Quốc khánh
TTTĐ - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến dịp Quốc khánh 2/9 năm nay cũng khác biệt so với mọi năm. Một dịp Quốc khánh không có những chuyến du lịch, dã ngoại hay đơn giản là tụ tập giao lưu, gặp gỡ, thay vào đó là thực hiện nghiêm khẩu hiệu "Ai ở đâu, ở đó".MV Covid nhanh đi đi - ICM Team Trong nhiều năm trở lại đây, khi đất nước đổi mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục ở mức cao, thì nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 luôn là một dịp nghỉ cuối cùng của mùa hè trước khi các em học sinh bước vào năm học mới. Thường đó là một chuyến du lịch, thăm người thân dài hoặc ngắn tùy theo điều kiện từng gia đình, không thì cũng có một buổi giao lưu liên hoan với người thân, bạn bè mừng Tết Độc lập. Hình ảnh quen thuộc là các khu vui chơi, điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, sân bay, nhà ga… chật kín người trong dịp nghỉ lễ. |
Năm nay, cả nước đang trong tâm thế phòng chống dịch Covid-19 hết sức nghiêm ngặt. Nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thậm chí thêm các giải pháp siết chặt hơn nữa. Không có du lịch mà là "ai ở đâu, ở yên đó". Chính vì thế, ngày Quốc khánh không còn là dịp vui chơi mà nổi bật ý nghĩa ngày thể hiện lòng yêu nước. Cách đây 76 năm, sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt Chính phủ lâm thời. Ngày 2/9, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập! Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Nhắc đến ngày lễ Quốc khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại - vị anh hùng dân tộc. |
Thời gian này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào "cuộc chiến đấu trong thời bình" - Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là "Chống dịch như chống giặc". Đối với Việt Nam, "trong dịch có giặc": Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch Covid-19 để chống phá cách mạng Việt Nam. Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam… Do đó, chống giặc dịch được hiểu là chống "giặc Covid-19" để cứu người, bảo vệ Tổ quốc. |
Vào dịp lễ lớn của dân tộc năm nay, đội ngũ nhân viên y tế - những "chiến sĩ áo trắng" vẫn đang ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, hàng đoàn y, bác sĩ từ khắp mọi miền vẫn tiếp tục lên đường chi viện cho các vùng tâm dịch. Lực lượng quân đội, công an đã được tăng cường về miền Nam tham gia chống dịch, hỗ trợ chăm lo đời sống Nhân dân trong những ngày khó khăn. |
Cùng với đó là các lực lượng thanh niên tình nguyện, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân, các tổ Covid cộng đồng… cũng đang kề vai sát cánh để bảo vệ những “vùng xanh”, thu hẹp những “vùng đỏ”. Nhiều tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện cũng đã đóng góp công sức, tiền của vào việc ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch và giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do bị phong tỏa, cách ly. Không chỉ tham gia trực tiếp chống dịch, mỗi người đều có những cách thức thể hiện lòng yêu nước khác nhau. Người lao động chăm chỉ làm việc trên các nhà máy, công trường đảm bảo yêu cầu phòng dịch để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ cũng là yêu nước. Trên con đường phát triển, hào khí từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám và tinh thần hào hùng của Quốc khánh 2/9 đã, đang và mãi mãi cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đất nước phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Và trước mắt là đoàn kết một lòng, chung sức, hiệp lực sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. |
Phạm Mạnh |