|
|
Mỗi làng quê Việt Nam đều ẩn chứa những câu chuyện văn hóa thú vị. Nét độc đáo của làng Chùa đã tạo nên danh hiệu: Ngôi làng của những người yêu thơ. |
Chúng tôi đến làng Hoàng Dương (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - có tên nôm là làng Chùa - trong một sáng hè oi ả. Cổng làng Chùa dẫu được quét vôi chau chuốt nhưng vẫn không giấu đi được nét kiến trúc cổ kính. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là người con của làng Chùa giải thích về chiếc cổng làng mình: “Bốn chữ Vọng Tự Nhập Xuất trên đó có ý nghĩa: Nhìn chữ để biết việc ra vào. Chữ còn có thể hiểu, đó chính là văn hóa, là tri thức, là sự thấu hiểu cuộc đời. Việc ra vào không chỉ đơn giản là sự đi lại thông thường mà chính là cách ứng xử với con người, với thiên nhiên. Kể từ khi dựng nên được cái 4 chữ tại cổng làng này, trẻ em ngoan ngoãn hơn, học sinh đỗ đạt đại học nhiều hơn. Trong hương ước của làng Chùa có viết: Làng ta không phải làng Bảng nhãn, Thám nguyên nhưng là làng hiếu học từ ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức. Mừng thay! Mừng thay! Đất này đã sinh ra những thi sĩ…”. |
|
Lời thơ của ông Ngô Hữu Lộ, hội viên hội thơ làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã nói lên vẻ đẹp của vùng quê này: Người ơi về với làng Chùa Quê hương khoai lúa chiêm mùa tốt tươi Gặp trong ánh mắt, nụ cười Tình quê còn nặng mà tươi tâm hồn Từng người, từng ngõ trong thôn Mang thơ dạy cháu, ru con mỗi ngày… Quả đúng như lời thơ của ông Lộ, hằng ngày, các ông bà, bố mẹ đều khuyên dạy con cháu về những đạo nghĩa, lễ nghi, thuần phong mỹ tục, cổ vũ nếp sống văn minh. Lời răn dạy bằng những vần thơ lục bát dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, được con trẻ yêu thích đón nhận và truyền tiếp cho bạn bè, anh em ở cùng làng, cùng xã. |
|
Bước ra từ cuộc sống lao động, những người nông dân làng Chùa đã gửi lòng mình vào những câu thơ. Mong ước của họ thật bình dị, giống như công việc đồng áng, trồng rau, đan rổ hằng ngày. Người làng Chùa vẫn so sánh thú vị “Uốn chữ tròn khuôn như đan rổ. Chuốt câu, bẻ ý tựa vót nan tre. Gieo vần khuôn thức như ươm mạ. Hạt giống góp dành nhớ mùa sau”. Người làng Chùa đã đem không ít bài thơ đến với Chèo, chuyển thể để cất thành tiếng hát. Truyền thống Chèo của làng Chùa có từ rất lâu rồi, qua thời gian biến cố thăng trầm nên cũng mai một đi ít nhiều. Kể từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, làng Chùa đã thành lập 1 câu lạc bộ Chèo Hoàng Dương. |
|
Hội thơ chúng tôi lúc đông nhất là 40 người, hiện giờ có hơn 30 người. Người nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Gia Lục, 85 tuổi và người nhỏ nhất là cháu Đinh Thị Hồng Duyên, 34 tuổi, là Bí thư chi đoàn thôn Hoàng Dương. Tiêu chí của hội thơ làng Chùa là không có thơ hay, thơ dở, không có ai cao, ai thấp. Tất cả chỉ là để đem lại niềm vui cho cuộc sống. Hội thơ làng Chùa đã cho ra đời 4 tác phẩm thơ, là tổng hợp các tác phẩm của những thi sỹ “Hai lúa”. Đó là: Đất ngàn năm, Từ những ngôi nhà, Trên cánh đồng vàng, Giọng nói người làng Chùa. Tới đây, hội thơ sẽ in lần thứ năm, chưa chọn tên cho tác phẩm, dự kiến sẽ ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập hội thơ làng Chùa (20/8/1982 - 20/8/2022). Ông Trọng cho biết: “Trong các buổi phát thanh trên loa thôn, ở chuyên mục “To nhỏ bảo nhau”, bộ phận biên tập cũng có những bài thơ phản ánh, phê phán thói xấu, tính xấu của một cá nhân nào đó. Tuy chỉ là phiếm chỉ nhưng rất có tác dụng”. Không chỉ gói gọn trong phạm vi làng thôn, làng Chùa còn tổ chức thành công cuộc thi thơ học trò lần thứ 5 (hai năm/lần). Đối tượng tham gia là học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trên địa bàn huyện Ứng Hòa, phát động trước thời gian chấm 6 tháng, gửi về trường hoặc qua đài phát thanh từng xã. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều yêu say mê làng Chùa. Ông tiết lộ: “Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một “Đêm làng Chùa”. Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính. Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng hôm sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất, nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của thiên đường là có thật. Để những người nông dân tin rằng: Cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu”. Nếu hỏi người làng Chùa về thơ thì từ em nhỏ lớp 3, lớp 5 đến những cụ lão 80, 90 đều có thể đọc vanh vách hàng chục bài ngay lập tức. Thậm chí, họ còn có thể làm được thơ ngay theo một chủ đề nào đó. Thơ văn cứ xuất hiện một cách tự nhiên và len lỏi trong từng ngõ xóm, bên cạnh hạt lúa, củ khoai của người nông dân nơi đây. Lời người làng Chùa đặt ra, ghi lại để nhắc nhớ nhau: “Không có ăn thì không thể bước đi. Nhưng không có học thì không nhìn thấy đường”, hay “Mất nửa đời học làm thơ. Mất cả đời học làm người”, hoặc “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”… Đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc, tại sao làng Chùa không có đối tượng nghiện hút, tại sao tình hình an ninh trật tự nơi này rất ổn định, tại sao việc kiện tụng nhau cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay… Làng Chùa chỉ là một góc nhỏ xứ Đoài nhưng không còn bình thường giản dị, nơi đây là giọt nước cuối cùng, rớt xuống, để cốc nước hồn ta, tan ra và tràn đầy suy ngẫm… |
|