Nâng cao trách nhiệm về an toàn thực phẩm của hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15/4 đến 15/5, có chủ đề: “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cán bộ, hội viên và nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân La (quận Tây Hồ) ra mắt Chi hội thay đổi hành vi an toàn thực phẩm, tặng làn nhựa cho cán bộ, hội viên (Ảnh: N.Thúy) |
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ và các cơ sở Hội trực thuộc đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các phường trong quận, tổ chức 8 buổi truyền thông về các nội dung: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, phòng chống bệnh ung thư, sử dụng hộp nhựa trong tủ lạnh an toàn, mô hình “Hai dao - hai thớt”, “Thớt an toàn”, đi chợ an toàn, sử dụng làn đi chợ.
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ đã tuyên truyền, vận động phụ nữ làng nghề xôi Phú Thượng, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm; vận động phụ nữ kinh doanh khối chợ, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể thực hiện “Ba không” (không sản xuất không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm) gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Hạn chế sử dụng túi nilon trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ cũng phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý các vụ việc mất an toàn thực phẩm tại địa phương; đồng thời đề nghị, nêu cao vai trò của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng cáo thực phẩm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề, cơ sở dịch vụ... nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các cơ sở Hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ đã ra mắt 6 mô hình thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm; Trao tặng 80 làn nhựa, 200 hộp nhựa, 80 thớt gỗ, 80 thớt nhựa và 160 con dao tới các hội viên.