eMag azine
08/07/2022 13:06
Một bài thơ tôn vinh cái đẹp

08/07/2022 13:06

TTTĐ - Thơ Nguyễn Hồng Vinh thiên về kiến tạo không gian theo lối không gian mở ra không gian, bài thơ "Đỏ au vùng vải" là ví dụ khá tiêu biểu.
Đỏ au vùng vải

Tôi theo anh ra đồi

Vải đang mùa trĩu quả

Chùm chen chùm sum suê

Đỏ lựng vùng Lục Ngạn

Anh kể ngày chống nạng

Lặn lội xuống Hải Dương

Tìm vải Thiều nhỏ hạt

Về gieo ươm trong vườn

Hai mươi mùa mưa nắng

Quấn quýt người và cây

Sớm chiều chăm từng gốc

Nghe hơi thở từng cây...

Trời không phụ lòng người

Mùa đầu cho trái ngọt

Từ mấy cây trong vườn

Loang ra nhiều thôn, bản

Nhờ đồi vải ngọt lành

Nhà cao tầng bề thế

Hạnh phúc ủ men nồng

Thương binh tàn, không phế!

Mùa vải, tháng 7.2022

Thơ Nguyễn Hồng Vinh thiên về kiến tạo không gian theo lối không gian mở ra không gian, bài thơ này là ví dụ khá tiêu biểu. Như vậy, cần có một kết cấu chặt chẽ, bởi nếu không, các không gian sẽ rời rạc, chỉ là những mảng miếng lắp ghép trong bài thơ. Tác giả có một lựa chọn nghệ thuật tối ưu là lấy nhân vật đóng vai trò cái bản lề khép mở.

Chính vì thế, thơ Hồng Vinh có bề ngoài của “sự kể”, nhưng cái lõi bên trong là trí tuệ, là tình cảm kết hợp hài hòa, tinh tế. Đó là thứ thơ đã vượt qua những thủ pháp thông thường. Đây là thơ của sự trải nghiệm đã đầy, bắt gặp sự việc là nảy ra tứ, vì thế câu chữ cứ thế tự nhiên gọi nhau về.

Khổ đầu chưa có thơ, chỉ là sự giới thiệu một không gian vùng vải với đặc trưng riêng: Tôi theo anh ra đồi/ Vải đang mùa trĩu qu/ Chùm chen chùm sum suê/ Đỏ lựng vùng Lục Ngạn. Tả vườn vải, nhưng người đọc hình dung ra một phong cảnh vùng trung du ấm áp, trù phú.

Đỏ au vùng vải

Từ thực tại trở về quá khứ bằng con đường hồi tưởng của nhân vật là hợp lý, không nói là duy nhất để người đọc đáng tin: Anh kể ngày chống nạng/ Lặn lội xuống Hải Dương/ Tìm vải Thiều nhỏ hạt/ Về gieo ươm trong vườn/ Hai mươi mùa mưa nắng/ Quấn quýt người và cây/ Sớm chiều chăm từng gốc/ Nghe hơi thở từng cây.... Hai chữ “chống nạng” là tín hiệu ban đầu về con người “anh”, bị mất một chân, nhưng vẫn xuống tận quê vải thiều xa xôi, “lặn lội” tìm giống cây trồng tốt.

Dùng hai cụm từ “chống nạng”“lặn lội, có sức gợi cảm, gợi nghĩa, toát ra một con người hết lòng, để hết tâm sức vào công việc thiết thân cho mình và cho chòm xóm. Thế nên “anh” không đo thời gian bằng “năm”, mà đo bằng “mùa mưa nắng”. Chỉ hai chữ “quấn quýt”, nhưng tả được tâm hồn người hòa lẫn vào cây, coi cây cũng như người. Đó là những chữ “có hồn”. Đến “Nghe hơi thở từng cây” thì càng rõ hơn “anh”, đúng là coi cây như người thân, cha mẹ, vợ con!

Đến khổ thơ: Trời không phụ lòng người/ Mùa đầu cho trái ngọt/ Từ mấy cây trong vườn/ Loang ra nhiều thôn, bản thì đắt nhất là câu cuối, trong đó chữ “loang” khẩu ngữ là thần tình nhất, nói được rất nhiều con người “anh”: không chỉ vì mình, vì gia đình mình, mà còn vì “nhiều thôn, bản”. “Anh” đem “mùa trái ngọt” cho mọi người cùng hưởng.

Người ta gọi đó là sự chia sẻ hay vị tha cũng có thể đúng, nhưng quan trọng nhất là người ta biết đến anh như một con người vì cộng đồng, đem hạnh phúc của mình san sẻ với cộng đồng. Trong thời cơ chế thị trường đang diễn ra các hành vi giành giật, hãm hại nhau vì lợi nhuận, “anh” xứng đáng là một điểm tựa đạo đức!

Đỏ au vùng vải

Thơ hay là thơ khép lại câu chữ, nhưng mở ra cả một bầu trời văn hóa của tình yêu, niềm tin, hạnh phúc. Bài thơ này như vậy:

Nhờ đồi vải ngọt lành

Nhà cao tầng bề thế

Hạnh phúc ủ men nồng

Thương binh tàn, không phế!

Thì ra, nhờ có “anh” mà cả cộng đồng đổi đời. Anh như một thứ men để chưng cất rượu ngon hạnh phúc cho tất cả. Anh là ai? Câu cuối cùng như một ngọn lửa tỏa sáng, nâng hình tượng “Anh” lên một tầm cao mới: “Thương binh tàn, không phế”. Đến đây, cái phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ” về sống với đời thường đã bộc lộ rõ cái phẩm chất cao đẹp. “Anh” đã bỏ lại một phần thân thể máu xương mình nơi chiến trường.

Bây giờ, “anh” còn thầm lặng vượt lên bệnh tật và khó khăn thường nhật để tiếp tục làm giàu cho mình, cho cộng đồng, nhân lên hạnh phúc cho mọi người ở môi trường mới. Đó là một việc làm mà xã hội rất trân trọng và tôn vinh, bởi đã làm đúng điều Bác Hồ căn dặn: “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

Bài thơ ra đời đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, càng nhân lên giá trị chân - thiện - mĩ của thi ca.

(Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Tú - daibieunhandan.vn)

Một bài thơ tôn vinh cái đẹp