Mạch ngầm
Lịch sử Thăng Long - Hà Nội xưa ghi nhận nhiều làng khoa bảng nức tiếng, nhiều người đỗ đạt và đảm nhận các vị trí trọng yếu. Trong 21 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước, tức những làng có hơn 10 người đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên) thì Hà Nội có đến 6 làng. Tiêu biểu như làng Đông Ngạc có tới 95 người đỗ đạt, làng Phú Thị sở hữu kỷ lục là 4 vị thượng thư làm quan cùng triều, làng Hạ Yên Quyết thì bố con cùng là tiến sĩ... Mạch nguồn hiếu học, niềm tự hào về truyền thống ấy vẫn được hàng trăm danh nhân thời đại Hồ Chí Minh lưu giữ và thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối - vô hình trung trở thành nội lực để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với tầm vóc của “trái tim cả nước”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc... chung nhận định rằng: Kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay là một vùng đất hiếu học nổi tiếng, với sự tập trung đậm đặc của các làng khoa bảng. Đó là một trong các điều kiện quan trọng tạo dựng nên một Thủ đô hùng cường.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) dành gần như cả cuộc đời mấy chục năm nghiên cứu để tìm hiểu, phân tích, chắt lọc tới sâu sa về các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội. Ông là một trong rất ít người hiểu rõ ràng, đầy đủ, cặn kẽ về những ngôi làng sinh ra các vị danh nhân ưu tú cho đất kinh thành trong mấy thế kỷ vừa qua.
|
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) |
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ Đô, PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ: Đối với khái niệm “làng khoa bảng” thì Thăng Long - Hà Nội đứng đầu cả nước. Dưới thời phong kiến, trong 21 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước, tức những làng có hơn 10 người đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên) thì Hà Nội có đến 6 làng. Đó là các làng: Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm), Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết. Nếu tính thêm cả một số làng có số người đỗ đạt ít hơn (từ 7 tiến sĩ trở lên) như Hà Lỗ (Đông Anh), Bát Tràng (Gia Lâm), các làng: Du Lâm, Vân Điềm đều thuộc huyện Đông Anh, làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) thì cả Hà Nội có 11 làng khoa bảng với 112 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 17 hoàng giáp, 88 đệ tam giáp tiến sĩ và 4 phó bảng”.
Năm tháng trôi qua, đá mòn rêu nhạt. Thời nay, người ta thường thấy Hà Nội với những cao ốc sáng lòa, phố phường đông nghẹt, nêm cứng và các quán hàng rầm rĩ tiếng leng keng chúc tụng. Xô bồ quá! Người ta có lẽ nghĩ rằng dấu tích xưa của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long hào hoa, cùng với truyền thống khoa bảng vàng son, tinh thần hiếu học bền bỉ... đã bị cuốn trôi vào quá khứ, hoặc tan ra như bong bóng xà phòng.
Nói thêm rằng, trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc ghi những dòng chữ của Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.
|
Có lẽ, sự phát triển và thịnh vượng của các làng khoa bảng, những danh nhân của các làng khoa bảng cũng là một phần “nguyên khí” mạnh mẽ nâng lên sự phát triển của đất Thăng Long xưa và nay. Thật may, trong quá trình tìm hiểu để thực hiện loạt bài viết về sự tiếp nối của các làng khoa bảng tại kinh thành Thăng Long - Hà Nội, người viết vui mừng nhận ra rằng tất cả những kiêu sa, tự hào của người Tràng An xưa vẫn còn nguyên ở đó. Nó ẩn mình dưới các con ngõ xếp gạch chặt chàng tại làng Chèm, thấp thoáng bên các bia đá ở làng Sủi, lặng lẽ giấu mặt trong các nhà thờ dòng họ tại làng Cót... Hơn tất cả, bên cạnh những hiện hữu về mặt vật chất, giá trị tinh thần mới là mạch nguồn tồn tại ẩn sâu nhưng mạnh lạc, mạnh mẽ. Đối với từng thành viên trong các ngôi làng mà chúng tôi vừa kể tên, họ mang lòng tự hào về mảnh đất nơi họ sinh ra, về truyền thống hiếu học hàng trăm năm tại đó. “Tôi là người làng khoa bảng!” - họ ưỡn ngực, thốt ra những tiếng đầy kiêu hãnh.
|
Tại làng Sủi (xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội), phóng viên có cơ hội trò chuyện với cụ Nguyễn Huy Thuận (SN 1927, nguyên Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao). Gần 100 tuổi, cụ Thuận vẫn sở hữu sức mạnh và trí nhớ siêu phàm, vẫn có thể nói không ngừng suốt 2 giờ đồng hồ về những thành tích của danh nhân làng Sủi, cũng như sự tiếp bước của con cháu trong làng những năm tháng gần đây.
|
Cụ Nguyễn Huy Thuận (sinh năm 1927, nguyên Chánh Văn phòng VKSND tối cao) |
Tiếng nói của cụ Thuận vang vang trong tai người nghe: “Theo sách đăng khoa lục, dưới thời phong kiến, làng Sủi có 10 người đỗ đại khoa, tất cả đều là “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”. Trong đó, họ Nguyễn Huy chiếm đông nhất với 5 người; Số còn lại thuộc các họ Cao, Đoàn, Trịnh, Trần, Nguyễn Xuân. Trong số các tiến sĩ của làng Sủi, có 4 người ở xóm Giữa (Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạc, Đoàn Quang Dung, Trịnh Bá Tương) cùng làm Thượng thư, cùng tham gia vào những chính sách lớn của triều đình Lê - Trịnh. Câu nói “Nhất môn tam tiến si, đồng triều tứ thượng thư” và câu ca trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự rằng “Chung linh đất Sủi ai vì, Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh” xuất xứ từ đây. Làng Sủi Phú Thị không những nổi tiếng về khoa bảng, đây cũng chính là quê hương của văn tài xuất chúng Cao Bá Quát”.
Tại một làng khoa bảng khác, làng Đông Ngạc hay làng Vẽ, truyền thống hiếu học cũng vô cùng được trân trọng, lưu giữ. Ông Lê Văn Đôn (84 tuổi, trưởng Ban Quản lý di tích đình Đông Ngạc) tự hào kể: “Làng có 5 dòng họ là Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng. Cả 5 dòng họ này đều có nhiều người đỗ tiến sĩ, bảng nhãn và hoàng giáp. Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; Họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; Họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài. Cụ Phan Phu Tiên là Tiến sĩ khai khoa cho làng, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tý năm 1396 dưới triều vua Trần Thuận Tông. Đến thời Nguyễn, ước tính sơ sơ làng Đông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa, học hàm Tiến sĩ trở lên.
|
Cụ Phan Phu Tiên - Tiến sĩ khai khoa làng Đông Ngạc (Hà Nội) |
Càng về sau, làng Vẽ càng nổi lên tên tuổi nhiều gương hiếu học, điển hình là cụ Phạm Quang Trạch. Có thuyết kể rằng, cụ Trạch chăm học đến mức nhà có vườn cau cụ ra ngoài vườn đọc sách, cứ đi vòng quanh các cây cau đọc sách mà tất cả các thân cây cau nhẵn bóng do cụ vịn tay vào nhiều quá, ma sát mòn cây”.
Làng khoa bảng duy nhất ở nội thành là làng Cót. Làng Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Từ thế kỷ XIV, cùng các dòng họ Hoàng, Quản, Doãn... dòng họ Nguyễn Như Uyên đã về vùng ven sông Tô Lịch nơi đây để khai phá, lập làng. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, làng Cót có 11 tiến sĩ, trong đó dòng họ Nguyễn Như Uyên có 5 tiến sĩ được khắc tên trong bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhờ truyền thống đó, làng Cót được coi là một trong những dòng họ khoa bảng lừng lẫy đất Thăng Long.
Giá trị phong thủy của Thăng Long - Hà Nội chính là vị thế địa chính trị, kinh tế và văn hóa của vùng đất này đối với cả nước. Các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội biết phát huy được lợi thế đó vào việc học, có thể nói là "địa linh sinh nhân kiệt...", nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) đánh giá về xuất hiện và phát triển của các làng khoa bảng Thăng Long trong mối liên hệ với vùng đất kinh thành.
Tại Hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết, Hà Nội”, PGS. TS Phan Trọng Thưởng đã trình bày một tham luận gây chú ý lớn. Trong tham luận, PGS. TS Phan Trọng Thưởng đánh giá Hạ Yên Quyết như một vùng đất đặc biệt, có thể gọi là “địa linh”. Nhờ thế đất độc đáo, làng mới nuôi dưỡng, chứng kiến nhiều vị danh sĩ khoa bảng như thế.
Thuyết phong thủy còn được người làng Đông Ngạc lưu truyền khi nhắc tới truyền thống khoa bảng của mảnh đất này. Trong quá trình ghi nhận tại làng Vẽ, phóng viên không khỏi kinh ngạc trước sự bố trí về mặt phong thủy của người xưa, đặc biệt tại đình Đông Ngạc. Dễ dàng nhận ra đôi “mắt Rồng” cũng là hai giếng tròn ở phía tiền sảnh của đình Đông Ngạc. Bạch Liên khảo ký từng ghi, làng Hạ Yên Quyết là một nhánh gốc từ núi Tản Viên, trước có có hồ sen là Minh dường, sau lưng có gò Thất tinh. Tay Long bên tả thì chạy theo ven sông Tô Lịch, viền quanh các mỏm đất rìa làng rồi quay đầu lại. Tay Hổ ở bên hữu thì theo từng bãi sa xuống hình như cái móc neo. Những cái tốt, cái hay của làng Hạ Yên Quyết đều dựa vào đấy. Do đó, dân làng cư ngụ, sinh sôi đông đúc, học hành tấn tới.
|
Ông Lê Văn Đôn (84 tuổi, trưởng Ban quản lý Di tích đình Đông Ngạc) kể: “Xưa kia, có thầy địa lý vân du qua đây, thấy vùng đất nổi rõ khí thiêng là đầu rồng mới bảo dân làng nên xây đình ở mảnh đất quý. Hiềm nỗi lúc ấy, mảnh đất quý đang là sở hữu của gia đình cụ Đường mà gia đình cụ lại không có con cái. Làng cử người đến ngỏ lời, cụ Đường hào phóng giao cho làng toàn bộ số đất rộng trên ba mẫu để xây đình. Bởi xây trên thế đất đầu rồng nên cách bố trí của đình Vẽ cũng lạ lắm. Hậu cung xây trên gò đất cao là phần cổ. Hai giếng dưới tam quan ngoại đình là mắt, còn hai trụ phía bên kia đường, ở cạnh sông Hồng là râu rồng. Từ ấy, Kẻ Vẽ dần có những đổi thay. Nhiều người đỗ đạt, thành tài, làm quan lớn trong triều và đương nhiên trở thành một trong 6 làng khoa bảng trứ danh của Thăng Long”.
Chuyện phát tích kỳ lạ tại làng Sủi tức làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội còn bí ẩn hơn nữa. Cụ Nguyễn Huy Thuận (95 tuổi, nguyên Chánh văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) cho hay, theo sử sách còn lưu giữ thì cụ tổ thứ hai của họ Nguyễn là Đức Hữu có ba người con trai tên là Đôn Thận, Đôn Tập và Siêu Lang. Khi cụ mất, các con theo lời thầy địa lý, chôn cụ tại một đám đất hình Mộc tinh ở xứ Mả Cả, sát một vũng trâu đầm. Được hơn nửa tháng, con cháu trong nhà lần lượt ốm đau mắc bệnh, nghĩ rằng mộ cha bị động nên di đi nơi khác.
Khi đang đào, thì trời nổi mưa gió không thể đào tiếp được. Từ trong tiếng mưa gió gào thét, bỗng vang lên tiếng trẻ trâu hát rằng: “Biết đâu đã hẳn hơn đâu / Có chốn thì cầu, có chốn thì vong”. Các con bèn bàn nhau: “Mộ cha chúng ta chôn ở đây phải chăng đã được thần xá khẩu để làm phúc cho con cháu”, bèn thôi không đào nữa, chỉ đắp thêm rồi ra về.
Từ đó, gia đình hết ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới. Sau này dòng họ có các tiến sĩ là Nguyễn Huy Nhuận (con ông Đôn Thận), Nguyễn Huy Mãn (con ông Phúc Tập) và Nguyễn Huy Thuật (con ông Siêu Lang). Gia phả của dòng họ Nguyễn có khẳng định rằng: “Họ ta được hiển đạt tiếp phúc nhờ ngôi mộ này”.
Bên cạnh và không kém quan trọng hơn những lý thuyết khó kiểm chứng về phong thủy, liêu trai thì nhiều học giả đánh giá rằng các làng khoa bảng của Thăng Long đạt được sự đột phá, hưng vượng về mặt thi cử, đỗ đạt do nguyên nhân khách quan độc nhất vô nhị. Đó là lợi ích từ vị trí các làng khoa bảng đề cập trong loạt bài này đều tồn tại, phát triển trong khu vực kinh thành Thăng Long.
Cụ thể hơn, PGS. TS Phan Trọng Thưởng viết về vị trí làng Hạ Yên Quyết rằng: “Hạ Yên Quyết nằm ngay ở cửa ngõ phía Tây của Kinh thành cổ, là nơi giao lưu trực tiếp giữa vùng ven đô với nội thành được cách bởi sông Tô Lịch... Xưa kia, sông Tô rất rộng, là nơi lưu thông từ ven Nội và kinh thành, từ Bắc xuống, từ Nam lên. Chính con sông này tạo thế hiểm yếu giữa vùng Hạ Yên Quyết với nội thành Thăng Long, là vành đai bảo vệ vững chắc cho Kinh thành”.
Đối với làng Tả Thanh Oai, “Dư địa chí” của Nguyễn Trời ghi rằng “Tó Tả là một trong 4 kinh trấn phên giậu phía Nam của kinh đô Thăng Long. Tại đây có đường thiên lý tây đạo chạy qua, lại là nơi sông Tô nhập vào sông Nhuệ thành đầu mối giao thông thủy lớn, trên bến dưới thuyền giao thương tấp nập. Từ xưa, người kẻ Tó đã quen với buôn bán và có nhiều nghề phụ như làm bánh đúc, bún, xôi chè và nấu rượu”.
Tương tự như thế, giải thích về sự đỗ đạt, người làng Sủi cho rằng thế mạnh của làng là nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, có điều kiện để phát triển kinh tế. Đồng thời, làng nằm trên đường thiên lý từ kinh đô Thăng Long về hướng Đông Bắc, chỉ khoảng 20km, rất thuận lợi cho việc đi học và nhất là đi thi. Đối với làng Đông Ngạc - nơi có bến đò Chèm nổi tiếng, cũng được hưởng lợi từ sự phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục do nằm trong tổng thể của kinh thành Thăng Long.
PGS. TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) trao đổi với phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô như sau: “Giá trị phong thủy của Thăng Long - Hà Nội chính là vị thế địa chính trị, kinh tế và văn hóa của vùng đất này đối với cả nước. Các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội biết phát huy được lợi thế đó vào việc học, có thể nói là “địa linh sinh nhân kiệt”. Cũng do gần Thăng Long - Hà Nội với tư cách là trung tâm kinh tế của cả nước, đa số các làng khoa bảng có kinh tế tương đối phát triển, tạo ra nguồn lực có thể bảo đảm cho con em ăn học. Mỗi làng lại có một vị trí, đặc điểm riêng về các mặt, được gán hay gắn với phong thủy. Yếu tố phong thủy này không chỉ được ghi trong Xã chí, bia ký mà còn ăn sâu trong suy nghĩ, tiềm thức của người làng; Tạo cho người làng tâm lý và niềm tin lớn lao, yên tâm đi theo nghiệp học và quyết tâm giành lấy bảng vàng”.
Dòng chảy mải miết của lịch sử không bào mòn tinh thần hiếu học của những người sinh ra tại làng khoa bảng đất Thăng Long. Hơn nữa, các vùng đất trứ danh đó còn sản sinh ra lớp lớp tài năng, phục vụ cho công cuộc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
Tại Văn phòng Đảng ủy phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) treo nhiều bức ảnh đen trắng trang trọng, kể về sự kiện Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Nhân dân địa phương năm 1962.
Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc, kể lại sự kiện đó như sau: “Mồng một Tết Tân Sửu - tức ngày 5/2/1962, như lệ thường, Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc) mời các cụ phụ lão và Nhân dân ra làm lễ chào cờ tại đình. Lễ chào cờ xong, mọi người vội vã ra về để cùng gia đình làm cỗ đón Xuân. Gần 9 giờ, một chiếc xe ô tô đi từ Cổ Nhuế lên, đỗ trên đê sông Hồng. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi đôi dép cao su. Người không ở đình mà nhanh nhẹn xuống dốc, đi thẳng vào xóm. Theo sau Người là đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội và một số cán bộ khác. Bác hiện ra bất ngờ quá, như ông tiên trong truyện cổ tích...”.
Sự xuất hiện bất ngờ và cảm động của Bác Hồ đã khắc sâu vào lòng người dân Đông Ngạc - làng Vẽ một tình cảm tha thiết. Đồng thời, càng khiến họ tự hào về truyền thống của quê hương. Bởi, Bác Hồ đến làng Vẽ không chỉ là chúc Tết Nhân dân, mà cũng là tới thăm cố thổ của một người bạn thân thiết từ thuở Bác còn bôn ba đi tìm lý tưởng nơi trời Tây: Đó là tiến sĩ Phan Văn Trường (1876 - 1933).
|
Hình ảnh Bác luôn gần gũi và ở trong lòng mỗi người
|
Lịch sử ghi lại rằng, Tiến sĩ luật Phan Văn Trường đã cùng cụ Phan Châu Trinh đẩy mạnh phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp đầu thế kỷ XX. Khi Nguyễn Ái Quốc đến Paris, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã hết lòng giúp đỡ, nhường nhà ở, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc nâng cao trình độ tiếng Pháp, sưu tầm tài liệu về Chủ nghĩa Mác, về Cách mạng Tháng Mười ở Nga… Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Paris đi Mátxcơva thì tiến sĩ Phan Văn Trường cũng rời Pháp về Việt Nam.
Bên cạnh các danh nhân của dòng họ Phan, dòng họ Hoàng làng Vẽ cũng góp nhiều danh nhân thời hiện đại. Ví như giáo sư, bác sĩ Hoàng Tích Trí (1903 - 1958, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến khi ông mất); Bà Hoàng Thị Nga, nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam; Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm; GS. TS Hoàng Vĩnh Giang; GS. TS Hoàng Thủy Nguyên; GS. TS Hoàng Thủy Long...
Dòng họ Phạm làng Vẽ cũng không kém phần hiển vinh. Nhiều người trong họ Phạm đã thành đạt, trong đó có Trung tướng GS. TS Phạm Gia Khánh, Giám đốc Học viện Quân y; GS. TS Phạm Gia Khải, Viện trưởng Viện Tim mạch; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm là hậu duệ đời thứ 17 chi Ất.
Tương tự, mạch nguồn khoa bảng tại làng Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) cũng chưa bao giờ bị khô kiệt. Ông Nguyễn Huy Miện (hậu duệ họ Nguyễn Huy làng Sủi, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Kiểm sát) cho hay: “Từ năm 1945 đến 1975, làng Sủi có 3 hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh, trường hành chính, trường cán bộ Kiểm sát, đào tạo hàng ngàn học viên cung cấp cán bộ cho các Cơ quan Nhà nước. Gần đây, làng Sủi tiếp tục chứng kiến nhiều vị đỗ đạt, như GS. TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội); Các ông, bà: Cao Minh Trường, Dương Xuân Thành, Nguyễn Huy Ninh, Cao Hoàng Trụ, Nguyễn Thị Hòa Bình, Lê Văn Hoàn...
|
Ông Nguyễn Huy Miện (nguyên Tổng Biên tập tạp chí Kiểm sát) hiện đang giữ lửa khuyến học tại làng Phú Thị |
Họ Nguyễn Như Uyên của làng Cót từ cổ đến nay đã phát triển lớn mạnh về mọi mặt, nhất là số trai đinh nhưng vẫn giữ trọn nền tảng của một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Chỉ tính riêng dòng họ Nguyễn Như Uyên tại làng Cót đã có 4 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, hơn 200 cử nhân ở các lĩnh vực khác nhau. Các tiến sĩ thời nay gồm: PGS. TS Nguyễn Trọng Thưởng, giảng viên Học viện Quốc phòng, TS Sinh học Nguyễn Đức Tùng, TS Kinh tế Nguyễn Mạnh Thắng… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã có hơn 40 người con của dòng họ nằm xuống vì nền độc lập của dân tộc, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.
Sự tiếp nối nói trên ở các làng khoa bảng không đơn thuần là do nỗ lực của cá nhân, hay sự bồi đắp, dạy dỗ của một gia đình; Hơn cả là sự chung tay của dòng tộc, rộng hơn nữa là địa phương. Sự thành đạt của từng người cũng được coi là niềm vinh hạnh, tự hào của cả dòng tộc, làng nước.
Lấy ví dụ, giải thích về sự đỗ đạt, người làng Sủi cho rằng là vùng đất có truyền thống hiếu học. Cùng với đó là truyền thống và sự hy sinh của các bậc cha mẹ đối với việc học của con cái. Các dòng họ ở Phú Thị còn có truyền thống dạy nhau mà thành đạt. Nguyễn Huy Nhuận sau khi đỗ đã dạy các em con nhà chú là Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Thuật. Tiếp bước ông cha, Huy Mãn và Huy Thuật lại dạy các cháu. Anh dạy em, cha dạy con, chú bác dạy cháu... nhờ đó mà dòng họ này chỉ trong hơn 70 năm đã có 5 tiến sĩ và 7 hương cống.
|
Văn chỉ ghi danh các tiến sĩ tại làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội |
Trong bản Điều lệ của Hội đồng gia tộc họ Phạm làng Vẽ soạn năm 1932, điều thứ 2, khoản 5, trang 7 có ghi: “Nếu như sau này quỹ hội dồi dào thì sẽ đặt ra những học bổng của họ để cấp cho những con em trong họ xét ra có tài, thông minh, có hạnh kiểm tốt mà vì nhà nghèo không thể đi học được”; Hoặc làng Cót xưa có những phần thưởng khuyến khích nhân tài rất hậu. Dù cả làng chỉ có hơn 40 mẫu ruộng công nhưng vẫn để ra 5 sào biếu những người đỗ từ tú tài trở lên, còn võ quan thì từ hàm lục phẩm trở lên.
Về chuyện học hành, thi cử, Tiến sĩ khai khoa Phan Phu Tiên của làng Vẽ đã có những lời thấm thía để răn dạy hậu nhân rằng: “Trẻ mà không học khó làm nên / Tự thẹn già nua trót kém hèn / Ôn cũ sau này mong biết mới / Vào nhà ắt phải bước qua hiên”... Lời ấy của bậc hiền nhân có tác dụng như tựa kim chỉ nam, vén mây mù thấy trời cao biển rộng để thế hệ trẻ nhìn ra con đường phấn đấu, lập thân lập nghiệm đúng đắn.
Thế hệ trẻ tại các làng khoa bảng Thăng Long xưa - Hà Nội ngày nay nỗ lực kế thừa, phát huy truyền thống học tập của cha ông; Qua đó, hứa hẹn sẽ đóng góp năng lượng, trí tuệ vào công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.
Tại làng Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), khuyến học không đơn thuần chỉ là phong trào nhỏ mà sự hiếu học của các học sinh, sinh viên còn được gia đình, dòng họ, chính quyền cổ động nhiệt liệt, bằng nhiều hình thức thiết thực.
|
Dòng họ Nguyễn Như Uyên phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy trao thưởng và tặng phẩm lưu niệm cho học sinh giỏi trong họ |
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa cho hay: “Khuyến học là truyền thống quý báu của dân tộc, của địa phương. Những năm qua, chính quyền phường Yên Hòa và Hội Khuyến học phường luôn quan tâm xây dựng, phát triển vùng đất giàu truyền thống Hạ Yên Quyết. Trên cơ sở kế thừa và phát huy sự cần cù, chịu khó, sáng dạ và lòng tự hào với quê hương, Hội Khuyến học phường tuyên truyền để mọi người, mọi tầng lớp Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa công tác khuyến học, khuyến tài, khơi dậy truyền thống hiếu học làng Cót xưa và nay. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh các cuộc thi đua “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cụm dân cư học tập”.
Đến nay, phường Yên Hòa đã có 8.319 gia đình đăng ký “gia đình học tập”, số gia đình được công nhận là 6.870. Hàng năm, phường Yên Hòa đều long trọng tổ chức ngày hội khuyến học. Đó là dịp tuyên dương các gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập” tiêu biểu. Ngoài ra, các học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc đều được Hội Khuyến học phường Yên Hòa thống kê chi tiết, tỉ mỉ và không quên dành tặng những động viên bằng vật chất trên tinh thần “trăm đồng tiền công không bằng một phần tiền thưởng”.
|
Đại diện Chi hội Khuyến học thôn Phú Thụy (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) trao quà tặng các tân sinh viên là con em trong làng |
Cẩn thận thống kê các sổ sách, ông Liêm cho hay, trong một năm, phường Yên Hòa có 17 học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, 35 học sinh giỏi cấp thành phố, 9.200 lượt học sinh giỏi và tiên tiến. Những cái tên có thể kể đến như Nguyễn Đức Huy Minh, Nguyễn Quang Anh, Nguyễn Quỳnh Anh, Phạm Hoàng Hải, Hoàng Anh Quân (đoạt giải Nhất kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố lần thứ 37 tại Hà Nội), Hoàng Nhật Linh (thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Tại làng Sủi (Gia Lâm, Hà Nội), phong trào hiếu học cũng được đẩy lên mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống làng khoa bảng. Ông Nguyễn Huy Miện (nguyên Tổng Biên tập tạp chí Kiểm sát) cho hay: “Hàng năm, tính riêng làng Sủi có khoảng 20 tân sinh viên, trên 185 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, 4 - 5 cháu là học sinh giỏi cấp huyện, 3 - 4 cháu là học sinh giỏi cấp thành phố”.
Tương tự như vậy, nghiệp đèn sách như đã ngấm vào máu, vào tinh thần cầu thị, hiếu học của người Đông Ngạc. Ở Đông Ngạc có 23 chi hội khuyến học với 5.182 hội viên. Để công tác khuyến học đi vào chiều sâu đến từng hộ gia đình, nhiều mô hình, phong trào học tập đã được phát động như “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”… Kết quả, hàng năm có 95 - 97% gia đình đăng ký và đạt tiêu chí. Từ năm 2014 đến nay, các chi hội khuyến học đã tổ chức khen thưởng, động viên cho 25.000 lượt học sinh, giáo viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện…
|
Như đã đề cập ở phần đầu của loạt bài, các nhà nghiên cứu đều chung nhận định rằng làng khoa bảng của Thăng Long xưa được sự ưu ái từ vị trí địa lý, cũng như giao thương kinh tế do nằm gần kinh thành. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng khiến ngọn lửa hiếu học được trao truyền từ đời này sang đời khác, thế kỷ này sang thế kỷ khác tại các làng khoa bảng là truyền thống tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí là sự hy sinh của các bậc cha mẹ đối với việc học của con cái.
Ông Phan Quốc Bảo (trưởng Phan tộc làng Đông Ngạc) cho hay, 7 chi họ Phan làng Đông Ngạc (gồm Đẩu, Sâm, Khuê, Tương, Cơ, Vệ, Bích) đều chú trọng việc bồi dưỡng cho con cháu. Tính ra, họ Phan làng Đông Ngạc đã nhận được trên dưới 10 bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, vinh danh 400 học sinh đỗ đạt vinh hiển.
|
Gia phả họ Nguyễn Huy (làng Sủi) kể một câu chuyện xúc động như sau: Khi lâm bệnh trọng, sợ mình không qua nổi, thân sinh của cụ Nguyễn Huy Nhuận (1678 - 1758) dặn dò con rằng: "Nhà ta hiện không còn gì ngoài 3 sào ruộng để cho con chi phí đèn sách. Sau khi cha mất, chỉ cần đắp cho cha nấm mộ là được, không cần phải mua quan tài. Con mà không làm theo lời thì cha không yên tâm ở dưới suối vàng". Nhờ sự động viên và hy sinh của người cha, cụ Nguyễn Huy Nhuận quyết tâm dùi mài đèn sách, đỗ tiến sĩ xuất thân năm 1703, kinh qua chức vụ Thượng thư bộ Công, thượng thư bộ Hộ, hàm Thái bảo vào hầu giảng tòa Kinh diên (giảng dạy cho vua chúa), trông coi việc tại Quốc Tử Giám. Có lẽ đây là một trong những gương điển hình nhất về sự hy sinh của các bậc cha mẹ đối với việc học của con cái khi xưa.
Các dòng họ ở Phú Thị còn có truyền thống dạy nhau học hành thành đạt mà trường hợp họ Nguyễn Huy là tiêu biểu nhất. Bắt đầu từ Nguyễn Huy Nhuận, sau khi đỗ, ngoài việc hành chính ở công đường, ông dành hầu hết thì giờ, tâm huyết vào việc dạy các em (con nhà chú) là Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Thuật. Rồi đến lượt Huy Mãn và Huy Thuật lại dạy các cháu mình. Anh dạy em, cha dạy con, chú bác dạy cháu... nhờ đó mà dòng họ này chỉ trong hơn 7 thập kỷ đã có 5 tiến sĩ và 7 hương cống.
Tiếp nối truyền thống, thời nay, các bậc cao niên trong làng Sủi tiếp tục gánh trách nhiệm rèn giũa thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Huy Miên nói: “Những năm qua, các bậc lão thành trong làng luôn quan tâm đến sự học của lớp con em kế cận. Nhờ vào uy tín của các bậc cao niên, họ đã động viên bà con trong làng gây quỹ khuyến học; Biểu dương, tặng quà cho những tân sinh viên thi đỗ đại học, học viện, học sinh giỏi 3 cấp. Đặc biệt, tự hào truyền thống khoa bảng của làng Sủi, những cao niên trong dòng họ luôn động viên nhau đẩy mạnh hoạt động công tác khuyến học, nhiều dòng họ gây quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng như: Nguyễn Huy, Nguyễn Thế, họ Cao, Nguyễn Xuân… Các họ Nguyễn Huy, Nguyễn Thế nhiều năm liền nhận được giấy khen của UBND xã Phú Thị. Ban Chấp hành Chi hội khuyến học thôn Phú Thụy với sự tham gia của 10 thành viên, luôn chủ động đổi mới về biện pháp tổ chức thực hiện. Năm 2022, chi hội đã mở trang Zalo để trao đổi, truyền đạt nhiệm vụ, thông tin trong dòng họ hiệu quả hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch hội khuyến học phường Yên Hòa nói thêm: "Các cán bộ hội khuyến học là những người rất tâm huyết. Mặc dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, có bác 82 tuổi là Nhà giáo Nhân dân, có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ... tình nguyện đóng góp công sức vào sự nghiệp trồng người. Bởi vì, chính truyền thống quê hương là nền tảng, là đôi cánh để con cháu bay cao, bay xa, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Những làng khoa bảng được công nhận tại Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào về truyền thống và sự tiếp nối của thế hệ hiện đại, đương đại. Tuy nhiên, sự hiếu học và tinh thần khuyến tài không bị giới hạn tại các làng khoa bảng, thay vào đó, lan tỏa như làn gió xuân tươi mát tới toàn bộ vùng đất kinh thành; Mang tới nội lực mạnh mẽ để Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế trái tim của cả nước.
Trở lại cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học), vị học giả dành gần như cả cuộc đời mấy chục năm nghiên cứu để tìm hiểu, phân tích, chắt lọc tới sâu xa về các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội. Ông Đính minh xác: “Làng khoa bảng đất Thăng Long - Hà Nội khác biệt so với các làng khoa bảng trên cả nước. Để giải thích vấn đề này, trước hết cần làm rõ hai ý hay hai khái niệm có liên quan”.
PGS.TS Bùi Xuân Đính giải thích về vấn đề thứ nhất, tức là khái niệm “Thăng Long - Hà Nội” như sau: “Khái niệm này liên quan đến đơn vị hành chính có vị thế đặc biệt đối với đất nước. Nó thay đổi theo chiêu hướng mở rộng qua các thời kỳ lịch sử. Chỉ trong vòng 70 năm trở lại đây, Hà Nội đã nhiều lần mở rộng. Vì thế, nên hiểu, Thăng Long - Hà Nội là vùng đất được bao bọc bởi Kinh đô Thăng Long gốc và được mở rộng qua các thời kỳ”.
Vấn đề thứ hai, theo PGS.TS Đính, cần làm rõ: Thế nào là “Làng khoa bảng?”. Ông Đính phân tích: “Lúc đầu, có người cho rằng, không có “Làng khoa bảng”, mà chỉ có các gia đình, dòng họ khoa bảng. Tuy nhiên, tôi và những người chủ trương có loại hình làng này cho rằng, ở nước ta, nghề buôn được bị là “mạt nghệ” và thương nhân (người buôn) bị xếp vào hạng cuối cùng trong “Tứ dân” (sĩ - nông - công - thương). Vậy mà vẫn có một khái niệm “Làng buôn” hay “Làng buôn bán”. Trong khi đó, đi học, đi thi, thi đỗ làm quan là con đường tiến thân chính của bao người ở các làng quê; Kẻ sĩ được tôn vinh hàng đầu trong “tứ dân”. Thực tế, trên vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ, có rất nhiều làng có truyền thống học hành, nhiều người đỗ đạt ra làm quan và dấu ấn mà người các làng này đối với các vương triều, với lịch sử đất nước rất đậm nét, hơn rất nhiều so với các làng buôn bán. Vì vậy, không thể phủ nhận được loại hình “Làng khoa bảng”.
|
Có thể hiểu “Làng khoa bảng” là những cộng đồng cư dân truyền thống của người Việt ở nông thôn, có nhiều người theo đuổi việc học hành và đỗ đạt cao qua các kỳ thi Nho học của Nhà nước phong kiến; Tạo nên truyền thống hiếu học, khoa bảng qua nhiều thế hệ; Tạo ra sức sáng tạo các giá trị văn hóa rất rõ nét. Đối chiếu với định nghĩa trên có thể thấy, trên vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có rất nhiều làng được gọi là “Làng khoa bảng”.
Là kinh đô nhiều đời, Thăng Long không chỉ là trung tâm về chính trị mà còn trung tâm về học hành, thi cử. Chính bởi vậy, người Hà Nội trong rất nhiều những nét thanh lịch, văn minh thì truyền thống trọng thầy, trọng chữ nghĩa cũng là một điểm sáng rất đáng tự hào.
Nhiều người Hà Nội hiện nay biết rõ những con phố của Thủ đô còn lưu dấu về sự học của người Thăng Long xưa. Đó là phố Tràng Thi “ngày xưa là nơi thi Hương, nên phố được gọi là Tràng Thi. Ở đây là nơi sĩ tử của các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra đến thi Hương. Lúc đầu là một bãi đất, xung quanh rào tre nữa. Tới năm Thiệu Trị thứ 5 thì tường đã xây bằng gạch và trong có 21 tòa đường viện (theo Đại Nam nhất thống trí). “Các tòa đường viện này là nơi của các khảo quan, còn sĩ tử thì vẫn ở bãi trống chia làm 4 vi (4 khu vực), mỗi vi dành cho một số tỉnh. Cứ 3 năm tổ chức một lần, thời gian trống giữa các kỳ thi, đất để cho dân cày cấy, trồng hoa màu. Khoa Thi Hương cuối cùng là năm 1879. Từ 1886 trở đi, Tràng Thi Hà Nội bị bãi bỏ và đem tập trung về Nam Định” (trích Từ điển đường phố Hà Nội).
Cũng vì sự học hành, thi cử này mà Thăng Long xưa cũng có phố Hàng Bút, Hàng Giấy là những vật phẩm không thể thiếu cho nghiệp “bút nghiên” để các sĩ tử hay người theo học chữ thánh hiền có thể mua sắm phục vụ cho việc học hành của mình.
Ông Đính nhận định: “Sang thế kỷ XX, nền giáo dục và khoa cử Nho học dần dần bị thay thế bằng nền giáo dục của người Pháp áp đặt. Tuy nhiên, những giá trị và bài học kinh nghiệm của nền giáo dục đó vẫn được người nhiều làng khoa bảng kế thừa, phát huy và đạt được những kết quả khả quan với nền giáo dục mới. Nhìn chung, cho đến nay, qua hơn một thế kỷ kết thúc nền giáo dục và khoa cử Nho học, truyền thống của các làng khoa bảng được duy trì và phát huy với các mức độ khác nhau. Chỉ ở Thăng Long - Hà Nội, có thể coi các làng sau giữ được truyền thống là Đông Ngạc, Phú Thị, Hạ Yên Quyết. Làng phát huy ở mức độ thấp hơn là Tả Thanh Oai; Các làng bị đứt đoạn truyền thống là Chi Nê, Nguyệt Áng, ngoài ra còn có những làng đồng dạng khác. Dù truyền thống được phát huy hay bị đứt đoạn, các làng khoa bảng vẫn là những ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục Việt Nam, để lại những bài học quý cho việc khuyến học, khuyến tài trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay”.
|
Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Bùi Xuân Đính, TS Nguyễn Viết Chức (Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) nhận định: “Các làng khoa bảng đất Thăng Long như là cái nôi để nuôi dưỡng người tài. Miếng cơm ngụm nước quê hương, nuôi dưỡng ý chí trở thành người tài, trở thành người khoa bảng. Người có tài, có đức mới làm việc được - tiền nhân đã nói rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Có thịnh, có vượng, thì Thủ đô mới thịnh vượng, đất nước mới thịnh vượng được. Nó rất đơn giản, chân lý là vậy”.
|
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) |
Đối với câu chuyện giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống hiếu học của Thăng Long - Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm: “Theo tôi, bao giờ cũng thế, con người cụ thể đều sinh ra ở một địa phương cụ thể, khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Chúng ta phải biết yêu quê hương, tự hào về quê hương của mình thì mới phấn đấu, tự hào về đất nước; Phải biết trăn trở, giữ gìn phát huy truyền thống quê hương. Tất cả những điều ấy đối với người trẻ là rất cần thiết. Hơn nữa, các bạn trẻ cần biết trân trọng quê hương của chính mình. Nếu làng mình chưa phải là làng khoa bảng thì mình phải biết đóng góp, phấn đấu để làng của mình thành làng khoa bảng. Nếu mình là người làng khoa bảng rồi thì cần tiếp nối ông cha, phụ tử tiếp nối gia chi nghiệp. Các bạn biết được truyền thống để học hỏi, tự hào, phấn đấu, biến những điều ấy thành nền tảng, thành động lực để cho mình say sưa, phấn đấu”.
Sau tất cả, TS Nguyễn Viết Chức dành thêm nhiều kỳ vọng vào tuổi trẻ Thủ đô: “Thăng Long - Hà Nội là đất linh thiêng, địa linh nhân kiệt. Do đó, tuổi trẻ Hà Nội phải đi đầu, tiếp tục phát huy truyền thống này và phải làm tốt hơn nữa. Điều kiện của Thủ đô rõ ràng cao hơn so với các tỉnh thành khác, với miền núi hay hải đảo. Vì vậy, tuổi trẻ Thủ đô phải đặt ra trách nhiệm của mình, nối tiếp đến nơi đến chốn, để xây dựng nhiều làng khoa bảng hiện đại, để cống hiến cho đất nước, đưa Thủ đô đi đầu, làm đầu tàu kéo đất nước”.
“Tuổi trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển, cường thịnh của đất nước. Các bạn trẻ phải có năng lực, phải có tri thức, khả năng thích ứng, hợp tác với nhau, biến đất nước Việt Nam thành nước hùng cường theo mong muốn của Bác Hồ. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của tuổi trẻ. Dứt khoát tuổi trẻ phải học hành! Một khi còn đủ sức lực, còn đủ đam mê thì hãy học, hãy tu luyện về ý chí, tình cảm và tri thức. Tu luyện toàn diện về tri thức, đạo đức, tác phong, nguyện vọng, ước mơ thì mới thực hiện được điều tốt đẹp”, Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long gửi gắm tâm tư như vậy với thế hệ chủ nhân tương lai của Thủ đô.
|
Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Thủ đô Hà Nội là "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm"; "nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc"; "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; "Thành phố vì hòa bình"; "hào hoa và thanh lịch"; "văn hiến và anh hùng".
Trong những trầm tích văn hóa tạo thành nội lực và bản sắc riêng biệt của Hà Nội, không thể không nhắc tới truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài, hết lòng bồi dưỡng lớp lớp thế hệ kế cận... mà các làng khoa bảng đất kinh thành đã bồi đắp, tích lũy hàng ngàn năm qua. Như thể mạch nước ngầm chậm rãi hội tụ thành dòng sông lớn, tinh thần hiếu học của các làng khoa bảng đất Thăng Long đã lan tỏa, thấm vào ý chí của từng người dân Thủ đô, sẵn sàng tạo thành cơn sóng để nâng vận nước lên cao.
Nội dung: Vũ Cường - Hoàng Châu
Đồ họa: Thanh Thắng
|