Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người họa sĩ, anh Nguyễn Hoàng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạo nên hàng nghìn búp bê với trang phục 54 dân tộc Việt Nam. |
Phóng viên gặp hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Anh trong một căn nhà xinh xắn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) nơi ra đời hàng nghìn bộ trang phục "thật đến từng chi tiết" của 54 dân tộc anh em. Những ngày cuối năm, anh Nguyễn Hoàng Anh đang tỉ mỉ cắt may, thiết kế trang phục dân tộc búp bê xinh xắn. Vừa làm, anh vừa nhớ lại những câu chuyện thuở xưa, trước khi anh bén duyên với công việc chế tác phục trang dân tộc cho những mẫu búp bê. |
đặt tác phẩm ở những vị trí trang trọng nhất |
Nghệ sĩ Hoàng Anh tâm sự, anh không may mắn vì là trẻ mồ côi, niềm ham thích chơi búp bê từ bé không được mọi người xung quanh chấp nhận… nên thành quả hôm nay đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Trong căn phòng trang trọng, người họa sĩ đã dành những vị trí bắt mắt nhất để trưng bày sản phẩm búp bê dân tộc, do chính tay anh tự làm ra. “Khi vẽ, những tác phẩm có kích thước lớn, sẽ khó tìm nhà sưu tập hơn những tác phẩm nhỏ. Vì tác phẩm nhỏ nhiều người làm, nên nảy sinh ý định tìm một hướng đi riêng. Từ thai nghén ý tưởng là những cô bé mặc phục trang đồng bào thiểu số, nhưng cũng phải mất 26 tháng dòng xây dựng ý tưởng, chắt lọc chi tiết mới có thể cho ra mắt những mẫu búp bê đầu tiên. Khi đó, mình nhận ra phục trang của đồng bào rất hấp dẫn, từ màu sắc đến kiểu cách. Khi ấy, mình quyết định thu nhỏ lại theo góc nhìn của bản thân để phục trang dân tộc tới nhiều người hơn. Qua quá trình chắt lọc, cắt ghép, chi tiết hóa, một bộ phục trang trên người búp bê đã ra đời".
|
Để chế tác hoàn chỉnh một mẫu búp bê dân tộc, anh Hoàng Anh cho biết, bước đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu trang phục. Nguyên liệu để may trang phục cho búp bê chính từ chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa của dân tộc Việt. Bước tiếp theo là tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composite. Loại chất liệu này vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng, chất liệu không như sáp nhưng giúp diễn tả phần da thịt giống với người thật.
sử dụng nguyên liệu truyền thống |
Tiếp đến, anh tiến hành tạo hình và vẽ nét mặt cho giống với đặc trưng của mỗi dân tộc. Theo anh, nét chung nhất trong dáng hình và khuôn mặt của hầu hết phụ nữ dân tộc là khuôn mặt tròn trịa, hồn hậu xen chút mộc mạc. Qua từng mũi kim, đường chỉ những cô búp bê trở nên có hồn hơn. |
Dưới bàn tay khéo léo của người họa sĩ, hình ảnh mẫu búp bê dân tộc sống động được trau chuốt tỉ mỉ từ gương mặt, cử chỉ, chất liệu vải, hoa văn trên váy, hay những vật dụng gắn liền với đời sống thường nhật của họ như dùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ, đồ trang sức… tất cả đều mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc. Những vật dụng gắn liền với đời sống thường nhật của họ như dùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ, đồ trang sức… tất cả đều được làm tỉ mỉ. |
Mỗi một trang phục đều mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc |
Hiện búp bê của anh Hoàng Anh có 2 cỡ 25 cm và 35 cm. Mẫu 35 cm có nhiều “đất” để phơi bày họa tiết mà họa sĩ gửi gắm. Búp bê 35 cm có mức giá từ 3,5 - 4 triệu đồng. Qua nhiều năm theo đuổi con đường đã chọn, họa sĩ Hoàng Anh đã thực hiện được 60 bộ trang phục của 45 dân tộc khác nhau. Một số dân tộc có nhiều bộ trang phục khác nhau như người H’Mông có trang phục Mông trắng, Mông hoa… |
"Khi những mẫu búp bê khoác lên mình các bộ phục trang đồng bào dân tộc ở những kệ trưng bày ở các nhà ga bay quốc tế và một số shop lưu niệm trên phố cổ Hà Nội, mình cảm nhận được niềm hạnh phúc. Mình tin những món quà nhỏ sẽ theo chân du khách đi khắp năm châu”, anh Hoàng Anh vui mừng chia sẻ. Nghệ sĩ Hoàng Anh tâm sự, thời gian tới anh dự định hoàn chỉnh bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam, từ bộ sưu tập búp bê của mình, anh cũng muốn đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, chứng minh sản phẩm búp bê của người Việt cũng đặc sắc không kém búp bê của người Hàn Quốc và Nhật Bản... Từ đó, góp phần đưa nét sinh hoạt của người dân vùng cao vươn tầm thế giới. |
Thực hiện: Hoa Thành |