Trong các nghề thủ công truyền thống tạo nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam, nghề nuôi tằm - dệt lụa không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn là thứ hàng hóa làm nên thương hiệu tơ lụa Quảng Nam.
Đến với Quảng Nam, dường như từng tấc đất, từng nếp nhà, đều ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa và cả những "câu chuyện nghìn lẻ một đêm" chờ du khách khai phá. Nắm bắt được thế mạnh của tỉnh nhà, Quảng Nam đã giới thiệu đến công chúng sản phẩm du lịch độc đáo và mang dấu ấn "có một không ai", lụa Mã Châu là một trong những "đứa con tinh thần" đáng tự hào đó.
Quảng Nam từ lâu đã nức tiếng gần xa với làng lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên) có tuổi đời hơn 400 năm trước. Vào thế kỷ XV, làng dệt lụa Mã Châu có nhiệm vụ cung cấp lụa dệt cho giới quý tộc quan lại trong triều đình. Sau đó đến cuối thế kỷ XIX, ngôi làng này có thêm nghề trồng bông và dệt vải.
Theo Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục: “Xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông…”. Thông qua các hoạt động giao thương trên biển, khởi đi từ thương cảng Hội An, mặt hàng tơ lụa xứ Quảng đã có mặt ở nhiều nước, được khách hàng ưa chuộng.
Khu vực dọc bờ sông Thu Bồn của Hội An là điểm dừng chân quen thuộc của các thương nhân nước ngoài vào thế kỷ XVI - XVIII |
Hàng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý… đến Hội An để mua tơ sống và các loại lụa, riêng tàu thuyền của Trung Hoa chỉ mua tơ sống mang về. Ngược dòng lịch sử, nghề truyền thống "xứ sở tằm tang" đất Việt đã mở rộng thị trường giao thương tại cảng Hội An, làng lụa Duy Xuyên, Nha Xá - Hà Nam, Vạn Phúc, Hà Đông… theo thuyền buôn cập bến đến các vùng đất mới.
Làng dệt lụa Mã Châu còn có tên gọi là Tứ Mã với bốn làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông, Mã Tây và bến đò Tơ trên sông Thu Bồn. Những tấm lụa, satin được đánh bóng, mềm mại, đẹp và bền là những tiêu chí thu hút doanh nhân đến từ Nhật Bản, Bồ Đào Nha và các nước khác trên thế giới.
Ông Trần Hữu Phương là truyền nhân đời thứ 18 của dòng họ làm nghề ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng làng Mã Châu (Ảnh: Đ.Minh) |
Nơi đây, gắn liền với chuyện tình đẹp của “bà chúa Tằm Tang” với Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã tham gia vào “con đường tơ lụa” trên biển bằng cách xuất khẩu cho các nước Châu Á và phương Tây qua thương cảng Hội An. Sau hơn 400 năm nghề tằm tang (dâu tằm) vẫn được những hậu duệ của làng nghề Mã Châu gìn giữ và phát triển dù có lúc thăng trầm.
Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu chia sẻ: “Phải 5 năm trở lại đây, khi tự tổ chức sản xuất và bán hàng trên mạng, bán theo đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang... chúng tôi mới bắt đầu có lãi, có tích lũy để chuẩn bị cho những kế hoạch lâu dài và quy mô hơn để làm sống lại làng lụa Mã Châu”.
Kế hoạch làm sống lại làng lụa Mã Châu là “giấc mơ bà chúa Tằm Tang”, và giấc mơ này ngoài những nỗ lực tự thân còn được chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam và các cá nhân, tổ chức trong đó có Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An chung tay tưới tắm, ông Phương chia sẻ thêm.
Lụa Mã Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi sự tinh tế trong hoa văn và sự phối màu hài hòa của người thợ dệt. Lụa tơ tằm Mã Châu đẹp, bền nhờ được dệt từ những kén tơ do tằm được nuôi bằng lá cây dâu sinh trưởng từ nguồn phù sa màu mỡ do ba con sông Thu Bồn, Vu Gia, Bà Rén bồi đắp cùng với sự khéo léo, cẩn thận, tay nghề giỏi của người thợ…
Sông nước Mã Châu (Ảnh: Lê Vấn) |
Để có một sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ, người thợ phải sản xuất, làm việc hết 100% tâm trí trong các công đoạn: Nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa - tẩy nhuộm màu để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu sẽ có những đặc tính mà các vải lụa công nghiệp không thể có được như: Thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi, chống độc tố.
Theo thống kê, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 6 nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 3 Châu Á và thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu tơ lụa. Vẻ đẹp óng ả, mượt mà và quý phái của thứ sản phẩm may mặc thượng hạng này từ lâu đã được con người tôn vinh, thậm chí là sùng bái.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (TX Điện Bàn) cho biết, trong giai đoạn 1977 - 1992 nghề dâu tằm của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát triển cực thịnh. Do cơ chế khuyến khích phù hợp của Công ty Dâu tằm tơ lụa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Nguyên liệu dệt lụa rất đặc biệt, với cây dâu của người Chăm Pa cổ tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam về trồng ở vườn của làng để làm thức ăn cho tằm vàng nhả kén (Ảnh: Út Vũ) |
“Cứ nông dân sản xuất được 1kg kén công ty sẽ thu mua giá sàn tương đương với 20kg lúa, nên nông dân hăng hái trồng dâu nuôi tằm, hầu như hộ nông dân nào trên địa bàn Điện Quang cũng kết hợp “chân ruộng, chân tằm”. Dọc theo dòng sông Thu Bồn, Vu Gia (như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc…) nhà nhà trồng dâu, người người nuôi tằm, khoảng hơn 4.000 khung cửi dệt ngày đêm”, ông Thành nói.
Ngày nay, để nối tiếp mạch nguồn di sản văn hóa thế giới của đô thị cổ Hội An, những tinh hoa lụa Việt Nam như: Lụa Mã Châu, Vạn Phúc, Bảo Lộc, Hà Đông, Chăm Pa đều được giới thiệu. Các làng nghề đều có sản phẩm riêng biệt, mang nhiều nét đặc trưng của mỗi vùng miền, họa tiết, màu sắc, cách phối hợp riêng biệt, tạo nên nền văn hóa lụa tơ tằm phong phú và đa dạng.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và TTTH thành phố Hội An - Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết, lụa tơ tằm Quảng Nam vốn nổi tiếng trong lịch sử và xuất đi khắp các quốc gia trên thế giới từ thương cảng quốc tế Hội An. Trên con đường gốm sứ mậu dịch và tơ lụa trên biển một thời, những sản phẩm lụa Quảng Nam được giới thương gia nước ngoài ưa chuộng và đánh giá cao.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và TTTH thành phố Hội An - Trương Thị Ngọc Cẩm, nghề trồng dâu, nuôi và dệt lụa là bức tranh nông - tang miền quê bên bờ Thu Bồn (Ảnh: Út Vũ) |
Để phục hồi và phát triển nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa - thổ cẩm trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 627/UBND-KTN giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan sớm triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong, nòng cốt, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan ở trong và ngoài tỉnh để đầu tư, khôi phục và phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa.
Triển khai xây dựng “Dự án khôi phục và phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa”, tập trung ở các diện tích bãi bồi dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia của các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn và TX Điện Bàn. Việc triển khai theo hướng chọn một số địa phương, đơn vị để hợp tác, liên kết làm điểm phát triển sản xuất theo chuỗi (từ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và tiêu thụ…).
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An mong muốn đưa tơ lụa Quảng Nam sánh vai với sản phẩm từ nhiều quốc gia nổi tiếng khác (Ảnh: Út Vũ) |
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, “bằng con đường xã hội hóa, làng lụa truyền thống tại Hội An hay Mã Châu được hồi sinh với vẹn nguyên các giá trị, vừa mở ra cơ hội cho du lịch sinh thái phát triển, vừa góp phần bảo tồn, nâng tầm những giá trị truyền thống. Mong muốn của chính quyền thành phố và người dân Hội An là biến nơi đây trở thành hạt nhân của trung tâm tơ lụa, đưa tơ lụa Quảng Nam sánh vai với sản phẩm từ nhiều quốc gia nổi tiếng khác”.
Một sản phẩm lụa hoàn chỉnh mới có thể định danh đường một vùng đất, một thương hiệu. Còn chỉ với sợi tơ thô bán đi, chỉ dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận ở mức thấp so với lợi nhuận thật sự của ngành lụa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định.
Trải qua thăng trầm, nghề dệt vẫn giữ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như câu ca: "Mã Châu con gái mỹ miều - Sớm mai dệt lụa, buổi chiều ươm tơ" (Ảnh: Đ.Minh) |
Trong bối cảnh Hội An đang hướng tới việc tham gia mạng lưới các “thành phố sáng tạo toàn cầu” của UNESCO trên hai lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống, sản phẩm lụa đang càng ngày càng phát triển và được du khách lựa chọn làm quà lưu niệm.
Theo nhận định của ông Fei Jianming - Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.
Đến nay, Mã Châu vinh dự là một trong 18 làng nghề, trở thành điểm du lịch trong lễ hội “Hành trình di sản” hàng năm của tỉnh Quảng Nam. Được biết, nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã quy hoạch hơn 200ha chuyên canh trồng dâu nuôi tằm phục vụ nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho làng nghề duy trì sản xuất, phát triển.
Bài viết: Đoàn Minh - Út Vũ Đồ họa: Phạm Mạnh |