eMag azine
31/08/2024 10:00
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

31/08/2024 10:00

TTTĐ - Nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Phụ nữ

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Kiếm củi, nấu ăn, trông con… là những công việc nhà nhưng không được trả lương mà nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số phải gánh chịu làm giảm đi cơ hội phát triển kinh tế của họ. Nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) là một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ. Dự án do chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam, nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dự án đã và đang hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế, nhằm thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ và đưa ra các giải pháp giảm bớt gánh nặng chăm sóc làm việc nhà không được trả lương.

Dự án hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 12 xã thuộc 3 huyện Quang Bình, Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Hà Giang và Lai Châu.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Dự án được thực hiện trong 4 năm, tại 3 xã của tỉnh Lai Châu và 6 xã của tỉnh Hà Giang, với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đô-la Canada, triển khai từ tháng 9/2021. Đây cũng là dự án hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030; trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Dự án lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư; phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Tính đến nay, dự án đã thành lập được 35 nhóm phát triển sinh kế với hơn 900 thành viên, hơn 90% là phụ nữ.

Tới nay, có 706 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao năng lực về đa dạng hóa thu nhập thông qua việc tham gia vào 35 nhóm sinh kế ứng dụng các biện pháp canh tác, chăn nuôi có tính đến yếu tố môi trường và thích ứng với khí hậu. 7 mô hình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ vốn và kỹ thuật để phát triển. Có 466 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện kỹ thuật trồng chè theo chứng nhận của EU và Đài Loan (Trung Quốc).

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tới một điểm trường thuộc trường mầm non Xuân Hòa, xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thể hiện rõ của các phụ huynh. Tại đây có 11 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường được AWEEV tài trợ cho việc bán trú. Ở điểm trường này áp dụng một hình thức bán trú rất độc đáo. Trường không có cô nấu bếp mà người nấu bếp chính là các phụ huynh.

Ông Phùng Vàn Châu - phụ huynh được phân công đến nấu ăn cho các cháu 3 - 5 tuổi tại điểm trường cho biết: Phụ huynh sẽ cắt cử nhau nấu ăn cho con. Sáng nào đi học, mỗi nhà sẽ chuẩn bị sẵn 1 túi gạo nhỏ kèm theo mấy ngàn đồng để mua thức ăn cho con trong ngày. Phụ huynh được cắt cử nấu ăn hôm đó sẽ cầm rau của nhà mình tới nấu cơm trưa, tặng cho tất cả các suất ăn hôm đó.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Ông Phùng Vàn Châu và các phụ huynh tự nấu bữa cơm trưa bán trú cho các học sinh mầm non tại một điểm trường thuộc trường mầm non Xuân Hòa, xã Tiên Nguyên, Quang Bình, Hà Giang

Mỗi sáng, 7h, khi biết được sĩ số các con, cô giáo sẽ báo cho vị phụ huynh được cắt cử nấu ăn hôm đó sĩ số để vị phụ huynh này đi ra chợ cách đó 500 m mua thực phẩm về nấu cho 30 học sinh mầm non của điểm trường ăn.

Ông Châu cho hay: “Trước khi có hình thức nấu ăn trưa bán trú ở trường thì phụ huynh một ngày sẽ mất 4 lần đưa đón con: Sáng 6h45 đưa con đi học rồi ngồi chờ ở lớp con tới 10h30 để đón về cho ăn bữa trưa. Chiều 13h lại đưa con đi học và 16h thì đón con về. Tức là một ngày không làm được gì ngoài việc đưa con đi học và đón con về. Từ khi có đồ nấu ăn trưa, mọi người cắt cử nhau nấu cho các con, chúng tôi có thời gian để làm nhiều việc, kiếm tiền cho gia đình, không mất thời gian vào việc đưa đón con như trước...

Bà Bùi Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Mầm non Xuân Hòa cho biết, những năm trước, nhà trường không thể tổ chức được nhà trẻ đầy đủ do hạn chế về cơ sở vật chất. Nhiều phụ huynh đã chọn cách cho con ở nhà thay vì phải mất công đưa đón một ngày 4 lần. Năm 2023 - 2024, dự án AWEEV đã cung cấp dụng cụ nấu ăn, tủ lưu mẫu thực phẩm, chăn đệm ngủ để nhà trường thực hiện mô hình bán trú. Vì vậy, phụ huynh đã cho con đi học, số học sinh mỗi lớp đông lên nhiều. Phụ huynh đổi công cắt cử nấu ăn cho các con nên có thời gian làm việc, phát triển kinh tế nhiều hơn.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

“Nhà trường mong được dự án của Tổ chức CARE tại Việt Nam tiếp tục tài trợ để mô hình bán trú được mở rộng tại nhiều điểm trường trong toàn xã. Điều này không chỉ giúp nhà trường chăm sóc tốt hơn cho các con mà còn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây có thời gian để làm ăn kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo”, bà Hạnh mong muốn.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, quản lý các dự án phát triển của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam: Năm 2021, CARE đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu và khảo sát về thực trạng của công việc chăm sóc không được trả công tại các cộng đồng dân cư ít người. Từ đó, CARE đã tài trợ dụng cụ nấu ăn, đồ dùng để học sinh mầm non được học bán trú trưa ở trường.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn và miền núi sử dụng bếp củi để nấu ăn do chi phí thấp. Tuy vậy, loại bếp này lại có một số hạn chế như đun nấu lâu, tốn nhiều củi và tạo ra nhiều khói. Những điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tới thời gian của người sử dụng, đặc biệt là phụ nữ bởi họ vẫn thường phải đảm nhiệm việc đi lấy củi và nấu ăn trong gia đình.

Nghiên cứu của CARE tại Việt Nam đầu năm 2021 cho thấy phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số dành trung bình 5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc và nội trợ không được trả lương, trong đó lấy củi/đốt củi là một trong ba công việc tốn nhiều thời gian nhất.

Các mẫu bếp được cải tiến giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm thời gian nấu nướng, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bản thân và làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Dự án góp phần thay đổi định kiến về giới và sự cảm thông, chia sẻ của nam giới về công việc không công trong gia đình

Nhận thấy thực trạng và thách thức trong việc sử dụng bếp củi mở tại các hộ gia đình, dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu dựa vào cộng đồng và hỗ trợ cải tiến bếp nấu nhằm giảm thiểu thời gian dành cho công việc chăm sóc không lương của mỗi gia đình. Về lâu dài, điều này có thể giúp phụ nữ có nhiều thời gian hơn cho các công việc được trả lương khác cũng như phục hồi sức khỏe.

Hào hứng giới thiệu mẫu bếp 3 giảm "Giảm khói, giảm củi, giảm thời gian" do vợ chồng cùng thiết kế để tham gia Hội thi "Bếp tiện lợi, vợi việc nhà", do Hội LHPN tỉnh Lai Châu phối hợp cùng Dự án tổ chức, chị Lò Thị Thương, bản Nà San, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: Với chiếc bếp giảm khói, có thể nấu được nhiều món ăn cùng lúc, giúp chị tiết kiệm thời gian nấu nướng, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bản thân và làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hoài, bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, chia sẻ thêm: "Chồng tôi rất ủng hộ, tham gia sáng tạo, cải tiến bếp nấu ăn với mong muốn giúp phụ nữ giảm bớt thời gian, vất vả khi nấu nướng. Một hoạt động tuy nhỏ nhưng đã góp phần thay đổi định kiến về giới và sự cảm thông, chia sẻ của nam giới về công việc không công trong gia đình".

"Tính hiệu quả của các mô hình bếp đang được nghiên cứu để triển khai hỗ trợ bếp cải tạo cho bà con vào tháng 3 - 4 năm 2024", đại diện dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" thông tin.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Chị Trương Thị Nhầu (sinh năm 1995) là người dân tộc Dao, sinh sống tại thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên, xã đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Từ trung tâm xã Tiên Nguyên đi về thôn Hồng Sơn, nơi gia đình chị Nhầu sinh sống chỉ vài km nhưng đường đi cheo leo, dốc đứng, nhiều đoạn đường chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi qua. Là hộ nghèo, tài sản của cả nhà chỉ có hai con trâu thì tháng 8/2022, cả hai đều bị lũ cuốn trôi.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Chị Trương Thị Nhầu ở thôn Hồng Sơn - xã Tiên Nguyên - Huyện Hà Giang thoát nghèo nhờ được vay 5 triệu đồng vốn nuôi dê

Chị Nhầu chia sẻ: “Thời điểm đó, vợ chồng em suy sụp lắm. Bố mẹ hai bên đã mất nên không có chỗ dựa, hai con thì còn nhỏ. Tài sản vốn liếng của hai vợ chồng đều tập trung ở hai con trâu thì bị lũ cuốn trôi. Tiền vay mua trâu còn chưa trả hết”

Một năm sau, tháng 9/2023, chị Nhầu được giới thiệu tham gia nhóm sinh kế nuôi dê, nhóm nằm trong dự án AWEEV triển khai. Tham gia nhóm, chị Nhầu được hỗ trợ vay 5 triệu đồng không tính lãi để mua hai con dê giống về chăn nuôi. Chưa đầy 9 tháng sau, từ hai con dê giống ban đầu đã sinh thêm được 5 dê con. Nhẩm tính với giá dê hiện tại khoảng 125.000 đồng/kg, chị Nhầu đã có một số vốn kha khá tích lũy được từ số tiền vay 5 triệu ban đầu.

Ngoài chị Nhầu, trong nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn đã có nhiều thành viên khác được vay vốn. Dự án của tổ chức CARE hỗ trợ 40 triệu đồng, mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng, vay quay vòng. Các hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm hai lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay. Số dê giống mua về đều sinh trưởng rất tốt và tăng đàn nhanh.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Câu chuyện của chị Hủng Thị Dạng - dân tộc Pà Thẻn (ở thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, huyện Quang Bình) là một ví dụ về sự nỗ lực vươn lên nắm vị thế làm chủ kinh tế. Thôn Thượng Bình là một trong những vùng trồng chè nổi tiếng ở Quang Bình. Nhận thấy cây chè của quê hương mình có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Những búp chè trồng trên núi cao không chỉ sạch mà còn có hương vị đặc trưng riêng và tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chị Dạng luôn nung nấu cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè.

"Tôi tin rằng bằng cách nâng cao chất lượng búp chè, tạo ra giá trị cho chè bằng chế biến chè khô, chúng tôi có thể cải thiện mức sống của những người trồng chè, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Pà Thẻn vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè", chị Hủng Thị Dạng, thôn Thượng Bình, xã Yên Thành, tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Chị Dạng đã nghĩ tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm. Chị tin rằng bằng cách nâng cao chất lượng búp chè, tạo ra giá trị gia tăng cho chè thông qua việc chế biến chè khô, chúng tôi có thể giúp cải thiện mức sống của người trồng chè, đặc biệt là phụ nữ vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè".

Chị Dạng livestream quảng bá sản phẩm chè shan tuyết của xưởng sản xuất chè gia đình

Đầu năm 2023, dự án CARE (dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao vị thế kinh tế do Chính phủ Canada hỗ trợ thông qua CARE tại Việt Nam) công bố hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, đã mang đến cơ hội cho chị Hủng Thị Dạng. Dự án đã hỗ trợ cho mô hình của chị Dạng 1 máy xao chè, 1 máy vò chè, máy phát điện, máy hút chân không... phục vụ các công đoạn sản xuất, đóng bao bì sản phẩm.

Đến tháng 9/2023, chị Dạng đã hoàn thiện nhà xưởng, bắt đầu khởi nghiệp và thuê bà con đến lao động, tạo việc làm tại chỗ. Đến nay, xưởng đã huy động số động chị em phụ nữ vào vụ thu hoạch, sản xuất.

Chị Dạng cho biết trước đây chỉ biết làm chè theo cách truyền thống. Sau khi được hỗ trợ, chị đã học hỏi và thành lập được xưởng sản xuất chè. “Chỉ 3 tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và đào tạo kỹ thuật, tôi đã sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt, với giá cao hơn trước tới 15%.

Tôi tin rằng bằng cách nâng cao chất lượng búp chè, tạo ra giá trị gia tăng cho chè thông qua việc chế biến chè khô, chúng tôi có thể giúp cải thiện mức sống của người trồng chè, đặc biệt là phụ nữ vì họ là lao động chính trong chuỗi giá trị chè”, chị Dạng cho hay.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Hiện nay, xưởng sản xuất chè của chị Hủng Thị Dạng đã sản xuất ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình, với mức 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Chị Dạng tâm sự: để xưởng trà được như ngày hôm nay là chặng đường không dễ dàng. Những ngày đầu, vận động, thuyết phục chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn trong thôn tham gia làm cùng rất khó khăn vì chị em đa phần không có điều kiện kinh tế. Một số người có điều kiện thì vẫn e dè, ngần ngại, không dám bỏ tiền ra để góp vốn. Quyết tâm thuyết phục chị em cùng tham gia phát triển kinh tế, chị Dạng cứ vậy âm thầm, nỗ lực cố gắng.

Để thuyết phục chị em trong thôn cùng tham gia, chị Dạng mời họ đến xưởng chè của mình để làm công, vừa làm, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vừa động viên để tạo tự tin cho họ. Đến nay, xưởng trà của chị Dạng đã thu hút được nhiều chị em phụ nữ trong thôn tham gia cung cấp nguyên liệu và làm nhân công thu hái chè.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Mô hình sinh kế do cộng đồng làm chủ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập đã được thực hiện tại xã Yên Thành (Hà Giang) có hiệu quả. Nhóm tiết kiệm tự quản thôn Yên Lập, được thành lập vào tháng 6/2023 với 18 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày trong thôn. Vào ngày 7 hàng tháng, các cuộc họp tiết kiệm và cho vay định kỳ được tổ chức. Dự án AWEEV cung cấp vốn sinh kế cho nhóm 30 triệu đồng, nhờ đó, đợt đầu tiên 10 hộ được vay vốn quay vòng không lãi suất trong sáu tháng để phát triển đàn vịt nuôi.

Với điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều ao hồ, chăn nuôi vịt là một trong những lựa chọn tốt nhất để những người nông dân này phát triển sinh kế thích ứng với điều kiện khí hậu.

Chị Hoàng Thị Liên, một thành viên trong nhóm cho biết, chị nuôi vịt để lấy thịt và trứng. Để bán hàng, không cần phải mang đi xa, chị chỉ cần đăng lên nhóm Zalo của chi Hội Phụ nữ thôn là bán được ngay. Giá vịt bầu cổ ngắn hiện ở mức 100.000 đồng/kg, mỗi con vịt bán được trung bình 250.000 đồng, mang lại thu nhập tốt và ổn định, có đồng ra, đồng vào để chăm lo cho gia đình.

Đến cuối tháng 10/2023, có 10 hộ nuôi vịt đầu tròn và phát triển tốt. Một số thành viên trong nhóm bán vịt để lấy thịt và trứng. Giá hiện nay là 100.000 đồng/kg mang lại thu nhập khá tốt cho người nông dân.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Các thành viên trong nhóm cho biết sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi, sử dụng máy ấp trứng để tích cực tăng đàn nhằm tạo thu nhập cho các thành viên và giá trị cho thương hiệu vịt Yên Lập.

Tại tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, xưởng trồng nấm của chị Hoàng Thị Hiền cũng gây nhiều ấn tượng với khách tham quan. Chị Hiền có ý tưởng trồng nấm từ năm 2008 nhưng chỉ khi dự án AWEEV hỗ trợ cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng và tài trợ cho xưởng nấm một máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng, chị mới tự tin để bắt tay vào sản xuất.

Hiện xưởng có quy mô sản xuất 20 nghìn bầu nấm và cho ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Tận dụng những nguyên liệu đầu vào sẵn có, xưởng của chị Hiền đã mở rộng hoạt động kinh doanh giống nấm sang các hộ khác trong vùng.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Trước đây, phụ nữ xã Nghĩa Đô (Lào Cai) làm nông nghiệp thuần túy, thu nhập chủ yếu lệ thuộc vào mùa vụ, không ổn định. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, mỗi tháng các hộ gia đình làm homestay có thêm nguồn thu nhập bình quân trên 10 triệu/tháng.

Bà Lương Thị Quyên (ở thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô, Lào Cai) - chủ một cơ sở homestay cho biết: Trước kia bà chỉ biết làm nông nghiệp nhưng hơn chục năm gần đây, bà và gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ homestay.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Khách nước ngoài và khách Việt Nam đến Homestay tại Xã Nghĩa Đô (Lào Cai) thu hút cả khách du lịch trong và ngoài Nước

Bà Quyên chia sẻ: “Mới đầu làm du lịch rất lạ lẫm nhưng vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, từ việc đón khách, nấu ăn, dọn phòng, hướng dẫn viên... chúng tôi khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc trưng trong phong tục tập quán lao động sản xuất để ứng dụng vào phát triển thành hệ sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm nét riêng của địa phương”.

Bà May chia sẻ: Chị em nhận thấy du khách thích những nét văn hóa truyền thống của dân tộc địa phương như: Múa quạt, hát then, các trò chơi dân gian truyền thống (kéo co, ném còn...) nên chủ động tổ chức các hoạt động này cho du khách tham gian. Các món ăn truyền thống của dân tộc cũng được làm để hấp dẫn khách du lịch trải nghiệm.

Phụ nữ tại xã Nghĩa Đô cũng thành thạo trong việc dụng sử dụng mạng xã hội, mở rộng tương tác với thị trường, đặc biệt là quảng bá giới thiệu hình ảnh quê hương và bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.

Hiện tại, Xã Nghĩa Đô đã có gần 20 hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay, tạo ra việc làm và thu nhập khá ổn định cho phụ nữ nơi đây.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Xã Lùng Phình (Bắc Hà, Lào Cai), có khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa đông lạnh giá, trước đây bà con vẫn bỏ hoang đất trong mùa đông. Mấy năm gần đây, Lùng Phình trở thành xã đi đầu khu vực về gieo trồng cây rau màu, cây dược liệu vụ đông. Do hợp khí hậu, các loại cây rau màu ôn đới phát triển rất tốt. Tính đến vụ đông xuân năm 2023 - 2024, sản lượng cây rau màu của xã Lùng Phình đã tăng thêm đáng kể. Bên cạnh trồng cây rau màu, bà con cũng trồng được cây dược liệu đương quy.

Bà Giàng Sín Xuyển - Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình, cho biết: “Trước đây, phụ nữ ở Lùng Phình không có thói quen sản xuất cây vụ đông, nếu có làm thì cũng chỉ để phục vụ nhu cầu cho gia đình. Bây giờ, chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi nhận thức hiệu quả của việc sản xuất rau ôn đới, tập trung nguồn lực để phát triển thành sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cho đến nay, phụ nữ cả 6 thôn trên toàn xã đều canh tác gieo trồng rau vụ đông”.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số canh tác rau ôn đới tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Ngoài việc tham gia sản xuất rau tại nhà, nhiều chị em phụ nữ trong xã còn tham gia làm việc tại Nông trại Kale Farm ở thôn Pả Chư Tỷ (xã Lùng Phình). Nông trại có diện tích hơn 30.000m2 đất canh tác, chia thành các khu như: Xây dựng khu nhà sàn để trưng bày sản phẩm; khu vực cho khách đến thăm quan trải nghiệm hái rau, củ, quả và nấu ăn ngay tại nông trại; khu trồng các loại cây ăn quả như lê, mận...; khu trồng các loại rau cải cầu vồng, dâu tây, cà chua.

Hàng năm, cơ sở này không những thu hút nhiều nữ lao động là người dân tộc thiểu số, tạo ra việc làm và thu nhập cho họ, mà điều quan trọng hơn là giúp họ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây hoa màu, từ đó áp dụng và sản xuất tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất của sản phẩm cho địa phương.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình (Hà Giang), cho biết, huyện có 6/15 xã nằm trong vùng dự án của CARE. Đây đều là những xã khó khăn, có những thôn, bản còn chưa có điện lưới.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Buổi sinh hoạt của nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn (huyện Quang Bình, Hà Giang) với cán bộ Hội Phụ nữ và cán bộ Tổ chức Care

Sau khi dự án của CARE triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,08%; đến cuối 2023 giảm còn 9,24%. Tỉ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,32%, nay còn 7,83%.

Theo chị Quyên, nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt. Từ những việc trước đây chỉ mặc định dành cho phụ nữ thì hiện nay đã có sự chia sẻ của các ông chồng. Hiện trong 6 xã có 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên, đã cho 147 chị vay, với số tiền tiết kiệm hàng năm lên gần 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Quản lý các dự án phát triển của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, dự án hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở sáu xã của tỉnh Hà Giang và ba xã của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, các hoạt động của dự án đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nội dung: Thanh Loan - Trình bày: Phạm Mạnh

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Phạm Mạnh