eMag azine
01/06/2021 07:28
Nghèo tiền bạc, thời gian và sức khỏe: Tác hại từ khói thuốc lá

01/06/2021 07:28

TTTĐ - Việc hút thuốc lá không khác gì việc các bạn tự bỏ tiền ra để mua những chất độc hại cho cơ thể mình. Sau đó, không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn mà cả những người xung quanh và môi trường.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5:

Để một môi trường sống không khói thuốc lá

TTTĐ - Theo nghiên cứu của ngành y, trong khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất; trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe và 69 chất gây ung thư. Nghiện thuốc lá (nghiện nicotine) là một bệnh có tên trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Nicotine là chất rất dễ nghiện và tất cả những người thử hút đều trở thành người hút thuốc.

Nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do nhiều bệnh có liên quan đến thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác.

Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, người hút thuốc lá có khả năng mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần, chính vì thế thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng chính là thời điểm phù hợp nhất để người hút thuốc quyết tâm bỏ thuốc lá.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Hít khói thuốc lá nguy cơ gây bệnh rất cao, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, ung thư,tim mạch, sức khỏe sinh sản. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

Điều đáng lưu tâm, hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nhiễm virus, vi khuẩn, tăng lao phổi và tăng các bệnh phổi mạn tính.

Bác sĩ Đỗ Thị Nhung (Khoa điều trị cao cấp, Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an)

Các bạn có thể hình dung, việc hút thuốc lá không khác gì việc các bạn tự bỏ tiền ra để mua những chất độc hại cho cơ thể mình. Sau đó, không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn mà cả những người xung quanh và môi trường. Sau đó, chắc chắn bạn sẽ phải băn khoăn làm thế nào để tiết kiệm được tiền? làm thế nào để cứu chữa được sức khoẻ của mình cũng như những người xung quanh. Vì vậy, thay vì làm một việc khiến bạn và mọi người bị ảnh hưởng, tại sao bạn không từ bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay!Bác sĩ ĐỖ THỊ NHUNG
Khoa điều trị cao cấp, Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an

Nhằm tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại nơi công cộng.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đỗ thị Nhung (Khoa điều trị cao cấp, Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an) cho biết: "Trong thuốc lá có rất nhiều chất gây hại cho cả người hút thuốc lá chủ động và người hút thuốc lá thụ động. Có thể kể đến các nhóm bệnh như ung thư và đứng đầu là ung thư phổi; các bệnh lý tim mạch, đột quỵ.

Thuốc lá cũng chứa rất nhiều thành phần độc hại gây bệnh lý vô sinh ở nam giới, ở nữ giới; có thể gây dị tật thai nhi hoặc gây ra các bệnh lý như loãng xương hay gây vàng răng, hôi miệng... Do vậy, để bảo vệ sức khoẻ của bạn và gia đình, hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay.

Đối với những bệnh nhân có tiền sử là bệnh nhân hút thuốc lá, và bệnh nhân mắc phải các bệnh lý như bệnh lý tim mạch hay bệnh lý hô hấp thì việc điều trị đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn và quá trình phục hồi có thể sẽ lâu dài hơn so với những bệnh nhân không có tiền sử hút thuốc lá."

Khó khăn trong điều trị

Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an, hiện có khoảng gần chục bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý có liên quan đến hút thuốc lá. Điển hình là bệnh nhân N.N.L có tiền sử hút thuốc lá và đang điều trị bệnh phổi nhiều năm nay, đợt này vào viện với biểu hiện khó thở, một năm, bệnh nhân này thường phải vào điều trị từ 4 đến 5 lần.

Còn bệnh nhân Đ.V.T, sinh năm 1985, có tiền sử sử dụng thuốc lào, bị xuất huyết não, đc phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai. Thường phải điều trị từ 1 đến 3 tháng, hiện đang liệt nửa người.

Bệnh nhân được y, bác sĩ điều trị bằng máy

Đó là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân mỗi năm đến và điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an. Nói thêm về sự nguy hiểm của thuốc lá đối với cơ thể, bác sĩ Hoàng Thị Thơ (Khoa Nội II, Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an) cho biết: "Những bệnh nhân hút thuốc lá đến Viện Y học Cổ truyền đa phần là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh lý hô hấp gây ra hậu quả nặng nề về sức khoẻ và kinh tế. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này.

Bác sĩ Hoàng Thị Thơ (Khoa Nội II, Viện Y học Cổ truyền, Bộ Công an)

Tại Viện Y học Cổ truyền hàng năm tiếp nhận khoảng 500 - 600 lượt bệnh nhân đến điều trị. Trong quá trình điều trị, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì việc cai nghiện thuốc lá chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Các bác sĩ cũng tư vấn cho bệnh nhân cai thuốc lá vì cai thuốc lá là một phần bắt buộc trong phác đồ điều trị của chúng tôi. Hiên tại, Viện Y học Cổ truyền chưa có trung tâm cai nghiện thuốc lá và bệnh nhân cai nghiện thuốc lá đa phần là được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn, theo dõi trong quá trình chữa bệnh.

Với những bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc lá thường khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn và kéo dài

Thuốc lá là sản phẩm độc hại hiện hữu khá phổ biến trong cuộc sống. Thiết nghĩ, để giảm tác hại của thuốc lá và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể. Hơn hết là ý thức của xã hội trong việc chúng tay làm giảm, làm dừng tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.

Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong người dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.

Hoa Thành - Phạm Mạnh

Đồ hoạ: Phạm Mạnh

Hoa Thành - Phạm Mạnh