâu rộng trong cán bộ, nhân viên.

Bệnh viện, trường học, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ký cam kết quán triệt người lao động, cán bộ nhân viên không sử dụng bia rượu.

“Thực tế từ ngày 8/2/2023, khi triển khai ra quân thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, của Công an TP Hà Nội, chưa có trường hợp nào can thiệp, “ép” lực lượng CSGT phải bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn; Cũng chưa có tình trạng chống đối của người vi phạm tại các chốt kiểm tra”, Thượng tá Bùi Văn Đang cho biết.

Đó cũng là kết quả sơ bộ của tổ công tác Y1/141 do Trung tá Đinh Ngọc Đạo làm tổ trưởng. Khảo sát trong 2 ngày (21 - 22/2/2023) cắm chốt cùng lực lượng Y1 ở nút giao Quán Thánh - Đặng Tất, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô chứng kiến mỗi ngày hơn 400 lượt tài xế điều khiển phương tiện ô tô, mô tô được kiểm tra nồng độ cồn song chỉ có 4 trường hợp lái xe mô tô nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này mặc dù có mức vi phạm nồng độ cồn cao (vượt ngưỡng 0,4mg/lít khí thở), nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng chống đối, gọi “cứu trợ” mà chấp hành nghiêm quy định xử phạt.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Ví như trường hợp của anh Q (Hoàng Mai, Hà Nội), bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở gần chốt kiểm tra chuyên đề trên địa bàn phường Điện Biên. Buổi trưa anh Q “nể bạn” uống mấy cốc bia nên khi thấy chốt kiểm tra nồng độ cồn ở nút giao Điện Biên Phủ - Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) đã quay đầu xe. Tuy nhiên, do nắm bắt được tâm lý của người có dấu hiệu vi phạm, một số cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự và cán bộ Công an phường Điện Biên đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ, ngăn chặn kịp thời hành vi có ý định “bỏ trốn” này.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn
Anh Q bị tổ công tác Công an quận Ba Đình và Công an phường Điện Biên lập biên bản xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn

Quay đầu xe không được, vội vàng giả làm khách mua hàng của cửa hàng không xong, anh Q đã được yêu cầu về chốt để đo nồng độ cồn với những dấu hiệu “mặt đỏ, hơi thở nồng nặc mùi bia rượu, chân tay có những hành động thừa khó kiểm soát…”.

“Sau khi biết mình không thoát được do buổi trưa đã uống quá chén, tôi đã lục tìm trong danh bạ hết những số điện thoại có thể để nhờ anh em cứu trợ. Người nghe máy thì chưa kịp nói xong thì anh em đã nói khó, không giúp được; người biết tôi trưa nay có cuộc nhậu thì… không nghe máy luôn.

Thực ra, tôi biết mình cũng chỉ gọi điện để trấn an mình thôi, được thì tốt, không được thì tôi chấp nhận phải nộp phạt. Với lại, gần đây các cán bộ, chiến sĩ CSGT đẩy mạnh việc xử phạt, tuyên truyền cũng rõ ràng, nếu chống đối hoặc có sự can thiệp việc xử lý sẽ thu thập hết thông tin và xử lý luôn cả người can thiệp”, anh Q trần tình sau khi đã nghĩ thấu đáo.

Trong một lần tham gia giao thông, anh Phạm N.H (Mai Dịch, Cầu Giấy) là người có nồng độ cồn đo được là 0.537 mg/lít khí thở. Khi đi qua nút giao Quán Thánh - Đặng Tất, biết mình vi phạm, anh H chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để giải quyết thủ tục lập biên bản.

“Trước kia chẳng may bị mắc lỗi vi phạm về giao thông, tôi hay gọi cho ông anh nhờ xin. Đó chỉ là lỗi nhỏ thôi. Đó dường như là thói quen của không chỉ riêng tôi. Nếu các anh CSGT bỏ qua được thì tốt mà. Đây là lỗi về cồn, báo đài tuyên truyền nhiều rồi, các anh Y1 cũng nhắc luôn là không ai có thể can thiệp vào việc xử lý lỗi này của tôi được, nên tôi đã chủ động ký biên bản, nộp phạt rồi gọi xe ôm về. Gọi chắc ông anh cũng sẽ khuyên tôi là nộp phạt cho nhanh. Với lỗi kịch khung như này, đây sẽ là bài học lớn cho tôi”, anh H cho biết.

Chẳng phải nói đâu xa, trong lần gần nhất bị phát hiện có nồng độ cồn trong khí thở khi điều khiển ô tô tại nút giao Khúc Thừa Dụ - Thành Thái, anh Nguyễn Đức B (sinh năm 1984, ở Thanh Oai, Hà Nội) vẫn chưa hết “ngại” khi trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Anh B nhớ lại: "Khoảng 22h ngày 20/3, tôi đi giao hàng cho khách. Đến nút giao Khúc Thừa Dụ - Thành Thái thì gặp tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Tôi khá tự tin và chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng vì cả ngày hôm nay tôi không động đến một giọt bia, rượu nào. Tuy nhiên, khi máy đo hiện lên số nồng độ cồn vượt quá 0,25miligam/lit khí thở, tôi mới giật mình nhớ lại trận rượu “nằm bẹp” đêm hôm trước.

Gọi điện cầu cứu không được, lại để khách nữ đợi lâu, mất uy tín với cả công ty lẫn khách hàng, tôi chỉ muốn có chỗ độn thổ cho xong”.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Những trường hợp như anh H, anh B không phải là hiếm trong chiến dịch nâng cao ý thức người dân về tham gia giao thông “không rượu, bia”. Bởi trong chiến dịch, dù là nam hay nữ, hễ tham gia giao thông là phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về nồng độ cồn.

Câu nói trên là có cơ sở khi trong dịp cuối tháng 3, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà N.T.K.L (sinh năm 1961, ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) vì lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy.

Bà N.T.K.L chia sẻ: “Có việc vui của gia đình nên tôi uống chút rượu thôi. Không nghĩ phụ nữ cũng bị thổi nồng độ cồn nên khi thấy mình vẫn chưa say lắm, tôi đã tự điều khiển xe máy về nhà. Trên đường về, tôi gặp tổ công tác Y3/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại quận Ba Đình.

Thời điểm kiểm tra, tôi có nồng độ cồn mức dưới 0,25 miligram/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe (10 tháng) và xử mức phạt 2,5 triệu đồng. Sau đó ít hôm, tôi đã hoàn thành việc nộp phạt và làm thủ tục nhận phương tiện về.

Nói thật, giờ tôi vẫn còn thấy xấu hổ khi mình có tuổi rồi mà vẫn bị vi phạm nồng độ cồn, lại là phụ nữ nữa. Đúng là chỉ một phút chủ quan, hình ảnh nghiêm túc, chấp hành luật của mình coi như mất luôn. Sau đó tôi cũng về nhà, lấy vi phạm của mình làm bài học để răn đe bản thân, nhắc nhở gia đình và con cái không vi phạm”.

Không chỉ thấy tiếc, nhiều người đã từng vi phạm về nồng độ cồn đều cảm thấy ái ngại khi mình bị “dính cồn”. Đa số họ đều chấp hành các quy định của lực lượng chức năng và răn mình “sẽ không bao giờ có lần sau”.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Đầu tháng 2 vừa qua, Bùi Xuân Q (20 tuổi, ở Bắc Ninh) vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, đa chấn thương. Các bác sĩ tuyến tỉnh nhận định bệnh nhân rất nặng nên đã chuyển ngay lên tuyến trên.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Bệnh nhân Q có nồng độ cồn gần 30mg/100ml máu dẫn tới chức năng đông máu kém ảnh hưởng tới quá trình điều trị, hồi phục chậm hơn. Bệnh nhân sử dụng rượu bia với nồng độ lớn khiến men gan cao nên cần được điều trị hồi sức vài hôm tới khi bệnh nhân ổn định mới phẫu thuật.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Rất may sau đó, anh Q được phẫu thuật kịp thời và ra viện vào đúng ngày 30 Tết. Tuy nhiên, anh Q còn phải trải qua thời gian tập vận động phục hồi chức năng cả năm để đôi chân khỏe mạnh trở lại.

Mẹ của anh Q nhìn con vừa lắc đầu vừa không ngăn được những giọt nước mắt trực trào. Bà M chia sẻ: "Con dại cái mang, giờ nhìn những lúc đau nhức chân, Q khóc mà vừa muốn mắng vừa thấy thương. Cũng may là nó giữ được tính mạng. Từ giờ chắc nó sẽ không dám uống bia rượu rồi đi xe máy nữa. Tôi và gia đình cũng bớt phần nào lo lắng".

Không được may mắn như gia đình nhà bà M, sau 3 tháng chạy theo chồng, theo con chạy chữa ở khắp các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, chồng của chị N.T.Q (ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã bỏ lại vợ trẻ, hai đứa con thơ và gia đình sau vụ tai nạn giao thông.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Chuyện của anh H (chồng chị Q) không ai muốn nhắc lại song lại là bài học đau xót để gia đình chị Q nhớ mãi và nhắc cho con cái. Giờ anh H đã mất được hơn 100 ngày, chị Q mới dám nhìn thẳng vào sự thật để đưa câu chuyện của chính gia đình mình ra cảnh tỉnh cho những người vẫn chủ quan uống rượu say sau đó tham gia giao thông.

Chị Q chia sẽ, anh H là cán bộ trẻ của một đơn vị gần nhà. Do thói quen, hằng ngày anh H đều uống rượu. Tuy nhiên, lần gần nhất, vừa tiếp khách, lại vừa uống quá nhiệt tình, nên trên quãng đường về nhà, anh H đã tự gây tai nạn và ngã đa chấn thương. Khi mọi người phát hiện anh H ngã ở lề đường, đưa đi cấp cứu thì tình trạng đã quá nặng. Mọi người trong gia đình lo lắng, dồn hết tiền bạc, tâm sức để mong có phép màu cứu sống anh H. Tuy nhiên, trải qua 2 lần mổ não, những cơn sốt không dừng… anh H đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Chị Q nhìn lên bàn thờ với tấm ảnh chồng còn rất mới. Nước mắt đã lặn vào trong. Chị nói giọng trầm, nghẹn đắng: “Giờ tôi cũng chẳng còn cơ hội để khuyên nhủ chồng uống ít rượu nữa. Nỗi đau nào cũng phải qua đi. Tôi còn hai con trai, giờ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nhưng tôi sẽ theo sát, khuyên nhủ con lấy bài học đau xót của gia đình ra để tự biết sống sao cho người thân không phải lo lắng, bản thân mình sẽ được an toàn, hạnh phúc.

Tôi cũng tin rằng, những gia đình có người thân là nạn nhân của tai nạn giao thông, nhất là nguyên nhân do rượu bia sẽ giáo dục người thân, con cái không bao giờ đi vào “vết xe đổ” của người trước. Có như vậy, chúng ta mới an toàn, hạnh phúc”.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Ý thức của người điều khiển phương tiện chỉ thay đổi khi có những biện pháp tuyên truyền hiệu quả và đặc biệt là vẫn cần những chế tài đủ sức răn đe…

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hiện tại, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí cao so với các nước trong khu vực, do đó đã phần nào có sức răn đe.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn
Luật sư Đặng Văn Cường (bên trái, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trao đổi vấn đề với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ), mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất. Mức phạt này giao động từ 80.000 đến 600.000 đồng (với người điều khiển xe đạp); Từ 6 đến 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng (với người điều khiển xe gắn máy); Đối với ô tô, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Mặc dù biết sẽ bị phạt rất nặng, song không ít người vì “ham vui”, “cả nể” vẫn uống và cố tình lái xe. Một số người “buộc phải lái xe” vì không thể gọi được taxi, xe dịch vụ đột xuất trong những ngày Tết. “Dù với lý do gì, cá nhân sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho bản thân họ và người khác”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, để khắc phục những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay cần thực hiện đồng thời cả hai nhóm giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục hoàn chỉnh các chế tài xử lý.

Cụ thể, để nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chuyên trách, các địa phương cùng với các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục. Thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan, thi tìm hiểu trực tuyến… người dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; Các chế tài xử lý theo quy định hiện hành… từ đó lan tỏa sâu rộng văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong đời sống xã hội.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật Giao thông đường bộ, thậm chí buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì lái xe có thể bị tước bằng vĩnh viễn.

Kể từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông có hiệu lực đã tăng mạnh hàng loạt mức xử phạt, trong đó có mức phạt nồng độ cồn.
Kể từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông có hiệu lực đã tăng mạnh hàng loạt mức xử phạt, trong đó có mức phạt nồng độ cồn.

Chúng ta cũng nên có đa dạng hóa các hình thức xử phạt như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng có thể xem xét phạt tù.

Mặt khác, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, đa phần người vi phạm nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ là lỗi cố ý gián tiếp. Nói cách khác, cần sửa đổi để buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.

Thực tế cho thấy, các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng chỉ giúp giải quyết “phần ngọn”, là giải pháp phù hợp với những thời điểm cụ thể. Vấn đề căn cốt và mang tính lâu dài chính là ý thức tự giác chấp hành của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Mỗi người cần thực hiện tốt phương châm “đã uống rượu bia không lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu bia” vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc do Bộ Công an tổ chức ngày 27/1/2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: "Tết năm nay là Tết an toàn". Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (7,3%), giảm 3 người chết (3,3%) và tăng 8 người bị thương (8%).

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Tuy nhiên, con số trên 7.720 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý, tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%) so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng cho thấy những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác bảo đảm TTATGT
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác bảo đảm TTATGT tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc do Bộ Công an tổ chức ngày 27/1/2023

Trực tiếp tham gia chỉ huy chốt trực kiểm tra nồng độ cồn của quận, Trung tá Bùi Chí Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: "Trong tất cả những trường hợp được kiểm tra nồng độ cồn, nếu người dân ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật thì việc yêu cầu người dân vào chốt trực, thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc ký vào biên bản vi phạm hành chính khi người dân có nồng độ cồn trong máu… đều dễ dàng. Tuy nhiên, không ít lái xe vì quá say xỉn, không làm chủ được bản thân, đã có những lời nói, hành động mang tính chống đối lực lượng chức năng, gây cản trở quá trình xử lý. Những hành vi này chúng tôi đều có các biện pháp nghiệp vụ để ghi lại hình ảnh phục vụ công tác đấu tranh sau này".

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, việc duy trì thường xuyên các đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông vào những ngày cao điểm của lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đã tác động tích cực đến ý thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông.

Theo đánh giá của lực lượng CSGT, đến thời điểm này, rất ít trường hợp lái xe chuyên nghiệp, đường dài vi phạm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, số vi phạm chủ yếu là khu vực nội thị, trên các cung đường ngắn. Đáng mừng là lực lượng chức năng phát hiện rất ít các bạn trẻ sử dụng nồng độ cồn mà vẫn tham gia giao thông. Các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng giảm thiểu.

Thống kê trên cả nước, trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT đã phát hiện hơn 750.000 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 224.957 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý giảm 102.963 trường hợp (-12,06%), tiền phạt tăng hơn 530 tỷ đồng (+64,62%); Trong đó 20,6% trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều trường hợp mức phạt kịch khung đối với ô tô (35 triệu đồng) và với xe máy (7 triệu đồng).

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước (kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của riêng thành phố Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước), 3 tháng đầu năm 2023, CSGT Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng; Trong đó, xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; Giảm cả 3 tiêu chí về số người chết, người bị thương, số vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, khi CSGT không còn theo lối mòn ra quân cao điểm tại một số khu vực, mà lập chốt kiểm tra đột xuất, đại trà mọi tài xế, không ít ma men bị bất ngờ và tỏ thái độ lăng mạ, chống đối hoặc dùng những mối quan hệ để xin bỏ qua. Lực lượng chức năng đã kiên trì tuyên truyền để người có dấu hiệu vi phạm hiểu, đồng thời kiên quyết xử lý thông qua các biện pháp như ghi hình, phối hợp với người dân xung quanh làm chứng, lấy đầy đủ cơ sở pháp lý để lập biên bản, xử lý vi phạm.

Đó là những điều mà người dân bình thường muốn được thấy.

Vi phạm nồng độ cồn thì bị phạt nặng, tịch thu xe, tước bằng lái theo quy định nhưng chống đối lực lượng chức năng có thể phải vào tù, bỏ chạy có thể gây tai nạn cho người xung quanh, thậm chí là tự đánh mất tính mạng mình.

Những trường hợp chống đối kiểm tra vi phạm nồng độ cồn bị bắt giữ, xử lý thời gian qua là minh chứng rõ nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhận thức, ý thức của người dân, nhất là các bạn trẻ hiện nay.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm; Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; Nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị; Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.

Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…; tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân, cộng đồng.

Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, trình Quốc hội thông qua. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quá tải trọng cho phép…

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.

Bộ Nội vụ nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm (hoàn thành trong quý II/2023).

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, xử lý các sai phạm liên quan tới giao thông. Thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Cục Cảnh sát Giao thông đã bố trí 6 tổ công tác tỏa ra nhiều địa phương, phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an các tỉnh, thành phố xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Tối 26/9, chỉ sau hơn 3 tiếng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy và ô tô trên tuyến đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà, Tổ công tác của Cục Cảnh sát Giao thông và lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Trị, Công an thành phố Đông Hà đã xử lý 29 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.

Bài 3 - Không xuê xoa bỏ qua vi phạm Bài 3 - Không xuê xoa bỏ qua vi phạm Bài 3 - Không xuê xoa bỏ qua vi phạm
Bài 3 - Không xuê xoa bỏ qua vi phạm

Từ ngày 23 - 25/9, Công an tỉnh Bắc Giang huy động 218 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý 288 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 52 người điều khiển ô tô, 236 người điều khiển mô tô, xe gắn máy và xe máy điện các loại.

Riêng ngày 25/9, trong tổng số 97 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, có tới 90 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều trường hợp vi phạm ở mức kịch khung.

Ngày 30/9, Tổ công tác số 4 thuộc Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh ra quân tổng kiểm soát về kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý 56 lái xe vi phạm nồng độ cồn (10 trường hợp điều khiển ôtô, 46 trường hợp điều khiển môtô) và 3 trường hợp vi phạm khác.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, các tổ công tác Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an địa phương trực tiếp kiểm soát 104.799 phương tiện (59.153 xe ô tô, 45.646 xe mô tô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 3.617 trường hợp (936 trường hợp đi ô tô, 2.670 trường hợp đi mô tô, 11 trường hợp đi xe máy điện).

Trong số đó, 3.453 trường hợp (885 đi ô tô, 2.558 đi mô tô, 10 đi xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 35 trường hợp (10 đi ô tô, 24 đi mô tô, 1 đi xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Tính chung trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt.

Việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông - được Cục Cảnh sát Giao thông nhấn mạnh là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Điều này được thể hiện bằng những kết quả cụ thể với việc không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí cả những người trong ngành Công an, vi phạm nồng độ cồn đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn cử như ngày 23/9, các tổ công tác của Cục phối hợp với Công an 5 địa phương: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.

Trong số 199 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, một trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có 3 trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo và 7 cán bộ, công chức, gồm hai cán bộ, công chức tỉnh Bắc Giang là Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Bắc Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Giang; 5 cán bộ, công chức tỉnh Đắk Lắk là Giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Kar; Phó Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ea Kar, Giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D và cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk.

Trước đó, vào tối 22/9, Tổ công tác số 5 của Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an thành phố Vinh (Nghệ An) tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Lê Xuân Hùng, điều khiển ôtô biển xanh 37A-000.98, kết quả tài xế vi phạm nồng độ cồn 0,173 mg/lít khí thở.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ xe ô tô để xử lý theo quy định. xe ô tô này do Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương quản lý, sử dụng.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn
Tổ công tác Bộ Công an và Công an tỉnh Thái Nguyên lập chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn TP Thái Nguyên tối 20/9

Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong ngành Công an như trường hợp Thượng tá N.M.H, Phó trưởng Công an thành phố Thái Nguyên bị tổ công tác của Bộ Công an và Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) vào đầu giờ chiều 20/9.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được lực lượng của Cục phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, bước đầu xác định có 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo…

Thậm chí, có trường hợp đã bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ". Ông Lê Ngọc, cán bộ Ngân hàng - Chi nhánh tại thành phố Từ Sơn, mới đây đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) khởi tố do không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, xưng hô thiếu chuẩn mực và có hành vi đấm vào mặt Cảnh sát giao thông.

Nghị quyết 149/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã nêu rõ, "siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông", "nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng".

Nhìn lại việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được triển khai cho thấy, Nghị quyết của Chính phủ đã được lực lượng Cảnh sát Giao thông quán triệt, thực hiện nghiêm túc, không có ngoại lệ…

Các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát Giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Đầu tháng 6/2023, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Kế hoạch nêu rõ, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nếu để tình hình trật tự ATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý gây mất trật tự ATGT.

Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang ATGT đường bộ.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn "Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Trong quá trình xử lý các vi phạm phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ lọt, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm pháp luật về trật tự ATGT phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật...

Thời gian gần đây, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tăng cường với phương châm “không có vùng cấm”, các tổ công tác đã xử lý những trường hợp là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nhà báo, cán bộ công chức...

Ông P.T.A, Trưởng Công an một phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị tổ công tác chéo địa bàn Đội Cảnh sát Giao thông đường bộ số 12, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đầu giờ chiều 23/9, khi đang điều khiển ô tô tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), phát hiện vi phạm ở mức 0,4mg/lít khí thở, không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đã hết hạn.

Một số trường hợp vẫn quen thói "cậy quan hệ" để nhờ vả, can thiệp nhưng lực lượng Cảnh sát Giao thông kiên quyết lập biên bản vi phạm như: Trường hợp ông Lê Hải Q, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một phường quận Hoàng Mai, Hà Nội, là một ví dụ.

Tối 18/9, tổ công tác Cảnh sát giao thông dừng ô tô 30H-318.XX do ông Q điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, ông này không chấp hành đo nồng độ cồn, liên tục gọi điện thoại và đòi tổ công tác nghe điện thoại.

Sau đó, ông Q đã bị lập biên bản vi phạm hành chính lỗi "không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn" và phải báo cáo giải trình với lãnh đạo cấp trên về việc chống đối Cảnh sát giao thông.

"Liều thuốc" trị "bệnh" vi phạm nồng độ cồn

Ngày 26/9, khi dừng xe tập lái biển kiểm soát 88A-328.xx của Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Bộ Xây dựng), người cầm lái mặc đồng phục nhà trường cho biết, bản thân là giáo viên dạy lái xe và mong muốn được “thông cảm”. Khi đo nồng độ cồn của người này, kết quả vượt quá mức kịch khung là 0,515 mlg/lít khí thở. Với vi phạm này, tổ công tác buộc phải tạm giữ phương tiện và ra các biên bản xử phạt với mức hơn 40 triệu đồng.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, với những trường hợp tự ý bỏ đi không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử lý mức cao nhất, cùng với trường hợp không khai báo, khai báo quanh co không đúng tên tuổi, địa chỉ… khi đến làm việc với cơ quan chức năng, người vi phạm tự đánh mất quyền lợi, phải chứng minh bản thân là người vi phạm.

3 tháng cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát giao thông, công an quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát, xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.

Đặc biệt, các lực lượng xử lý nghiêm đối với các trường hợp là cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm, không để ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành; Đồng thời, tăng cường thực hiện kế hoạch về phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, để thực sự trị tận gốc “căn bệnh trầm kha” này vẫn cần thêm thời gian, cần sự quyết liệt xử lý của cơ quan chức năng và nhất là sự tự ý thức của mỗi người dân…

Nội dung: Hoa Thành

Trình bày: Phạm Mạnh

Phạm Mạnh