Ngành dịch vụ karaoke, massage CÓ nguy cơ "biến mất" khỏi thị trường |
TTTĐ - Trước nguy cơ của dịch COVID-19, các tụ điểm vui chơi giải trí, các quán game, karaoke, bar, massage trên địa bàn TP Hà Nội đã phải "ngủ đông" một thời gian dài để phòng, chống dịch. Vốn là những tụ điểm tập trung đông người vào dịp nghỉ lễ và cuối tuần nhưng nay các quán karaoke phải nằm im "ngủ đông" vì dịch. |
|
Vừa qua, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã thực hiện khảo sát nhanh về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Khảo sát có được sự tham gia từ 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Kết quả là 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể. "Ban đầu tôi cũng suy nghĩ sẽ cố gắng cầm cự qua mùa dịch để tiếp tục kinh doanh, do cũng được chủ nhà hỗ trợ giảm giá thuê. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài quá lâu nên tài chính cạn dần mà lại thuộc nhóm kinh doanh thường bị đóng sớm, mở muộn khi có dịch COVID-19 nên tôi đang suy nghĩ đến việc bỏ kinh doanh karaoke, tìm cơ hội khác", chị Liên (Chủ quán karaoke trên phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) buồn bã chia sẻ. Từ đợt dịch năm trước, những hộ kinh doanh ngành dịch vụ đã phải trải qua một chu kỳ tạm dừng hoạt động, “thoi thóp” mở lại rồi lại tiếp tục ngừng… Cho đến nay, nhiều chủ kinh doanh này đều buộc phải tuyên bố “phá sản” hoặc dừng vĩnh viễn, chỉ còn một số rất ít cầm cự hoạt động. |
"Khi dịch bệnh ập đến thì hàng quán chúng tôi luôn là đối tượng phải đóng cửa đầu tiên và được mở cửa cuối cùng. Trước kia, tôi phải vay ngân hàng trả lãi để mở rộng kinh doanh bán hàng, chưa kịp trả một nửa thì đã phải dừng hoạt động, đồ đạc muốn thanh lý để bù lỗ cũng chẳng biết bán cho ai…” bà Nguyễn Thị Phượng |
Dòng tiền được ví là máu của doanh nghiệp, nhưng kết quả khảo sát cho thấy phần lớn đang thiếu "máu". 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì COVID-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động. Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. |
|
Theo anh Thắng (Chủ quán karaoke F5 Plus trên phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), hai năm qua, các doanh nghiệp chịu rất nhiều thiệt thòi và khó khăn trong kinh doanh bởi tiền đầu tư vào không thu hồi được vốn, gánh nặng lãi suất ngân hàng, thủ tục giãn nợ chậm. Với một số doanh nghiệp mở chưa đủ thời hạn một năm, ngân hàng không có chính sách giãn nợ mà phải đợi tới lần 2, lần 3. "Trong năm 2021 thì tới 8 tháng, chúng tôi phải đóng cửa liên tục, độ phủ sóng marketing cũng chậm, số tiền thu vào không đủ để trang trải chi phí”, anh Thắng nói. “Sau khi đã phủ vắc xin, tôi nghĩ rằng thành phố sẽ có chương trình phù hợp để người dân sống chung với dịch. Bởi nếu cứ đóng từng phần như thế này, những hộ kinh doanh, cá thể, doanh nghiệp như chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều. Tôi tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, mọi người được đón cái Tết vui vẻ”, anh Thắng chia sẻ thêm. |
Quán karaoke F5 Plus đã phải ngừng hoạt động một thời gian dài |
Ông Tuấn (Chủ quán MC Queen trên phố Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) buồn bã chia sẻ về việc kinh doanh của mình: "Tôi đầu tư hơn 13 tỷ đồng từ số tiền vay ngân hàng để mở quán karaoke, tuy nhiên 2 năm nay phải tạm dừng liên tục do dịch COVID-19. Tôi phải cố gắng trong 2 năm qua để trang trải chi phí vay ngân hàng, trả tiền nhân viên nhằm duy trì hoạt động. Ngoài ra, tiền thuê mặt bằng mỗi tháng gần 40 triệu đồng. Việc dừng hoạt động gây khó khăn trong khi đã gần Tết Nguyên đán". Theo ý kiến của một số hộ kinh doanh, việc được hoạt động trở lại không khác gì được “tái sinh” sau một thời gian dài phải đóng cửa song họ vẫn phải trang trải một loạt các chi phí thuê nhà, nuôi nhân công… Vì thế mà, tâm lý chung của họ là vừa lo lượng khách không như kỳ vọng, lại vừa lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ khi nào. Sáng 7/1, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết đến 18 giờ ngày 6/1/2022, TP Hà Nội đã ghi nhận 63.148 ca mắc (tại Hà Nội 62.946 trường hợp, 202 trường hợp nhập cảnh), 211 trường hợp tử vong (0,33%). Như vậy, trung bình ghi nhận 2.230 ca/ ngày, tăng nhiều so với kỳ báo cáo trước (trung bình 1.747 ca/ngày) và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tiếp theo. |