Mới nới lỏng hoạt động kinh doanh, nhiều "ma men" vi phạm "kịch khung"
TTTĐ - Từ 26/6, nhiều hoạt động kinh doanh được nới lỏng. Đây là điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh dịch vụ nhưng cũng tiềm ẩn hành vi vi phạm khi người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.
Theo đó, lực lượng CSGT tập trung tuần tra, kiểm soát tại Quốc lộ 3; địa bàn gần nơi xe xuất phát, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông…
Trọng tâm là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn.
Ghi nhận một buổi xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn tại ngã tư Đa Phúc trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tổ công tác Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) khi thực hiện nhiệm vụ sử dụng camera ghi hình và tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch Covid-19. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác sẽ được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để làm căn cứ xử lý theo quy định.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn tổ công tác làm nhiệm vụ, phóng viên đã ghi nhận được nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm đi qua ngã tư Đa Phúc. Các trường hợp này đều được cán bộ Đội CSGT số 15 hướng dẫn vào khu vực kiểm tra để đo nồng độ cồn.
Với nồng độ cồn ở ngưỡng cao 0,76mg/lít khí thở, anh Ngô Văn Hùng (sinh năm 1967 ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị lực lượng CSGT xử phạt với lỗi vi phạm điều khiển xe mô tô khi trong cơ thể có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe. Theo Nghị định 100, anh Hùng bị tạm giữ phương tiện biển kiểm soát 29S6-226.63; Bị phạt tiền cao nhất lên đến 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Còn đối với trường hợp anh Nguyễn Hữu Tuấn (Sóc Sơn, Hà Nội) vì nể anh bạn tổ chức chia tay rời khỏi chỗ làm việc nên đã uống chút rượu. Trong khi anh bạn ngồi phía sau đã ngà say thì anh Tuấn có phần tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, khi đo nồng độ cồn của anh Tuấn tại chốt làm việc của Đội CSGT số 15, anh Tuấn vẫn có nồng độ cồn trên 0,2mg/lít khí thở.
Anh Tuấn cho biết: “Vì bạn say quá nên anh phải chở anh bạn về bằng xe mô tô. Biết là uống rượu rồi điều khiển phương tiện sẽ bị phạt nặng nhưng chẳng nhẽ để bạn say lại tự lái xe, như thế dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị phạt như này tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, dù uống ít hay nhiều thì đều vi phạm luật và mức phạt sẽ rất cao”.
"Sau khi có những chuyển biến ổn định về dịch Covid-19, một số hàng quán được phép hoạt động trở lại, một số người dân vẫn còn chủ quan khi sử dụng rượu bia sau đó tham gia giao thông nên đơn vị đã triển khai nhiều đợt kiểm tra nồng độ cồn. Việc này cũng nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời điểm người dân trở lại cuộc sống bình thường".
"Để phòng tránh dịch bệnh, tất cả ống sử dụng cho việc thổi nồng độ cồn đều là ống mới, mỗi người dân sử dụng một ống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang đến khi thổi nồng độ cồn, sau đó đeo lại khẩu trang ngay. Chúng tôi cũng dùng cồn sát khuẩn để phòng chống dịch bệnh.
Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong thời điểm dịch bệnh này hay kể cả sau khi dịch bệnh qua đi. Khi đã sử dụng rượu bia thì không nên điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn mình quản lý trời thời gian tới.”, Đại uý Bình thông tin thêm.
Được biết, ngoài việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát của Đội CSGT số 15, bắt đầu từ 15/3 đến hết ngày 31/12/2021, đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.
Bài: Hoa Thành - Phạm Mạnh
Đồ họa: Phạm Mạnh