Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người. Đặc biệt tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, các em nhỏ rất dễ bị hoảng loạn nếu như có cháy nổ xảy ra. Do vậy, công tác tổ chức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại trường học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hiện nay, trong xây dựng và phát triển, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh...), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho lưu trữ...), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vực ký túc xá dành cho học sinh nội trú.
Các trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ. Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Bên cạnh đó, cháy nổ cũng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác... Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học... học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của cháy nổ vì vậy thường hay dùng diêm, bật lửa để đùa nghịch...
Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện, chẳng hạn dùng điện để tiến hành thí nghiệm, chiếu sáng, đun nấu, sưởi ấm, là quần áo, chăn màn cho học sinh. Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ; Sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải... Đặc biệt trong mùa nắng nóng hiện nay, các thiết bị điện gần như được sử dụng liên tục khiến thiết bị dễ bị ẩm mốc, hư hỏng, có thể xảy ra hiện tượng chập điện hay nóng chảy dây điện.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác PCCC. Theo đó, các trường đã lồng ghép kiến thức về PCCC vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hoạt động ngoại khóa...
Điển hình, ngày 6/4/2023, trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ quận Ba Đình tổ chức chuyên đề "Học sinh với công tác phòng cháy chữa cháy" dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa tương tự mô hình trại hè với nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.
Tại hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, học sinh trường Tiểu học Kim Đồng đã hào hứng trải nghiệm 4 trạm hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, trạm 1: Kiến thức cơ bản về PCCC, nhận diện lính cứu hỏa; Trạm 2: Thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; Trạm 3: Thoát nạn trong địa hình nhà cao tầng; Trạm 4: Sơ cấp cứu cho người bị nạn.
Các trạm hoạt động là nơi tổ chức những trò chơi thực tế, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức cơ bản, cần thiết về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Hào hứng tham gia thực hành thoát nạn trong địa hình nhà cao tầng, em Bảo Long, học sinh lớp 5A7, trường Tiểu học Kim Đồng, hồ hởi chia sẻ: "Hôm nay, chúng con được truyền đạt những kiến thức rất bổ ích, giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy nổ để đề phòng và tuyên truyền cho mọi người nơi sinh sống. Ngoài ra, khi thực hành, chúng con còn được các chú công an hướng dẫn sử dụng thiết bị thoát hiểm, kỹ năng xử lý khi có đám cháy xảy ra. Điều quan trọng nhất là chúng con phải giữ được bình tĩnh để thoát ra khỏi đám cháy".
Em Phạm Phương Lan, học lớp 4A1, trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) |
Không chỉ Bảo Long, em Phạm Phương Lan, học lớp 4A1, trường Tiểu học Kim Đồng cũng vui vẻ chia sẻ sau khi tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích: "Ban đầu khi nhìn thấy các chú công an với nhiều dây cáp và thiết bị PCCC, con khá hồi hộp. Tuy nhiên, khi được tham gia trải nghiệm, con vô cùng thích thú. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, bổ ích, giúp chúng con có thêm kiến thức, được trải nghiệm thực tế để có kỹ năng ứng phó nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.
Không chỉ buổi sinh hoạt ngoại khóa hôm nay mà kiến thức PCCC luôn được các thầy, cô giáo trong trường trang bị cho chúng con thường xuyên, lồng ghép trong nhiều bài học, hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền qua video".
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, trong các trường học hiện nay, ngoài việc giảng dạy, trau dồi kiến thức cần phải trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, các em nhận biết rõ hơn về những vấn đề có thể xảy ra trong cuộc sống, điển hình là kỹ năng cơ bản về PCCC, kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra... Mặt khác, các em cũng là kênh tuyên truyền về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho chính gia đình của mình.
Tại Ba Đình, công tác tuyên truyền về PCCC cho học sinh là một trong những nội dung được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm, chú trọng, triển khai sâu rộng trong các nhà trường từ nhiều năm nay.
Đối với các em học sinh, đặc biệt ỏ cấp tiểu học thì cách thức truyền đạt, hướng dẫn để làm sao tiếp thu nhanh và hiệu quả nhất là một vấn đề rất quan trọng. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ quận Ba Đình đã đề ra rất nhiều giải pháp và cách thức truyền đạt khác nhau như: Hội thi tuyên truyền PCCC dưới hình thức sân khấu hóa, sinh hoạt ngoại khóa.
Đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền PCCC trong trường học, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy giáo viên và học sinh các trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, nhận thức. Nhà trường có sự quan tâm hơn, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hơn. Trong cuộc họp gần đây, các nhà trường có nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác PCCC. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng cảnh sát PCCC và ngành Giáo dục, công tác PCCC đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, thực hành kỹ năng. Từ đó, cán bộ, giáo viên và học sinh có thể tự bảo vệ chính mình và cộng đồng, góp phần giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy nổ xảy ra.
Bài viết: Phạm Mạnh |