eMag azine
06/06/2024 15:02
Người trẻ sáng tạo, đưa “tinh hoa Việt Nam” đi muôn nơi

06/06/2024 15:02

TTTĐ - Dù mới ở tuổi học sinh, sinh viên nhưng những người trẻ này đã có tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống dân tộc. Họ tận dụng công nghệ số, mạng xã hội góp phần giữ gìn, quảng bá, lan toả nét tinh hoa văn hoá dân tộc.

Cách người trẻ đưa “tinh hoa Việt Nam” đi muôn nơi

Người trẻ sáng tạo, đưa “tinh hoa Việt Nam” đi muôn nơi

Dù mới ở tuổi học sinh, sinh viên nhưng những người trẻ này đã có tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống dân tộc. Họ mang tài năng, sự sáng tạo; tận dụng công nghệ số, mạng xã hội, góp phần giữ gìn, quảng bá, lan toả tinh hoa văn hoá dân tộc đi muôn nơi.

***

Bài 1

Học trò dân tộc Bố Y, Ê Đê với tình yêu trang phục truyền thống

Họ là những cô gái trẻ, học sinh người dân tộc thiểu số đến từ vùng cao Lào Cai, tây nguyên - Đắk Lắk mang tình yêu sâu sắc với những bộ trang phục truyền thống. Các bạn trẻ này đã tiếp nối, gìn giữ truyền thống dân tộc; sáng tạo video, đăng tải lên các nền tảng: Tiktok, Facebook, Zalo… để tuyên truyền văn hoá dân tộc.

Quảng bá váy áo của người Bố Y

Tác phẩm: “Trang phục truyền thống của người Bố Y” của thí sinh Lồ Phà Tú Anh, học sinh Trường THPT Số 1 huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã giành giải nhất cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” lần thứ II, năm 2023, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Chia sẻ về tác phẩm đạt giải nhất của mình, Lồ Phà Tú Anh cho biết, bộ trang phục của phụ nữ Bố Y gồm: Áo, váy, khăn đội đầu và giày tự thêu. Chiếc áo này gồm 2 lớp - áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo 5 thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ. Còn áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ, nhiều dây, vòng bạc. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng…

Trang phục của phụ nữ Bố Y độc đáo bởi chiếc khăn đội đầu được thêu họa tiết cầu kỳ. Để đội khăn đúng kiểu, vuông vắn, phụ nữ phải vấn tóc lên gọn gàng rồi mới quấn khăn. Những trang sức bằng bạc như: Khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, nhẫn... cũng được chị em kết hợp làm tăng thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Tú Anh cho biết, người phụ nữ Bố Y rất giỏi thêu thùa, may vá và nhắc nhở nhau phải giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Vì thế, đồng bào Bố Y từ già hay trẻ đều có riêng một bộ trang phục truyền thống để mặc trong các dịp lễ, tết và mặc trong cuộc sống thường ngày.

Cô gái Lồ Phà Tú Anh trong trang phục truyền thống của phụ nữ người dân tộc Bố Y

Cô gái Lồ Phà Tú Anh trong trang phục truyền thống của phụ nữ người dân tộc Bố Y

Ở vùng cao Mường Khương, Bố Y là một trong những dân tộc bảo tồn và phát huy tốt văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục. Điều này có được là do những người có uy tín, nghệ nhân, người cao tuổi ở đây đang thể hiện vai trò cũng như tham gia mạnh mẽ vào công tác giáo dục, nhắc nhở để thế hệ trẻ hiểu, ý thức trách nhiệm rõ ràng, sâu sắc hơn khi mặc hay nhắc đến trang phục truyền thống.

Video “Trang phục truyền thống của người Bố Y” của Lồ Phà Tú Anh giới thiệu các bước làm nên bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc rất ít người Bố Y, ý nghĩa của những hoa văn trang phục trong đời sống và nhân sinh quan của cộng đồng. Bên cạnh đó cũng giới thiệu cách thức cộng đồng đoàn kết gìn giữ trang phục truyền thống qua nhiều thế hệ.

“Qua video, em muốn truyền tải và quảng bá những nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, đến các bạn trên mọi miền Tổ quốc. Em mong rằng, mỗi người trẻ sẽ lan toả những điều tích cực và có tình yêu với nét đẹp trang phục thống dân tộc, cũng như gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hoá đó trong thời hiện đại”, Lồ Phà Tú Anh bày tỏ.

Video của Lồ Phà Tú Anh giới thiệu về trang phục phụ nữ dân tộc Bố Y

Cô nàng chia sẻ, khó khăn nhất khi thực hiện video clip để dự thi là phải canh chờ hôm trời nắng đẹp, bởi thời tiết ở quê thường xuyên sương mù. Dân tộc Bố Y hiện chủ yếu sinh sống ở Lào Cai, Hà Giang, hiện chỉ có khoảng 3.000 người. Khi thực hiện video clip, cô học trò mong muốn quảng bá, giới thiệu rộng rãi trang phục rất đặc sắc này. Bản thân Tú Anh rất tự hào về trang phục của dân tộc mình.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt bày tỏ: “Tôi vui khi biết tin tại cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” do Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức dành cho học sinh, sinh viên lần thứ II, năm 2023, với tác phẩm “Trang phục truyền thống của người Bố Y” em đã xuất sắc vượt qua 11.734 video clip dự thi của các tỉnh, thành trong cả nước và được Ban Tổ chức trao giải nhất.

Thành tích này là kết quả của quá trình nỗ lực, sự đam mê, sáng tạo, luôn biết coi trọng, giữ gìn bản sắc, nét đẹp truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Bố Y nói riêng; là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, nhà trường, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai. Tôi mong rằng, cùng với Lồ Phà Tú Anh, các thầy, cô giáo và học sinh trường THPT số 1 huyện Mường Khương, sẽ tiếp tục rèn đức, luyện tài, đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN (bên phải) và ông Vy Tư Liệu - Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân Ban Dân vận T.Ư trao giải Nhất cho nữ sinh Lồ Phà Tú Anh

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (bên phải) và ông Vy Tư Liệu, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân Ban Dân vận Trung ương trao giải nhất cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” lần thứ II do Trung ương Đoàn tổ chức cho nữ sinh Lồ Phà Tú Anh

Cùng tô thắm biểu tượng văn hoá Ê Đê

Dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân địa phương, nghề dệt này không chỉ là cách để tạo ra những món đồ dùng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.

Gìn giữ và lưu truyền nghề dệt là một phần quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Các hoạt động như việc dạy dỗ trẻ em từ khi còn nhỏ, tổ chức các khóa học dệt và việc thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực này đều góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống.

Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông H’Yam Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ là việc bảo tồn một nghề truyền thống, mà còn là cách để đồng bào dân tộc Ê Đê kết nối và phát triển văn hóa truyền thống của họ. “Sắc màu thổ cẩm đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của văn hóa Ê Đê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung, việc đưa nó vươn xa càng giúp tôn vinh, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng này”, bà nói.

Giải

Tác phẩm “Nét đẹp thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đạt giải trong cuộc thi "Tinh hoa Việt Nam"

Là thành viên trẻ nhất của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, H’Phê Đê Bkrông (sinh năm 1999) tự hào khi giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình và có kinh phí trang trải cuộc sống. Cô gái trẻ gắn bó với nghề. Bàn tay tài hoa của H’Yam Bkrông cùng dệt nên những sản phẩm đặc sắc của dân tộc.

H’Phê chia sẻ: "Mình được học dệt tại gia đình từ khi còn nhỏ, biết dệt năm 16 tuổi. Tham gia Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã giúp mình có tiền trang trải học hành suốt mấy năm qua. Bây giờ, mình đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, mình vẫn dệt để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình".

Tham gia cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” lần thứ II, bạn trẻ Tạ Thanh Ngọc Kim, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đã sáng tác tác phẩm “Nét đẹp thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và giành được giải thưởng. Cô học trò đã được nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê với các sản phẩm truyền thống từ chính những người thân trong gia đình.

Video “Nét đẹp thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” của Tạ Thanh Ngọc Kim

Cô gái cho hay: Bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bao đời nay gắn liền với sắc màu thổ cẩm. Thổ cẩm Tây Nguyên không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.

Tùy vào mỗi loại trang phục, người Ê Đê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau. Trang phục nam có hoa văn khác với trang phục nữ, trang phục hằng ngày có hoa văn khác với trang phục dùng trong các dịp lễ. Thậm chí, hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của người mặc. Nền trang trí trên các tấm vải thổ cẩm người Ê Đê là màu đen hoặc chàm sẫm, không sáng và sặc sỡ như vải của các tộc người phía Bắc…

Bằng tài năng, sử dụng công nghệ, mạng xã hội, Tạ Thanh Ngọc Kim đã sáng tạo nên tác phẩm hay về nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình; góp phần cùng người dân buôn làng tô thắm, lan tỏa nét văn hoá độc đáo.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chia sẻ:

"Cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam” là một việc làm thiết thực của tổ chức Đoàn - Hội nhằm tạo môi trường, điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bạn trẻ trong việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cuộc thi góp phần đưa thông tin, hình ảnh về đất nước và dân tộc Việt Nam đến cộng đồng thế giới. Chủ đề được các bạn học sinh, sinh viên quan tâm và thực hiện nhiều nhất là về trang phục ẩm thực, các làn điệu dân ca, sản phẩm truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, quê hương mình.

Điểm ấn tượng của cuộc thi chính là sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh, sinh viên người dân tộc đến từ các tỉnh miền núi. Khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, các bạn học sinh, sinh viên đã cố gắng để có được những hình ảnh đẹp, khắc họa rõ nhất nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

(Còn nữa)

Bài viết: Lê Dung

Trình bày: Bình Minh

Lê Dung